Thiếu tướng Cao Long Hỷ bật khóc sau khi viếng cố Thủ tướng Phan Văn Khải - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực này phải dựa vào dân. Việc chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch bộ máy, xây dựng Nhà nước pháp quyền cũng phải dựa vào dân
Phát biểu từ nhiệm của cố Thủ tướng tại Quốc hội ngày 16-6-2006
Ngày 21-3, ngày cuối cùng lễ quốc tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp tục với những dòng người lặng lẽ, cả những giọt nước mắt tiễn đưa của bạn bè.
"Sáu Khải hoàn thành nhiệm vụ rồi..."
Bên linh cữu của người bạn cùng tuổi, thiếu tướng Cao Long Hỷ, nguyên cục trưởng Cục An ninh quân đội, Bộ Quốc phòng, rưng rưng, rồi bật khóc nức nở khi nhớ về những kỷ niệm từ thuở hàn vi.
Rồi ông gạt nước mắt, nói như tâm tình: "Sáu Khải như vậy là tốt rồi, hoàn thành nhiệm vụ rồi...".
Ở tuổi 85, thiếu tướng Cao Long Hỷ tay đã phải chống gậy, tay kia vịn vào tay vợ. Nhưng kỷ niệm về người bạn già ông vẫn nhớ rành mạch:
"Tui với Sáu Khải cùng học với nhau thời chống Pháp ở Củ Chi. Sáu Khải khi đó học trường ngoài, tui học thiếu sinh quân. Tụi tui biết nhau, thân nhau từ khi 14 tuổi. Tụi tui đá bóng, đánh trận giả với nhau, gây lộn với nhau, rồi thân thiết với nhau".
Những năm chống Pháp hai người cùng nhau ngồi dưới hầm, đêm đốt đèn bằng mủ cao su để ôn bài. Tập kết ra Bắc, ông Hỷ vẫn ở bộ đội. Khi sang Liên Xô, ông Sáu Khải học kinh tế, ông Hỷ học ở trường quân đội.
"Anh Sáu Dân là người ký quyết định phong tướng cho tôi, còn sau này Sáu Khải là người ký quyết định cho tôi nghỉ hưu. Tình cảm hồi xưa gắn bó với nhau trong gian lao, con dế cũng chia đôi...", vị thiếu tướng bùi ngùi kể lại.
Cần chú trọng bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người cả về thể chất, trí tuệ, tâm hồn, tạo điều kiện cho con người vươn lên phát huy tiềm lực to lớn, đó là nguồn lực không bao giờ cạn của đất nước
Phát biểu từ nhiệm của cố Thủ tướng PHAN VĂN KHẢI tại Quốc hội ngày 16-6-2006
Người dân xúc động khi đến kính viếng cố Thủ tướng Phan Văn Khải tại Hội trường Thống Nhất ngày 21-3 - Ảnh: XUÂN HƯNG
Để lại những ân tình
Giữa trưa, khi dòng người đến viếng tang đã thưa đi, đại tá Lê Hoằng (92 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) được hai thanh niên dìu tới nơi. Ông mang theo một tờ giấy có hình chụp một chiếc bình thủy để gắn vào sổ tang.
Ông kể về chiếc bình thủy mà ông nâng niu như kỷ vật ở phòng truyền thống của gia đình: Đó là năm 2005, ông cùng với khoảng hai chục vị lão thành cách mạng của quận ra viếng lăng Bác.
Đoàn được Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp đón thân tình. Dù trước đó đã từng gặp Thủ tướng vài lần những khi hội họp, nhưng chưa bao giờ ông Hoằng thấy vị Thủ tướng gần gũi, thân tình đến vậy.
Thủ tướng tặng mỗi người một chiếc bình thủy, với ý nhắc nhở: Trong lòng phải nóng bỏng nhiệt huyết như nước trong bình thủy, bên ngoài phải bao dung độ lượng, trong sáng thủy chung như lẵng hoa trên bình...
PGS.TS Nguyễn Văn Trình, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP, nhớ rằng: "Bác Sáu luôn theo sát sự vận động và phát triển của viện kể cả khi bác đã nghỉ hưu". Cơ quan này tiền thân là Ban phân vùng Nam Bộ mà ông Sáu Khải đã thành lập và trực tiếp làm trưởng ban.
Đại diện cho Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Lê Tiến Trường - phó chủ tịch hiệp hội - viết rằng người lao động ngành dệt may luôn khắc ghi trong tâm khảm tình cảm và sự quan tâm của nguyên Thủ tướng với ngành dệt may.
Đó là việc ký kết Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, thúc đẩy Việt Nam gia nhập WTO, tạo ra hai thập kỷ phát triển mạnh mẽ của ngành dệt may, tạo việc làm cho hơn 2 triệu người lao động...
Người đứng đầu cơ quan hành chính không có đủ quyền hạn để bố trí nhân sự, sắp xếp công việc dẫn tới lựa chọn, đánh giá cán bộ không thực sự căn cứ vào kết quả công việc, tạo môi trường thuận lợi dẫn đến kẽ hở cho nạn chạy chức
Phát biểu từ nhiệm của cố Thủ tướng PHAN VĂN KHẢI tại Quốc hội ngày 16-6-2006
Trong mắt bạn bè quốc tế
Trong ngày 21-3, có hơn 30 đoàn ngoại giao các nước đến viếng cố Thủ tướng Phan Văn Khải.
Là một trong những người đến viếng cố Thủ tướng Phan Văn Khải sớm nhất trong sáng 21-3, tổng lãnh sự Mỹ Mary Tarnowka bày tỏ:
"Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã có đóng góp to lớn cho Việt Nam, cho người Việt Nam, vào nền kinh tế Việt Nam, cho sự mở cửa của Việt Nam với thế giới, vào quan hệ hợp tác của Việt Nam với Mỹ. Những thay đổi nhờ có sự đóng góp đó của ông đang được tiếp diễn và phát triển sâu sắc hơn".
Là người từng đứng đầu bộ phận phụ trách về Việt Nam, ông Trần Đức Hải - tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM - có rất nhiều dịp gặp gỡ, làm việc với cố Thủ tướng Phan Văn Khải.
Đó là những chuyến thăm Trung Quốc của cố Thủ tướng với tư cách người đứng đầu Chính phủ, hoặc khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sang thăm Việt Nam vào tháng 11-2005.
"Đồng chí Phan Văn Khải là lãnh đạo xuất sắc của Việt Nam", ông Trần Đức Hải nói với Tuổi Trẻ.
Trong khi đó, tổng lãnh sự Cuba tại TP.HCM, bà Indira Lopez Arguelles gọi cố Thủ tướng Phan Văn Khải là "một đồng chí, một người anh em lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba".
"Sự đóng góp của ông Phan Văn Khải rất lớn lao, là một ví dụ tiêu biểu cho lòng yêu nước của một thế hệ lãnh đạo có tư tưởng lớn. Sự mất mát này không chỉ của riêng Việt Nam, mà người Cuba như mất đi một người anh em lớn vậy", bà chia sẻ.
Đến Việt Nam lần đầu tiên khi chỉ là một chàng trai thích đi du lịch bụi vào năm 1997 - khi ông Khải trở thành thủ tướng, tổng lãnh sự Canada Kyle Nunas ấn tượng về vị lãnh đạo này là người có vai trò rất quan trọng trong việc định hình Việt Nam ngày nay, góp phần thúc đẩy cải cách kinh tế đất nước, dẫn dắt Việt Nam trong một giai đoạn hết sức quan trọng trong lịch sử Việt Nam hiện đại.
Người giữ Huân chương Mặt trời mọc
Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM Junichi Kawaue nắn nót viết bằng tiếng Việt trong sổ tang: "Chúng tôi luôn ghi nhớ sự đóng góp của ngài trong việc đẩy mạnh quan hệ giữa hai nước chúng ta để mang lại nhiều thành quả tốt đẹp như hôm nay. Chính vì lý do đó, ngài đã được trao tặng Huân chương cao quý Mặt trời mọc của Nhật Bản tháng 11-2006".
Trong khi đó, dành nhiều tình cảm cho cố Thủ tướng Việt Nam, đại sứ Nhật Bản Kunio Umeda đã bay từ Hà Nội vào TP.HCM viếng.
Chia sẻ với báo giới, ông Umeda đánh giá rất cao những cống hiến của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, đặc biệt về mặt kinh tế: "Trên cương vị thủ tướng, ông Phan Văn Khải đã thành lập một cơ chế đối thoại là Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản. Thông qua cơ chế đó, cả Việt Nam và Nhật Bản cùng tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư ở Việt Nam".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận