Ngày 20-8, bác sĩ Nguyễn Duy Long, giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 (TP.HCM), cho biết với giải pháp mới "hồi sinh tim phổi qua điện thoại" đã cứu sống được nhiều người bệnh ngưng tim ngưng thở.
Người bệnh vừa được điều phối viên tổng đài 115 tiếp nhận, điều phối và kịp thời hướng dẫn sơ cứu qua điện thoại là một người phụ nữ, 60 tuổi, ngụ ở Q.3, TP.HCM.
Nạn nhân này bị mắc nghẹn (dị vật đường thở) dẫn đến ngưng tim.
Chiều 19-8, khi gọi Trung tâm Cấp cứu 115 (gọi tắt 115), con gái của người phụ nữ này mất bình tĩnh, hoảng hốt vì mẹ đột nhiên tím tái khi đang ăn.
Sau khi trấn an, hỏi bệnh sử, điều phối viên 115 xác định ngay nạn nhân bị dị vật đường thở nghi là do bánh tét, đồng thời bằng nghiệp vụ đã khai thác và phát hiện người bệnh có dấu hiệu ngưng tim, ngưng thở.
Ngay lập tức, điều phối viên đã tiến hành hướng dẫn người nhà bệnh nhân dẫn ép tim qua điện thoại, đồng thời điều phối ê kíp cấp cứu đến hiện trường.
Trong lúc chờ xe cấp cứu đến, người nhà vẫn được kết nối, hướng dẫn ép tim liên tục. Nhờ được sơ cứu kịp thời, đúng cách, sau 6 phút nạn nhân đã nôn dị vật ra, tỉnh lại, hồng hào.
Theo bác sĩ Long, mỗi tháng Trung tâm Cấp cứu 115 tiếp nhận khoảng 70 ca bệnh ngưng tim ngưng thở ngoài hiện trường.
Với tình huống nguy kịch như vậy, người bệnh cần được ép tim hiệu quả ngay lập tức nhằm duy trì tuần hoàn, thực hiện bởi người chứng kiến đầu tiên trước khi ê kíp cấp cứu chuyên nghiệp đến.
Còn sau 4 phút mà người bệnh ngưng tim, ngưng thở không được sơ cứu đúng cách, tế bào não sẽ bị tổn thương, khả năng cấp cứu khó thành công, ngay cả khi cấp cứu được cũng để lại di chứng, tàn tật.
Biến người gọi điện cấp cứu thành người sơ cứu ban đầu
Theo bác sĩ Duy Long, từ nhu cầu đáp ứng hiệu quả hơn trong hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện Trung tâm Cấp cứu 115 đã triển khai quy trình T-CPR (còn gọi là hồi sinh tim phổi qua thiết bị viễn thông) cho lực lượng điều phối viên cấp cứu.
Với quy trình này, hệ thống tiếp nhận và điều phối cấp cứu qua tổng đài 115 đảm nhận thêm nhiệm vụ duy trì kết nối với người bệnh, kịp thời tư vấn, hướng dẫn những việc nên làm và không nên làm, thực hiện sơ cứu qua phương tiện telemedicin trong một số trường hợp để nâng cao khả năng thành công của công tác cấp cứu.
Chương trình này giúp điều phối viên biến người gọi điện cấp cứu thành người sơ cứu ban đầu.
Người gọi điện sẽ trực tiếp tham gia, thực hiện các kỹ thuật sơ cứu cơ bản dưới sự hướng dẫn của điều phối viên, đặc biệt có ý nghĩa trong hoàn cảnh người bệnh ngưng tim ngưng thở, dị vật…
Trong thời gian qua, rất nhiều người bệnh ngưng tim, ngưng thở ngoài cộng đồng được thực hiện T-CPR bởi điều phối viên, giúp kíp cấp cứu 115 đến thực hiện cấp cứu thành công và chuyển vào bệnh viện an toàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận