TTCT - Lạm thu, và những lo lắng, tranh luận căng thẳng về tiền nong dấy lên đầu mỗi năm học đã phủ một màu tối lên hệ thống giáo dục VN, nhất là ở cấp tiểu học. Cha mẹ học sinh - những người có vai trò thiết yếu không kém các giáo viên và nhà quản lý giáo dục - đang đứng trước những xung đột thật sự trong câu hỏi “Phải làm gì và nên làm gì để giúp con cái học tốt và nên người?”. Từ đây, một câu hỏi khác cũng không kém phần quan trọng được đặt ra về vai trò, trách nhiệm của hội phụ huynh.Xây dựng một hội phụ huynh đúng danh nghĩa và vai trò là mong muốn của nhiều người - Ảnh: Minh ĐứcNăm 2011, Bộ GD-ĐT ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐD), quy định khá cụ thể những gì làm và không được làm của các BĐD trong trường mầm non và phổ thông. Song những gì diễn ra trên thực tế thì vẫn ngày càng xa rời quy định này. Một cuộc họp phụ huynhGần 176 triệu đồng là con số dự toán thu chi quỹ phụ huynh trong học kỳ I của một lớp học ở Hà Nội, gần gấp đôi tổng số tiền ngân sách chi cho hoạt động giáo dục cả năm học của một trường ở tỉnh miền Trung. PV Tuổi Trẻ có mặt tại phòng học một lớp khối 1G một trường tiểu học công lập của quận Ba Đình (Hà Nội) để họp phụ huynh đầu năm học.Thông báo của chị trưởng BĐD tên H. cho biết từ hồi hè, “BĐD lâm thời của lớp đã thu 3 triệu đồng/học sinh, tổng số tiền đã thu là 171 triệu đồng. Tuy nhiên, tổng dự toán thu chi học kỳ I của lớp là gần 176 triệu đồng với 13 mục, trong đó đã chi gần 85 triệu đồng mua các thiết bị nghe nhìn cho lớp như máy tính xách tay cho cô giáo, máy chiếu, dàn micro - ampli - loa..., nặng nhất là khoản chi 57 triệu đồng mua bảng tương tác, mua máy điều hòa gần 26 triệu đồng…, 36 triệu đồng sẽ chi quà cho cô giáo và ban giám hiệu vào các dịp lễ”… Phụ huynh nào quan tâm các chi tiết cụ thể của bảng dự toán thu chi thì chị H. cho mượn với điều kiện “ngồi xem tại chỗ, không được chụp lại”.Buổi họp trở nên sôi động khi một vị đại diện khác tên là T. thông báo cô giáo chủ nhiệm vừa “bị mất cắp ví tiền và điện thoại do kẻ gian cạy cửa lớp khi cô dẫn các con xuống sân tập khai giảng, trong đó khoản tiền bị mất chủ yếu là khoản cô vừa thu của học sinh để mua sách hộ các con” và đề nghị các phụ huynh “hỗ trợ” cô. Vài phụ huynh mau mắn đồng ý, một số phản đối, nhóm khác băn khoăn. Rốt cục, một nữ phụ huynh quyết định đứng ra quyên tiền (ghi tên và số tiền đóng góp của từng phụ huynh) và phụ huynh lần lượt đưa tiền.Tôi hỏi một phụ huynh có góp tiền không, ông thật thà đáp “nhà tôi chắc chắn nghèo hơn cô giáo, nhưng chẳng lẽ các vị ấy kêu gọi rồi ghi tên từng người như vậy tôi lại muối mặt mà không đóng?”.Biến tướng đủ đườngTại tất cả các trường học hiện nay đều có BĐD cấp trường và lớp, trên tinh thần phối hợp nhà trường và giáo viên chủ nhiệm thực hiện hoạt động dạy học, giáo dục học sinh. Nhưng thực tế, phần đông chỉ cùng giáo viên chủ nhiệm tổ chức các cuộc họp phụ huynh, thu tiền đóng góp, lo việc “lễ” thầy cô vào các dịp lễ lạt trong năm.Chị Hạnh, một người từng “xin ra khỏi BĐD” khi con còn học lớp 4 một trường tiểu học ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), kể: “Hai năm tham gia BĐD, công việc chủ yếu của chúng tôi là thu tiền của cha mẹ học sinh, phổ biến đến họ những chủ trương của trường, trong đó phần lớn liên quan đến việc thu tiền. Trường cần phụ huynh hỗ trợ cái gì đều “khoán trắng” cho BĐD trong việc phổ biến, thuyết phục và thu tiền phụ huynh. Phụ huynh khác còn có thể thắc mắc, nhưng người trong BĐD thì gần như phải đứng về phía nhà trường, giáo viên chủ nhiệm. Tôi xin ra khỏi BĐD vì chứng kiến những gợi ý thu vô lý mà bất lực, không thể phản ứng”.Những người rút lui trong lặng lẽ như chị Hạnh không nhiều. Chị Ngọc, một phụ huynh Trường tiểu học Trung Tự (Hà Nội), cho biết năm nào BĐD lớp cũng thu quỹ lớp để chi tiêu hàng chục khoản và đều rất vô lý như kẻ lại bảng, sơn lại lớp, mua xô - giẻ lau sàn nhà, đồng hồ treo tường, quạt… “Tôi từng lên gặp cô hiệu trưởng để thắc mắc. Cô hiệu trưởng tỏ ra rất lắng nghe rồi hứa hẹn sẽ nhắc nhở giáo viên trả lại những khoản phụ huynh không đồng ý. Tuy nhiên, chẳng bao giờ có chuyện trả lại” - chị Ngọc kể.Để tìm hiểu thật kỹ về hoạt động của BĐD, PV Tuổi Trẻ đã dự thính nhiều cuộc họp phụ huynh đầu năm học này. Hầu hết các cuộc họp diễn ra như sau: sau phần trao đổi của cô giáo chủ nhiệm, BĐD phổ biến chuyện tiền. Quỹ phụ huynh lớp từ 500.000 đồng/người tăng lên 700.000 đồng, 1 triệu, rồi 2 triệu đồng/người, mà vẫn bỏ ngỏ khả năng “có thể đóng thêm nếu cuối năm hụt quỹ”.Ở một trường THPT của quận Đống Đa (Hà Nội), khi một số cha mẹ học sinh đề nghị buổi họp phụ huynh đầu năm nên dành thời gian để chia sẻ kinh nghiệm giáo dục con cái, cách xử lý những tình huống phát sinh ở lứa tuổi nhạy cảm thì người của BĐD gạt đi, rồi đề nghị phụ huynh nộp tiền cho những khoản đã “tiền trảm hậu tấu” như sơn lại tường, mua thêm quạt, rèm cửa…Đáng buồn là trong tất cả những bản diễn giải thu chi tự nguyện (do BĐD đứng ra thu), ngoài phần đầu tư thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất thì khoản được chi nhiều nhất là cho thầy, cô giáo, ban giám hiệu và nhân viên nhà trường. Chỉ tính một ngày lễ, hàng chục địa chỉ mà phụ huynh các trường phải có quà, từ ban giám hiệu đến bộ phận tài vụ, văn phòng, bảo vệ… Tiền cấu ra từ quỹ phụ huynh như muối bỏ bể.Sự phản kháng yếu ớtH.A., cựu phụ huynh Trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội), là một trong những người hiếm hoi dám công khai chống lại việc nhà trường mượn BĐD để lạm thu. Hồi ấy (năm học 2010-2011), con gái H.A. học lớp 3A3 Trường tiểu học Nam Trung Yên. Trước áp lực của nhà trường về “xã hội hóa” để thu tiền mua máy điều hòa, rèm cửa và một số khoản thu khác, H.A. cùng nhiều phụ huynh khác của lớp 3A3 không chấp nhận. Giáo viên chủ nhiệm lớp 3A3 đã gọi phụ huynh lớp họp đột xuất nhiều lần nhưng vẫn không đạt được thỏa thuận cuối cùng.Rất may cho H.A. và một số phụ huynh khác là BĐD lớp đứng về phía họ. Tuy nhiên, một vài phụ huynh trong lớp bắt đầu lên tiếng cạnh khóe H.A. và những phụ huynh dám đấu tranh, cho rằng vì họ mà các phụ huynh khác mất thời gian, cô giáo không yên tâm dạy học… Cuối cùng giáo viên chủ nhiệm đề nghị để ổn định tình hình, lớp bầu BĐD khác. Trao đổi với các cơ quan chức năng, ban giám hiệu Trường tiểu học Nam Trung Yên giải thích việc lớp 3A3 bầu lại BĐD là vì yêu cầu của phụ huynh!Đấu tranh trực diện với nhà trường không ăn thua, nhiều phụ huynh Trường tiểu học Nam Trung Yên hồi đó đã tìm đến nhiều cơ quan báo chí. Mặt khác, họ gửi đơn trình bày sự việc đến nhiều cơ quan chức năng. Trong cuộc gặp với Quận ủy Cầu Giấy, bà Lương - bà nội một học sinh khối 5 - đã lên án nhà trường thu tiền của phụ huynh để mua sắm, chi tiêu theo cách “vén tay áo sô đốt nhà táng giấy”. Sau khi lắng nghe thông tin từ hai bên (nhà trường và phụ huynh), cơ quan chức năng động viên phụ huynh yên tâm ra về, họ sẽ có kết luận thỏa đáng.Tuy nhiên, rất lâu sau đó, các phụ huynh nhận được văn bản trả lời kiểu “vừa đúng vừa sai” và không hề có bất kỳ hình thức kỷ luật nào với hiệu trưởng nhà trường. Vậy là “hòa cả làng”. “Nhớ lại, tôi không khỏi ớn lạnh. Hồi ấy khi báo chí viết về trường, các cuộc họp phụ huynh diễn ra để “bình ổn tình hình” nhưng thực chất là để đấu tố xem ai làm rò rỉ thông tin” - H.A. nhớ lại.Phụ huynh một trường THPT quận 1 (TP.HCM) kể chị là người duy nhất đứng lên đề nghị trưởng BĐD lớp cho xem bản giải trình thu chi năm trước, dự toán năm sau trước sự khó chịu ra mặt của vị hội trưởng và tiếng xì xào kêu mất thời gian của nhiều phụ huynh khác.Sự phản kháng hiếm hoi của phụ huynh thường ít mang lại kết quả nếu chỉ đi bằng con đường chính thống là khiếu kiện lên hiệu trưởng, trưởng phòng giáo dục. Kết quả của cuộc tranh đấu thường là con cái bị kỳ thị, bị “quan tâm” đặc biệt khiến nhiều học sinh bị áp lực nặng nề. Đã có những người không thể đấu tranh được với tiêu cực thì đành phải xin chuyển trường, chuyển lớp cho con để “tránh bão”. Như một thông lệ cay đắng, không ít tiêu cực của nhà trường khi bị bung bét, cha mẹ học sinh lại là đối tượng “giơ đầu chịu báng” mà không thể phản kháng.Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) từng xảy ra một việc kinh động khi tập thể giáo viên kiện trưởng BĐD cấu kết với hiệu trưởng vi phạm quy định thu chi. Báo chí vào cuộc và thanh tra SởGD-ĐT Hà Nội xuống kiểm tra. Nhiều khoản thu - chi núp dưới danh nghĩa tự nguyện, thiếu chứng từ hợp pháp, làm thất thoát lượng tiền lớn đã được thanh tra sở xác nhận, nhưng kết luận của thanh tra lại quy trách nhiệm chính cho BĐD các lớp. Hiệu trưởng chỉ bị lỗi nhẹ còn ông trưởng BĐD trường thì vô can.“Trả lại tên cho em” bằng cách nào?Trong điều lệ BĐD cha mẹ học sinh của Bộ GD-ĐT ban hành năm ngoái thì các vị hiệu trưởng phải có trách nhiệm trong các hoạt động của BĐD cấp trường và lớp. Theo đó, nếu BĐD gây nên lạm thu, tổ chức dạy thêm, học thêm tùy tiện thì hiệu trưởng bị quy trách nhiệm.Đây là điểm mới không có trong điều lệ đã ban hành trước đó với mục đích đưa hoạt động của BĐD trở về với đúng vai trò của nó. Nhưng trên thực tế, gần một năm ban hành điều lệ mới, những bất cập liên quan đến BĐD vẫn không hề thuyên giảm. Bởi nhận thức, quan điểm của nhiều bậc cha mẹ và các BĐD không thay đổi, áp lực từ phía nhà trường, thầy, cô giáo đối với cha mẹ học sinh không thay đổi.Trong khi đó, không hề có một tổ chức, bộ phận khách quan hơn để giám sát, xử lý sai phạm và bảo vệ những phụ huynh dám đứng lên tranh đấu với tiêu cực. Điều lệ thậm chí có cả quy định “UBND các tỉnh, thành không quy định việc thu và sử dụng quỹ của BĐD, nhưng phải có trách nhiệm quản lý, kiểm tra việc thực hiện điều lệ BĐD”. Nhưng việc kiểm soát này không hiệu quả và bao trùm hết các hoạt động được bưng bít trong nhà trường.Khi hỏi về điều lệ BĐD cũng như các văn bản hướng dẫn quản lý thu chi các cấp, tất cả phụ huynh đều lắc đầu, ngay cả một vị trong BĐD Trường THCS Huy Văn, quận Đống Đa cũng khăng khăng các khoản thu lên đến hàng triệu đồng, kể cả quỹ phụ huynh trường, lớp đều do “trên quy định”.Suy nghĩ về việc xây dựng một hội cha mẹ học sinh theo đúng danh nghĩa và vai trò là mong muốn không chỉ của chính các bậc cha mẹ học sinh mà còn của nhiều nhà giáo muốn chấn chỉnh tiêu cực trong giáo dục.Cha mẹ học sinh làm gì?Được: phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật...Tổ chức lấy ý kiến cha mẹ học sinh của lớp về biện pháp quản lý giáo dục học sinh để kiến nghị cụ thể với giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn về biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, chất lượng dạy học; phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục truyền thống, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh...Không được: sử dụng quỹ cha mẹ học sinh vào những việc nằm ngoài hoạt động trực tiếp của BĐD, như việc bảo vệ cơ sở vật chất nhà trường, tiền an ninh, tiền vệ sinh, trông xe, khen thưởng cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường, mua sắm máy móc, trang thiết bị đồ dùng dạy học cho trường, lớp, cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên sử dụng, sửa chữa nâng cấp, xây dựng các công trình của nhà trường.Thu chi không đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch.“Cái sai đáng được hoan hô”?Đây là một cuộc đối thoại giữa nhà báo và chị Thúy Nga - một thành viên BĐD cha mẹ học sinh một lớp tiểu học, quận Thanh Xuân (Hà Nội) - khi BĐD thu tiền để “lắp hai điều hòa, sơn lớp học, lắp hệ thống ánh sáng, lắp bốn quạt”.* Chị có biết việc thu này trái với điều lệ BĐD?- Tất nhiên là chúng tôi đã xin phép nhà trường. Tôi nghĩ chưa nên phán xét nhau vội. Tôi thấy mình làm đúng, thứ nhất là vì tôi làm công khai, thứ hai là mình làm không phải mình hưởng mà các con được hưởng, tạo cho các con môi trường tốt nhất để học. Tôi làm không phải trên quan điểm cá nhân tôi mà là quan điểm của nhiều phụ huynh lớp.Nhìn lớp học tường vôi nham nhở, bẩn, ẩm mốc nên các phụ huynh muốn sơn màu sáng hơn để không ảnh hưởng đến mắt, trông sạch sẽ hơn. Cái này là tự nguyện của phụ huynh, không liên quan gì đến nhà trường.* Sao BĐD không đề nghị nhà trường cho tu sửa, quét lại sơn?- Trường bảo họ không thể đồng loạt sơn như vậy, họ nói nó chưa làm sao. Đa số phụ huynh lại thấy là lớp rất tối, rất bẩn.* Điều lệ BĐD quy định không được dùng tiền quỹ để tặng giáo viên và chi trả cho các hoạt động giáo dục của nhà trường, chị có biết không?- Tôi có được họp về cái này. Ở đâu mà chẳng có quy định nhưng không phải bao giờ người ta cũng làm đúng quy định. Đừng có mà áp đặt với nhau quá về việc làm đúng quy định. Nếu cứ làm đúng quy định thì xã hội không như thế này.Để làm sai mà có lợi cho các con thì tôi nghĩ cái sai của tôi cũng được hoan hô. Cái sai mà để ảnh hưởng tới rất nhiều thứ thì tôi mới thấy cần phải suy nghĩ lại.* Trường có cho các chị biết họ được nhận đầu tư ngân sách một năm bao nhiêu không?- Cái này chị nên hỏi những người có trong thành phần được phổ biến.* Lớp này có 55 học sinh. Mỗi năm Nhà nước đầu tư cho một học sinh 3 triệu đồng, tổng cộng lớp được đầu tư 165 triệu đồng/năm. Ngoài việc trả lương cho giáo viên, số tiền còn lại được chi vào các hoạt động giáo dục. Sao BĐD không hỏi nhà trường là tiền Nhà nước cấp ở đâu mà lớp học tường thì lở lói, quạt không có, hệ thống ánh sáng phải lắp lại?- Tôi chỉ biết khi con tôi vào lớp, quạt thì thiếu, quạt của lớp khác năm ngoái người ta trang bị năm nay người ta mang đi; điện thì cháy 4-5 bóng, chỉ có một đèn tuýp dài. Nếu bới móc nhau thì bới cả đời, làm cho các con hưởng mà các phụ huynh cứ bới móc nhau vì mấy trăm nghìn đồng thì tôi nghĩ nó không đáng.* Một cá nhân chỉ mấy trăm nghìn, nhưng cả một hệ thống thì con số sẽ là rất lớn... Chưa kể có nơi đóng tiền triệu.- Bây giờ ở đâu mà chẳng phải đóng tiền? Các cháu đi học mẫu giáo cũng phải đóng tiền lắp máy điều hòa. Vấn đề này quá nhỏ để mổ xẻ. Trước khi làm chúng tôi đã xin ý kiến, có phải bắt ép hay tống tiền như một số phụ huynh nhắn tin cho tôi đâu! Những tin nhắn đó tôi vẫn lưu và tôi có thể kiện họ vì tội quấy rối người khác. Đấy là tôi nói vậy thôi chứ tôi không có ý định kiện.* Bản xin ý kiến đề nghị ký và ghi rõ họ tên phụ huynh. Nhiều người cho đó là cách làm khó họ?- Nếu lấy phiếu kín không có họ tên thì còn nhiều vấn đề hơn. Việc này có lén lút, che giấu gì đâu mà phải phiếu kín?* Nghe nói trường đã cho trả lại tiền những lớp không đồng ý. Lớp này có trong diện đó không?- Tôi đã gọi cho các phụ huynh đến để trả lại tiền. Các lớp làm thế nào lớp tôi cũng thế.* Cảm ơn chị!___________“Nếu thầy, cô giáo và bố mẹ làm điều gì đó khuất tất, không chính đáng hoặc “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” thì việc giáo dục sẽ mất tác dụng” - bà Nguyễn Thị Bình, nguyên phó chủ tịch nước, nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với TTCT về vai trò phụ huynh trong giáo dục.Bà Nguyễn Thị Bình - Ảnh: Vĩnh HàBà Nguyễn Thị Bình nói: Nếu trước đây cha mẹ thường mong muốn “con được học hành nên người” thì nay một bộ phận lớn các bậc cha mẹ đặt ra cái đích cho con là “học để đạt điểm cao, để vào được đại học và có bằng cấp”. Sự lệch lạc như vậy trong nhận thức về giáo dục của các bậc cha mẹ đã tạo ra sự cộng hưởng giữa gia đình và nhà trường trong “căn bệnh thành tích”, khiến không ít bậc cha mẹ học sinh góp sức hoặc làm ngơ trước tiêu cực trong các nhà trường.Để tránh tình trạng chệch hướng, điều cốt lõi là dạy và học làm người, làm người lương thiện, làm công dân có trách nhiệm, tôi muốn nhấn mạnh điều này, chứ không thể lấy thi cử và bằng cấp làm cứu cánh.Một khi đã xác định mục đích của giáo dục là dạy và học làm người thì gia đình có vai trò rất quan trọng. Yêu thương con người, trung thực trong lời nói, việc làm và trọng lẽ phải trong quan hệ ứng xử chính là cái gốc của nhân cách mà gia đình có thể và cần phải hình thành, nuôi dưỡng ở trẻ em từ tuổi ấu thơ.Đến tuổi đi học, để trẻ em phát triển nhân cách, rất cần bảo đảm sự thống nhất về mục đích giáo dục giữa nhà trường và gia đình. Ta thường nói cần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.Tôi nghĩ cốt lõi của môi trường giáo dục là sự thống nhất về nhận thức và hành động giữa nhà trường và gia đình. Ở trường học, các thầy cô phải làm gương, ở nhà thì bố mẹ phải làm gương. Nếu thầy, cô giáo và bố mẹ làm điều gì đó khuất tất, không chính đáng hoặc “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” thì việc giáo dục sẽ mất tác dụng.* Nhiều ý kiến cho rằng nhiều hiện tượng tiêu cực trong giáo dục có phần trách nhiệm từ phía cha mẹ học sinh do quan điểm giáo dục không đúng. Nhiều ban đại diện cha mẹ học sinh còn là cầu nối cho tiêu cực phát sinh. Bà có chia sẻ góc nhìn này?- Đây chính là điều tôi muốn nói và muốn cơ quan truyền thông có tiếng nói mạnh mẽ. Thời gian qua, khi đề cập đến tiêu cực trong các nhà trường, dư luận mới chỉ phản ảnh trách nhiệm của cơ quan quản lý, của giáo viên. Dĩ nhiên, khi chất lượng giáo dục yếu kém, dạy thêm học thêm tràn lan gây áp lực, quá tải cho con trẻ, lỗi trước tiên là thuộc nhà trường, thầy cô giáo. Nhưng không thể không nói đến trách nhiệm của các bậc phụ huynh.Nhiều cha mẹ học sinh vì muốn con được điểm cao, đạt danh hiệu học sinh giỏi, được vào đại học, có bằng cấp nên chấp nhận những giải pháp tiêu cực. Bên cạnh các trường hợp vì tình thế bắt buộc, cha mẹ học sinh không cưỡng lại được với cách làm của nhà trường thì cũng không ít trường hợp cha mẹ đồng tình với việc nhồi nhét kiến thức cho con em, chấp nhận chuyện chạy trường, chạy cô, mua điểm, mua bằng...Một bộ phận có điều kiện kinh tế khá giả đã cho rằng có thể dùng tiền để đạt được những gì họ muốn. Nhiều người muốn con mình đi học phải được hưởng những điều kiện tốt nhất có được bằng tiền, rồi xử lý quan hệ với thầy cô, với nhà trường cũng bằng tiền. Những phụ huynh có quan niệm như thế một khi có cơ hội tham gia các ban đại diện cha mẹ học sinh thường không thực hiện đúng nhiệm vụ quy định, thậm chí còn tiếp tay cho nhà trường thực hiện các việc tiêu cực để đạt được lợi ích không thật chính đáng cho con em mình.Cảnh thu tiền ủng hộ cô giáo do cô bị mất cắp ví và điện thoại ở một trường tiểu học tại Hà Nội (ảnh chụp qua điện thoại) - Ảnh: Thư Hiên* Với định hướng đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện, theo bà, vai trò của phụ huynh, hội phụ huynh cần được quan tâm và thể hiện như thế nào?- Ban đại diện cha mẹ học sinh là tổ chức do cha mẹ học sinh cử ra để phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục con em. Là đại diện cho cha mẹ học sinh, ban đó có trách nhiệm phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cha mẹ học sinh, mà cốt yếu là quyền và lợi ích của con em, bảo đảm cho con em được hưởng một nền giáo dục có chất lượng, trung thực và lành mạnh.Nếu nói về mô hình thì cần phải gắn cái mô hình của ban đại diện cha mẹ học sinh với mô hình của nhà trường - tổ chức học tập nền tảng, kết quả của việc cơ cấu lại hệ thống giáo dục theo hướng hệ thống mở, giáo dục nhà trường phổ thông là nền tảng học tập suốt đời. Như vậy ban đại diện cha mẹ học sinh chính là giải pháp gắn kết nhà trường với gia đình và cộng đồng.Cần có cái tâmGiữa tình hình chung của nhiều hội phụ huynh đi chệch hướng, cách làm của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 7A1 Trường Chu Văn An (Hà Nội) rất đáng tham khảo.Anh Phạm Ngọc Trung, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 7A1, chia sẻ: “Chúng tôi luôn lập kế hoạch rất chi tiết cho các khoản thu - chi để phụ huynh xem cùng bàn bạc. Quan điểm chung là không phải thu bao nhiêu mà là mình hoạt động ra sao, có thiết thực đối với các con và mục đích giáo dục không”.Theo anh Trung, để tránh tình trạng phụ huynh không hài lòng, thắc mắc nhưng không dám phản đối, kết thúc năm học trước, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đã làm phiếu thăm dò gửi đến từng phụ huynh, để họ thoải mái đánh giá mà không nêu danh tính về các hoạt động của hội cha mẹ học sinh, kết quả thăm dò được công khai tại cuộc họp phụ huynh để cùng thảo luận và rút kinh nghiệm... Mỗi năm, hội cha mẹ học sinh lớp 7A1 phát động 2-3 đợt thi đua để các học sinh cùng phấn đấu, tự chấm điểm và bình bầu, tự đặt ra phần thưởng. Vì vậy, học sinh rất phấn khởi vì có cảm giác được tôn trọng.“Hồi con tôi học cấp I, kết thúc học kỳ, cô giáo có nói là anh làm ban đại diện rất nhiệt tình, nhưng cậu con lại hơi nghịch, xếp loại cháu là học sinh giỏi cũng được nhưng cô hơi băn khoăn. Tôi nói với cô: Xin cho cháu nó là học sinh khá! Vì quan điểm của tôi là cô chỉ quyết được năm nay thôi, còn sang năm, rồi tiếp theo và cả cuộc đời của cháu thì sao? Kết quả là con tôi quyết tâm hơn, giờ cháu học rất khá! Để hội cha mẹ học sinh hoạt động tốt thì những người tham gia phải có cái tâm, đừng đặt lợi ích của con mình vào đó và phải làm thế nào để hài hòa giữa lợi ích của thầy cô và học sinh, đặc biệt là các hoạt động để con em họ hăng hái hơn trong học tập. Như thế, chắc chắn phụ huynh sẽ ủng hộ” - anh Trung khẳng định.Nghĩ từ 10.000 quỹ hội...Con vào lớp 1, tôi thành “trưởng đại diện chi hội phụ huynh lớp” và nhiệm vụ đầu tiên là lắng nghe phụ huynh phản ảnh những ý kiến đầu năm học với nhà trường. Khác với các trường khác đang bị “la ó” vì tiền hội phí hội cha mẹ học sinh, ban đại diện cha mẹ học sinh trường con tôi (một trường điểm ở huyện Hóc Môn, TP.HCM) chỉ đề nghị thu ở mức 10.000 đồng/tháng và công khai rất rõ những hạng mục phải chi.Bậc tiểu học là nơi con cái bạn làm quen với môi trường xã hội ở cấp độ nhẹ nhàng nhất. Nhưng đó vẫn cứ là một xã hội đủ hỉ nộ ái ố, có những bất công, và cha mẹ nào cũng lo lắng cho con mình. Sự có mặt của ban đại diện cha mẹ học sinh trong trường học chính là để một mặt giúp con cái an tâm hơn trong việc học, mặt khác giúp thầy cô giáo hoàn thành trách nhiệm giáo dục và hạn chế phần nào những xung đột, bất công nếu có trong nhà trường với học sinh.Một sự độc lập ở mức tương đối với những yêu cầu của nhà trường về vật chất, đặc biệt là các khoản thu không nhằm mục đích phục vụ cho học tập, là điều mà một ban đại diện cha mẹ học sinh “chuẩn” cần hướng đến. Không chỉ vậy, họ còn phải cân nhắc và thấu hiểu được hoàn cảnh của các cha mẹ học sinh khác để không đưa ra những khoản thu bất hợp lý và quá sức chịu đựng của phụ huynh.Trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, đặc biệt là khi các trường không được thu phí cơ sở vật chất, một số trường gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cấp cơ sở vật chất của trường: sân tập thể dục hư hỏng, thư viện bong tróc, bãi giữ xe lầy lội hoặc đơn giản là rèm che nắng cho học sinh với những phòng học hướng tây bị nắng chói gắt.Với những trường học này, ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ khá vất vả khi tìm kiếm một nguồn tiền để hỗ trợ nhà trường vì không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện đóng góp. Lúc này, vai trò xã hội hóa giáo dục nên được đặt ra và ban đại diện cha mẹ học sinh cần tìm kiếm những phụ huynh có điều kiện kinh tế khá giả để vận động họ có thể đóng góp tự nguyện về tài chính hoặc vật liệu để giúp trường sửa chữa cơ sở vật chất, phục vụ cho việc học của các cháu tốt hơn.Nhưng một ban đại diện cha mẹ học sinh có “phong cách chuẩn”, nhất thiết đừng quên việc chính của mình là sát cánh với giáo viên chủ nhiệm trong việc giáo dục trẻ, lắng nghe phản ảnh của các phụ huynh về việc học tập, tiến bộ hay sa sút của từng trẻ và chuyển những phản ảnh đó lên nhà trường để hai bên kịp thời phối hợp điều chỉnh trong việc giáo dục trẻ. Làm được những điều này chắc chắn các phụ huynh sẽ phải dành không ít thời gian, công sức và cả tài chính. Thế nhưng, cũng như yêu con vậy, yêu con đúng cách không hề dễ dàng và làm cha mẹ thật sự cũng khó khăn như thế!___________Hội phụ huynh và giáo viên (Parent - Teacher Association - PTA) tồn tại ở nhiều nước trên thế giới như Anh, Mỹ, Nhật nhằm tạo điều kiện cho các bậc phụ huynh tham gia các hoạt động thông tin, hỗ trợ nguồn lực, các sự kiện và hoạt động khác trong nhà trường. Nhiệm vụ của PTA đa dạng từ các công việc tình nguyện, tổ chức gây quỹ, hỗ trợ thư viện, phòng học đến tham gia sâu hơn vào việc viết quy định trong nhà trường. Một số lãnh đạo PTA thậm chí tham gia hội đồng lãnh đạo trường.Cuộc họp giữa hội phụ huynh, giáo viên với hiệu trưởng Trường trung học Tomlin, thành phố Plant, bang Florida, Mỹ, về nạn bắt nạt trong trường học - Ảnh: Tampa Bay OnlineTại Mỹ, PTA hoặc tổ chức tương tự có mặt tại hầu hết các trường tiểu học công lẫn tư và nhiều trường trung học. Khoảng 25% nhóm phụ huynh trên toàn nước Mỹ thuộc một mạng lưới quốc gia trong khi các nhóm khác là độc lập. Một nhóm có hoạt động tương tự PTA nhưng tách biệt với chính quyền các bang như các tổ chức phụ huynh và giáo viên. Trên trang web riêng, PTA cho biết toàn bộ các cấp tổ chức này chịu sự quản lý của ban giám đốc PTA quốc gia.Tại Anh, PTA đôi khi còn được gọi là hội gia đình và nhà trường, hiện diện tại 83% các trường tiểu học và 60% các trường cấp II. Tổ chức PTA-UK cho biết họ đại diện cho hơn 13.750 tổ chức PTA tại Anh, Xứ Wales và Bắc Ireland, với mục đích “thúc đẩy giáo dục thông qua việc khuyến khích phối hợp toàn diện giữa gia đình và nhà trường, các cơ quan giáo dục, chính quyền địa phương và tất cả các bên quan tâm”. Tuy nhiên không giống như PTA tại Mỹ, PTA tại Anh không thuộc bất cứ tổ chức quốc gia nào.Quyền lực ở đâu?Hầu hết các nhóm PTA tại Anh họp toàn thể vào mùa khai trường tháng 9 hằng năm để bầu ra một ủy ban gồm chủ tịch, phó chủ tịch, thủ quỹ, thư ký và các thành viên hội đồng. Hội đồng này sẽ họp vào mỗi học kỳ để bàn về các vấn đề như tổ chức các sự kiện trong trường. Các cuộc họp của PTA cũng là nơi thảo luận những vấn đề về giáo dục, trong đó giáo viên sẽ trao đổi với phụ huynh về một chương trình đọc sách mới hoặc các vấn đề về kỷ luật của học sinh. Phụ huynh có góp ý cách xây dựng quan hệ với con trẻ hoặc chia sẻ thông tin về những kế hoạch cải cách trường. Họ cũng có thể bày tỏ lo lắng về các bài tập về nhà hoặc thay đổi trong giáo trình dạy. Ngoài ra, PTA cũng có thể tham gia với vai trò trung gian để giải quyết các xung đột nếu có tại trường.PTA quốc gia tại Mỹ mỗi năm đưa ra các đề xuất và ưu tiên chính sách cho quốc hội, nhất là những ưu tiên đề xuất dựa trên “khả năng tạo ra những thay đổi về chính sách có tác động tích cực lên học sinh” như họ tuyên bố. Hạ viện Mỹ hồi tháng 5-2012 cũng mời chủ tịch PTA bang New York chất vấn trong buổi điều trần về “vai trò của gia đình trong cải cách giáo dục”.Tại Nhật Bản, PTA được đánh giá là một tổ chức nhiều quyền lực, được cơ cấu chặt chẽ trong việc bầu chọn từ lãnh đạo đến kế toán. Lãnh đạo PTA tại Nhật Bản về mặt xã hội có thể sánh ngang một quan chức chính phủ cấp cao. Không chỉ tổ chức các sự kiện để tăng cường quan hệ giữa học sinh, giáo viên và cộng đồng, PTA còn có các cuộc họp giúp định hướng các quyết định của nhà trường, họ đại diện cho các ý kiến hoặc đòi hỏi của phụ huynh về chính sách hoặc kế hoạch của nhà trường.Không lạm thu mà gây quỹMột trong những công việc chính của PTA là gây quỹ. Tại Mỹ, các phụ huynh quyên tiền thông qua tổ chức sự kiện. Họ thường tổ chức một sự kiện lớn vào mỗi học kỳ, chẳng hạn tiệc Giáng sinh, thi đố vào mùa xuân hoặc hội chợ vào mùa hè, đến các ý tưởng bán đồng phục trường, bắn pháo hoa...Số tiền PTA quyên được được coi như một khoản “phụ trội” thuộc quyền quyết định của ủy ban PTA. PTA của Anh công bố báo cáo tổng kết hằng năm trên website pta.org.uk, trong đó công khai các khoản thu nhập và chi tiêu trong năm kèm theo giải thích các khoản tăng hoặc giảm. Tại Mỹ, các nhóm PTA gây được nguồn quỹ lớn cho trường có thể tham gia quyết định chương trình nào sẽ được hỗ trợ.Sandra Pfau Englund, luật sư Mỹ chuyên giải quyết các vấn đề pháp lý cho những hội phụ huynh và tổ chức phi lợi nhuận, khẳng định PTA là những tổ chức độc lập nên ít chịu sự hạn chế từ nhà trường. Phụ huynh không cần sự thông qua và kiểm soát của nhà trường đối với các hoạt động gây quỹ của mình. Ngoài ra, luôn cần có một bên thứ ba để kiểm toán các chi phí tài chính hằng năm. Tags: Minh bạchLạm thuGây quỹVai tròHội phụ huynh
Hành trình xuyên rừng tìm kiếm chiếc máy bay Yak-130 bị rơi TRUNG TÂN 09/11/2024 Xác chiếc máy bay Yak-130 được tìm thấy sau 2 ngày gặp nạn nhờ các nguồn tin báo và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng Đắk Lắk.
Vì sao bão Yinxing rất mạnh trên Biển Đông nhưng lại suy yếu nhanh khi vào gần Việt Nam? CHÍ TUỆ 09/11/2024 Không khí lạnh, độ ẩm thấp và nhiệt độ mặt nước biển không cao khiến bão số 7 (Yinxing) có nhiều khả năng suy yếu nhanh khi đi vào gần đất liền Việt Nam.
Xử lý tài sản vụ án ngành y tế, máy móc 'không có tội' nhưng bị niêm phong rất lãng phí TIẾN LONG 09/11/2024 Tài sản là máy móc, trang thiết bị trong vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai 'không có tội' nhưng khi xảy ra vụ án, hệ thống máy để đấy, không hoạt động rất lãng phí.
Khai hội Việt Nam xanh, bắt đầu hai ngày tràn ngập hoạt động thú vị NGỌC HIỂN 09/11/2024 Ngày hội Việt Nam Xanh chính thức khai hội tại Nhà văn hóa Thanh niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP.HCM).