Đây là chuyến thăm Việt Nam thứ ba của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trên cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc.
Cả ba lần ông Tập Cận Bình đến đều là trong một chuyến thăm cấp nhà nước, thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với cá nhân ông Tập Cận Bình và quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Một loạt quan chức cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc đi cùng
Chuyến thăm lần thứ ba này diễn ra theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân.
Tham gia đoàn, ngoài Giáo sư Bành Lệ Viên, phu nhân Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, còn có nhiều quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong đó có Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Thái Kỳ kiêm chánh Văn phòng Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị.
Đoàn còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu, Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu chính sách trung ương Giang Kim Quyền, Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trình San Khiết, Bí thư Ban Bí thư, Ủy viên Quốc vụ, Phó Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương, Bộ trưởng Công an Vương Tiểu Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thương mại Vương Văn Đào.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Lưu Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam Vương Ninh, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba và phu nhân cũng có trong đoàn.
Ngoài ra còn có Cục trưởng Cục Hợp tác phát triển quốc tế La Chiếu Huy, Thiếu tướng Lý Bân, chủ nhiệm Văn phòng Hợp tác quân sự quốc tế trung ương, và Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nông Dung.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ chủ trì lễ đón ông Tập Cận Bình
Theo Bộ Ngoại giao, trong ngày 12-12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ chủ trì lễ đón cấp nhà nước Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Phủ Chủ tịch.
Hai người đứng đầu hai Đảng sau đó sẽ hội đàm tại trụ sở Trung ương Đảng, xem và nghe giới thiệu các văn kiện được ký kết, sau đó cùng dự tiệc trà. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ chủ trì chiêu đãi cấp nhà nước Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tối cùng ngày.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ bắt đầu ngày thứ hai ở Việt Nam bằng hoạt động đặt vòng hoa và vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sau đó sẽ hội kiến với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong ngày 13-12.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân sẽ chủ trì tiệc chiêu đãi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân cùng ngày.
Trước khi rời Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân sẽ tái ngộ Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân trong cuộc giao lưu nhân sĩ hữu nghị và thế hệ trẻ Việt Nam - Trung Quốc.
Dự kiến phu nhân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng sẽ có các hoạt động với phu nhân Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong hai ngày 12 và 13-12.
Kỳ vọng về một "định vị mới", "tầm mức mới"
Chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra vào thời điểm rất có ý nghĩa với quan hệ hai nước. Năm 2023 đánh dấu 15 năm hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ khẳng định chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình sẽ là một dấu mốc mới trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Ông Nguyễn Minh Vũ cho biết cả Việt Nam và Trung Quốc "đều rất kỳ vọng" vào chuyến thăm lần này, trong đó có kỳ vọng về một "định vị mới", "tầm mức mới".
Đó còn là kỳ vọng về những kết quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, với "một số lượng lớn các văn kiện có thể sẽ được ký kết" trong chuyến thăm và kỳ vọng về hiệu ứng lan tỏa của chuyến thăm đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân.
Tiến sĩ Nguyễn Tăng Nghị (khoa quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) và giáo sư Triệu Vệ Hoa (Viện Nghiên cứu quốc tế, Đại học Phục Đán, Trung Quốc) đều cho rằng chuyến đi thể hiện sự đặc biệt coi trọng ở mức cao của lãnh đạo Trung Quốc với Việt Nam.
Trong năm 2023, ông Tập Cận Bình đã có một số chuyến công du nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam là nước thứ hai nhà lãnh đạo Trung Quốc có chuyến thăm cấp nhà nước mà không kết hợp hoạt động đa phương nào.
"Chuyến thăm sẽ là hoạt động khép lại một năm sôi nổi các hoạt động đối ngoại không chỉ của Trung Quốc mà còn Việt Nam, củng cố và phát triển hơn nữa tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Đồng thời nó cũng mở ra một giai đoạn phát triển mới cho hai nước, kiến tạo không gian mới cho hợp tác giữa hai nước, tăng cường sự tin cậy chính trị lẫn nhau và tạo môi trường phát triển tốt đẹp cho sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, phát triển đất nước của hai nước", giáo sư Triệu Vệ Hoa nói với Tuổi Trẻ Online.
Theo giới chuyên gia, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến khó lường.
Tuy nhiên, với vai trò, tiếng nói và vị thế của Việt Nam, Trung Quốc trong khu vực cũng như thế giới, các cuộc hội đàm và hội kiến giữa lãnh đạo hai nước được kỳ vọng sẽ góp phần củng cố ổn định, hòa bình và thúc đẩy phát triển không chỉ giữa hai nước mà còn khu vực và quốc tế.
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba thì tiết lộ dự kiến hai nước sẽ ký kết hàng chục văn kiện quan trọng trên kênh Đảng, an ninh quốc phòng, hợp tác giữa cơ quan và địa phương, tư pháp, truyền thông, kết nối chiến lược phát triển, kinh tế thương mại, đầu tư, kinh tế số, phát triển xanh, xuất nhập khẩu hàng nông sản, thủy lợi, hợp tác trên biển...
Chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lần này, theo ông Hùng Ba, sẽ là dịp để lãnh đạo hai nước duy trì trao đổi và tiếp xúc chiến lược, xác định phương hướng củng cố hơn nữa quan hệ hai nước trên tinh thần "tình hình mới, phương hướng mới, triển vọng mới, động lực mới".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận