Mô hình trồng nhãn của hội viên Chi hội nông dân bản Mường Nưa, xã Mường Lầm, huyện Sông Mã
Phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi
Ông Lò Văn Thạch, chủ tịch Hội, thông tin thực hiện phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân trong xã xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả; đưa các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm vào sản xuất, tập trung chuyên canh gắn với phát triển hợp tác xã.
Đến nay, xã đã chuyển đổi diện tích đất trồng ngô năng suất thấp sang trồng 257 ha nhãn, 114 ha xoài; tận dụng trồng xen 17 ha rau, đậu vào các diện tích cây ăn quả; trồng 27 ha cỏ voi, 35 ha lúa, 150 ha sắn trên diện tích đất nương. Đồng thời, triển khai mô hình trồng 17 ha quế từ nguồn vốn vay quỹ Hỗ trợ nông dân tại bản Mường Tợ.
Từ năm 2023 đến nay, hội đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức 4 lớp tập huấn nghề, kỹ thuật trồng rau an toàn, nuôi bò thương phẩm, xử lý sâu bệnh trên cây trồng, kỹ thuật trồng cây ăn quả và cắt ghép. Cung ứng phân bón trả chậm của doanh nghiệp cho nông dân đầu tư sản xuất.
Vận động hội viên và nhân dân tham gia hưởng ứng phong trào bao trái cây phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu. Tín chấp cho 552 lượt hộ hội viên vay vốn từ các tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh với tổng số tiền hơn 22 tỉ đồng; tiếp nhận và quản lý 320 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân.
Nhiều hội viên đã đầu tư mở rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, mang lại thu nhập từ 100 - 500 triệu đồng/năm. Tiêu biểu như mô hình: nuôi lợn nái sinh sản, lợn thịt của hội viên Quàng Văn Soạn, Lường Văn Hiểng; nuôi bò sinh sản dùng đệm lót sinh học của hội viên Tòng Văn Cường, bản Mường Nưa; trồng nhãn của các hội viên Quàng Văn Thiết, Lường Văn Thạch, bản Phèn Sàng; trồng bí đao của các hội viên Lò Văn Tính, Lò Văn Diện, bản Hịa, Quàng Văn Thận, bản Lấu Ngày, Lò Văn Thật, bản Nà Và...
Phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần nâng thu nhập bình quân của xã đạt 40 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 3,32%. Đến hết năm 2023, xã có 109 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Góp phần duy trì và giữ vững các tiêu chí nông thôn mới
Năm 2013, ông Lường Văn Thạch, chi hội trưởng Chi hội nông dân bản Phèn Sàng, đầu tư cải tạo vườn nhãn giống địa phương sang nhãn miền thiết. Ngoài ra, ông còn tận dụng nguồn hoa nhãn của gia đình để phát triển mô hình nuôi ong lấy mật.
Ông Thạch phấn khởi cho biết: "Hiện nay, gia đình tôi có gần 2 ha cây ăn quả, sản lượng đạt 15 tấn quả/năm, duy trì 20 đàn ong, sản lượng mật đạt 30 lít/đàn/năm, với giá thu mua giao động từ 70.000-150.000 đồng/lít tùy loại mật. Thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng".
Còn ông Tòng Văn Cường, bản Mường Nưa, năm 2020 được hỗ trợ 23 con bò giống 3B sinh sản từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh việc chủ động nguồn thức ăn, ông Cường đã dùng trấu và mùn cưa làm đệm lót sinh học để xử lý mùi hôi từ phân và nước thải chăn nuôi. Việc làm này tiết kiệm được chi phí và giúp đàn bò phát triển tốt.
Cùng với đó, ông Cường còn trồng 4 ha nhãn, xoài và kinh doanh dịch vụ máy xúc, ủi. Tổng thu nhập mỗi năm trên 500 triệu đồng. Nhiều năm liền, ông Tòng Văn Cường đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Năm 2022, ông được chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích trong phong trào thi đua "Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và nông dân tỉnh Sơn La sản xuất kinh doanh nông nghiệp giỏi".
Tiếp tục đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế, Hội Nông dân xã Mường Lầm tập trung hướng dẫn hội viên xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; xây dựng và phát triển các chi, tổ hội nghề nghiệp... giúp hội viên vươn lên làm giàu, nâng cao đời sống, góp phần duy trì và giữ vững các tiêu chí nông thôn mới tại địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận