18/07/2024 13:21 GMT+7

Hơn 1.500 vụ ném đá lên tàu hỏa trong một năm, có vụ chết người, xử lý cách nào?

Thời gian gần đây tình trạng ném đá lên các đoàn tàu liên tục diễn ra, gây nguy hiểm đến tính mạng nhiều người. Các nước cũng đau đầu với vấn nạn này đã xử lý ra sao?

Cửa sổ tàu hỏa vỡ vụn khi bị ném đá - Ảnh: THE TATVA

Cửa sổ tàu hỏa vỡ vụn khi bị ném đá - Ảnh: THE TATVA

Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết trong sáu tháng đầu năm 2024, trên các tuyến đường sắt đã xảy ra 75 vụ ném đất, đá lên tàu, làm vỡ 79 kính đầu máy, toa xe.

Nhiều bạn đọc bức xúc đặt câu hỏi vì sao mấy chục năm rồi mà vấn nạn ném đá lên tàu hỏa đang chạy vẫn tái diễn, có phải chuyện này chỉ xảy ra ở nước ta?

Thực tế một số nước trên thế giới ghi nhận những con số đáng lo ngại hơn liên quan đến nạn ném đá lên tàu hỏa, và đã có cách xử lý từ gốc vấn đề.

Một năm hơn 1.500 vụ ném đá lên tàu hỏa

Theo báo Economic Times, trong năm 2022, Lực lượng Bảo vệ đường sắt (RPF) Ấn Độ ghi nhận tới 1.503 trường hợp ném đá vào tàu hỏa đang chạy, bắt 488 người có liên quan.

Con số này chưa phản ánh chính xác mức độ nghiêm trọng vì có rất nhiều sự cố ném đá tàu hỏa không được báo cáo.

Vụ mới nhất xảy ra khoảng 11h ngày 12-7, báo India Today cho biết.

Một đoạn video ghi lại cảnh một nhóm người lạ mặt ném đá vào một chuyến tàu chở khách ở quận Jalagoan, bang Maharashtra được lan truyền trên mạng xã hội. 

Trong video có thể nghe được tiếng hành khách hoảng loạn la hét. Ngay lập tức, họ đóng cửa sổ để tự bảo vệ bản thân nên không có ai bị thương trong vụ việc.

Sau khi đoạn video được lan truyền, RPF đã phối hợp cảnh sát mở một cuộc điều tra. Kết quả ban đầu xác định chuyến tàu chở khách đi từ thành phố Bhusawal đến thành phố Nandurbar rời ga Amalner chỉ 10 phút trước khi xảy ra vụ việc.

Nhiều vụ ném đá trước đó để lại hậu quả nghiêm trọng. Năm 2013, một cặp vợ chồng mới cưới đi tàu từ thành phố Chattogram (Bangladesh) đến thủ đô Dhaka. Khi tàu đi ngang thị trấn Bhatiari, người vợ bị một hòn đá ném trúng vào đầu. Cô được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng sau đó không qua khỏi, tờ The Financial Express cho biết.

Một trường hợp khác xảy ra năm 2018 trên chuyến tàu đi từ thành phố Benapole đến thành phố Khulna, nạn nhân là một thanh tra đường sắt Bangladesh. Ông bị thương nặng và tử vong sau khi bị trúng đá ném vào tàu ở ga Daulatpur.

Theo báo cáo, ít nhất 150 vụ ném đá như vậy xảy ra hằng năm ở Bangladesh. Cảnh sát đường sắt cho biết Tejgaon, Kamalapur và Bhairab ghi nhận số vụ cao nhất.

Thủ phạm đa phần là trẻ em

Nguyên nhân được cho rằng do trẻ em ở các khu ổ chuột dọc theo đường ray thường coi ném đá vào tàu hỏa là một trò chơi. Những đứa trẻ này không được đi học, vì thế chúng thiếu nhận thức về hậu quả nghiêm trọng từ việc ném đá vào tàu hỏa có thể gây ra.

Trong khi đó, nhà báo Nilratan Halder của tờ The Financial Express phân tích vấn nạn trên là sự bộc phát của một dạng tâm lý giận dữ bị kìm nén, xuất phát từ tầng lớp cảm thấy họ bị bỏ rơi trong xã hội, khiến họ có những hành động mà khi bình tĩnh họ sẽ không làm.

Hiện ngoài việc tăng cường cảnh giác, RPF đang tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức tại những địa điểm hay xảy ra ném đá, cũng như ở các khu vực lân cận như trường học, làng xóm… để chấm dứt những hành vi gây nguy hiểm cho an toàn giao thông đường sắt.

RPF đã thăm hỏi và trò chuyện với người dân địa phương sống hai bên đường ray, cũng như phân phát sô cô la và quà cho trẻ em sống trong các khu ổ chuột để ngăn chúng ném đá vào tàu hỏa, theo Economic Times.

Bộ Đường sắt Ấn Độ cũng đã thiết lập bộ phận hỗ trợ trẻ em tại 143 nhà ga trên khắp cả nước.

Theo bạn đọc Trần Văn Tèo, nạn ném đá vào tàu hỏa chỉ chấm dứt khi ý thức người dân được cải thiện trong môi trường giáo dục từ bé. Chúng ta phải bắt đầu lại từ ngay lúc này, thà muộn còn hơn để tình trạng đó cứ lặp đi lặp lại.

Còn bạn đọc Lê Phổ cho rằng phải đưa nội dung bảo đảm an toàn đường sắt vào nhà trường. Ở các địa phương có đường sắt đi qua phải dạy cho học sinh hiểu lợi ích mà tuyến đường sắt này mang lại cho địa phương và gia đình các em và những tai hại nếu không bảo đảm an toàn đường sắt.

"Không ai dạy nên con nít coi chọi đá tàu hỏa như một thú vui, chứ đâu có đủ ý thức để biết thiệt hơn. Cái này lỗi đầu tiên là ở khâu truyền thông giáo dục và kiểm soát rủi ro của ngành đường sắt" - bạn đọc Lê Phổ viết.

Nạn ném đá vào tàu hỏa sao cứ lặp đi lặp lại, cách nào trị dứt?Nạn ném đá vào tàu hỏa sao cứ lặp đi lặp lại, cách nào trị dứt?

Nạn ném đá vào tàu hỏa đang chạy lại tái diễn thời gian gần đây, có trường hợp lái tàu bị thương phải đi cấp cứu. Bạn đọc bức xúc đặt câu hỏi: Chẳng lẽ không có cách nào trị dứt điểm tình trạng này?


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên