21/02/2019 17:01 GMT+7

Hơn 1 triệu lượt ý kiến góp ý dự thảo Luật giáo dục là để tham khảo

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định việc Chính phủ lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi) vừa qua là để tham khảo, không nhất thiết bắt buộc phải tiếp thu.

Hơn 1 triệu lượt ý kiến góp ý dự thảo Luật giáo dục là để tham khảo - Ảnh 1.

Theo báo cáo của bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, các quy định được đa số ý kiến nhân dân đồng tình thì Chính phủ đều tiếp thu - Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 21-2, báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân cho dự thảo luật, bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết Chính phủ đã nhận được trên 1 triệu lượt góp ý.

Phân tích việc lấy ý kiến lần này, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề: Với gần 100 triệu dân thì một triệu lượt ý kiến có phải là đa số không? Hơn nữa, nói rằng nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân thì đã xác đáng chưa? 

Trước đây, khi lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp, chúng ta lấy ý kiến đến từng hộ gia đình. Vì vậy, tôi băn khoăn là với những con số như vậy thì khi tiếp thu chúng ta có quyền khẳng định rằng đây là ý kiến đa số nhân dân không?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định giải thích: Theo quy định của luật, việc lấy ý kiến nhân dân phải triển khai theo đúng quy trình, kế hoạch, ngay khi dự án luật được trình ra Quốc hội lần đầu. Nhưng việc lấy ý kiến như lần này chỉ là tham khảo ý kiến nhân dân, từ đó hoàn thiện các quy định của dự thảo.

"Do đó, cần lưu ý rõ đây không phải lấy ý kiến nhân dân theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng việc tham khảo ý kiến nhân dân lần này có ý nghĩa quan trọng, giúp ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu những ý kiến xác đáng" - ông Định nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, việc lấy ý kiến nhân dân là rất cần thiết, giúp Chính phủ hoàn thiện dự án. "Những ý kiến tiếp thu thì báo cáo rõ, còn ý kiến nào chưa tiếp thu được thì cần giải trình thuyết phục" - bà lưu ý.

Phân luồng để tránh "thừa thầy thiếu thợ"

Đối với quy định về phân luồng giáo dục, bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đa số ý kiến cho rằng dự thảo luật phải bổ sung thêm một điều quy định cụ thể về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục. 

Trong đó, có những ý kiến đề nghị quy định cụ thể là "giáo dục trung học có trung học cơ sở và trung học toàn phần. Trung học toàn phần lại bao gồm hai luồng: trung học phổ thông và trung học hướng nghiệp".

"Chính phủ tiếp thu ý kiến đa số của nhân dân, bổ sung một điều trong dự thảo luật quy định cụ thể về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục" - bộ trưởng Nhạ nói.

Hơn 1 triệu lượt ý kiến góp ý dự thảo Luật giáo dục là để tham khảo - Ảnh 2.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ủng hộ mạnh mẽ quy định về phân luồng và liên thông trong giáo dục - Ảnh: Quochoi.vn

Thảo luận tại cuộc họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển "đồng ý phải quy định phân luồng mạnh mẽ, đặc biệt là ở cấp phổ thông các em có quyền vừa học văn hóa, vừa học nghề, được phép học liên thông. Tổ chức như vậy sẽ cung cấp được nguồn nhân lực cho xã hội, khắc phục tình trạng thừa thầy thiếu thợ".

Về tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông Hiển nói: "Quan điểm của tôi là đã học thì phải thi, lịch sử xưa nay đều như vậy, thế còn thi như thế nào thì phải tính. Còn lại thì vẫn có thể công nhận cho người học đã hoàn thành toàn bộ chương trình phổ thông".

Cũng tán thành với quy định về phân luồng, phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ: "Tâm lý của ta là tâm lý khoa bảng từ xưa đến nay, bây giờ quy định phân luồng như vậy cần phải giải thích, tuyên truyền để người dân hiểu rõ là để con em họ sớm có công ăn việc làm, được cống hiến và được tôn vinh".

Vẫn băn khoăn "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa"

Liên quan đến quy định về chương trình, sách giáo khoa, trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhắc lại nghị quyết của Quốc hội đã quy định "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa". 

Đồng thời bà "đề nghị quy định cụ thể nguyên tắc này vào luật, đặc biệt là với cấp tiểu học thì cần rất cẩn thận. 

Đối với các cấp học cao hơn thì một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa là phù hợp, nhưng với cấp tiểu học thì cần thống nhất".

"Quan điểm của tôi thiên về có chương trình và sách giáo khoa thống nhất, chứ nếu sách mà ai cũng viết, ai cũng phát hành được và nhà trường lựa chọn thì e rằng khó đảm bảo chất lượng" - phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói. 

Trong khi phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ dứt khoát: "Tôi đề nghị quy định cả nước thống nhất chương trình và một bộ sách giáo khoa, tất cả các sách khác chỉ là tham khảo, không thể quy định một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa".

Một trong những vấn đề nhận được quan tâm nữa là quy định về chính sách học phí, đặc biệt là quy định miễn học phí và hỗ trợ học phí. 

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, ở cấp tiểu học thì có chính sách miễn học phí để thực hiện phổ cập tiểu học. Đối với các trường ngoài công lập, nhà nước có chính sách hỗ trợ tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

"Đối với cấp học trung học cơ sở thì nên có chính sách miễn học phí đối với vùng sâu, vùng xa, với người nghèo" - ông Hiển đề nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị quy định rõ hơn, ví dụ ở những nơi mà học sinh không thể học tại trường công lập, buộc phải học trường tư thì Nhà nước hỗ trợ khoản tiền học phí như với trường công. 

Còn các gia đình có điều kiện, cho con học tại các trường tư thục có điều kiện tốt hơn, học phí cao hơn thì gia đình tự chi trả.

Đề cập đến vấn đề này, phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết dự thảo luật của Chính phủ đã cân nhắc rất nhiều mặt. 

Dự thảo luật cũng đã quy định rõ đối với các trường tư thục thì Nhà nước hỗ trợ học phí, mức hỗ trợ tối đa bằng mức học phí trường công lập và cũng chỉ hỗ trợ đối với các địa bàn không có trường công đảm bảo nhu cầu học tập của các em.

Không có điều riêng về "triết lý giáo dục"

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết: Sau khi xem xét báo cáo của Chính phủ về việc lấy ý kiến nhân dân, thường trực ủy ban cho rằng, triết lý giáo dục là tư tưởng định hướng; luật là những quy định có tính nguyên tắc, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giáo dục. Theo đó, rất khó để quy định cụ thể triết lý giáo dục trong một điều khoản của luật.

"Vì vậy, Thường trực Ủy ban nhất trí với việc không quy định triết lý giáo dục thành một điều khoản riêng mà sẽ thể hiện lồng ghép trong các quy định chung về mục tiêu, tính chất, nguyên lý và quan điểm phát triển giáo dục; đồng thời tinh thần triết lý giáo dục Việt Nam sẽ được thể hiện xuyên suốt trong các quy định khác của dự thảo luật này" - ông Bình cho hay.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên