Tập truyện thiếu nhi Bất ngờ lia lịa của nhà văn Lưu Thị Lương - Ảnh: L.ĐIỀN
Dịp này, chị cũng dành cho Thế giới sách cuộc trò chuyện xoay quanh việc viết cho thiếu nhi bằng kinh nghiệm của một cô giáo có đến mấy chục năm sống cùng các em bên những trang văn.
* Đọc tập truyện Bất ngờ lia lịa, thấy chất liệu chỉ là những tình huống xảy ra xung quanh chuyện gia đình, trường lớp, các mối quan hệ thầy cô, bạn bè... của các em trong độ tuổi mới lớn, chị có "bí quyết" gì trong việc biến các chi tiết bình thường trong đời thường thành các câu chuyện có duyên, có ý nghĩa cho các em như vậy?
- Bí quyết của một nhà giáo. Với thầy cô giáo, bất cứ chuyện gì dính tới học trò cũng phải biến nó thành chuyện giáo dục, nhắc nhở các em luôn tìm hiểu, học hỏi, yêu thương, trân trọng mọi thứ xung quanh, từ con người cho tới cỏ cây đường phố xóm làng...
Nói chung là biết cách lấy những điều đã học ở trường làm thành cái của riêng mình, để mình giỏi giang, nhân hậu, lịch sự, có bản lĩnh, có sức khỏe, có tự tại, có tự hào. Dùng từ thời thượng bây giờ là có kỹ năng cứng lẫn kỹ năng mềm.
Nhà văn Lưu Thị Lương - Ảnh: THANH ĐẠM
* Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong một lần tâm sự có nói rằng: Viết cho các em càng nhỏ tuổi thì càng khó, vì các em nhỏ có cái nhìn với cuộc đời đơn giản trong trẻo và chưa quen tiếp nhận các xung đột - chất liệu quan trọng làm nên truyện. Với chị, viết cho các em thiếu nhi khó nhất là gì?
- Khó nhất là phải suy nghĩ, hành động, biểu cảm và nói năng giống như chúng. Hoàn toàn vô tư, rất trong sáng và nghiêm túc, rất vâng lời nhưng cũng rất tự tin, tự chủ và sáng tạo đến độ người lớn choáng váng. Loại truyện này còn phải ngắn hơn nữa, chừng hai, ba trăm chữ. Khó vậy đó.
Qua 26 truyện ngắn, tác giả khéo léo bắt giữ những tình tiết hóm hỉnh, vừa vui nhộn của tuổi thơ vừa ẩn chứa những tầng ý nghĩa đáng suy nghĩ.
Đó là chuyện đi chụp hình chung với nhóm bạn, chuyện dùng Facebook của bọn trẻ, cách ứng xử với thầy cô, những trò ma mãnh tuổi học trò bị lộ tẩy ra sao...
Tôi có mấy cuốn viết dành tặng học sinh vùng sâu vùng xa, không bán mà in đẹp sửng sốt, có nhiều hình, có rất ít chữ, có cuốn to bằng tờ báo ngày. Nhìn cuốn sách đó, thấy thích như mình được vào sách giáo khoa!
* Là một cô giáo dạy văn, gắn bó mấy chục năm với nhiều thế hệ học trò - cũng là các thế hệ độc giả, chị thấy sở thích đọc văn của các em tuổi mới lớn hiện nay khác các thế hệ trước ở những điểm nào? Sự khác biệt này có tác động gì đến các nhà văn như chị không?
- Cách đây chừng hai chục năm, học trò đọc báo dành riêng cho lứa tuổi của mình nhiều lắm. Dần dần chuyển qua đọc truyện tranh và báo đăng hình ca sĩ, diễn viên. Bây giờ thì không biết, vì tôi đã không còn được gặp mấy em cỡ tuổi đó nữa.
Nhưng sáu, bảy năm trước, số học sinh đọc truyện đã hiếm hoi lắm rồi. Từ chỗ viết chuyện tình lãng mạn, tôi chạy qua chỗ viết truyện học trò cũng vì như vậy. Tôi mong muốn học trò có cái đọc phù hợp lứa tuổi để phát triển tâm sinh lý tốt đẹp, lành mạnh.
Truyện viết cho lứa tuổi này rất ngắn (chừng năm, bảy trăm chữ) và dứt khoát phải có tiếng cười, cười hô hố hoặc là cười tủm tỉm.
Tại tôi biết học trò thường thích thứ gì vui vui, nói nhiều chúng không thèm nghe, mà con nít thì không được để chúng gặp chuyện buồn.
Cũng vì vậy mà tôi còn lăn đi viết lời truyện tranh nữa. Viết lời và mô tả tranh vẽ là việc khó làm nhất đời tôi. Khổ nỗi là bất tài vẽ vời. Nếu không thì tôi đã làm hàng loạt truyện tranh cho chúng (tuổi học trò) đọc chơi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận