12/07/2019 06:45 GMT+7

Hồi sinh sông Tô Lịch bằng nước hồ Tây: Chỉ giảm ô nhiễm trước mắt

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Liên tiếp trong những ngày qua, sau khi các đơn vị vận hành thực hiện việc đưa nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch, lập tức nguồn nước đen hôi của sông Tô Lịch được thay thế bằng nguồn nước xanh trong từ hồ Tây.

Hồi sinh sông Tô Lịch bằng nước hồ Tây: Chỉ giảm ô nhiễm trước mắt - Ảnh 1.

Sau khi đưa nước hồ Tây vào sông Tô Lịch, nguồn nước sông đã xanh trong hơn, nhưng theo các chuyên gia, việc bổ sung nguồn nước mới chỉ cải thiện tình trạng ô nhiễm trước mắt - Ảnh: NAM TRẦN

Để cải thiện môi trường nước dứt khoát phải tách được các nguồn nước thải để xử lý trước khi đổ xuống sông. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở TP.HCM là ví dụ rất tốt về cách làm đó, bây giờ nước tương đối trong, cá sống được.

GS.TS Đào Xuân Học

Nhiều chuyên gia cho rằng việc này chỉ là tạo dòng chảy, đẩy nguồn ô nhiễm xuống hạ lưu các tỉnh Nam Định, Hà Nam. Còn muốn hồi sinh sông Tô Lịch, dứt khoát phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, không để nước thải xả thẳng vào sông Tô Lịch như hiện nay.

Tháo 1,5 triệu m3 nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch

Thực tế, sau khi tháo nước hồ Tây vào sông Tô Lịch, tình trạng ô nhiễm nước sông Tô Lịch đã được cải thiện, dù nguồn nước thải sinh hoạt của TP Hà Nội vẫn không ngừng chảy vào sông này.

Ông Bùi Ngọc Uyên - phó phòng đối ngoại truyền thông Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, đơn vị trực tiếp vận hành đưa nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch - cho rằng ngay khi sông Tô Lịch có dòng chảy tự nhiên từ nguồn nước hồ Tây, người dân đã cảm nhận rõ tình trạng ô nhiễm nguồn nước được cải thiện.

Ông Uyên cho biết từ ngày 9-7, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội đã vận hành đưa nước từ hồ Tây vào qua cống xuống sông Tô Lịch.

"Từ những trận mưa trước, đặc biệt là sau bão số 2, mực nước hồ Tây đã dâng cao hơn 25-26cm so với quy trình vận hành hồ đảm bảo chống ngập cho TP. Vì vậy, để dành dung tích cho những trận mưa, theo quy trình phải xả bớt lượng nước trong hồ Tây, mà đường xả chỉ có ra sông Tô Lịch. Nếu xả đúng yêu cầu phục vụ công tác chống úng ngập, hạ mực nước hồ xuống 25-26cm thì cũng cỡ khoảng 1,5 triệu m3" - ông Uyên cho hay.

Cũng theo ông Uyên, mục đích chính từ việc xả nước từ hồ Tây qua sông Tô Lịch là để phục vụ chống úng ngập, tuy nhiên có lợi ích kép là cải thiện môi trường nước sông Tô Lịch.

Chỉ giải quyết phần ngọn

Ông Trần Ngọc Hùng - chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN - cho rằng phương án đưa nước từ các nguồn vào rửa trôi sông Tô Lịch, sông Nhuệ đều không giải quyết được tận gốc thực trạng ô nhiễm.

"Giải quyết tình trạng ô nhiễm cho các con sông ở Hà Nội bằng cách lấy nước từ sông Hồng vào hồ Tây, sau đó đưa nước từ hồ Tây vào các sông Tô Lịch, sông Nhuệ để cải thiện nguồn nước ô nhiễm; tất cả những việc đó đều chỉ là xử lý phần ngọn, vì nguồn nước thải xả vào sông vẫn còn, nguồn ô nhiễm chẳng qua chỉ bị đẩy xuống hạ lưu mà thôi" - ông Hùng phân tích.

Cũng theo ông Hùng, nhằm giải quyết tận gốc vấn đề, chính quyền địa phương phải bỏ một khoản tiền rất lớn để đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải dọc hai bên sông.

GS.TS Đào Xuân Học, nguyên thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cũng cho rằng nếu cứ để nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp vào sông Tô Lịch như hiện nay, con sông này không khác kênh chứa nước thải.

Đặt vấn đề nếu vẫn còn nguồn nước thải chảy trực tiếp vào các sông, GS Đào Xuân Học cho rằng dù có được bổ cập nguồn nước, thực tế ô nhiễm chỉ được cải thiện trước mắt. "Để hồi sinh sông Tô Lịch, tôi cho rằng hoàn toàn có thể làm được nếu có nguồn vốn đầu tư hệ thống tách nước thải ra xử lý trước khi đưa trở lại sông" - ông Học nhấn mạnh.

Ông Bùi Ngọc Uyên cũng đồng tình với việc nếu chỉ sử dụng nguồn nước hồ Tây xả vào sông Tô Lịch thì chưa phải là giải pháp mang tính căn cơ.

Chính vì vậy, ông Uyên cho biết TP Hà Nội hiện đang triển khai dự án xây dựng hệ thống tách nước thải ở hai bên bờ sông Tô Lịch, thu gom đưa về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, sau xử lý mới đưa trở lại sông.

"Giải pháp tổng thể là phải tách nước thải, xử lý rồi mới đưa vào sông. Ngoài ra vẫn cần có nguồn nước tự nhiên tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch, góp phần cải thiện chất lượng nước" - ông Uyên nói.

Dự án xử lý nước thải sông Tô Lịch giờ ra sao?

Tháng 10-2016, dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá với mục tiêu hồi sinh sông Tô Lịch được khởi công với tổng mức đầu tư hơn 16.200 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội làm chủ đầu tư.

Quy mô dự án xây dựng hệ thống trên phạm vi khoảng 4.874ha, bao gồm nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000m3/ngày đêm và hệ thống cống thu gom, cống bao, hệ thống cống đấu nối dọc hai bờ sông Tô Lịch, sông Lừ.

Tuy nhiên, sau gần ba năm triển khai, hiện dự án vẫn chỉ là những bãi đất trống. Chủ đầu tư thừa nhận tiến độ hoàn thành đến năm 2021 đã bị chậm do phải thực hiện đấu thầu lại gói thầu số 3, ngoài ra cũng có vướng mắc do việc bố trí vốn còn thiếu.

Trong khi đó ngày 16-5, dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản đã được khởi động với kỳ vọng cải thiện môi trường, giảm ô nhiễm sông Tô Lịch.

Theo đánh giá ban đầu, sau 3 tuần thử nghiệm công nghệ Nano - Bioreactor, các chỉ số về độ dày bùn, mùi hôi giảm đáng kể. Đặc biệt, với 4 mẫu nước, bùn được lấy ở 2 khu vực trước và sau xử lý, độ dày bùn ở sông Tô Lịch đã giảm rõ rệt.

Đại biểu HĐND Hà Nội đề xuất

TTO - Thảo luận tại kỳ họp thứ 9 - HĐND thành phố Hà Nội sáng 8-7, có ý kiến đại biểu đề xuất nên 'cống hóa' các con sông có tính chất kênh thoát nước, kể cả sông Tô Lịch.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên