Ông Nguyễn Văn Pha - Ảnh: Viễn Sự |
9g sáng nay, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ trình bày báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Chủ tịch ủy ban Trung ương MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ (phiên làm việc buổi sáng sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp). |
Theo ông Nguyễn Văn Pha - phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, vấn đề nhân sự là nội dung cử tri rất quan tâm trước kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa XIII lần này.
Ông cho biết:
- Cử tri quan tâm rất nhiều đến nhân sự các cấp, Đại hội Đảng toàn quốc và mong muốn rằng những người sắp tới đây được bầu vào các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước phải tiêu biểu, có tâm huyết với đất nước và đặc biệt phải trong sạch.
Cử tri khẳng định là cương quyết không chấp nhận xảy ra lợi ích nhóm, cục bộ trong bộ máy Đảng và Nhà nước các cấp.
* Cử tri còn quan tâm, bức xúc những vấn đề nào nữa, thưa ông?
- Đó là sự quan tâm, lo lắng về tình hình diễn biến phức tạp trên Biển Đông, bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng các công trình tại các đảo chìm, bãi đá trên Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Về đời sống, cử tri cũng bức xúc việc giá xăng dầu giảm nhiều lần nhưng cước vận tải ở một số nơi vẫn không giảm.
Ở nông thôn, cử tri cũng bày tỏ sự băn khoăn đối với việc huy động, đóng góp của người dân vào xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn còn cao, chạy theo phong trào, thậm chí huy động cả hộ nghèo đóng góp.
Vấn đề thời sự nhất trong giáo dục vừa diễn ra là kỳ thi tốt nghiệp THPT, cử tri đề nghị Bộ GD-ĐT tổng kết những bất cập và có hướng khắc phục.
Cử tri hoan nghênh đề xuất của Bộ GTVT về tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy từ ngày 1-1-2016.
Tuy nhiên cử tri và nhân dân bức xúc trước tình trạng xe quá khổ, quá tải, đặc biệt là xuất hiện những đường dây mua bán logo “xe vua” cho xe quá tải, bảo kê cho các xe này vượt trạm kiểm soát của cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông ở một số tỉnh, thành phía Nam.
* Thưa ông, với tư cách là đại biểu Quốc hội, phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN (vừa tổng hợp ý kiến cử tri đồng thời giám sát thực hiện), có những vấn đề cử tri quan tâm bức xúc cứ lặp đi lặp lại, ông suy nghĩ gì về việc này?
- Thật ra cuộc sống chuyển động không ngừng, có khi cũng cùng vấn đề đó thôi nhưng với mỗi một thời gian thì nó lại có những đòi hỏi cao hơn của cử tri. Đòi hỏi cao hơn đó buộc những cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm đáp ứng.
Cho nên nhiều vấn đề liên quan đến sản xuất kinh doanh, đời sống việc làm, phòng chống tham nhũng, khiếu nại tố cáo... lần nào cử tri cũng có ý kiến, cũng đòi hỏi. Mỗi một lần như thế dù được xem xét giải quyết nhưng vẫn phát sinh những vấn đề khác nữa.
Ví dụ như vừa rồi Bộ GTVT đề xuất bỏ thu phí đường bộ với xe máy, nhưng lại liên quan đến việc là rất nhiều tỉnh đã triển khai thu rồi.
Như vậy bây giờ không thu nữa thì những khoản đã thu sẽ như thế nào? Nhưng tôi cho rằng thà rằng phải giải quyết khó khăn còn hơn là cứ để nhùng nhằng mãi.
Hoặc như vấn đề thuế, phí mà ở Quốc hội có lần các đại biểu liệt kê là một quả trứng phải gánh bao nhiêu loại thuế phí. Có một số nơi ở phía Nam nói nếu bỏ các loại thuế phí đó thì lấy gì nuôi bộ máy đi thu? Nói như thế nghe rất buồn cười, vô lý. Cho nên phải giải quyết tận gốc.
Tôi cho rằng về ý thức thì Chính phủ, chính quyền địa phương không ai muốn để người dân khiếu nại nhiều cả. Nhiều nơi cũng rất hăng hái sốt sắng như Bộ GTVT, một số bộ thì cũng còn “nghe ngóng”, còn có những áp lực từ các đơn vị trực thuộc của mình, và vì cả lợi ích cũng khác nhau...
Tuy nhiên nếu so với tình hình giải quyết vấn đề bức xúc, nguyện vọng tâm tư của cử tri Quốc hội khóa XII thì khóa XIII này có chuyển biến tốt hơn.
Tập thể Chính phủ sẽ trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII dự kiến làm việc trong 31 ngày, xem xét thông qua 15 nghị quyết, 18 dự án luật và cho ý kiến 8 dự án luật khác, đồng thời thảo luận và quyết định nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội và ngân sách. Đặc biệt, Quốc hội dành hai ngày rưỡi để chất vấn Thủ tướng, các thành viên Chính phủ, chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao về việc thực hiện lời hứa và các nghị quyết của Quốc hội. Ngày 19-10, tại cuộc họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 10, phóng viên báo Tuổi Trẻ đã đặt câu hỏi với người phát ngôn của Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: “Thưa ông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã từng đề cập đến tình trạng “đại biểu đọc bài của người khác”, tức là có những bài phát biểu do bộ, ngành nào đó nhờ đại biểu đọc có lợi cho ngành mình. Dư luận cho rằng tình trạng này tiếp tục tồn tại ở kỳ họp thứ 9, có trưởng đoàn đại biểu Quốc hội cho biết ông đã phát hiện một phiên thảo luận có tới bốn bài của bốn đại biểu đọc trong đó có những đoạn giống y hệt nhau. Xin hỏi với vai trò trưởng đoàn thư ký kỳ họp, ông đánh giá như thế nào về tình trạng vận động hành lang thiếu lành mạnh trong hoạt động của Quốc hội? Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hành động gì để ngăn ngừa tình trạng này, để đảm bảo các quyết định của Quốc hội không bị chi phối bởi những nhóm lợi ích?”. Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng việc phát biểu như thế nào trước hết là quyền của mỗi đại biểu Quốc hội. Có thể có một vài đại biểu phát biểu ca ngợi ngành này hoặc có lợi cho ngành kia, nhưng qua hoạt động của bộ, ngành đó thì cử tri, nhân dân sẽ có đánh giá tổng thể và đánh giá trên từng công việc. “Sự đánh giá của cử tri đối với từng ngành, lĩnh vực, với từng tư lệnh ngành mới là thước đo chính xác nhất. Tôi nghĩ là một vài ý kiến của đại biểu không ảnh hưởng đến đánh giá của nhân dân” - ông Phúc nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận