Ngày 15-2, Học viện Chính trị quốc gia TP.HCM phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia "Đồng chí Huỳnh Tấn Phát với cách mạng Việt Nam và quê hương Bến Tre", nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông.
Tham dự và chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Xuân Thắng - ủy viên Bộ Chính trị, giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Nguyễn Trọng Nghĩa - bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Đỗ Văn Chiến - bí thư Trung ương Đảng, chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ngoài ra tham dự hội thảo còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, thân nhân gia đình Huỳnh Tấn Phát.
Phát biểu tham luận tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích, đánh giá những hoạt động, làm nổi bật những cống hiến của đồng chí Huỳnh Tấn Phát trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với 76 năm tuổi đời, gần 50 năm hoạt động cách mạng, Huỳnh Tấn Phát là tấm gương mẫu mực của người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tận tụy, tài ba đức độ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của Đảng và nhân dân lên trên hết; có nhiều đóng góp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và là người tổ chức vận động thành lập Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Ông Đỗ Văn Chiến khẳng định Huỳnh Tấn Phát là người chiến sĩ cộng sản kiên trung bị địch bắt tù đày 2 năm nhưng không hề nao núng, ra tù vẫn hoạt động cách mạng trên nhiều cương vị khác nhau.
"Đồng chí Phát là một cán bộ mẫu mực, giàu lòng yêu nước và tinh thần lạc quan cách mạng là niềm tin tất thắng cùng chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Với tài năng và uy tín lớn của mình, đồng chí Phát được Đảng giao nhiệm vụ thành lập Ủy ban Trung ương lâm thời Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam" - ông Chiến nói.
Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15-2-1913 tại xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Năm 1938, sau khi tốt nghiệp khoa kiến trúc, Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông Phát hành nghề kiến trúc sư, sớm nổi tiếng ở Sài Gòn và tự nguyện gắn cuộc đời mình với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Ông đã tích cực tham gia và cổ vũ cho các phong trào "Truyền bá quốc ngữ", "Cứu trợ nạn đói Bắc Kỳ"; "Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu", phong trào "Thanh niên Tiền Phong", thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân vào cuộc đấu tranh yêu nước do Đảng lãnh đạo; ông đã tổ chức và lãnh đạo trong khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân tại Sài Gòn và Nam Bộ, ngày 25-8-1945.
Ông đã từng giữ chức vụ phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Tháng 6-1969, Đại hội đại biểu quốc dân toàn miền Nam thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, ông được bầu làm chủ tịch Chính phủ.
Năm 1976, Quốc hội khóa VI đã bầu ông làm phó thủ tướng, phụ trách quy hoạch đô thị. Năm 1981, ông được Quốc hội khóa VII bầu làm phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và đến năm 1982 được bầu làm phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Tiếp đó, tại Đại hội lần thứ II Mặt trận Tổ quốc Việt Nam diễn ra tại thủ đô Hà Nội vào tháng 5-1983, ông được bầu làm chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Vào ngày 3-9-1989, ông từ trần, hưởng thọ 76 tuổi.
Sáng 15-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện gia đình tới dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ Huỳnh Tấn Phát ở xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Dịp này Thủ tướng cũng đã đến thăm, tặng quà tại Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật Bến Tre tại quốc lộ 60, xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận