Phương thức lừa lại kẻ lừa đảo cũng được nâng lên tầm cao mới với hội, nhóm hội ý chiến thuật bài bản. Đôi khi cũng có chút phân vân, vì dù đi lừa kẻ lừa đảo cũng khác gì làm sai, nhưng rồi họ tự trấn an rằng "chỉ đang lấy lại những gì mình đã mất".
Mò mẫm trên chiếc bẫy
Gọi chiến thuật nghe cho sang, chứ thực ra chính họ cũng đang lần mò trên cái bẫy ấy, có khi còn không biết khi nào bẫy sập xuống!
Minh Khang - thành viên một nhóm "bào tiền lừa đảo" - vui mừng thông báo với nhóm đã có hai tài khoản Telegram kết nối mời đánh giá phim, mua hàng online nhận tiền hoàn.
Chiến thuật được Khang vạch ra bắt nguồn từ chính chiêu thức gài bẫy của những kẻ lừa đảo, với miếng mồi mang tên thù lao, hoa hồng.
Khang nhận được tin nhắn: "Ngày đầu bạn sẽ đánh giá 30 phim theo danh sách trên". Cứ vào ứng dụng, mỗi phim đánh giá thành công là Khang nhận được 3.000 đồng. Mỗi ngày có cả trăm phim cần đánh giá nên nếu làm ổn thì tiền công rất cao.
"Chúc mừng bạn đã hoàn thành nhiệm vụ" là tin nhắn tiếp theo Khang nhận.
Ngày thứ hai, đám lừa đảo yêu cầu Khang làm nhiệm vụ đánh giá 50 phim, có cả bài hát. Túc tắc làm, Khang mất chừng ba tiếng là xong. Cậu cười mỉm vì cứ đà này sẽ nhận được 240.000 đồng sau hai lần làm nhiệm vụ, nhẹ như không.
Khi những kẻ lừa đảo cười khoái chí vì thấy Khang răm rắp làm theo, coi như cá sắp cắn câu, thì bên này Khang cũng đang hồ hởi vì đã rỉa được một phần miếng phô mai. Khang bảo: "Hồi hộp lắm, vì nếu tụi nó trả tiền rồi dẫn dụ làm tiếp thì không sao, chứ nếu bắt nạp thêm để được nhận nhiệm vụ tiếp rồi mới cho rút tiền thì hỏng".
Đợi chờ hồi lâu, Khang cũng nhận được tin nhắn: "Số tiền bạn có thể rút là 200.000 đồng trên tổng số 240.000 đồng thù lao. Phần còn lại xem là quỹ mua lượt đánh giá và sẽ được cộng vào khi làm nhiệm vụ lần sau". Nhiêu đó cũng đủ khiến Khang vui, cậu lập tức đồng ý ngay, thực hiện lệnh rút tiền về tài khoản.
Lần này, Minh Khang tiếp tục được mời nhiệm vụ mới với 100 phim, thù lao tăng lên 5.000 đồng mỗi lần đánh giá. Và cái bẫy là ở đây, Khang phải nạp 450.000 đồng để mua 200 lượt đánh giá. Thừa hiểu kịch bản này, anh chàng lập tức xóa liên lạc, chặn tài khoản. Bởi các thành viên dặn nhau, nhiệm vụ đầu hoàn thành là rút, lấn nữa kiểu gì cũng mắc lừa.
Hầu như kịch bản chung sẽ là sau lần đầu hoàn thành nhiệm vụ, con mồi được rút tiền ngay. Chính trong men say chiến thắng ấy, con mồi được dẫn dụ nếu muốn làm tiếp nhiệm vụ cần phải nạp thêm tiền. Bài học thương đau Khang đã từng trả giá với khoản 2 triệu đồng bị lừa.
"Thấy được trả thù lao ngon quá, tui hăng máu nạp thêm, rồi bị ngâm, yêu cầu xác thực tài khoản, sao kê các kiểu và muốn rút thì phải nạp, mà càng nạp càng mất chứ được gì đâu" - Khang kể.
Coi chừng nỗi đau nhân đôi khi bẫy kẻ lừa đảo qua mạng
Khi lừa đảo qua mạng trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người, cõi mạng lại ra đời chiêu thức lừa đảo mới được gọi là "nhân danh công lý".
Không khó để tìm thấy các trang như: Hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo, Lấy lại tiền bị lừa đảo, Lấy lại tiền bị lừa đảo qua mạng xã hội... Thậm chí có cả cam kết bị lừa đảo qua số tài khoản ngân hàng từ mạng xã hội cũng có thể lấy lại.
Quản trị và các thành viên cộm cán của các nhóm này luôn tự xưng là luật sư, nhân viên ngân hàng, chuyên gia công nghệ. Phổ biến nhất là vào vai nạn nhân rồi hứa hẹn sẽ giúp mọi người lấy lại tiền lỡ bị lừa đảo qua mạng. Nhưng muốn lấy lại tiền thì phải mất tiền chứ!
Giá được các đối tượng này đưa ra với các nạn nhân cũng dao động khá lớn, từ 100.000 đồng đến vài triệu đồng, tùy số tiền bị mất,hoặc 20-50% số tiền bị lừa khi lấy lại được.
Và đã có "nỗi đau nhân đôi", thậm chí là "nhân gấp nhiều lần" được chính người trong cuộc kể ra bởi nghe là luật sư, nhân viên ngân hàng, rồi người đồng cảnh ngộ nên cũng dễ tin!
Chị Thương - một nạn nhân của lừa đảo mạng - kể vì tiếc 15 triệu đồng từng bị lừa bằng hình thức nhấp link thực hiện đăng ký định danh điện tử mức độ 2 trước đó nên mới tìm đến hội "Lấy lại tiền bị lừa đảo".
Chị Thương kể, họ hứa ngọt lắm, sẽ lấy lại tiền trong vòng ba ngày, phí dịch vụ đúng ra phải 30% nhưng vì thấy thương nên giảm còn 20%.
"Tụi nó kêu đóng trước 2 triệu đi, còn nhiêu sau khi nhận tiền về đóng tiếp. Vì muốn lấy lại tiền nhanh, mình cứ thế chuyển tiền mà không đắn đo gì, đến khi bị chặn liên lạc rồi mới biết mình mù quáng quá là xong hết rồi" - chị Thương thở dài.
Lập hội bàn chiến thuật
Hầu như nhóm tìm việc nào trên mạng xã hội cũng bóc phốt các chiêu trò lừa đảo như cách cảnh giác cho thành viên trước các chiêu thức lừa đảo mới. Vì nhiều người bị lừa quá nên họ lập nên các hội, nhóm "bào tiền lừa đảo". "Tôn chỉ mục đích" là không lừa ai, chỉ "bào lại" trên chính cái bẫy đối tượng lừa đảo quăng ra.
Để làm thành viên các hội này khá gian truân, phải qua dò xét, trả lời nhiều câu hỏi, thậm chí cần kể tường tận cú lừa từng gặp phải. Vào hội nhóm để bàn bạc, tính toán cách nào có thể "câu rỉa miếng phô mai trên chiếc bẫy" hiệu quả nhất và không ai bị sập nữa. Vì nếu không kiểm duyệt kỹ, rất dễ bị lọt các đối tượng lừa đảo vào nhóm sẽ làm "cuộc đi săn bọn lừa đảo" thêm khó.
(còn tiếp)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận