29/03/2019 12:34 GMT+7

Homestay với người Sami ở Bắc Âu

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Người Sami, dân tộc sống xa nhất về phía bắc của Bắc Âu, có thể sinh tồn ở vùng núi tuyết, nơi thời tiết có thể xuống -50 độ C trong mùa đông chỉ với chiếc lều con.

Homestay với người Sami ở Bắc Âu - Ảnh 1.

Anh Nils Sara bên bầy tuần lộc - Ảnh: HOÀNG LÊ GIANG

Ngày nay, họ vẫn duy trì đời sống tự cung tự cấp: câu cá, tự chăn nuôi lấy thức ăn, tự may quần áo, giày; hái quả mọng trong thiên nhiên làm mứt.

Tôi thấy kể về văn hóa của dân tộc mình với thế giới là việc quan trọng, vì nghề chăn tuần lộc đã thay đổi rất nhiều trong 50 năm qua. Biến đổi khí hậu tiếp tục làm nghề này bị ảnh hưởng trong 20 năm gần đây. Tôi chỉ đón nhóm khách nhỏ, tối đa 6 người đến sống cùng gia đình mình. Từ năm 2014, trong ba năm, tôi ước tính mình đã kiếm được 50.000-70.000 euro từ du lịch

Anh Nils chia sẻ với Tuổi Trẻ

Thời trang xứ lạnh

Theo hướng dẫn của Nils Sara - người dân tộc Sami bản địa ở Na Uy, chúng tôi mặc từ 3 đến 4 lớp áo quần, đầu đội 3 lớp mũ, đeo 2 lớp găng tay, chân mang 2 lớp vớ và 2 lớp giày.

Nhiệt độ vào đầu tháng 2 trên núi khoảng -30oC, cộng thêm gió nên khi đi ngoài trời sẽ cảm thấy lạnh hơn nhiều. Ăn mặc đúng cách là quần áo đủ ấm ôm sát cơ thể và tuyệt đối không để gió lùa.

Những người làm nghề chăn đàn tuần lộc, khoảng 2.600 người ở Na Uy, là còn giữ gìn được rất nhiều nét văn hóa truyền thống nhất. Không sợ khác người, họ thường xuyên mặc trang phục truyền thống - gọi là gákti - có màu xanh dương đậm, hoa văn trang trí màu đỏ quanh cổ, cổ tay và ve áo.

Đàn ông luôn dắt theo dao - công cụ lao động chính - bên mình ở dây nịt. Dao là công cụ sinh tồn hữu ích trong mọi hoàn cảnh: chặt cây, tự vệ, giết mổ gia súc...

Đời sống du mục khiến , nam cũng như nữ, trở thành những người độc lập và tháo vát. Một người đàn ông có thể tự chăn đàn tuần lộc, giết, xẻ thịt, làm thịt khô, xông khói, xây nhà, làm lều... thành thạo. Phụ nữ Sami thuần thục việc may áo quần, làm giày từ da và lông thú.

Bên cạnh việc duy trì đời sống tự cung tự cấp, họ cho phép một số công nghệ hiện đại len vào cuộc sống gia đình. Một trong số đó là sự xuất hiện của xe trượt tuyết và hệ thống định vị GPS khi chăn đàn tuần lộc.

Nghề chăn tuần lộc

Gia đình Nils theo nghề chăn tuần lộc được ít nhất 6 đời. Trước đó ông bà tổ tiên có chăn tuần lộc không thì anh không nhớ, do người Sami không ghi lại tài liệu lịch sử.

Dân tộc Sami rất hào hiệp. Họ luôn mở cửa đón người lỡ đường, đem đồ ăn thức uống ra mời rất thịnh tình, vì biết chắc ở ngoài trời lạnh lẽo kia kết cục tất yếu của ai không may đi lạc là cái chết.

Chúng tôi theo Nils đi thăm đàn tuần lộc. Có khoảng chục con tuần lộc được đeo chuông có gắn GPS, nên việc tìm đàn tuần lộc ở chỗ nào rất dễ dàng. Nếu có tuần lộc đi lạc, Nils phải đi tìm để xua về đàn. Bằng kinh nghiệm của mình, anh phải phát hiện những con tuần lộc bị băng bám trên chuông. Nếu không giúp chúng loại bỏ khối băng này, con tuần lộc sẽ dần bị nhiễm lạnh và chết.

Hiện nay, thịt tuần lộc được coi như loại thịt hữu cơ, đắt hơn cả thịt bò ở Na Uy. Nils, 40 tuổi, đã chăn tuần lộc từ khi 16 tuổi. Anh tự hào rằng nghề chăn tuần lộc là công việc tuyệt vời nhất mình từng làm. Cuộc sống đó có những ngày rất vất vả, làm việc 16 giờ/ngày nhưng không có căng thẳng hay bon chen.

Giữa mênh mông tuyết trắng, Nils gạt tuyết để lộ ra lớp cỏ đã khô và bắt đầu nhóm lửa. Khi bếp lửa rực hồng, anh mở hòm lấy ấm nước, xúc đầy một ấm tuyết trắng phau đem nấu. Mấy lần thêm tuyết vào như thế, anh có đủ nước nóng để pha cà phê và ăn sáng với bánh mì, trái cây mang theo và thong dong ngắm đàn tuần lộc.

Trải nghiệm sống chung nhà với người dân tộc ở xa nhất về phía bắc của Bắc Âu, tự tay xách nước suối về dùng, sống đời sống chậm hơn nhưng gần với thiên nhiên hơn, nhiều du khách bỗng thấy cuộc sống của mình quá thừa mà vẫn quá thiếu, nhất là thiếu sự kết nối với thiên nhiên.

Homestay với người Sami ở Bắc Âu - Ảnh 3.

Trang phục truyền thống với áo bằng da và lông thú dài chấm gối và áo gákti giúp người Sami chống giá rét - Ảnh: TÂM ĐẶNG

Nghe hát joik trong lều

Nils đem xương tuần lộc vừa mổ buổi chiều hầm trên bếp lửa ở giữa căn lều. Món xương tuần lộc hầm (giống xí quách) là món ăn không thể thiếu trong ngày xẻ thịt tuần lộc. Chúng tôi ngồi quây quần bên bếp lửa, quanh nồi thịt hầm giống như cảnh những gia đình Việt Nam quây quần quanh nồi bánh chưng.

Khi nồi hầm lục bục sôi, phát hiện mình quên vá, Nils lấy một trong ba con dao luôn dắt ở đai lưng ra để vớt bọt. Anh có phần tự hào: "Người Sami làm mọi chuyện với ba con dao. Chặt củi, phá băng trên mặt sông, cắt cỏ khô lót giày, lột da tuần lộc, chế biến thức ăn...".

Lúc này đây, khi canh nồi xương hầm trong khi mọi người ngồi ôm gối trong lều, Nils nói: "Tôi sẽ hát joik cho các bạn nghe".

Người Sami có ngôn ngữ là tiếng Sami, nhưng họ không dùng ngôn ngữ ấy để viết nên các bài joik. Họ dùng một chuỗi âm thanh nghe như sau: "Lô là là lá lô lô lu là lô là là la lô lu là"... kết hợp cùng giai điệu riêng để thể hiện tình yêu với một sự vật, sự việc, con người cụ thể.

Ví dụ, có một người Sami đầu tiên quá yêu thích tuyết, người này sẽ nghĩ ra một chuỗi âm thanh để nói về tuyết. Bài hát cứ thế được truyền miệng và phổ biến.

Có những bài joik trở thành bài hát chung cộng đồng, trong khi nhiều bài joik khác phổ biến trong gia đình. Cha mẹ, anh em, bạn bè người Sami thường sáng tác joik tặng nhau.

Khi tạo ra bản joik cho một đối tượng, tâm trí người sáng tác phải hoàn toàn nghĩ về người/vật đó với tình yêu thương và để cảm xúc dẫn dắt mình tạo ra điệu joik. Người hướng ngoại, giai điệu bài hát sẽ nhanh, bay bổng; người trầm tính, sâu sắc, giai điệu bài hát sẽ chậm rãi, sâu lắng.

Theo anh Nils, mỗi người Sami nhớ thuộc lòng khoảng 200 bản joik về những thứ tuyệt vời xung quanh họ. Họ hát bất cứ lúc nào thấy mình hạnh phúc. Ngày nay, joik được phát trên sóng phát thanh, giới thiệu trong bảo tàng với tư cách nét đẹp văn hóa riêng của người Sami.

80.000

có khoảng 80.000 người Sami sống ở Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Nga. Người Sami ở Na Uy chia thành ba nhóm nghề đặc trưng: nhóm du mục chuyên nghề chăn tuần lộc, nhóm sống ở vùng bình nguyên chuyên trồng trọt, chăn nuôi và nhóm sống ở vùng duyên hải chuyên nghề đánh cá.

Cuộc sống thiên đường

Không khí trong lành, nước suối múc lên uống được ngay. Cá dưới suối, quả mọng trong rừng. Cực quang trên trời. Mùa đông thì ngồi bên bếp lửa trong căn nhà ấm, mùa hè thì dạo giữa thiên nhiên, đó là những thứ người Sami mặc sức hưởng thụ. Giáo dục, y tế đã có chính quyền chăm sóc.

Việc của họ là lao động chăm chỉ, năm nay biết tích trữ lương thực và củi cho mùa đông tới. Lúc rảnh thì đọc sách, chăm sóc nhà cửa, làm đồ thủ công... để săn sóc đời sống tinh thần của mình. Từ tấm bé, người Sami nào cũng biết bảo vệ rừng cây, dòng nước, vì như thế là bảo vệ nguồn thực phẩm.

Người Lô Lô làm homestay

TTO - Bao đời nay người Lô Lô - một dân tộc ít người (ở thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang) - chỉ biết sống dựa vào nương ngô trên núi đá tai mèo lởm chởm thì những năm gần đây đã biết chọn nghề làm homestay đề "khởi nghiệp".

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên