Sau thời gian 2 năm tạm hoãn vì đại dịch, Hội Nhà văn TP.HCM đã tổ chức buổi Lễ tổng kết, trao giải thưởng văn học và kết nạp hội viên mới vào sáng 10-1.
Chương trình có sự tham dự của các khách mời: ông Lâm Hữu Đức - trưởng Phòng văn hóa văn nghệ Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu - chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP.HCM, nhà văn Bích Ngân - chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM...
Nỗ lực làm con suối, dòng sông hòa vào dòng chảy văn học thế giới
Theo tổng kết của nhà văn Bích Ngân, trong thời gian qua, Hội Nhà văn TP.HCM đã tổ chức được nhiều cuộc thi, trại sáng tác, nhiều buổi tọa đàm, ra mắt sách và giới thiệu tác giả: cuộc thi Nhân nghĩa đất phương Nam, cuộc thi bút ký văn học Những hy sinh thầm lặng, cuộc thi Truyện ngắn hay 2022...
Điều này không chỉ tạo không khí cho các tác giả sáng tác mà còn là cầu nối mang đến những giá trị lan tỏa cho tác phẩm. Nhờ vào đó, số lượng hội viên mới kết nạp vào Hội Nhà văn TP.HCM đã tăng mạnh so với những năm trước.
Năm 2022, Hội Nhà văn TP.HCM kết nạp thêm 29 hội viên, gồm: đạo diễn Xuân Phượng, nhà văn Lưu Vĩ Lân, nhà báo Dương Thành Truyền, nhà thơ Trần Kim Dung, nhà lý luận và phê bình Nguyễn Tiến Dũng, dịch giả Phan Thu Vân...
Đồng thời, Hội Nhà văn TP.HCM cũng có 8 thành viên được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam: nhà báo Nguyễn Hồng Lam, Huỳnh Dũng Nhân, nhà văn Tống Phước Bảo, nhà thơ Nguyễn Phong Việt, Ngô Thị Hạnh...
Kết lại phần tổng kết, nhà văn Bích Ngân chia sẻ: "Đội ngũ nhà văn TP.HCM đang cùng đồng nghiệp cả nước nỗ lực góp phần tạo nên nhiều tác phẩm văn học có giá trị.
Đó cũng chính là những con kênh, con suối, dòng sông đang hòa vào dòng chảy văn học thế giới, góp phần tích cực làm cho sức sống của văn chương, đời sống văn hóa thành phố, của cả nước ngày càng được lan tỏa với giá trị vô giá của nó".
Mục tiêu trẻ hóa đội ngũ sáng tác của Hội Nhà văn TP.HCM
Theo thông tin từ nhà văn Bích Ngân, 3/4 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hiện tại trên 65 tuổi. Trong số 1.000 nhà văn của Hội, chỉ có khoảng 90 người ở lứa tuổi dưới 50.
Vì lẽ đó, đề ra phương hướng hoạt động cho năm 2023, nhà văn Bích Ngân cho biết bên cạnh việc đảm bảo chất lượng và tính chuyên môn, Hội Nhà văn TP.HCM còn chủ trương chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ tác giả trẻ.
"Theo tôi, thành công của Hội Nhà văn năm 2022 là đội ngũ hội viên mới. Có những tác giả đã có uy tín văn chương được giới chuyên môn đánh giá cao và tham gia Hội Nhà văn.
Hơn nữa, đội ngũ sáng tác trẻ được bổ sung mỗi ngày và Hội sẽ tiếp tục chăm bồi cho đội ngũ sáng tác trẻ để trở thành đội ngũ vững mạnh thay thế lớp đi trước. Mục tiêu của chúng tôi là làm sao để những tác giả ở nhiều thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ mạnh hơn, phản ánh được thực tiễn, thực trạng đời sống, số phận con người vào tác phẩm" - nhà văn Bích Ngân chia sẻ.
Để làm được điều này, Hội Nhà văn TP.HCM tăng cường mở rộng các hoạt động sáng tác cho người viết như tổ chức chuyến đi thực tế sáng tác, mở trại sáng tác, tổ chức các buổi tọa đàm về nghề, các buổi giới thiệu tác giả và tác phẩm mới...
Nhìn rộng ra, nhà văn không chỉ là một danh xưng, mà là một nghề nghiệp cần có sự đầu tư và nuôi dưỡng đúng mức để tạo ra giá trị lâu dài. Như đạo diễn Xuân Phượng phát biểu trong lúc được kết nạp vào Hội Nhà văn TP.HCM:
"Cái nghề này là một cái nghiệp mà khi chúng ta đã dính vào rồi thì phải cố gắng đến cùng. Bởi vì đến cùng thì sẽ nhận được một cái thương ngắn ngủi tình người mà đẹp vô cùng của cuộc sống".
Các tác giả, tác phẩm nhận giải thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM
Bên cạnh việc tổng kết các hoạt động, Hội Nhà văn TP.HCM còn tổ chức trao giải cho các tác giả, tác phẩm xuất sắc. Theo đó, giải Cống hiến thuộc về nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm, giải thưởng văn học cho tác phẩm Những ngọn khói về trời của Bùi Phan Thảo, giải Văn học thiếu nhi cho tác phẩm Điều kỳ diệu dưới những gốc anh đào của tác giả Võ Thu Hương.
Ngoài ra, những tác phẩm được Hội Nhà văn TP.HCM tặng thưởng: tập thơ Phút bù giờ của Minh Đan; truyện, ký Tôi được sống của Nguyễn Ngọc Hiến; tiểu thuyết Dòng biên viễn của Hồ Thị Ngọc Hoài; truyện ký Bản tình ca khúc khuỷu của Nguyễn Hồng Lam; tập truyện Muội tro của Võ Chí Nhất; tập thơ Tôi em và Một… của Trần Trí Thông; trường ca Corona của Xuân Trường; tập thơ Ngàn tiếng đời ấp ủ của Đinh Nho Tuấn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận