TTCT - Homeschooling (học tại nhà) chẳng phải là chuyện mới, nhưng sau dịch COVID-19, nhiều phụ huynh VN quan tâm hơn đến vấn đề này. Nhóm Facebook lớn nhất về homeschooling đã thu hút gần 70.000 thành viên. Chị Phạm Thị Diễm cùng con trai chuẩn bị bài trước buổi học. Ảnh: TRỌNG NHÂNLộ trình riêng19h, ăn cơm tối xong, chị Phạm Thị Diễm, một nhân viên văn phòng, ngụ quận 12 (TP.HCM), cùng con trai 9 tuổi bắt đầu học online. Hai mẹ con học cùng bạn bè, giáo viên nước ngoài trong chương trình homeschooling được cấp phép ở Mỹ. Đến nay, con chị Diễm đã "ở Việt, học Mỹ" hơn sáu tháng cho môn toán và luyện phát âm tiếng Anh.Suốt hai giờ học, chị Diễm là bạn học của con. Cô giáo giảng, chị cũng lấy tập vở ghi chép. Giờ luyện nói, chị và con đọc đồng thanh các từ vựng rồi cùng nhau trả lời câu hỏi và bài tập được giao. "Vất vả lắm con mới chịu học như hôm nay", chị Diễm nhớ lại những ngày đầu cho con tự học chương trình Mỹ. Con trai chị không thích học, mở máy tính và nghe giảng khoảng 30 phút là đã ngáp ngắn ngáp dài. Chị phải ngồi cạnh động viên, thúc ép con. Rồi chị nghĩ cách học cùng để con thêm hứng thú, lại đo được quá trình phát triển của con.Chị đảm nhiệm phần tiếng Anh, chồng chị phụ trách dạy tiếng Trung cho con. Vợ chồng sắp xếp xen kẽ, một ngày học chương trình Mỹ, một ngày học tiếng Trung. Chị ra nguyên tắc: Con không được nói chen tiếng Trung với mẹ, không được nói tiếng Anh với cha. Cứ thế, họ tự dạy con học cho tới nay. Chị Diễm nói không thật sự tin tưởng một số trung tâm ngoại ngữ do cách dạy, phát âm không chuẩn. "Vả lại, cùng một khoản tiền vài triệu đồng cho con đến học trung tâm, sao không để con tự học chương trình gốc của nước bản địa?", chị nói.Chị Trương Hoàng Minh (TP Thủ Đức) đã cho hai con học homeschooling toàn phần theo lộ trình chị tự thiết kế hai năm nay. Mỗi sáng sớm, thời gian mà chị nghĩ con sẽ lĩnh hội được nhiều kiến thức nhất, chị cho cháu học các môn về toán, khoa học. Đầu giờ chiều, chị cho học vẽ, nhạc. Cuối buổi, sẽ học tiếp những môn vận động như bóng rổ, bơi lội.Từ chỗ chỉ tự dạy con mình, chị mở ra một nhóm khoảng bảy bạn đến học chung cho vui, đều là những trẻ đang học homeschooling tại TP Thủ Đức. Mỗi ngày, chúng sẽ hòa mình cùng thiên nhiên, kết nối với nhau giúp bù lại sự thiếu hụt giao tiếp trong quá trình học online, rèn thêm khả năng làm việc nhóm. "Chúng tôi thường xuyên đi du lịch, dã ngoại. Nhóm thường đến Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, sinh sống như người dân địa phương. Từng chuyến đi như vậy, trẻ sẽ học được thêm nhiều kỹ năng, nhất là kỹ năng sinh tồn. Những điều này không thể học được tại trường", chị Minh nói.Anh Vương, đang kinh doanh tự do tại TP.HCM, hiện có con trai học tại lớp 2 Trường tiểu học - THCS Hồng Hà (quận Bình Thạnh). Từ tháng 1-2021 đến nay, anh cho con học thêm chương trình homeschooling của Mỹ vào tối, trung bình mỗi buổi hai tiếng. Mỗi lớp khoảng 10 học sinh ở các vùng miền khác nhau. Một tiết học có phần kiểm tra bài cũ, phần giảng kiến thức mới, các câu đố, các bài tập thêm. Những môn tưởng chừng không thể học tại nhà như thực hành, trường cũng có những phần mềm cho học sinh trải nghiệm không gian thực nghiệm 3D. "Có thư viện online cho học sinh tìm đọc sách nếu muốn", anh Vương nói.Trường hợp đặc biệt cần homeschoolingTheo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, hình thức homeschooling thường phù hợp cho những trẻ có khả năng học tập độc lập. Học phí một năm học trường online khoảng 250 triệu/năm, nếu học các chương trình quốc tế tại các trường tư thục ở TP.HCM cũng phải dao động từ 600 - 800 triệu đồng/năm.Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng bà ủng hộ homeschooling nên được công nhận tại VN. Ngoài việc cho phụ huynh có thêm lựa chọn, hình thức này có thể giúp các trẻ em cần sự hỗ trợ đặc biệt. Nhiều em học chậm, rất khó theo kịp các bạn ở trường công trong những năm đầu tiên. Các em chưa đến mức phải học trường chuyên biệt nhưng nếu vào trường công thường khó cho các em, cho gia đình và nhà trường. Nếu có homeschooling, phụ huynh có thể quyết định cho các em học tại nhà chương trình lớp 1-2 trong 3-4 năm đầu. Khi đã chắc chắn, học sinh có thể chuyển sang các trường công học.Tăng vì dịch COVID-19?Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên cho biết con trai ông đã "dứt" khỏi trường công và đang theo học homeschooling hoàn toàn. Năm nay lớp 8, con ông đang học chương trình Mỹ được triển khai bởi một "trường online" tuyển sinh toàn cầu. Học theo khung giờ từ 10 - 17h, giáo viên chủ nhiệm riêng. Đến ngày thi, học sinh sẽ làm bài trực tuyến, trường sẽ gửi bài đến các đơn vị độc lập chấm.Riêng với chương trình của Anh, học sinh có thể đến làm bài tại Hội đồng Anh như một thí sinh độc lập. "Cộng đồng homeschooling ở VN hiện có khoảng 10.000 em. Phần lớn phụ huynh cho con học song song chương trình nước ngoài và chương trình VN", ông Nguyên nói.Chị Phạm Hiếu Thi (Đồng Nai), chủ nhiệm của nhiều nhóm phụ huynh homeschooling trên mạng xã hội, nhận thấy có sự gia tăng rất lớn thành viên trong nhóm trước và sau COVID-19. Nhóm ghi nhận số thành viên và bài đăng tăng 2-3 lần so với trước dịch. Chị Thi đã cho đứa con năm nay lớp 9 theo homeschool hoàn toàn suốt 2 năm qua sau bốn năm "bán" homeschool - vẫn học tại trường nhưng buổi tối học thêm chương trình online tại gia.Chị Thi hiện cho con học kết hợp giữa chương trình homeschool Abeka và Acellus khá có tiếng của Mỹ. Dù vậy, chị nhận thấy chương trình thiếu phần đọc hiểu các tác phẩm văn học nên chị thêm các tiết cảm thụ văn học nước ngoài cho con. Chị cũng dành thời gian dắt con đi các buổi chia sẻ, thảo luận được tổ chức tại TP.HCM. Thấy con thích nông nghiệp, chị cho tham qua các nông trại của những người trẻ đi theo hướng hữu cơ, tuần hoàn. Mỗi chuyến đi, theo chị, con lĩnh hội được nhiều hơn gấp nhiều lần so với một bài học trong trường.Có nên công nhận ?Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền, Đại học East Anglia (Anh), cho rằng ở các nước phát triển, homeschooling được công nhận như một chương trình giáo dục thay thế nhưng không đồng nghĩa cha mẹ có thể tùy ý dạy. Thụ hưởng giáo dục phổ thông bắt buộc thường là quyền của trẻ em. Vì thế, những gia đình không muốn cho trẻ đến trường sẽ phải giải trình hoặc cam kết dùng một hình thức giáo dục khác. Nếu chọn homeschooling, cha mẹ buộc phải báo cáo tới các cơ quan quản lý giáo dục và phúc lợi địa phương để xác nhận.Một số hoạt động homeschooling trong nhóm của chị Hoàng Minh. Ảnh CTVNhiều năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục tại VN, tiến sĩ Thu Huyền nhận thấy ngày càng có nhiều phụ huynh liên hệ bà để được tư vấn về homeschooling toàn phần. Thành phần tìm hiểu khá đa dạng nhưng tập trung vào một số nhóm chính. Thứ nhất là những ba mẹ đã du học hoặc rất giỏi tiếng Anh nên khá tự tin cho con học tại nhà theo định hướng của mình vạch ra. Phần đông có nguồn tài chính chủ động, không đi làm toàn thời gian, có thể theo sát việc học con cái. Nhóm này xác định từ đầu con sẽ không trở lại học trường công, khi cần họ sẽ gửi con ra nước ngoài học tiếp. Nhóm này hiện không đông.Thứ hai là những người chọn homeschooling theo trào lưu, xu hướng gia tăng sau COVID-19. Cha mẹ ở nhóm này dư giả tài chính và thời gian nhưng không có chuyên môn về giáo dục. Họ gom nhặt chương trình mỗi nơi một ít, nghe giới thiệu hoặc tự cảm nhận những bài nào hay sẽ đưa vào giáo án. Nếu không thể tự dạy, họ sẽ tìm kiếm gia sư, còn mình là "chủ biên" chương trình. "Chương trình này thường có độ chắp vá nhất định. Cha mẹ chấp nhận thử, sai và sửa", bà Huyền nói.Thứ ba là cha mẹ đưa con đến những nhóm dạy học nhỏ trên dưới 10 học sinh, gọi là "trường" nhưng hoạt động dưới hình thức trung tâm giáo dục kỹ năng. Phần đông các trường ở xa đô thị, một phần để "né" việc thanh kiểm tra của đơn vị quản lý giáo dục. Các "trường" đi theo phương pháp Steiner - học sinh được chơi, vẽ tranh, học nhạc, học tiếng Anh, tiếp xúc thiên nhiên. Tuy nhiên, các chương trình này mang nhiều sự cảm tính và không được xem là bài bản.Nguyên phó hiệu trưởng một trường quốc tế tại quận 7 (TP.HCM) cho biết cô từng tiếp ít nhất ba phụ huynh cho con học trường Steiner từ nhỏ và muốn chuyển về trường bình thường. Sau khi được thầy cô kiểm tra trình độ đầu vào, cha mẹ của các học sinh này đã rơm rớm nước mắt.Ngoại ngữ của các em không bằng bạn bè cùng tuổi, lại thiếu nhiều kỹ năng, kiến thức, thậm chí có em chưa từng dùng các thiết bị điện tử. Các em giỏi khả năng tưởng tượng, sáng tạo nhưng nhiều mảng kiến thức hụt so với đồng lứa.Vị này cho biết hiện nhiều trường quốc tế thường khá cân nhắc khi tiếp nhận học sinh homeschooling, đặc biệt từ cấp trung học cơ sở. Phụ huynh thường "khoe" con mình tiến bộ rất nhanh, rất giỏi nhưng dưới góc nhìn của các chuyên gia, nhiều bạn lại không đạt chuẩn. Nói cách khác, sự "thành công" của homeschooling thường nặng tính chủ quan của cha mẹ. ■ Tags: HomeschoolingGiáo dục tại nhàGiáo viên nước ngoàiTrường chuyên biệtMạng xã hội
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mừng Giáng sinh tưng bừng, trung tâm TP.HCM đông nghịt người đến khuya NHẬT XUÂN 22/12/2024 Trong không khí se lạnh, nhiều người dân TP.HCM tranh thủ cuối tuần để tận hưởng không khí Giáng sinh tại các điểm vui chơi khu vực trung tâm thành phố.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).
Huế, Hà Nội lọt top 50 thành phố ẩm thực năm 2024 của TasteAtlas, TP.HCM 'rớt' đáng tiếc TÔ CƯỜNG 22/12/2024 Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa chốt danh sách 50 thành phố ẩm thực đáng trải nghiệm nhất thế giới, Việt Nam có đến hai địa danh lọt vào top.