GS.TSKH Phùng Hồ Hải tại buổi gặp gỡ báo chí chiều 12-9 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
GS.TSKH Phùng Hồ Hải cho biết:
- Chúng tôi sẽ có văn bản chính thức, kiến nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục duy trì hình thức thi tự luận với môn toán trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 và các năm tiếp theo.
Quyết thi trắc nghiệm môn toán là vội vàng
* Hội Toán học căn cứ vào đâu để cho rằng việc thi trắc nghiệm với môn toán là không nên?
- Quyết định này là quá gấp gáp, khiến cho cả học sinh và giáo viên thiếu sự chuẩn bị, ảnh hưởng tâm lý và chất lượng học tập.
Phương án thi mà Bộ GD-ĐT thông báo là dựa trên phương án đã thực hiện từ ba năm qua tại ĐH Quốc gia Hà Nội.
Tuy nhiên, cho tới nay BCH Hội Toán học chưa hề được biết tới một đánh giá chính thức nào về những ưu, nhược điểm của kỳ thi này.
Việc lựa chọn một hình thức thi lệ thuộc vào việc thực hiện mục tiêu, chương trình giảng dạy môn học. Phải cân nhắc kỹ điều đó thì mới quyết định hình thức thi phù hợp chứ không nên làm ngược.
Nếu thay đổi thì phải chứng minh được ưu điểm về chuyên môn của phương thức thi trắc nghiệm với môn toán, nhất là khi môn toán là một môn thi bắt buộc trong hầu hết các đánh giá: xét tốt nghiệp THPT, xét tuyển ĐH với đa số các ngành, nên diện ảnh hưởng của môn toán rất rộng.
Với thay đổi này, chúng tôi thấy quan ngại về tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan có thể lại gia tăng.
Một tiết học toán của học sinh lớp 12 Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG |
* Nhưng nhiều năm qua cũng có một số môn học áp dụng hình thức thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia. Vậy vì sao môn toán là một ngoại lệ?
- Mục tiêu của môn toán ở bậc phổ thông là dạy cho học sinh phương pháp tư duy, khả năng đặt vấn đề, giải quyết vấn đề.
Điều này không chỉ dùng trong môn toán, mà còn được ứng dụng vào nhiều môn học khác. Sau khi thi, học sinh có thể quên một số kiến thức cụ thể, còn phương pháp tư duy sẽ được ngấm vào và trở thành một phần của họ để ứng dụng vào các môn học khác.
Việc áp dụng thi trắc nghiệm đối với môn toán vì vậy sẽ phá hỏng mục tiêu này đối với dạy học môn toán ở bậc phổ thông.
* Bộ GD-ĐT khẳng định hình thức câu hỏi trắc nghiệm hay tự luận không ảnh hưởng gì đến cách dạy và cách học. Ông suy nghĩ gì về giải thích này?
- Nếu kỳ thi THPT quốc gia thay đổi theo hướng thi trắc nghiệm với tất cả các môn học, thì tôi nghĩ các nhà trường cũng sẽ thay đổi, dạy học sinh để thi trắc nghiệm.
Các bài kiểm tra 1 tiết, kiểm tra học kỳ cũng sẽ được thay đổi theo hình thức trắc nghiệm.
Nó sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cách học của học sinh. Đó là logic, không ai học tự luận nữa. Quan điểm của chúng tôi là cách thi, kiểm tra, đánh giá phải tương đồng với cách dạy học, chứ không có chuyện học một đằng thi một nẻo được.
* Nhưng có những ý kiến cho rằng môn toán vẫn có thể thi trắc nghiệm nếu đề thi được xây dựng tốt, với hệ thống câu hỏi yêu cầu học sinh phải tư duy mới chọn được phương án đúng?
- Hội Toán học dự kiến tổ chức một hội thảo khoa học nghiêm túc để thảo luận vấn đề này. Việc thi trắc nghiệm với yêu cầu đơn giản, nhẹ nhàng thì có thể được; nhưng ở một kỳ thi lớn, có nội dung kiến thức, kỹ năng phức tạp thì không được, nhất là khi kỳ thi đó ảnh hưởng trực tiếp tới việc dạy học ở phổ thông.
“Học sinh không phải là vật thí nghiệm”
* Liệu Hội Toán học có thể đưa ra những căn cứ cụ thể thuyết phục về những hệ lụy, nếu chuyển đổi môn toán sang thi trắc nghiệm?
- Bộ GD-ĐT phải có trách nhiệm chứng minh phương thức mình chọn lựa là tốt trước khi tổ chức triển khai đại trà, chứ không phải chúng tôi phải chứng minh nó dở, nó không phù hợp.
Nếu Bộ GD-ĐT dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội thì phải tổng kết trước, tham khảo kỹ rồi hãy triển khai đại trà.
Việc thi bằng máy tính đã triển khai diện rộng được chưa, ngân hàng đề thi số lượng thế nào, đơn vị nào đứng ra phụ trách đề thi ra sao...
Chúng tôi được biết về mặt chính thức khoa toán Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội không tham gia việc ra đề. Vậy ngân hàng đề thi lấy từ đâu ra?
Chưa có một khảo sát, đánh giá toàn diện mà triển khai ngay là không phù hợp. Học sinh không phải là vật thí nghiệm.
Theo dự thảo phương án thi THPT quốc gia năm 2017, Bộ GD-ĐT dự kiến chuyển bài thi toán từ hình thức tự luận (như các năm trước) sang thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng. Thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Thời gian làm bài thi toán là 90 phút với 50 câu hỏi. Đề thi gồm các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản phục vụ xét tốt nghiệp THPT và những câu hỏi phân hóa để phục vụ cho xét tuyển ĐH, CĐ. Đề thi các bài thi trắc nghiệm do máy tính thiết lập tự động từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa được cập nhật, bổ sung trên cơ sở ngân hàng đề thi đã được ĐH Quốc gia Hà Nội xây dựng nhiều năm qua. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận