Hội sách “trăm phần trăm”

ĐỖ HOÀNG SƠN 08/04/2016 21:04 GMT+7

TTCT - Hội sách TP.HCM lần thứ 9 vừa kết thúc, các con số thống kê cho thấy mọi việc có vẻ tốt lên. Doanh thu của hội sách tăng 30% so với cách đây hai năm, đạt 50 tỉ đồng. Như vậy, mỗi người dân TP.HCM đã chi cho hội sách trung bình... 5.000 đồng.

Sách và việc đọc sách luôn là một thước đo của sự quan tâm tới con trẻ trong một xã hội có văn hóa  -Quang Định
Sách và việc đọc sách luôn là một thước đo của sự quan tâm tới con trẻ trong một xã hội có văn hóa -Quang Định


Có thể nói chính quyền TP.HCM và “dân làng sách” đã làm hết sức mình để tạo nên một ngày hội của sách lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay với quy mô kỷ lục: 1 triệu lượt người.

Những con số đẹp

Trước hết hãy nói tới chi phí để bán sách. Mỗi gian hàng tiêu chuẩn 9m2 có giá thuê là 16 triệu đồng/7 ngày. Với quy mô lớn chưa từng có với 710 gian hàng thì chi phí thuê gian hàng của toàn hội sách là khoảng 11 tỉ đồng. Chi phí để trang trí gian hàng, nhân công để bán hàng cũng khoảng ngần ấy nữa.

Đối với nhiều đơn vị ở các nước khác và các địa phương khác đến tham dự, còn rất nhiều chi phí khác như vận chuyển hàng và ăn ở đi lại, quảng cáo, tất cả tính rẻ cũng thêm khoảng 15-25% chi phí nữa. Tạm tính ba khoản chi phí trên, tổng chi phí để tham gia hội sách của các đơn vị lên tới gần 25 tỉ đồng. Khuyến mãi và giảm giá luôn là một phần không thể thiếu của hội sách, nếu tính trung bình giảm 20-40% thì số tiền không thu về được cũng khoảng 25 tỉ đồng.

Như vậy tính sơ bộ để bán được 50 tỉ đồng tiền sách, “dân làng sách” đã tiêu tốn hết khoảng 50 tỉ đồng cho hội sách. Một sự “hi sinh” to lớn khoảng 100%.

Vậy người dân TP.HCM đã bỏ ra bao nhiêu tiền để đi mua sách ở hội sách? Người đến hội sách phần lớn đi xe máy, thường là hai người đi một xe, như vậy với 1 triệu lượt người, theo thống kê của ban tổ chức, chúng ta có 500.000 lượt xe máy.

Tính sơ bộ chi phí đi lại, gửi xe, ăn uống... mà bạn đọc bỏ ra cho quá trình đi mua sách có thể làm tròn 50.000 đồng/người. Như vậy chi phí của xã hội đi mua 50 tỉ đồng tiền sách là 50 tỉ đồng (50.000 đồng/người x 1 triệu lượt người). Đến đây chúng ta đã thấy những con số 50 tỉ đều thật đẹp. Người dân TP.HCM đã hết lòng 100% để đi mua sách.

Văn hóa đọc và câu chuyện giáo dục

Tuy rất đẹp, nhưng cả ba con số 50 tỉ cho chúng ta thấy văn hóa đọc ở TP.HCM nếu theo doanh thu của hội sách thì có vẻ cao, nhưng tính theo đầu người vẫn thấp, có thể nói là không đạt mong đợi với một thành phố có gần 10 triệu người với khoảng 1,5 triệu học sinh, sinh viên và giáo viên. Bàn về văn hóa đọc thì có nhiều cách. Xin kể hai sự kiện.

Trong một hội thảo gần đây của Bộ GD&ĐT về tổ chức trải nghiệm sáng tạo khoa học kỹ thuật và văn hóa đọc, thật bất ngờ là TP.HCM không có báo cáo nào trong kỷ yếu về việc phát triển văn hóa đọc trong trường học cho đa số học sinh các trường công trên diện rộng.

Trong khi đó, các báo cáo về tình hình phát triển văn hóa đọc trong trường học ở các tỉnh Thái Bình và Nam Định của Nguyễn Quang Thạch đã làm cả hội thảo ngỡ ngàng và khâm phục vì tính chuyên nghiệp. Nhiều huyện của Thái Bình và Nam Định đã đưa tiêu chí đánh giá trường học và giáo viên thông qua việc quản lý đọc sách của học sinh.

Hàng trăm trường học có tiết sinh hoạt đọc sách theo thời khóa biểu, có tủ sách trong từng lớp học, nơi học sinh được mượn sách mang về nhà. Quan trọng nhất là việc đọc sách của hàng trăm ngàn học sinh được đo lường bằng các con số cụ thể: 10-30 cuốn sách trong một năm học. Từng học sinh có sổ nhật ký đọc sách.

Vừa qua, ngay sau tết, một vài đơn vị kinh doanh sách được mời tham gia các hội sách nho nhỏ tại các trường làng ở Thái Bình và Nam Định. Các hội sách này chỉ kéo dài mỗi buổi sáng, ngoài các hoạt động giới thiệu sách, học sinh và giáo viên còn mua sách. Kết quả là trung bình mỗi học sinh mua khoảng 20.000 đồng tiền sách.

Nếu để ý, chúng ta thấy Hội sách TP.HCM có doanh thu 50 tỉ đồng và khoảng 60% là sách bán cho học sinh và sinh viên. Như vậy có khoảng 30 tỉ đồng doanh thu cho khoảng 1,5 triệu học sinh, sinh viên và giáo viên của TP.HCM, tức là tiền mua sách theo ngày hội trung bình 20.000 đồng/học sinh.

Qua một cuộc hội thảo và một hội sách thật khó so sánh về văn hóa đọc giữa làng và thành phố, nhưng rõ ràng nhiều trường làng ở Thái Bình và Nam Định đã bứt phá vượt lên nhiều trường tại thành phố về việc đọc sách cũng như mua sách.

TP.HCM muốn đứng đầu cả nước về giáo dục thì phải tích cực phát triển văn hóa đọc trong các trường công cho số đông để có thể vượt được các trường làng ở Thái Bình và Nam Định, nơi có hàng trăm trường học đang được Bộ GD&ĐT đánh giá là mẫu mực và chuyên nghiệp trong việc phát triển văn hóa đọc trong trường học, có hàng ngàn tủ sách trong từng lớp học.

Cốt lõi của giáo dục luôn là sự quan tâm của thầy cô giáo và phụ huynh tới học sinh. Và sách và việc đọc sách luôn là một thước đo của sự quan tâm tới con trẻ trong một xã hội có văn hóa.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận