06/10/2023 10:04 GMT+7

Hôm nay của bạn hãy tốt hơn hôm qua

Năm học mới vừa bắt đầu chưa lâu, sẽ có những bạn thấy đuối do chuyển cấp hoặc chưa quen với môi trường học mới, thậm chí việc học có thể kém hiệu quả.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa chọn tập luyện thể thao, chạy bộ thường xuyên để có cuộc sống cân bằng - Ảnh: MINK

Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa chọn tập luyện thể thao, chạy bộ thường xuyên để có cuộc sống cân bằng - Ảnh: MINK

Tôi nghĩ cuộc sống của mỗi người trẻ khi có mục tiêu rõ ràng, mỗi ngày học được một điều mới so với hôm trước, tương lai sẽ luôn tích cực. Đừng để mình phải sống trong cảm giác quá lo lắng vì những thiệt hại nào đó.

Bác sĩ NGUYỄN TRUNG NGHĨA

TikToker "triệu like", bác sĩ chuyên khoa I tâm lý tâm thần Nguyễn Trung Nghĩa cùng chia sẻ quanh chủ đề này, thêm gợi ý cho các bạn học sinh, sinh viên. Anh nói:

- Tôi thường liệt kê các hoạt động của tuần tiếp theo vào ngày cuối tuần để có thể sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các công việc quan trọng, cấp thiết cần giải quyết ngay. Khoảng thời gian trống chính là chỗ điền vào những việc ít quan trọng hơn.

Việc sắp xếp trước thời gian cho cả tuần giúp tôi không mất tập trung, không ảnh hưởng guồng xoay công việc khi vào tuần mới.

* Không dễ để ai cũng có thể sắp xếp trước những việc sẽ làm, định làm!

- Tôi thấy nhiều bạn trẻ có thói quen thức đêm, khá nhiều bạn học sinh, sinh viên vẫn thường chọn thức khuya để học xong mới đi ngủ, một số khác lại "nước đến chân mới nhảy" mỗi khi kỳ thi đến.

Cá nhân tôi cho rằng các lựa chọn này đều không ổn. Bất cứ thứ gì không được chuẩn bị tốt, chẳng được phân bổ đều đặn trong thời gian dài đều phản khoa học, khó giúp chúng ta tiếp thu một cách bền vững và hiệu quả.

* Nhưng nhiều bạn lại thấy thức khuya làm việc, học hành khá hiệu quả, anh thấy sao?

- Việc thức khuya sẽ khiến chúng ta giảm năng lực tập trung giải quyết vấn đề vào ngày kế tiếp.

Nếu chỉ là thức khuya và dồn sức học trong một đêm cũng không đáng lo nhưng chúng ta đều phải đối mặt với nhiều kỳ thi liên tục, vậy rồi cứ thức khuya hoài?

Khi điều này lặp đi lặp lại sẽ làm suy kiệt hệ thần kinh và dần làm khả năng ghi nhớ, phản xạ cũng sẽ đi xuống, kết quả học tập cũng đi xuống theo.

Đồng thời việc thức khuya, thiếu ngủ cũng dẫn đến những rối loạn về lo âu, trầm cảm.

Vậy giải pháp là gì? Trong trường hợp này, việc cần làm là chia kiến thức ra để học, mỗi lần chúng ta học một ít và thường xuyên ôn tập kiến thức cũ.

Giải pháp này ai cũng biết nhưng thử thách chính là ít người có đủ tính kỷ luật để tự rèn cho mình. Trong cuốn sách nổi tiếng Atomic Habits (tạm dịch: Thói quen nguyên tử) có một số điều khá thú vị và hiệu quả về việc này mà ai quan tâm có thể tham khảo.

* Anh có lúc nào bị "burnout" hoặc chán nản vì kết quả không như mong muốn? Cách nào để anh "lên dây cót" với chính mình?

- Tôi cũng có những lúc gần bị burnout (hội chứng "cháy sạch" năng lượng, mất hứng thú với công việc) hoặc chán nản khi không như kỳ vọng.

Tôi cho rằng burnout xảy ra khi người ta cạn kiệt năng lượng về thể chất lẫn tinh thần cho một công việc nào đó mang tính liên tục, cũng có khi do chúng ta không tìm thấy ý nghĩa trong công việc đó.

Tôi nói "gần bị" vì luôn quan sát chính mình và luôn tự hỏi mình có đang stress hay không, nếu có đang ở mức độ nào? Khi nhận ra rằng đã chạm ngưỡng giới hạn đề ra, tôi sẽ nghỉ ngơi, thư giãn. Đó có thể là năm phút hít thở sâu sau 30 phút làm việc, đi dạo một vòng sau 45 phút làm việc...

Cuối tuần tôi tự thưởng bản thân những khoảng thời gian yên tĩnh chẳng làm gì hết hoặc ngồi trò chuyện cùng người thương, đọc sách, ngồi thiền, lắng nghe tiếng chim hót, tìm về thiên nhiên...

Đôi khi chúng ta sẽ rất sợ ngừng lại vì guồng xoay công việc, học hành nhưng thật ra hậu quả của nó thường không quá nghiêm trọng như chúng ta nghĩ. Điều quan trọng hơn cần nghĩ đến là lợi ích dài hạn, liệu chúng ta có đủ sức khỏe, năng lượng để đi được lâu dài, bền vững không!

* Từ góc độ chuyên môn, sức khỏe thể chất với tinh thần, việc học liên quan với nhau như thế nào, thưa bác sĩ?

- Khi chúng ta vận động thể chất, điều này sẽ tốt cho não bộ, hệ thần kinh hay nói cách khác là sức khỏe tinh thần. Việc vận động thể chất cần tập luyện từ sớm để tạo đà, thói quen và giúp cơ bắp, xương khớp, tim mạch lẫn não bộ hoạt động hiệu quả, bền bỉ.

Không ít bạn nghĩ còn trẻ là còn khỏe, chừng nào lớn tuổi hay có vấn đề về sức khỏe mới cần tăng cường vận động.

Điều này không nên bởi khi sức khỏe bị phung phí, suy giảm, chúng ta sẽ gặp hạn chế khi lựa chọn môn thể thao để luyện tập, hoặc có tập cũng khó đạt hiệu quả tối đa nếu không muốn nói rằng lại dễ chấn thương. Việc tập thể thao nên làm càng sớm, càng đều đặn càng tốt.

Gen Z đi làm không thích ngôn từ gò bó, không ngại "bật" sếpGen Z đi làm không thích ngôn từ gò bó, không ngại 'bật' sếp

Gen Z được cho là đang 'phá vỡ quy chuẩn' nơi công sở với nhiều đòi hỏi nhưng cũng tạo được thay đổi tích cực.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên