Phóng to |
Ông Chí bên khu rừng chắn sóng mà ông tham gia trồng và chăm sóc - Ảnh: Tấn Đức |
Cuộc chiến sống còn
“Anh Chí là nông dân vừa có chí, vừa cần cù chịu khó. Anh cũng là một trong những người đầu tiên thành công trong việc đưa cây bần từ nơi khác về trồng chắn sóng, lật ngược tình thế từ lở sang bồi để giữ đất. Nếu không có những người nông dân có ý thức trồng và giữ rừng như anh thì các chương trình trồng cây lấn biển, giữ đất mà địa phương thực hiện sau này cũng khó thành công” - ông Lê Văn Trí, chủ tịch UBND xã Long Hòa, cho biết. |
Hơn nửa thế kỷ trước, cha ông Trần Hữu Chí - cụ Trần Phong Lưu, cán bộ thời tiền khởi nghĩa - là một trong những người đầu tiên khai mở vùng đất hoang vu phía đuôi cồn này. Ông Chí là con trai duy nhất nên được thừa hưởng tài sản hơn hai chục công đất mà cha đã bỏ bao công sức khai phá. Hồi ấy, mặt đất cồn ở đây nhiều chỗ còn bị ngập lênh láng lúc triều cường. Căn nhà ông Chí cất trên giồng cát cao vậy mà nhiều bận con nước rong (triều cường) đầu và giữa tháng vẫn tràn vào, cả gia đình phải chất hết lên giường ngồi chờ nước rút.
Hằng năm, vào mùa gió chướng, thường là từ tháng 9, tháng 10 kéo dài đến sau tết âm lịch, sóng biển bủa vào ầm ầm gây sạt trên toàn bộ khu vực đuôi cồn.
“Sau cơn bão số 5 (tháng 11-1997) đất bắt đầu lở nhiều. Hàng chục gia đình mất đất, mất nhà phải bỏ xứ mà đi. Áp lực việc làm, thu nhập cho dân nghèo đè nặng khiến địa phương phải kêu cứu nhiều nơi” - ông Nguyễn Văn Nhanh, phó chủ tịch UBND xã Long Hòa, cho biết.
Dạo đó, từ đất ông Chí đổ ra phía biển còn cả trăm mét, qua mấy dây đất của nông dân khác. Vậy mà chỉ không tới chục năm đã lở vô sát mé nhà ông. Ông cuống cuồng ngày đêm đào xới “đất thịt” thật cứng trên giồng cao mang ra đắp bờ đê, cắm cừ chắn sóng, nhưng cũng không tài nào chống đỡ được sức công phá ghê gớm của “thủy thần”.
Ông Chí bảo lúc ấy ông như bị dồn vào chân tường, nếu không ngăn được bước tiến của thủy thần thì chỉ trong thời gian ngắn sẽ mất trắng đất đai, chỉ còn cách bỏ xứ mà đi như bao gia đình ở mé ngoài.
Rồi một bận khi bơi xuồng đi bắt cua ngang qua cồn Nóc, cồn Phụng, cách nhà chừng 2km, ông Chí nghĩ: cũng là cồn, bị nước đạp, sóng nhồi nhưng tại sao bên này không bị lở, có phải nhờ rừng cây làm lá chắn bảo vệ. Vậy tại sao mình không thử trồng cây chắn sóng cho đất nhà. Việc nghe đơn giản vậy nhưng khi bắt tay vô thực hiện mới thấy “khó như lên trời”. Bởi mực nước lớn-ròng ở đuôi cồn Long Hòa chênh lệch tới 4-5m, cây trồng xuống buổi sáng thì buổi chiều đã bị sóng cuốn mất tăm không để lại dấu vết.
Sau nhiều lần trồng thử các loại cây có mặt tại chỗ như dừa nước, mắm, đước... thấy không sống nổi, ông Chí bắt đầu nghĩ tới cây bần chua, loại cây mà từ lúc đi học ông đã nghe nói là thở bằng rễ, mọc ở vùng nước lợ nơi cửa sông. Vậy là ông Chí rủ các ông bạn Sáu Quỳ, Hai Gần, Tư Dần... trong xóm, chèo xuồng qua cồn Nóc nhổ thử mấy gốc bần chua mang về. Lựa lúc nước ròng đào lỗ vuông vức chừng hai gang tay, sâu độ nửa thước, chôn gốc bần thật chặt rồi cắm thêm cây đài thật sâu, cột thân cây bần vào đó cho khỏi bị sóng đánh bật lên.
Kiên trì suốt cả năm trời ông Chí và các bạn đã phủ được một lớp bần chắn sóng ôm lấy những thửa đất còn lại của mình. Và thật bất ngờ, những vạt bần của nông dân Chí “di cư” từ cồn nóc sang đã cản được bước chân thủy thần. Thấy ông Chí làm được, nhiều người trong xóm đất lở ở ấp Hai Thủ cũng bắt chước, tạo thành phong trào trồng cây chắn sóng, chống sạt lở.
Bắt đất “nở hoa”
Ngăn được đất lở, thử thách khác lại đặt ra cho ông Chí là làm thế nào để sống được trên mảnh đất của mình. Trước, ngoài một vụ lúa gieo cấy vào mùa mưa, năng suất chỉ 4-5 giạ/công, vợ chồng ông Chí còn làm thêm việc chặt lá dừa nước về phơi, rồi chằm lại thành lá lợp nhà để bán. Tới mùa cua, mùa nghêu sò thì cả nhà ra biển. Dân các nơi đổ về khai thác “lộc trời” ngày càng nhiều khiến thu nhập của gia đình ông ngày một giảm. Vậy là ông Chí lại làm một cuộc đột phá nữa: đào ao nuôi tôm.
May mắn cho ông khi có một chủ xáng cạp từ Long An qua chịu cho ông nợ tiền công lên bờ bao làm vuông, khi nào thu hoạch tôm sẽ trả. Nhưng không may cho ông Chí, khi ba vụ tôm liên tục bị thua lỗ, số tiền nợ đào ao gần 20 triệu đồng (thời điểm ấy tương đương 4 lượng vàng) chưa trả được lại chồng thêm khoản nợ con giống, thức ăn, thuốc trị bệnh cho tôm.
Nhớ lại chuyện cũ, ông bật cười: “Chủ nợ vây đòi tiền đến nỗi vợ chồng tui phải nuôi thật nhiều chó để... báo động. Mỗi khi nghe chó sủa lại vội vàng lủi ra mấy lùm cây để trốn. Nhưng chủ nợ tới nhà riết lũ chó lại quen hơi, không thèm sủa nữa. Vậy là sau khi xiết hết đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, chủ nợ bắt luôn hai con chó cha, mẹ và bốn con chó con”!
Ông Chí bảo: “Trong cái rủi lại có cái may. Mấy lần chịu hết xiết, tui cầm sổ đỏ hơn chục công đất định giao cho cò nhờ họ bán, lấy tiền trả nợ phứt cho xong. Nhưng vợ hay được, nhờ người chạy tắt đường đồng ra giật sổ lại mang về cất giấu. Bình tĩnh tui nghĩ lại: còn đất thì còn cơ hội làm lại, chứ bán đất thì coi như đi ăn mày”. Hóa ra thời điểm ấy (năm 2003), không chỉ riêng ông Chí mà có tới hơn 60% người nuôi tôm ở ấp Hai Thủ gặp thất bại, do thời tiết và môi trường ở đây chưa phù hợp với con tôm.
Sau mấy vụ nuôi thất bại, ông Chí đã dành thời gian nghiền ngẫm, rút kinh nghiệm, và không ít lần bơi xuồng qua khuyến ngư huyện học hỏi kỹ thuật để về áp dụng vào vuông tôm của mình, ông Chí đã thành công. Hôm chúng tôi đến ông vừa thu hoạch vụ tôm đầu năm, trừ hết chi phí, lãi hơn trăm triệu đồng.
“Bây giờ thì sống rồi, trả hết nợ và mỗi năm còn tích cóp được vài trăm triệu đồng từ nghề nuôi tôm” - ông khoe.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Kỳ 2:Kỳ 3: Kỳ 4:
_____________________
Đón đọc số tới:
Kỷ vật trở về
Một ngày bỗng nhận lại được món đồ mình đã thất lạc, niềm hạnh phúc ấy không phải ai cũng có được, nhất là khi món đồ ấy là thứ có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời mình. Câu chuyện những kỷ vật trở về không chỉ là sự tình cờ đến kỳ lạ mà còn ẩn chứa những suy nghĩ sâu sắc của người trao và nhận lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận