Thẩm phán tòa án hiến pháp Hàn Quốc Dong Heun Lee cho hay: Hiến pháp Hàn Quốc chia quyền lực nhà nước thành quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp và quyền phân xử tính hợp hiến. Quyền lập pháp được trao cho quốc hội, quyền hành pháp được trao cho ngành hành pháp do tổng thống đứng đầu, quyền tư pháp được trao cho các tòa án, còn quyền phân xử tính hợp hiến được trao cho tòa án hiến pháp.
Mỗi cơ quan có trách nhiệm thực hiện các chức năng của mình với quyền lực được phân chia và độc lập; hợp tác và kiểm soát lẫn nhau nếu cần thiết. Để tránh sự chồng chéo về chức năng và giữ vị thế khách quan khi hoạt động, luật pháp Hàn Quốc quy định các đại biểu quốc hội không đồng thời nắm giữ bất cứ vị trí công vụ nào khác; tổng thống không được đồng thời nắm giữ vị trí thủ tướng cũng như bất cứ vị trí công hay tư nào khác; các thẩm phán xét xử độc lập; các thẩm phán của tòa án hiến pháp không tham gia bất kỳ đảng chính trị nào cũng như không tham gia bất kỳ hoạt động chính trị nào.
Đối với quá trình đi tìm mô hình cơ chế bảo hiến cho VN, PGS.TS Mai Hồng Quỳ - hiệu trưởng Trường đại học Luật TP.HCM - cho biết trong những năm gần đây các chuyên gia và cơ quan chức năng của VN đề xuất ba phương án xây dựng cơ chế phán quyết các vi phạm hiến pháp: một là thành lập tòa án hiến pháp hoạt động theo thủ tục tố tụng tư pháp; hai là thành lập hội đồng hoặc ủy ban bảo vệ hiến pháp thuộc quốc hội; ba là giao thẩm quyền bảo vệ hiến pháp cho tòa án nhân dân tối cao.
Bình luận về vấn đề này, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa - Đại học Kinh tế TP.HCM - nói thế giới đã có sẵn nhiều mô hình khác nhau để chúng ta học hỏi và lựa chọn. Song, làm thế nào để mô hình được chọn đó sống, hoạt động hiệu quả trong bối cảnh kinh tế, chính trị và văn hóa VN mới là điều khó.
“Mầm mống về nhà nước pháp quyền đã có ở Đức từ rất sớm. Cộng hòa Weimar là một nền cộng hòa dân chủ với hệ thống tư pháp độc lập và chuyên nghiệp, ấy vậy mà sau năm 1933, cũng bộ máy tòa án ấy đã trở thành công cụ trong tay nhà nước phát xít, đàn áp mọi quyền dân chủ của người dân, đẩy xứ sở này vào tình trạng một quốc gia không có công lý. Hàn Quốc nhiều năm sau cuộc chiến tranh Nam - Bắc (thời kỳ Park Chung Hee) không thể được coi là một chế độ dân chủ. Chỉ khi các điều kiện chính trị, kinh tế và xã hội đạt tới một mức độ nào đó, nhu cầu cho sự ra đời của một thiết chế bảo hiến và nhu cầu duy trì thiết chế ấy hoạt động thật sự hiệu quả mới hình thành” - ông Nghĩa phân tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận