29/07/2020 08:22 GMT+7

Hôm nay đón 120 bệnh nhân COVID-19: Rưng rưng 3 miền cảm xúc

LAN ANH - DOÃN HÒA
LAN ANH - DOÃN HÒA

TTO - Guinea Xích Đạo xa xôi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và quê nhà của những công nhân xa xứ đang hòa chung một cảm xúc rưng rưng: hôm nay, 120 công dân Việt Nam nhiễm COVID-19 nơi xứ người sẽ về đến quê hương.

Hôm nay đón 120 bệnh nhân COVID-19: Rưng rưng 3 miền cảm xúc - Ảnh 1.

Sáng 28-7, y bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới trung ương mang nhiều thiết bị lên máy bay để chăm sóc bệnh nhân trên chuyến bay trở về - Ảnh: T.ĐẶNG

Dự kiến chiều nay (giờ Việt Nam), chuyến bay từ Guinea Xích Đạo sẽ về nước với 219 công dân, là công nhân và quản lý người Việt Nam đang làm việc tại nước bạn.

Y bác sĩ sẵn sàng "cấm trại" lần nữa...

Từ nhiều ngày trước, khi thông tin những người Việt ở Guinea Xích Đạo nhiễm COVID-19 với số lượng lớn, Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Ngoại giao, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã họp bàn nhiều cuộc. Ban đầu, do thủ tục đăng ký chuyến bay quốc tế khó khăn, từng có lo ngại chuyến bay này chỉ có thể khởi hành vào đầu tháng 8. Chưa kể có tới 4 phương án được đặt ra để làm sao vận chuyển 120 người bệnh và những người còn khỏe mà không làm lây lan bệnh dịch.

Nhưng với sự nỗ lực của cơ quan ngoại giao, chuyến bay đã khởi hành sáng 28-7, với 2 tổ bay, 4 y bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Thậm chí ngay trước khi máy bay khởi hành vài giờ, đã có thông tin chuyến bay bị hoãn vì sân bay nước bạn từ chối phục vụ dịch vụ mặt đất do chuyến bay có bệnh nhân COVID-19.

"Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng và sắp xếp bệnh nhân dương tính vào 3 khoa gồm: ký sinh trùng, nội và nhiễm khuẩn tổng hợp, tùy tính chất và tình hình bệnh nhân để chuyển bệnh nhân sang khoa cấp cứu hoặc hồi sức tích cực nếu cần thiết. Chúng tôi đã chuyển, cho ra viện toàn bộ bệnh nhân các bệnh khác còn lại tại bệnh viện trước khi đón bệnh nhân về" - bác sĩ Thân Mạnh Hùng, phó trưởng khoa cấp cứu, 1 trong 4 người tháp tùng chuyến bay, chia sẻ.

Và vài ngày trước, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương Phạm Ngọc Thạch đã chuẩn bị phương án "cấm trại" trở lại khi bệnh viện có thêm 120 bệnh nhân mới. Những "người bệnh viện nhiệt đới" đã sống, làm việc hoàn toàn ở bệnh viện từ cuối tháng 1 đến tháng 4 mới được trở về nhà. Trong thời gian ấy, bệnh nhân lần lượt được ra viện, kể cả những người bệnh nặng nhất, nhưng y bác sĩ vẫn ở lại vì vẫn còn bệnh nhân.

Và lần này, họ lại chuẩn bị quần áo, đồ dùng cá nhân để quay lại bệnh viện cấm trại một lần nữa. Trước mùa dịch này, chẳng ai nghĩ đây là một thời khắc đặc biệt với bệnh viện, với từng cá nhân y bác sĩ, với từng người trong chúng ta. Nhưng những ngày đã qua là những ngày đặc biệt sẽ được ghi vào lịch sử Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, một bệnh viện rất trẻ (trước đây trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai), bởi khi mọi người được về nhà để "giãn cách xã hội", các bác sĩ nhiệt đới lại "ra trận"...

Hôm nay đón 120 bệnh nhân COVID-19: Rưng rưng 3 miền cảm xúc - Ảnh 2.

Một gia đình ở huyện Yên Thành, Nghệ An đang chờ ngày người thân ở Guinea Xích Đạo trở về - Ảnh: D.HÒA

Khắc khoải chờ những người thân yêu

Niềm vui mừng khôn tả xen lẫn nỗi chờ mong - đó là tâm trạng chung của nhiều gia đình ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) có con em mắc COVID-19 khi làm việc tại Guinea Xích Đạo. Những người mẹ già, vợ trẻ và con thơ đang đếm ngược từng giờ chờ người thân hồi hương điều trị COVID-19.

Sáng 28-7, khi chuyến bay đặc biệt từ Việt Nam lên đường đi Guinea Xích Đạo đón công dân Việt Nam về nước, gia đình bà Phan Thị Lê (60 tuổi, ngụ xã Hợp Thành, huyện Yên Thành) như vỡ òa hạnh phúc. Bởi lẽ trên chuyến bay này khi trở về có hai người con bà Lê đều mắc COVID-19.

Bà Lê kể cuộc sống vùng nông thôn khó khăn, đầu tháng 10-2019, hai con trai bà Lê là anh Nguyễn Xuân Tạo (33 tuổi) cùng em trai qua Guinea Xích Đạo làm công nhân, do một công ty có trụ sở ở Hà Nội đưa đi. Hợp đồng lao động 18 tháng. Anh em Tạo là công nhân xây dựng tại Nhà máy thủy điện Sendje, tỉnh Littorial (Guinea Xích Đạo), lương mỗi tháng trên 15 triệu đồng. Cuối tháng 6, khi con trai điện về thông báo cả hai đều bị nhiễm COVID-19, cả gia đình bà Lê như ngồi trên đống lửa.

Qua những cuộc điện thoại liên lạc ngắn ngủi, bà Lê vơi bớt nỗi âu lo khi hai con báo tin được chính quyền nước sở tại đưa tới bệnh viện chữa trị, sức khỏe dần ổn định. Từ ngày nhận tin Thủ tướng chỉ đạo tổ chức chuyến bay đưa công dân từ Guinea Xích Đạo về nước, gia đình bà Lê như vơi bớt nỗi âu lo hơn. "Gia đình chúng tôi đang đếm lùi từng ngày, từng giờ các con về nước chữa bệnh" - bà Lê xúc động nói.

Trong căn ngôi nhà cấp bốn cuối làng, chị Hồ Thị Phương (28 tuổi, ngụ xã Lăng Thành, Yên Thành) cũng chật ních người vào ra hỏi thăm, động viên gia đình bình tĩnh chờ đợi ngày chồng chị trở về nước chữa bệnh. Anh Nguyễn Bá Du (28 tuổi, chồng chị Phương) là 1 trong số 120 người mắc COVID-19.

Nhiều đêm thức trắng khóc cạn nước mắt, chị Phương từng nghĩ tới chuyện xấu nhất là chồng phải bỏ mạng ở xứ người, rồi làm sao đưa được thi thể về, mấy đứa nhỏ rồi nương tựa vào ai. "Tôi rất xúc động bởi qua báo đài tôi biết đội ngũ y tế, tổ bay do Chính phủ cử sang hỗ trợ đón những người lao động mắc COVID-19 trở về nước điều trị, đảm bảo sức khỏe của công dân Việt Nam" - chị Phương bày tỏ.

Đêm cuối ở Guinea Xích Đạo: không ngủ được!

Khoảng 15h30 ngày 28-7 (giờ Việt Nam), Trương Văn Tiên (40 tuổi, quê Thanh Hóa), một công nhân Việt Nam làm tại công trường xây dựng Thủy điện Sendje ở Guinea Xích Đạo, chat với Tuổi Trẻ từ công trường: "Anh em bên này vui lắm. Tối qua vui mừng thấp thỏm đến nỗi không ai ngủ được". Tiên cho biết hành lý mọi người đã sắp xếp xong và các anh em tại công trường đang đếm từng phút chờ xe đến đón.

Qua báo chí và thông báo của công ty, các anh em công nhân đã biết tin máy bay sắp đến Guinea Xích Đạo. Những dung lượng data cuối cùng trên sim điện thoại được mọi người chắt chiu để dành liên lạc với gia đình thông báo niềm vui trước giờ lên đường.

Anh Phạm Ngọc Hoài (27 tuổi, cùng quê Thanh Hóa), bệnh nhân COVID-19 Tuổi Trẻ từng phỏng vấn, cũng không giấu được niềm vui. Những ngày lo lắng đã ở lại phía sau. Hoài cho biết khi về Việt Nam anh sẽ ở nhà buôn bán. Hoài có nghề trồng hoa lan, ngoài ra cũng mày mò buôn bán đồ ăn qua mạng, về nhà sẽ cùng gia đình rau cháo bên nhau cũng được. Chừng nào con đi mẫu giáo, anh lại lên Hà Nội làm nghề hàn ống cứu hỏa.

HỒNG VÂN

Công nhân Việt ở Guinea Xích đạo, Uzbekistan: Mong từng ngày được về nước Công nhân Việt ở Guinea Xích đạo, Uzbekistan: Mong từng ngày được về nước

TTO - Theo phương án của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao vừa gửi Cục Hàng không Việt Nam và các cơ quan liên quan, chuyến bay dự kiến chở 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích Đạo sẽ về nước vào trưa 29-7.

LAN ANH - DOÃN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên