07/11/2009 06:20 GMT+7

Hồi sinh với nghệ thuật cộng đồng

MỸ LOAN (Theo Yonhap, Joongang Daily)
MỸ LOAN (Theo Yonhap, Joongang Daily)

TT - Một loạt dự án nghệ thuật cộng đồng đang được thực hiện ở Hàn Quốc đã biến nhiều khu dân cư nghèo khổ và bị lãng quên thành những nơi thu hút du khách và kết nối cộng đồng.

Hồi sinh với nghệ thuật cộng đồng

TT - Một loạt dự án nghệ thuật cộng đồng đang được thực hiện ở Hàn Quốc đã biến nhiều khu dân cư nghèo khổ và bị lãng quên thành những nơi thu hút du khách và kết nối cộng đồng.

ImageView.aspx?ThumbnailID=373423

Hoa nở trên bậc thang của khu Ihwa Dong, trung tâm Seoul - Ảnh: Joongangdaily.com

Những khu ổ chuột ở Seoul, những ngôi làng già nua ở thành phố cảng Pusan hay một thị trấn nhỏ ở tỉnh Gangwon, Gyongsang, Chungcheong... tưởng chừng bị rơi vào quên lãng với những cư dân trên 60 tuổi hay không có tiềm năng kinh tế, bỗng chốc hồi sinh khi mỗi ngày thu hút hàng chục du khách và vào dịp cuối tuần số du khách thậm chí tăng gấp mười lần. Một đồn mười, mười đồn trăm, du khách rỉ tai nhau đến điểm mới bởi sự hấp dẫn của các tác phẩm nghệ thuật đường phố.

Tác phẩm đẹp từ cuộc sống thật

Chính cư dân địa phương cũng không thể tưởng tượng được sẽ có ngày làng quê của họ bừng lên sức sống khi những tác phẩm nghệ thuật dân dã khổng lồ xuất hiện trên các bức tường chạy dọc những con đường khúc khuỷu. Các họa sĩ và sinh viên thuộc nhiều trường đại học mỹ thuật ở Hàn Quốc đã có mặt ở những nơi này từ năm 2006 để thực hiện dự án “Hồi sinh làng quê” bằng cọ và sơn vẽ.

Một vết nứt trên bức tường loang lổ do thời gian đã biến thành nếp nhăn trên gương mặt đang tươi cười của một phụ nữ. Các chậu hoa bị vứt chỏng chơ ở vệ đường bỗng chốc được phủ lên bức họa hoa bồ công anh tuyệt đẹp. Trụ điện thoại trên đường mang hình ảnh em bé đang khóc òa...

ImageView.aspx?ThumbnailID=373424
Làng Suam ở Cheongju, tỉnh Chungcheong, rực rỡ với tranh vẽ hổ, hoa và chim muông sống động chạy quanh làng - Ảnh: Joongangdaily.com

Trước đây những ngôi làng này được gọi là những ngôi làng ma, hoang vắng, tiêu điều do người trẻ đã bỏ đi từ rất lâu. Trong làng chỉ còn lại người già và gia súc... “Những bức họa cộng đồng đã làm tái sinh một cộng đồng vốn bị lãng quên từ rất lâu” - một cư dân trên 60 tuổi làng Gaemi phấn khởi. Dân làng Suam Gol ở Cheongju, phía bắc tỉnh Chungcheong, cũng hồ hởi. “Chúng tôi rất biết ơn dự án này, làng tôi đã trống vắng từ rất lâu. Bây giờ hằng ngày chúng tôi đều được gặp những du khách trẻ, chúng tôi rất vui” - một dân làng vui vẻ khoe.

Các ngôi làng như thế ở Hàn Quốc đã hồi sinh nhờ nghệ thuật cộng đồng. Những bức tranh du khách bắt gặp ở các nơi này không phải là những tác phẩm nghệ thuật hoành tráng nhưng chúng luôn lay động lòng người bởi sức sống tiềm ẩn trong từng nét vẽ của tác giả, trong đó có người dân lao động nghèo.

Chúng thể hiện từng khía cạnh của cuộc sống thường nhật của con người bị buộc phải sống trong các khu ổ chuột, bị buộc phải rời khỏi mảnh đất chôn nhau cắt rốn của họ do các dự án tái phát triển và những người không biết về đâu khi nhà máy khai thác mỏ đột nhiên đóng cửa.

Chính quyền sát cánh với dân

Ngoài thủ đô Seoul, các dự án tương tự cũng được triển khai ở 21 khu vực trên toàn Hàn Quốc. Trong đó có những nơi xa xôi như thành phố Gunsan, huyện Wanju ở bắc tỉnh Jeolla, thành phố Mokpo thuộc nam Jeolla và huyện Cheowon thuộc tỉnh Gangwon.

Các dự án nghệ thuật cộng đồng trên là một phần trong hàng loạt dự án đang được thực hiện ở nhiều khu vực có thu nhập thấp và gần như bị bỏ hoang trên khắp Hàn Quốc.

Một số dự án được nhà nước tài trợ, nhưng có một số dự án do người dân tự khởi xướng để làm mới lại không gian sống, như một cách tái kết nối với cộng đồng và tạo thêm nguồn thu cho địa phương nhờ vào du lịch.

Năm 2006, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Hàn Quốc đã tài trợ thực hiện dự án “Nghệ thuật cộng đồng” Ihwa-dong Naksa Iwha-dong và Dongsung-dong gần Daehangno thuộc trung tâm Seoul.

Gần 70 họa sĩ đã tham gia dự án và chỉ sau vài tháng toàn bộ tường rào bằng đá, cầu thang, lối đi bộ của khu vực đã được phủ đầy hình ảnh chim ưng trắng và hoa. Sau đó, bộ cũng đã khởi xướng một số dự án nghệ thuật cộng đồng quy mô lớn nhằm “giúp giảm sự phân cực kinh tế xã hội và tạo ra kiểu mẫu mới cho nghệ thuật cộng đồng”.

Không chỉ ở cấp bộ, các địa phương đã đẩy mạnh các chương trình chống phân cực và làm mới lại cuộc sống của người dân nghèo bằng các dự án hội họa cộng đồng. Năm 2007, thành phố Seoul phát động dự án “phòng trưng bày thành phố” nhằm biến Seoul thành một bảo tàng nghệ thuật sống.

Chính quyền thành phố cho biết sẽ hỗ trợ 26 dự án nghệ thuật cộng đồng đến năm 2010. Ba dự án đã được hoàn thành cuối tháng 9-2009 ở ba trường học ở quận Nowon và Gwanak, công viên bầu trời thuộc khu Sangam Dong, quận Mapo và một số công viên thuộc các khu Nangok Dong và Nanhyang Dong, quận Gwanak.

MỸ LOAN (Theo Yonhap, Joongang Daily)

MỸ LOAN (Theo Yonhap, Joongang Daily)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên