Ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - đánh trống khai giảng năm học 2021-2022 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đây là lễ khai giảng năm học vô cùng đặc biệt, diễn ra trong bối cảnh nhiều địa phương phải gồng mình chống dịch COVID-19 nên cách thức tổ chức linh hoạt, tùy theo tình hình thực tế ở từng địa phương.
TP.HCM: Mặc niệm tưởng nhớ nạn nhân mất vì COVID-19 trong lễ khai giảng
Sáng 5-9, TP.HCM tổ chức lễ khai giảng đặc biệt năm học 2021-2022 tại điểm Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5).
Buổi lễ có sự tham dự của ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM; ông Dương Anh Đức -phó chủ tịch, lãnh đạo Sở GD-ĐT… thầy cô giáo và đại diện 10 học sinh cho 3 khối lớp của trường.
Sau lễ chào cờ, mọi người đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ nạn nhân mất vì đại dịch COVID-19.
Học sinh dành phút mặc niệm nạn nhân qua đời vì COVID-19 trong buổi lễ khai giảng năm học mới - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Phan Văn Mãi cho biết TP dự định tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho nhà giáo, các bộ nhân viên nhà trường trước ngày 20-11 và đề xuất Bộ Y tế tiêm cho học sinh 12 -18 tuổi.
"Cùng nhau, chúng ta sẽ bù lại cho các em, các cháu một ngày đến trường đúng nghĩa"
Sáng 5-9, dự lễ khai trương Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm 5G thuộc Học viện Quân y điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng tại quận 6 (TP.HCM), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: "Hôm nay tôi có những cảm xúc rất đặc biệt.
Bình thường ngày này những năm gần đây, thường giờ này, tôi thường lặng lẽ đến các trường học để chứng kiến bố mẹ, ông bà đưa các cháu nhỏ đến trường, chứng kiến các cháu nhỏ nô nức, háo hức, kể cả những cháu nhỏ xíu lần đầu đến trường còn sợ, còn khóc.
Chúng ta đến đấy để thấy rằng đất nước, ngành giáo dục còn nhiều khó khăn, nhưng tương lai thì rạng ngời ở phía trước.
Ngày hôm nay, chúng ta ngồi ở đây, tôi ở đây không phải trong không khí tưng bừng mà tất cả đều rất trang nghiêm. Trong số các bác sĩ ngồi đây có những người cũng có con, có cháu mà lẽ ra hôm nay mình ở bên cạnh.
Rất nhiều tỉnh dù khai giảng nhưng trẻ em cũng chưa thể đến trường. Chúng ta phải cùng nhau sao cho dịch bệnh ở TP và một số khu vực lân cận sớm được kiểm soát. Chúng ta phải cùng nhau tự hứa sẽ bù lại cho các em, các cháu một ngày đến trường đúng nghĩa.
Chúng ta cũng phải cùng nhau tự hứa ở những tỉnh, những địa bàn hiện nay còn khống chế, kiểm soát được dịch, trẻ em còn được đến trường phải cố gắng giữ thành quả.
Ở những nơi trẻ em chưa thể đến trường, phải tạo điều kiện tốt nhất dù qua mạng, qua truyền hình, dù qua các phiếu học tập để các em các con các cháu được học hành thật tốt. Hơn hết chúng ta phải cùng nhau tự hứa rằng ngay ở địa bàn TP này chúng ta đã và sẽ tiếp tục nỗ lực bảo vệ cho các thầy cô giáo và các cháu học sinh".
Lắng lại một chút, ông Đam tiếp lời: "Tại bệnh viện này, rất có thể ngày mai, thậm chí ngày hôm nay sẽ có những bệnh nhân là thầy giáo cô giáo và thậm chí học sinh. Tất cả chúng ta, hơn lúc nào hết, khi lực lượng quân đội không chỉ bảo vệ tổ quốc mà còn đến tận khu phố, ngõ xóm để chăm sóc, mang đồ ăn thức uống cho mọi người.
Tôi mong rằng, toàn xã hội, tất cả các lực lượng, dù là công hay tư, chúng ta phải bước qua tất cả những ràng buộc, kể cả cơ chế, kể cả trong suy nghĩ để làm sao kiểm soát, dập được dịch, sớm nhất đem lại cuộc sống bình thường mới cho nhân dân. Và như tôi đã nói, để trẻ em sớm được quay lại trường học".
Phó thủ tướng gửi lời cảm ơn các tướng lĩnh quân đội, chiến sĩ và các lực lượng, cảm ơn các thầy thuốc và các lực lượng đang tiếp tục quên mình để chống dịch.
TIẾN LONG
Vĩnh Long lên 3 phương án dạy và học
Sáng 5-9, Sở GD-ĐT Vĩnh Long đã phối hợp tổ chức lễ khai giảng tại điểm trường THPT Lưu Văn Liệt (TP Vĩnh Long) và được phát trực tiếp trên truyền hình để tạo không khí năm học mới.
"Trước khi bước vào ngày học đầu tiên, UBND các huyện, thị, thành sẽ tiến hành bàn giao, khử khuẩn 62 cơ sở giáo dục trưng dụng làm điểm cách ly. Đồng thời quyết định các khu vực vùng an toàn và vùng có nguy cơ dịch bệnh. Từ cơ sở đó, ngành giáo dục sẽ áp dụng hình thức dạy và học.
Tỉnh Vĩnh Long khai giảng phát trực tiếp trên sóng truyền hình - Ảnh: ĐỖ Ý LY
Nếu vùng an toàn thì học sinh đến trường bình thường và địa phương sẽ đảm bảo công tác phòng chống dịch, nếu là vùng có nguy cơ thì ngành sẽ tổ chức phương án học trực tuyến, hoặc thông qua các kênh học tập thông qua tổ, nhóm… có sự giám sát, hướng dẫn của giáo viên.
Còn nếu xảy ra tình huống bất ngờ, ngành giáo dục sẽ chuyển trạng thái qua phương án dạy và học khác nhau cho phù hợp. Sở GD-ĐT đã xây dựng tổng cộng 3 phương án", bà Trương Thanh Nhuận - giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long - thông tin.
CHÍ HẠNH
Hơn 250.000 học sinh TP Cần Thơ vui vẻ đón chào năm học mới online
Sáng 5-9, hơn 250.000 học sinh và thầy cô ở các điểm trường TP Cần Thơ vui vẻ dự lễ khải giảng trực tuyến trên nền tảng Youtube để đón chào năm học 2021-2022.
Bà Nguyễn Thị Như Ngọc, phụ huynh học sinh ở phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, cho biết 2 con bà rất háo hức chờ lễ khai giảng "đặc biệt" này. Mới 6h sáng, 2 bé đã ăn mặc gọn gàng chờ chào đón năm học mới.
"Tuy xem qua màn hình nhưng tui thấy lễ khai giảng cũng trang trọng và ấm áp lắm. Mấy con tui cũng háo hức đứng xếp hàng ngay ngắn chào đón năm học đặc biệt này", bà Ngọc nói.
Ông Phạm Văn Hiểu, phó bí thư thường trực Thành ủy Cần Thơ, đánh trống khai trường - Ảnh: CHÍ CÔNG
Thầy Nguyễn Hữu Định, hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai (huyện Thới Lai), cho hay năm học mới này ở trường có khoảng 1.887 em học sinh (tổng số khối 10,11 và 12). Và với số lượng học sinh đông đúc này, nhà trường cũng đã triển khai đến thầy cô thông báo đến phụ huynh và lập group online cho các em học sinh.
"Thầy cô, phụ huynh và các em học sinh ở trường cũng đã sẵn sàng tham gia và ngày 6-9 các em sẽ chính thức vào học", thầy Định thông tin.
Ông Dương Tấn Hiển, phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, kiêm giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho biết thành phố sẽ có chính sách hỗ trợ, miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí, hỗ trợ kịp thời sách giáo khoa đối với các em học sinh, học viên có hoàn cảnh khó khăn và tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "lạm thu" đầu năm học...
CHÍ CÔNG
Phụ huynh đưa hai em học sinh vào lớp 1 đến dự lễ khai giảng tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, TP Vinh sáng 5-9 - Ảnh: DOÃN HÒA
Tại Hà Tĩnh, lễ khai giảng được được tổ chức vào 7h sáng nay tại Trường THCS Lê Văn Thiêm (TP Hà Tĩnh) và được truyền hình trực tiếp để học sinh toàn tỉnh theo dõi. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Lê Văn Thiêm tham dự lễ khai giảng năm học mới - Ảnh: LÊ MINH
Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Sơn Kiên, Hòn Đất (Kiên Giang) khai giảng qua truyền hình - Ảnh: THU HƯƠNG
Hải Phòng khai giảng trong mưa dông
Mặc cho mưa dông kéo dài từ rạng sáng 5-9, hàng ngàn học sinh dự lễ khai giảng tập trung ở TP Hải Phòng vẫn háo hức tới trường dự khai giảng năm học mới.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, mặc dù mưa lớn gây ngập úng cục bộ tại một số tuyến phố nhưng học sinh khối 6 và 10 cũng như học sinh mầm non lớp 5 tuổi trên địa bàn TP Hải Phòng vẫn háo hức đến trường dự lễ khai giảng.
Chương trình lễ khai giảng được các trường quán triệt, thực hiện đúng theo chỉ đạo của UBND TP là ngắn gọn, không quá 35 phút và được thực hiện từ khoảng 7h20 cùng ngày.
Các nhà trường tổ chức khai giảng tập trung đối với khối lớp 1, lớp 6, lớp 10 và các khối lớp còn lại tổ chức cho học sinh dự khai giảng bằng hình thức trực tuyến tại nhà.
Chương trình khai giảng năm học mới diễn ra ngắn gọn song vẫn đảm bảo trang nghiêm - Ảnh: TIẾN THẮNG
Theo kế hoạch, do công tác kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn đang thực hiện hiệu quả nên sau lễ khai giảng năm học mới, các nhà trường, cơ sở giáo dục, trung tâm và đơn vị liên quan sẽ hoạt động trở lại từ ngày 6-9.
TIẾN THẮNG
Phú Thọ: Trừ học sinh đầu cấp, mỗi lớp không quá 5 học sinh
Tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ khai giảng năm học 2021 - 2022 gọn nhẹ, không mời đại biểu lãnh đạo các cấp dự. Thành phần tổ chức gồm cán bộ quản lý, giáo viên, 100% học sinh đầu cấp và các khối lớp còn lại không quá 5 học sinh/lớp
Học sinh lớp 1 trường tiểu học Tân Dân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ dự lễ khai giảng sáng 5-9 - Ảnh: VĨNH HÀ
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ Nguyễn Văn Mạnh cho biết từ ngày 1-9, học sinh các cấp ở tỉnh đã tựu trường (trừ các trường ở huyện Thanh Thủy tựu trường ngày 4-9). Với khoảng 600 học sinh hiện đang lưu trú tại các tỉnh, thành phố đã không kịp trở về địa phương, tỉnh đã có văn bản đề nghị các cơ sở giáo dục ở các tỉnh, thành phố tiếp nhận, tạo điều kiện cho các em học tập năm học 2021-2022.
Đối với việc tổ chức học, tỉnh yêu cầu tạm thời không tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tập trung toàn trường (chào cờ, thể dục giữa giờ, các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm...). Tranh thủ tối đa thời gian dạy học trực tiếp những nội dung kiến thức theo Khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022.
Lễ khai giảng tại trường tiểu học Tân Dân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ - Video: VĨNH HÀ
Theo kế hoạch tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh, tỉnh lên 5 kịch bản dạy học. Nếu không có ca mắc sẽ tổ chức dạy học bình thường. Hạn chế tổ chức các hoạt động có sự tập trung đông người; tạm dừng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các cuộc thi, hội thi, giao lưu, học tập kinh nghiệm... Nếu dịch ở mức độ từ trung bình đến rất cao sẽ tạm dừng đến trường và tổ chức dạy học trực tuyến.
CHÍ TUỆ
Đà Nẵng: Cô hiệu trưởng được xe công an chở đi khai giảng
Lễ khai giảng tại trường chỉ có cô hiệu trưởng, cô cấp dưỡng và bác bảo vệ - Ảnh: Đ.C
Lễ khai giảng năm học mới sáng 5-9 tại Đà Nẵng diễn ra thật đặc biệt. Thành phố vẫn đang thực hiện các biện pháp mạnh để phòng, chống dịch nên lễ khai giảng được tổ chức online.
Sáng nay, cô Nguyễn Quốc Thư Trâm - hiệu trưởng Trường mầm non Bình Minh (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng) có mặt tại trường để làm lễ khai giảng online. Mấy chục năm làm giáo viên, có lẽ đây là buổi lễ khai giảng đáng nhớ nhất của cô Trâm. Việc đi lại của người dân thành phố hiện vẫn đang bị hạn chế. Cô Trâm đã được lực lượng công an phường lấy xe chuyên dụng để đưa tới nơi làm lễ khai giảng.
Buổi khai giảng năm học mới, ngoài cô Trâm còn có 1 cô cấp dưỡng và bác bảo vệ. "Năm trước cũng do ảnh hưởng của dịch nên khai giảng online nhưng có đầy đủ các cô đi dự, năm nay chỉ có cô hiệu trưởng, cô cấp dưỡng và bác bảo vệ", cô Trâm chia sẻ. Tất cả giáo viên của trường mặc áo dài và dự khai giảng online. Lãnh đạo UBND phường Thuận Phước (quận Hải Châu) cũng đã ghé thăm động viên nhà trường.
Ông Trương Thanh Dũng - phó chủ tịch UBND quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho biết đây là năm học thứ 2 các trường học tổ chức khai giảng online. Tuy nhiên năm nay còn đặc biệt hơn vì mọi sự chuẩn bị không được diễn ra tại nhà trường do toàn thành phố đang thực hiện phong tỏa cứng.
Bước vào năm học mới trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, toàn quận hiện có 5 trường tiểu học được dùng làm khu cách ly. Song khắc phục mọi khó khăn, cùng với kinh nghiệm của năm học trước, các trường cũng đã chủ động chuẩn bị tốt cho lễ khai giảng 5-9.
Lần thứ 2 lễ khai giảng của học sinh Đà Nẵng phải dự online do ảnh hưởng của dịch - Ảnh: Đ.C
"Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới, lãnh đạo quận đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn từ ý kiến của các trường; động viên thầy trò toàn ngành khắc phục khó khăn để bước vào năm học mới và thực hiện tốt 2 nhiệm vụ là chiến thắng dịch bệnh và hoàn thành nhiệm vụ giáo dục đề ra", ông Dũng chia sẻ.
ĐOÀN CƯỜNG
Đắk Nông: Lễ khai giảng ngắn gọn trong 30 phút
Sáng 5-9, hơn 180.000 học sinh ở Đắk Nông dự lễ khai giảng năm học 2021-2022. Phần lớn học sinh ở các huyện dự lễ khai giảng trực tiếp tại trường. Tuy nhiên số học sinh dự lễ khai giảng trên sân trường chỉ hạn chế không quá 100 em. Số học sinh còn lại dự khai giảng và nghe thư của Chủ tịch nước trong lớp học.
Sáng 5-9, hơn 180.000 học sinh ở Đắk Nông dự lễ khai giảng năm học 2021-2022 - Ảnh: DƯƠNG PHONG
Tại trường Tiểu học Bế Văn Đàn, xã Quảng Hòa, Đắk Glong, sáng nay hơn 450 học sinh đã đến trường khai giảng. Ngay khi đến trường các em phải vào lớp ổn định chỗ ngồi, nghe giáo viên phổ biến nội dung năm học mới.
Toàn bộ lễ khai giảng của trường chỉ diễn ra trong vỏn vẹn 30 phút. Ngay sau khi kết thúc lễ, nhà trường tổ chức cho phụ huynh đón các em về ngay, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Tại huyện Cư Jút, địa phương đang giãn cách theo chỉ thị 16, các trường phải lùi lễ khai giảng và ngày bắt đầu năm học mới từ 13-20 ngày. Các trường được lên kế hoạch khai giảng theo 3 phương án. Toàn huyện có thể sẽ tựu trường vào ngày 8-9 nếu dịch còn phức tạp hơn có thể vào ngày 15-9.
ĐÌNH CƯƠNG
* Sáng 5-9, lễ khai giảng năm học mới tại tỉnh Bình Định được tổ chức theo hình thức truyền hình trực tiếp. Tại nơi diễn ra lễ khai giảng - Trung tâm hội nghị tỉnh Bình Định (TP Quy Nhơn), các thầy cô giáo, học sinh được sắp xếp chỗ ngồi đúng khoảng cách quy định an toàn phòng chống dịch. Trước khi tham dự buổi lễ, mọi người được kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn cẩn thận.
Về thời gian đến trường, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu phải phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19 tại địa phương để đảm bảo an toàn tuyệt đối sức khỏe cho cán bộ, giáo viên, học sinh.
Quang cảnh buổi khai giảng tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bình Định - Ảnh: LÂM THIÊN
Cụ thể, dự kiến thời gian đến trường của học sinh các huyện Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn là từ ngày 6-9.
Học sinh TP Quy Nhơn, thị xã Hoài Nhơn và các huyện Tuy Phước, Phù Mỹ, Hoài Ân đến trường từ ngày 13-9. Học sinh tại thị xã An Nhơn, huyện Phù Cát đến trường từ ngày 20-9.
Riêng bậc học mầm non và các hệ giáo dục thường xuyên, thời gian học sinh đến trường là ngày 20-9 hoặc có thể muộn hơn tùy theo diễn biến tình hình dịch COVID-19.
* Ngày 5-9, Sở GD-ĐT tỉnh An Giang tổ chức khai giảng năm học 2021-2022 trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang tại điểm cầu trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu, TP Long Xuyên.
Theo kế hoạch, từ ngày mai 6-9, các trường trên địa bàn tỉnh An Giang sẽ tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh khối 9 và 12 trước. Đến ngày 15-9, tùy theo tình hình dịch bệnh các địa phương ra sao sẽ có cách dạy trực tiếp hay chia đôi hoặc phải học trực tuyến tiếp tục.
Các em học sinh huyện Tịnh Biên "khai giảng" năm học mới qua sóng truyền hình trực tiếp - Ảnh: BỬU ĐẤU
Thầy Lê Đỗ Huy - hiệu trưởng Trường THPT chuyên Thủ Khoa Nghĩa, TP Châu Đốc - cho biết việc dạy trực tuyến là tình huống "bất khả kháng" cho học sinh. Bởi mô hình này phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tự học của học sinh.
"Dạy trực tuyến cho học sinh nếu thầy cô nhiệt huyết cách mấy đi nữa mà học sinh không có ý thức tự học thì rất khó, đó là chưa kể đến chất lượng giảng dạy và học tập làm sao bằng học trực tiếp. Nếu chia lớp học ra cho khối 12 và lớp 9 thì các trường có thể đảm bảo, còn chia lớp hết các khối thì không thể nào đáp ứng được", ông Huy nói.
BỬU ĐẤU
Hà Nội: Đón năm học mới theo cách riêng
Năm học 2021-2022, Hà Nội có 2,1 triệu học sinh các cấp. Lễ khai giảng năm học mới được tổ chức chung tại trường THCS Trưng Vương với số người tham dự rất hạn chế và truyền hình trực tiếp sóng Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội và trên các nền tảng trực tuyến.
Sau phần "tiếp sóng" lễ khai giảng chung, nhiều trường học đã chuẩn bị chương trình đón năm học mới theo cách riêng bằng hình thức trực tuyến, vừa đảm bảo quy định phòng dịch nhưng vẫn kết nối để khích lệ tinh thần giáo viên, học sinh.
Chính hoàn cảnh đặc biệt và nỗ lực của các nhà trường cho ngày đầu tiên năm học đã mang lại những cảm xúc khó quên cho giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh.
Cô bé Phương Nhi, học sinh lớp 1 trường tiểu học Nguyễn Siêu (Hà Nội) diện bộ cánh đẹp đón chào năm học mới ở một góc phòng được bố mẹ trang trí cờ hoa - Ảnh: PHCC
Nhiều cô giáo chủ nhiệm lớp 1 trường tiểu học Nguyễn Siêu đã rưng rưng khi nhận những bức ảnh, clip của chính cha mẹ học sinh gửi đến. Dịch COVID-19 ập đến và cả thành phố thực hiện giãn cách trong nhiều ngày nên học sinh lớp 1 chưa kịp mua đồng phục. Ngày khai giảng, bố mẹ tự sắm cho con áo sơ mi trắng để diện. Có bé được mẹ giúp làm hoa giấy, dán cờ để vẫy chào, mặc dù chỉ được theo dõi lễ khai giảng qua ti vi.
"Một số phụ huynh đã có sáng kiến trang trí góc phòng thật đẹp, có cờ, hoa để tạo không khí khai giảng năm học mới cho các con. Những bé lần đầu đi học đã lỡ cơ hội được dự cuộc đón học sinh lớp 1 tại trường nhưng lại được bố mẹ, cô giáo chuẩn bị một lễ đón cảm động", một cô giáo chủ nhiệm lớp 1 chia sẻ.
Một cậu bé lớp 1 của trường tiểu học Nguyễn Siêu được bố mẹ tập cho cách cầm cờ để "dự " lễ khai giảng trực tuyến - Ảnh: PHCC
Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) có một câu chuyện được kể bằng hình ảnh. Mỗi bức hình là gương mặt của cô giáo và học sinh với đủ trạng thái cảm xúc: vui nhộn, nhí nhố, xúc động đính kèm những lời nhắn gửi, ước mơ, hay những câu slogan rất "ngầu"
"Sẽ có thật nhiều kỷ niệm bên nhau và sẽ cố gắng cùng nhau đến bến cuối cùng của chuyến đò"
"Tôn trọng để hạnh phúc, tự trọng để thành công"
Đó là những lời nhắn gửi của học sinh cho nhau, của học sinh cho thầy, cô và của thầy cô cho học sinh của mình trong ngày khai giảng năm học mới. Không được "tay bắt mặt mừng" trong lễ khai giảng với nhiều hoạt động sôi nổi nhưng những hình ảnh, lời nhắn gửi từ các "siêu phẩm" do chính học sinh làm nên đã khiến lễ khai trường trực tuyến trở nên đáng nhớ theo cách riêng.
Một siêu phẩm nhí nhố và dễ thương nhân ngày khai trường của học sinh trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội)- Ảnh: HSCC
"Mong dịch bệnh qua mau để chúng con được đến trường" là lời ước cho một năm học đặc biệt nhất trong cuộc đời đi học của nhiều học sinh Hà Nội - Ảnh: HSCC
7h30 phút ngày 5-9, khi buổi lễ khai giảng năm học mới được ghi hình phát sóng trực tiếp trên đài truyền hình, nhiều trường học ở Hà Nội cũng nhắc học sinh mặc đồng phục hoặc trang phục chỉnh tề theo dõi qua ti vi hoặc nền tảng trực tuyến. Một số trường yêu cầu học sinh chào cờ, hát quốc ca để hòa vào không khí trang nghiêm chung đang được diễn ra trực tiếp tại trường.
Thầy, trò trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) hát quốc ca trong lễ khai giảng trực tuyến - Ảnh: THPT PHC
Và có những sân trường vắng bóng học sinh, nhưng trên sân khấu của buổi lễ khai giảng vẫn rộn ràng niềm vui. Đó là tất cả những gì mà các thầy cô giáo của nhiều trường học ở Hà Nội có thể làm để gửi đến học sinh những cảm xúc của một năm học dự báo nhiều khó khăn nhưng vẫn nhiều hy vọng.
Tiết mục văn nghệ trong lễ khai giảng năm học tại trường Nguyễn Siêu được biểu diễn trước sân trường vắng lặng và ghi hình cho học sinh thưởng thức trên nền tảng trực tuyến. Một khung cảnh khiến phụ huynh rưng rưng xúc động - Ảnh: TH NGUYỄN SIÊU
VĨNH HÀ
Phú Yên: Trường tổ chức khai giảng qua Facebook
Lễ khai giảng năm học 2021-2022 trực tuyến tại Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) - Video: DUY THANH
7h30 sáng nay, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) tổ chức khai giảng năm học mới trực tuyến qua trang Fanpage "Tuổi trẻ THPT Lương Văn Chánh" để toàn thể học sinh và phụ huynh, cựu học sinh trường ở trong cả nước, nước ngoài đều có thể theo dõi.
Tại hội trường của nhà trường, chỉ khoảng 10 thầy cô trong ban giám hiệu, đại diện phụ huynh học sinh tham dự, nhưng phần khánh tiết vẫn được chuẩn bị đầy đủ, trang trọng như một buổi lễ khai giảng chính thức thường niên.
"Chúc học sinh thân yêu của Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh một năm học mới đầy say mê, nhiều năng lượng và khao khát sáng tạo không ngừng. Hãy tin tưởng bằng tất cả trái tim và thực hiện với tất cả nghị lực và tâm huyết của mình", thầy Huỳnh Tấn Châu - hiệu trưởng trường, nhắn nhủ.
Cùng với thư của Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên gởi học sinh và thầy cô giáo, buổi khai giảng của Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh cũng phát đoạn clip của GS.TS Phan Thành Nam - cựu học sinh chuyên toán của trường, hiện đang nghiên cứu và giảng dạy tại Đức, người Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng của Hội Toán học châu Âu năm 2020.
GS Nam gởi gắm niềm tin, truyền cảm hứng học tập và sự nuôi dưỡng ước mơ đạt đến những tầm cao mới trong học vấn cho thế hệ học sinh hôm nay của Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh.
Năm học mới 2021-2022, toàn tỉnh Phú Yên có hơn 196.400 học sinh ở các cấp.
DUY THANH
Hơn 850.000 học sinh Nghệ An dự lễ khai giảng trực tuyến
Hai học sinh vào lớp 1 đại diện đến dự lễ khai giảng tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, TP Vinh, Nghệ An sáng 5-9 - Ảnh: DOÃN HÒA
8h sáng 5-9, hơn 850.000 học sinh Nghệ An sẽ dự lễ khai giảng năm học mới 2021-2022 trên sóng truyền hình, mạng xã hội. Buổi lễ khai giảng được tổ chức tại điểm Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, TP Vinh trong thời gian 30 phút.
Đây là một lễ khai giảng đặc biệt chưa từng có trong tiền lệ, bởi năm học này do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên toàn tỉnh Nghệ An chưa tổ chức học tập trung cho tất cả các cấp học.
Do 21 huyện, thành phố, thị xã ở Nghệ An đang giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 và 16.
Nghệ An cũng đang còn 508 trường phải sử dụng để làm khu cách ly tập trung trong đó có 292 trường mầm non, 138 trường tiểu học và 77 trường THCS và 1 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX.
Trước thềm năm học mới, Nghệ An cũng đang còn hàng chục học sinh và giáo viên phải điều trị tại các bệnh viện dã chiến; hàng trăm giáo viên, học sinh thuộc diện F1 và F2 đang phải cách ly tập trung hoặc giám sát tại nhà.
Ông Thái Văn Thành - giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết, việc tổ chức lễ khai giảng bằng hình thức trực tuyến sẽ giúp cho hơn 850.000 học sinh và hàng chục ngàn giáo viên tỉnh nhà được tham dự một lễ khai giảng đúng nghĩa. Qua đó, tạo động lực để toàn ngành vượt qua khó khăn, dịch bệnh về cố gắng để có một năm học thành công, đạt nhiều thành tích.
"Toàn tỉnh đã lên kế hoạch cho học sinh học online sau lễ khai giảng theo các cấp học ở từng khung giờ khác nhau trong ngày. Căn cứ diễn biến dịch bệnh, các trường có thể điều chỉnh dạy trực tiếp nếu trong điều kiện khống chế được dịch bệnh", ông Thành nói.
Chị Võ Hồng Nhung - 37 tuổi, ngụ xã Nghi Phú, TP Vinh đưa con tới dự lễ khai giảng tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - chia sẻ: "Cả đêm qua, hai mẹ con đều không ngủ được chỉ mong trời sáng để đến trường khai giảng. Do dịch bệnh nên việc cho con làm quen học online của con gặp khó khăn. Năm học mới, các phụ huynh chúng tôi chỉ mong dịch bệnh sớm được khống chế để các cháu có thể đến trường bình thường".
DOÃN HÒA
Lễ khai giảng đặc biệt của huyện vùng sâu
Do dịch COVID-19, toàn tỉnh Đắk Lắk lùi lịch học đến 15-9, không theo kế hoạch học trực tuyến sau lễ khai giảng như đã ban hành do nhiều vùng khó khăn. Tuy nhiên Lễ khai giảng - ngày toàn dân đưa con đến trường - vẫn được tổ chức trong không gian hẹp, phát trực tuyến hoặc qua loa phát thanh xã, phường.
Tại huyện biên giới Ea Súp, Đắk Lắk, để chuẩn bị cho lễ khai giảng đặc biệt, thầy cô giáo đã đi từng nhà để dặn dò.
Phủi nhanh đám bụi đất bám vào áo quần sau khi vừa cùng giáo viên đến từng thôn, phát lịch tổ chức khai giảng cho học sinh trở về, cô Đàm Thị Lâm - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường tiểu học Lê Hồng Phong, xã Cư K’bang (huyện Ea Súp) - chia sẻ năm học này nhà trường có hơn 900 học sinh. Trong đó hơn 98% là con em người dân tộc thiểu số.
Hầu hết giáo viên ở đây đã bám nắm và thuộc từng hoàn cảnh của học sinh, nên khó khăn đến mấy, thầy cô cũng sẽ đến hỗ trợ, giúp đỡ, động viên để gia đình cho các em đi học đầy đủ. Lẽ ra ngày mai ở đây vui lắm, tiếc là không thể làm khác được trong lúc dịch đang phức tạp.
Trường tiểu học Lê Hồng Phong (xã Cư Kbang, Ea Súp) chuẩn bị cho lễ khai giảng trực tuyến - Ảnh: TRUNG TÂN
"Chưa bao giờ ở giữa thời bình, tôi lại thấy một Lễ khai giảng đặc biệt đến như vậy. Khai giảng mà không hề có học sinh đến trường. Nơi tổ chức không ở ngoài sân trường mà ở trong phòng họp trực tuyến. Đã thế, số giáo viên được dự trực tiếp cũng phải đảm bảo quy định phòng, chống dịch", cô Lâm xúc động.
Chị Thào Thị Sơ, (35 tuổi, trú thôn 15, xã Cư Kbang), cho biết các thầy cô của trường tiểu học Lê Hồng Phong vừa đến đây thông báo về Lễ khai giảng vào ngày mai. "Các cô bảo do đang dịch nên không phải đưa cháu đến trường với lại nhà chị không có điện thoại thông minh thì cho cháu nghe qua loa phát thanh nhé".
Còn anh Thào Mí Sình, 30 tuổi, hàng xóm chị Sơ), có 2 con theo học tại trường tiểu học Lê Hồng Phong kể: "Nhà tôi có mua được chiếc điện thoại thông minh. Sáng nay thầy Học (phó Hiệu trưởng) đến hướng dẫn cách vào để mai cho con dự khai giảng rồi".
TRUNG TÂN
* Nhiều địa phương khu vực miền núi phía Bắc, một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng ít ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vẫn tổ chức lễ khai giảng như các năm trước.
Trong khi đó, một số tỉnh tuy không có nguy cơ cao chọn phương án tổ chức lễ khai giảng trực tiếp nhưng hạn chế số lượng học sinh tham dự.
* Tỉnh Bắc Giang từng là điểm nóng dịch bệnh nhưng nay đã kiểm soát được, lễ khai giảng ở đây được tổ chức trực tiếp đối với các trường tiểu học, trung học, nhưng rút gọn chỉ có phần lễ, không tổ chức các hoạt động khác và hạn chế số lượng. Mỗi trường sẽ có không quá 100 học sinh và khách mời cũng hạn chế tham gia. Các trường ở tỉnh này phải xây dựng kế hoạch chi tiết đảm bảo giãn cách cần thiết để phòng dịch.
Nhiều tỉnh khác lựa chọn hình thức khai giảng phát trên sóng truyền hình và các nền tảng trực tuyến...
Điện Biên: Học sinh 'rốn lũ' Nậm Nhừ không còn đi qua cầu tre dự lễ khai giảng
Từ hơn 6h30, các giáo viên đã bắt đầu đón học sinh ở 'rốn lũ' Nậm Nhừ đến trường để chuẩn bị lễ khai giảng rất đặc biệt.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, cô Nguyễn Thị Thúy, hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) cho biết năm nay các học sinh đến trường không còn phải đi qua cầu tre dựng tạm như lễ khai giảng năm 2020 nữa mà đã có cầu bê tông. Khuôn viên sân trường cũng được lát gạch, đổ bê tông.
"Đúng 7h30 sáng nay, nhà trường tổ chức lễ khai giảng ngắn gọn tại phòng họp hội đồng và tại các lớp. Tại phòng họp hội đồng, chỉ có đại diện chính quyền xã, đại diện tổ trưởng tổ khối, công đoàn nhà trường, ban giám hiệu và một số học sinh có thành tích xuất sắc dự. Còn tại các lớp, giáo viên chủ nhiệm sẽ điều hành lễ khai giảng.
Do điều kiện ở miền núi khó khăn, các lớp chưa được trang bị đầy đủ máy chiếu, máy tính để kết nối trực tuyến đến từng lớp. Do đó, nhà trường đã phát loa để học sinh ở các lớp nghe thư của Chủ tịch nước, diễn văn khai giảng năm học, đánh trống khai trường…
Dù không tổ chức múa hát nhưng lễ khai giảng được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa tạo không khí vui tươi, khích lệ các thầy cô giáo, các em học sinh bước vào năm học mới", cô Thúy chia sẻ.
Học sinh và giáo viên chủ nhiệm dự lễ khai giảng tại lớp - Ảnh: N. THÚY
Trước đó vào tháng 8-2020, một trận lũ quét qua trường Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Nhừ cuốn đi nhiều cơ sở vật chất và nhiều tài sản của nhà trường và cán bộ giáo viên. Do đó, các em học sinh và giáo viên tổ chức khai giảng ở khuôn viên trường mới đang xây dựng, con đường duy nhất để đến đường bị trận lũ quét cuốn trôi.
Trước ngày khai giảng năm học 2020, nhà trường cùng người dân không quản nắng mưa làm một cây cầu tre tạm để kịp đưa vào sử dụng. Khuôn viên trường mới cũng chưa kịp hoàn thiện, chính quyền địa phương cùng nhà trường cùng nhân dân và các em học sinh đã san gạt, tạo mặt bằng, chuẩn bị các tiết mục, chương trình cho lễ khai giảng trọn vẹn.
Các thầy cô giáo và học sinh đến trường qua cây cầu tre được dựng tạm sau khi lũ cuốn trôi mất cầu năm 2020 - Ảnh: VĂN THÀNH CHƯƠNG
CHÍ TUỆ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận