Người dân khoác trên mình hình nộm của con trâu, con bò làm bằng rơm tại lễ hội ”Trâu bò rơm rạ” ở làng Đồng Vệ (xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Lễ hội này có ý nghĩa cầu mong một vụ mùa bội thu, mưa thuận gió hòa - Ảnh: NGỌC DƯƠNG |
Các nhà nghiên cứu văn hóa đều kỳ vọng mùa lễ hội năm nay sẽ diễn ra theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Những mặt xấu xí của lễ hội sẽ dần được loại bỏ.
“Nóng” trước giờ khai hội
Ông Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương - cho biết từ những ngày đầu xuân đã có rất nhiều du khách đổ về trẩy hội. Chỉ tính riêng mùng 4 và mùng 5 tết đã có hơn 120.000 lượt du khách đến chùa Hương.
Trước đó, ban tổ chức lễ hội chùa Hương đã bố trí gần 4.000 thuyền đò phục vụ du khách. Các phương tiện này đều được đánh số và được kiểm tra về chất lượng, an toàn theo quy định của Sở Giao thông vận tải Hà Nội.
Trên mỗi thuyền, đò đều có phao cứu sinh, thùng rác, những người lái đò đều được tập huấn và được cấp thẻ. Ban tổ chức cũng bố trí bốn bãi đậu xe, các nhà vệ sinh công cộng miễn phí phục vụ du khách trẩy hội và niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng để du khách phản ảnh.
Còn ông Nguyễn Nam Nho, giám đốc Trung tâm quản lý khu du lịch - di tích đền Sóc Sơn, cho biết đến thời điểm trước Tết Nguyên đán, công tác chuẩn bị lễ hội tại đây đã hoàn tất, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là đảm bảo an toàn phần rước lộc. Năm nay, hội Gióng sẽ khai hội lúc 7h, sớm hơn 30 phút so với mọi năm.
Khai mạc hội Gióng xuân Đinh Dậu sáng 2-2: cung tiến lễ vật trên đền Thượng - Ảnh: NAM TRẦN |
Về việc cướp lộc tại hội Gióng, ông Nho dẫn tư liệu của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN (cơ quan lập hồ sơ xây dựng lễ hội Gióng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại) cho rằng: “Việc tranh cướp lộc là tất yếu của lễ hội, còn việc gây thương tích đến mức phải sơ cứu chưa diễn ra trong nhiều năm nay”.
Tuy nhiên năm nay, lễ hội sẽ có một số điều chỉnh: tuy vẫn cho du khách tranh lộc nhưng sẽ kiểm tra lý lịch từng người tham gia đoàn rước và tuyên truyền, vận động nhân dân không tổ chức giữ lộc bằng mọi giá.
Ban tổ chức bố trí hơn 300 thanh niên tình nguyện để bảo vệ đoàn rước lộc và không cho du khách tập trung quá đông tại nơi diễn ra hoạt động tranh lộc, nhất là trên các cây và bờ tường...
Với lễ hội chém lợn làng Ném Thượng, Sở VH-TT&DL Bắc Ninh và UBND phường Khắc Niệm đều có văn bản yêu cầu người dân không tổ chức chém lợn giữa sân đình mà sẽ bố trí khu vực riêng, quây kín để làm cỗ ngọc tế thánh như năm 2016.
Vẫn còn chờ những giải pháp khả thi
TS Trần Hữu Sơn - phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN - nhận định: “Tình trạng tranh cướp vật thiêng trong mùa lễ hội năm nay có thể vẫn sẽ diễn ra phức tạp, bởi ý thức của những người tham dự chưa chuyển đổi mà các cơ quan quản lý văn hóa lại chưa đưa ra được các cơ chế, chế tài xử phạt. Khi nào có chế tài xử phạt nghiêm những người tranh cướp vật thiêng (như tranh cướp lộc sau lễ khai ấn đền Trần) thì lễ hội mới nghiêm”.
Trước vấn đề làm sao cho lễ hội bớt xấu xí hơn, TS Sơn nêu giải pháp: “Với những quan chức tham dự lễ hội mà tham gia cướp vật thiêng thì phải bị xử phạt nặng hơn dân thường, đồng thời phải công khai trên các phương tiện báo chí, truyền thông.
Các ban tổ chức lễ hội cần có những giải pháp căn bản hơn như dự báo số lượng khách tham dự lễ hội để có kế hoạch phân luồng, phân tuyến, bố trí chỗ ăn uống, ngủ nghỉ... cho du khách hợp lý”.
Các quan chức cấp cao cũng như quan chức cấp tỉnh, huyện… hãy làm gương trước tiên là không tham dự lễ hội với tư cách quan chức |
PGS.TS Nguyễn Văn Huy |
Dù diễn ra hàng năm nhưng năm nào những hệ lụy của lễ hội vẫn là đề tài bàn mãi - Ảnh: tư liệu |
PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học - cho rằng sự xấu xí của lễ hội vẫn chỉ tập trung vào vài điểm nhức nhối chứ không phải tất cả các lễ hội đều phức tạp. Theo ông, ban tổ chức lễ hội phải tìm hiểu xem những người tham gia xô xát là ai để giúp họ thay đổi nhận thức.
Để giải quyết tình trạng tranh cướp lộc hỗn loạn sau khi khai ấn tại đền Trần, ông Huy đề xuất: “Các vị lãnh đạo không nên có mặt trong giờ thiêng ấy (giờ khai ấn).
Nếu muốn, họ có thể đi với tư cách cá nhân. Về lâu về dài, đừng tiếp tục phát triển đền Trần thành khu vực du lịch mang tính chất quốc gia. Bởi không gian của di tích này quá nhỏ, không đủ sức chứa được quá nhiều người trong một thời điểm”.
GS Ngô Đức Thịnh - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian VN - đề xuất muốn lễ hội tốt hơn thì trước hết cần phải giải quyết được vấn đề “trục lợi hóa lễ hội” đang dần trở thành một xu hướng của lễ hội hiện nay.
Nhiều lễ hội lớn đầu xuân khác ở miền Bắc sẽ diễn ra trong tháng giêng như: hội tịch điền Đọi Sơn (Hà Nam) khai hội mùng 7, lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) khai hội mùng 10, hội Lim (Bắc Ninh) khai hội 13 tháng giêng, lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) khai hội đêm 14 tháng giêng. Ngoài ra, chính hội lễ hội đền Hùng (Phú Thọ) sẽ diễn ra vào 10-3 âm lịch. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận