23/11/2008 20:23 GMT+7

Hội ngộ gia đình Vì ngày mai phát triển

TTO
TTO

TTO - Chương trình tri ân và hội ngộ 20 năm chương trình Vì ngày mai phát triển đã diễn ra trong chiều 23-11 tại trụ sở báo Tuổi Trẻ với sự tham gia của hơn 200 thành viên gia đình Vì ngày mai phát triển và những người đồng hành cùng chương trình trong suốt 20 năm.

qrhLr4zI.jpgPhóng to
Đại gia đình Vì ngày mai phát triển với quyết tâm chung sức vì thế hệ trẻ tương lai - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Với bầu không khí giao lưu ấm áp, nhiều kỷ niệm về chương trình Vì ngày mai phát triển được ôn lại, từ cuộc gặp gỡ khởi xướng chương trình giữa PGS.TS Nguyễn Thiện Tống và ông Nam Đồng, tổng biên tập báo Pháp Luật, nguyên phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ; đến những cảm xúc vẫn còn vẹn nguyên về những ngày tháng được "tiếp sức" của các thành viên gia đình Vì ngày mai phát triển, như TS Lê Thị Thanh Mai, thầy giáo Nguyễn Văn Cải, tổng giám đốc Công ty gạch Đồng Tâm Long An Võ Quốc Thắng...

Tri ân và hội ngộ 20 năm chương trình cũng đã có 8 cá nhân được nhận bằng khen của Trung ương Đoàn, 15 cá nhân được nhận bằng khen của UBND TP.HCM vì những đóng góp cho chương trình. Báo Tuổi Trẻ cũng đã trao kỷ niệm chương để tỏ lòng tri ân những mạnh thường quân đã đồng hành cùng Vì ngày mai phát triển trong thời gian qua.

NrkSA1Oh.jpgPhóng to

Trong buổi hội ngộ, NSƯT Bạch Tuyết đã sáng tác nhanh một bài thơ để tặng chương trình Vì ngày mai phát triển. TTO xin đăng lại nguyên văn:

em, vì bạn, vì đờiNgày thêm ý nghĩa người người thêm vuiMai chiều mưa nắng khôn nguôiPhát sáng lòng thiện ngược xuôi thẳng hàngTriển khai chân lý huy hoàngTri tâm tri ngộ đôi hàng làm tinÂn sư, ân nghĩa, ân tìnhHội ngộ thắm thiết ta, mình gửi trao.

vC26WTo4.jpgPhóng to
Bí thư T.Ư Đoàn Phan Văn Mãi trao tặng bằng khen của T.Ư Đoàn đến các cá nhân có những đóng góp cho chương trình Vì ngày mai phát triển: từ trái sang: anh Hàng Chức Nguyên, trưởng ban công tác xã hội báo Tuổi Trẻ, tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Nam Đồng, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Vũ Văn Bình, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Hoàng... - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
aXMCkaqJ.jpgPhóng to
Bí thư Thành đoàn TP.HCM Tất Thành Cang trao tặng bằng khen của UBND TP cho thầy Chu Xuân Thành - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
DRLosUdQ.jpgPhóng to
Tổng biên tập Tuổi Trẻ Lê Hoàng tặng kỷ niệm chương cho GS Phan Lương Cầm (phu nhân cố thủ tướng Võ Văn Kiệt) để tri ân những đóng góp của bà cho chương trình - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
lwT2yhdw.jpgPhóng to
Cũng với tấm lòng tri ân sâu sắc, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ đã trao tặng kỷ niệm chương đến PGS. TS Nguyễn Thiện Tống - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
7y9oMRk2.jpgPhóng to
Những chia sẻ về hành trình 20 năm với chương trình Vì ngày mai phát triển của bác Dương Quang Thiện đã nhận được nhiều cảm kích của các thành viên gia đình Vì ngày mai phát triển, trong đó có TS Lê Thị Thanh Mai - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
qi4qLaNR.jpgPhóng to
Cô Nguyễn Thị Minh Phượng, đại diện UB tương trợ người VN tại Đức và anh Võ Quốc Thắng, thành viên của gia đình Vì ngày mai phát triển, kể lại những kỷ niệm gắn bó với chương trình - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

.....................

* Trên 20.000 HS,SV được trao học bổng* Xây trên 200 phòng học* Trợ vốn hơn 3.000 giáo viên* Đêm hội 20 năm Vì ngày mai phát triển

Những thành viên Gia đình VNMPT có thật nhiều điểm chung, từ những ngày ấy cho đến bây giờ…

6AkldeQh.jpgPhóng to
Đại gia đình VNMPT họp mặt nhân kỷ niệm 10 năm chương trình VNMPT, tháng 12-1998. Dịp này, Gia đình VNMPT đã trao 40 học bổng cho các học sinh nghèo 3 huyện ngoại thành TP.HCM - Ảnh: Tố Oanh

Những gương mặt tiêu biểu đã nhận học bổng Vì ngày mai phát triển của báo Tuổi Trẻ:

9UhU1WO6.jpgPhóng to
Anh Võ Văn Thưởng - bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn - Ảnh: Thanh Đạm
LbbYDW7W.jpgPhóng to IIO75Ait.jpg
Tiến sĩ Lê Nguyễn Minh Quang, đại biểu HĐND TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty Bachy Solétanche - Ảnh: T.T.D. Kỹ sư Nguyễn Anh Nguyên, Phó chủ tịch Tập đoàn Unilever Việt Nam - Ảnh tư liệu
Ywngz7l1.jpgPhóng to
Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai, ĐH quốc gia TP.HCM - Ảnh: Minh Đức
Hd29PkAN.jpgPhóng to
Trần Bình Gấm (bìa trái), cô bé bán khoai năm nào đã trở thành bác sĩ tại BV Thống Nhất TP.HCM, tại buổi giao lưu nhân kỷ niệm 30 năm thành lập báo Tuổi Trẻ - Ảnh Phạm Vũ

Nắng ấm…

Chúng tôi cảm nhận rất rõ nhịp tim đập mạnh của từng thành viên khi nhận được “tin từ gia đình”. Các bạn reo lên “bất ngờ quá”, “thật mừng”, “thật vui” và tiếp theo là những kỷ niệm buồn vui “không bao giờ quên” chợt ùa về. Lữ Thanh Hiền rưng rưng nhắc lại những đêm mà “cơn mưa bò tận vào giường ngủ “gọi” mấy anh em, trong những giọt nước mưa dột thấm vào nền nhà còn có nước mắt của tôi”.

Lá thư ban biên tập

Tri ân những người đồng hành

Hai mươi năm trước, trong những ngày tháng cuộc sống còn bao nhiêu thiếu thốn, lo toan.., chính bạn đọc đã đến và đặt vấn đề với Tuổi Trẻ: hãy góp phần giúp đỡ, tạo động lực cho một lớp trẻ tài năng, hiếu học, khát khao tri thức và lòng đầy ước mơ… đang chìm trong cảnh nghèo nên khó có điều kiện vươn lên. Từ đó, chương trình học bổng đầu tiên “Vì ngày mai phát triển” của Tuổi Trẻ ra đời.

20 năm qua, tất cả những chương trình “Vì ngày mai phát triển” đều là sự kết tụ của những tấm lòng, những bàn tay. Tấm lòng của hàng vạn bạn đọc thầm lặng, trong đó có rất nhiều đồng bạc nhỏ lẻ của anh xe ôm, của chị bán chè bán cháo, của cụ hưu trí, của em học sinh nhịn quà ăn sáng..., có tiền triệu, tiền tỉ của những mạnh thường quân, của những Việt kiều, của những công ty, những hội, đoàn trong và ngoài nước...

Mỗi chương trình còn là sự kết tụ bởi tấm lòng của thầy cô giáo, của những cán bộ Đoàn, Hội không ngại khó khăn, giờ giấc đã cùng chúng tôi, những người làm báo Tuổi Trẻ, lắm lúc phải vượt núi băng rừng, đội mưa bão, đưa đón tập hợp các em, xây dựng công trình, tổ chức lễ trao học bổng thấm đậm nghĩa tình... Tất cả, chúng tôi xin được gọi tên với sự trân trọng và thân thiết, là những người đồng hành cùng chương trình “Vì ngày mai phát triển”.

20 năm, những người làm báo Tuổi Trẻ xin trân trọng gửi lời tri ân đến những người đồng hành...

Và xin gửi đến những người đồng hành một món quà, món quà mà có lẽ tất cả chúng ta đều mong ước, kỳ vọng: một lớp trẻ giỏi giang, nghèo khó năm nào được thụ hưởng chương trình giờ đây đã trưởng thành, thành đạt. Hầu hết đã là những giáo viên, bác sĩ, cán bộ, kỹ sư, nhà nghiên cứu, doanh nhân, nghệ sĩ, nhà báo thành danh... Dù đứng ở đâu, các bạn đều mang kỷ niệm đẹp về chương trình “Vì ngày mai phát triển” và chương trình đã trở thành động lực mạnh mẽ để các bạn tiếp bước trên đường đời.

Tất cả vì một ngày mai phát triển. Chương trình chắc chắn sẽ ngày càng rộng mở.

BAN BIÊN TẬP BÁO TUỔI TRẺ

Hai người bạn thân Nguyễn Quỳnh, Ngọc Thơ vẫn còn nguyên cảm giác cồn cào, mệt lả, kiệt sức trên chặng đường khuya đạp xe gần 20km về nhà sau những buổi làm thêm, học thêm. Bạn Trần Văn Tiếng kể những ngày ngồi thừ giữa sân ký túc xá nghĩ đến kế hoạch… bỏ học vì nhà không có tiền và cơm không đủ no…

Nhưng rồi họ vẫn vượt qua, vì hiểu rằng chỉ có việc học mới thay đổi được hoàn cảnh, vì rằng mẹ cha chỉ có một tài sản duy nhất để lại là khả năng học tập của chính mình. Và họ đã được gặp chương trình VNMPT.

Trần Đình Thắng kể khi nhận tin được học bổng của báo Tuổi Trẻ dưới cái nắng Hà Tĩnh chói chang, bạn nghĩ hoài “có phải mình khó khăn nhất nước không mà được sự trợ giúp của những người không quen cách xa hàng ngàn cây số”. Và khi đến Huế nhận học bổng, Thắng mới ngỡ ngàng “những khó khăn của mình chẳng thấm vào đâu, còn bao nhiêu bạn khó khăn hơn nhiều vẫn đang nỗ lực vươn lên”.

Thắng kể mình ấn tượng nhất với chị Đào Thị Hải Lý (đoàn Hà Tĩnh) và anh Võ Khánh Thoại (đoàn Quảng Nam). “Thật vui khi chung một gia đình với những người có nghị lực phi thường như vậy. Mọi người đã động viên Thắng: dù ở bất cứ nơi đâu, có khó khăn đến mấy nhưng biết cố gắng, biết vươn lên sẽ không đơn độc, sẽ có nhiều người ở bên cạnh mình”.

Nguyễn Thị Thanh Thúy bảo bạn đã không còn thất vọng nữa trước những chông gai còn rất nhiều trên con đường trước mặt từ sau lễ nhận học bổng Tiếp sức đến trường khi được tiếp sức bằng suất học bổng và câu nói của tổng biên tập Lê Hoàng: “Có ý chí chúng ta sẽ thành công. Có ý chí chúng ta sẽ hạnh phúc’”.

Đi cùng VNMPT qua nhiều chương trình, nhiều lần nghe nghẹn lòng trước những hoàn cảnh nghiệt ngã và nghị lực mà nhiều người bảo “không tưởng tượng” nổi của các bạn, chúng tôi đã từng vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến những buổi lửa trại tưng bừng với những tràng cười vô tư, gương mặt rạng rỡ hồn nhiên như vô lo của những đối tượng “đặc biệt khó khăn” của mình.

Phải tới lần kết nối này, khi những sóng gió đã tạm lắng, nước mắt nụ cười hôm nào đã thanh thản hơn, các bạn đã bình tâm khi nhắc nhớ, khi nhìn lại một chặng đường dài mới thấu hiểu được những ấm áp đã gắn kết các thành viên lại thành một gia đình. Không chỉ dừng lại là học bổng.

… Và quả ngọt

Phần học bổng được “vớt” của chương trình VNMPT lần 3 năm 1989 chỉ đủ để Lê Nguyễn Minh Quang mua một bộ sáu cây bút vẽ kỹ thuật. Nhưng anh chỉ mua ba, còn một nửa dành cho em mua sách. Học bổng mà Nguyễn Anh Nguyên nhận được trong năm cuối cùng ở ĐH Bách khoa cũng rất nhỏ nhoi.

Sau này Quang và Nguyên còn nhận được nhiều học bổng khác của các trường, các tổ chức nước ngoài có giá trị lớn hơn hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lần, nhưng khi nào TS Lê Nguyễn Minh Quang cũng nói “cái bệ phóng đầu tiên ấy là nguồn động viên, lời nhắc nhở”. Còn với phó chủ tịch Tập đoàn Unilever VN Nguyễn Anh Nguyên: “Những gì mà gia đình thân yêu này đã đem đến cho tôi là nghị lực vượt khó khăn trong những năm tháng chuẩn bị lập nghiệp”.

Trần Văn Tiếng kể suất học bổng đã đủ bù vào phần tiền để dành sau cả năm làm thêm để mua chiếc máy vi tính đầu tiên vào năm thứ tư ĐH, nhưng chưa đủ để hết những khó khăn.

Sau này nhiều lúc gặp khó đến nản lòng, muốn bỏ cuộc kể cả khi đang tu nghiệp ở nước ngoài, Tiếng lại nhớ đến câu nói của vị mạnh thường quân trong lễ trao học bổng: “Hoa nở không chọn đất”, nhớ những người không quen nâng đỡ và hi vọng cháy bỏng vào thành công của chính mình, “và tôi tự nhủ mình phải tiếp tục, phải thành công để sau này trở về đào tạo, giúp đỡ lớp đàn em, trở về với chương trình VNMPT”.

Trần Văn Tiếng đang học tiến sĩ tại Pháp. Trần Nguyễn Vy Quỳnh đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ vật lý tại ĐH Paris 6. Nguyễn Tấn Phát đang nóng lòng chờ ngày hoàn thành khóa học tiến sĩ tại Thụy Điển để trở về giảng đường ĐH Cần Thơ. TS Lê Thị Thanh Mai đang mỗi ngày dìu dắt lớp lớp sinh viên tại ĐH Quốc gia TP.HCM.

Trần Đình Thắng đã trở thành bác sĩ. Bùi Thị Khôi Nguyên ngoài giờ đi học chương trình thạc sĩ giảng dạy của Úc, giờ lên lớp dạy tiếng Anh của ĐH An Giang, còn giảng dạy cho SV nghèo, thiệt thòi, tham gia các hoạt động ngoại khóa, dự án phát triển cộng đồng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long quê bạn... Nhiều, nhiều lắm, không sao kể hết.

Nắng ấm đã cho mùa quả ngọt như thế.

Trong 20 năm (1988-2008) báo Tuổi Trẻ đã thực hiện được 226 chương trình Vì ngày mai phát triển với kinh phí hơn 139 tỉ đồng, tập trung ba nội dung:

* Học bổng: trao học bổng cho trên 20.000 SVHS khắp cả nước. Ngoài ra có những chương trình Vì ngày mai phát triển đặc biệt như vá sứt môi - hở hàm ếch, phẫu thuật xơ hóa cơ delta… cho hơn 3.800 học sinh, thanh thiếu niên, “Sách nói cho HSSV khiếm thị”...

* Xây dựng trường lớp, nhà lưu trú: đã xây trên 200 phòng học ở vùng sâu vùng xa và nhà lưu trú cho học sinh miền núi ở nhiều tỉnh thành.

* Trợ vốn cho giáo viên: chương trình đã trợ vốn cho 3.035 giáo viên vùng khó khăn ở tám tỉnh thành (TP.HCM, Bến Tre, Tây Ninh, Bình Phước, Đắc Nông, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi).

Tôi luôn nhắc học trò

Nhận học bổng VNMPT trong thời SV gian khó là một kỷ niệm không thể quên. Đứng trên bục giảng, tôi luôn nhắc học trò “Sống trên đời cần có một tấm lòng...” và giúp đỡ những học trò nghèo của mình bằng những học bổng nho nhỏ, như một cách nhắc tôi nhớ về ngày xưa và giúp các em thêm niềm tin vào cuộc sống.

Tất cả là vì ngày mai phát triển.

Gia đình thân thương

Mình từng nhận học bổng năm thứ hai (1989) của chương trình. Bao nhiêu năm qua rồi, mỗi khi nghe nhắc đến chương trình VNMPT vẫn cảm thấy thân thương như một gia đình. Học bổng năm nào không chỉ là niềm vui, niềm tự hào mà hơn hết nó còn tạo động lực để mình bước tiếp trên đường đời một cách vững tin hơn, phấn đấu sống và làm việc tốt hơn.

Không quên những quyển sách VNMPT

Thú vui lớn nhất suốt thời đi học của tôi là đọc sách. Vào ĐH, số tiền học bổng của trường phát mỗi tháng không bao giờ nằm yên trong túi quá vài ngày. Năm 2 ĐH, tôi được nhận học bổng VNMPT (chương trình thứ 11) của báo Tuổi Trẻ. Tôi đã dùng một phần số tiền đó để mua những cuốn sách mà trước đây chỉ dám ngắm nhìn.

Trước ngày đi lấy chồng, ba mẹ hỏi tôi thích đồ đạc gì trong nhà thì cho làm của riêng. Tôi không xin gì mà chỉ xin ba mẹ cho tôi được mang theo ba tủ sách đầy, là gia tài lớn nhất mà ba mẹ, nhà trường và chương trình VNMPT đã cho tôi. Sau này đi làm có tiền mua nhiều sách, rồi đi Úc du học được sử dụng nhiều sách đẹp, nhưng sao tôi vẫn không thể quên những quyển sách cũ kỹ ngày nào của những năm tháng khó khăn xưa, chất chứa biết bao khát khao, mơ ước và hạnh phúc…

-----------------------

* Ông VŨ HOÀNG HÀ - bí thư Tỉnh ủy Bình Định:

Mong chương trình phát triển hơn nữa

Gần mười năm qua, báo Tuổi Trẻ TP.HCM đã trao 473 học bổng cho HS-SV nghèo Bình Định, trị giá hơn 1,2 tỉ đồng. Trong những mùa lũ vừa qua, PV Tuổi Trẻ đã có mặt ngay trong lũ để cứu trợ gia đình HS nghèo. Mong chương trình VNMPT có thêm các hoạt động xã hội nhiều hơn nữa để không chỉ là một tờ báo lớn có uy tín, một thương hiệu báo chí của cả nước mà còn là một tờ báo có nhiều hoạt động xã hội tích cực.

* Ông Phan Xuân Biên (trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM):

Số phận nhiều bạn trẻ có thể khác

C1M52T09.jpgPhóng to

PGS.TS Phan Xuân Biên trao học bổng cho HS khuyết tật vượt khó năm 2004 - Ảnh: Thanh Đạm

Nếu không có chương trình VNMPT, chắc chắn số phận của hàng vạn bạn trẻ sẽ ngả sang một con đường khác. Tôi nghĩ vấn đề ở đây là những bạn trẻ ấy thấy được tình thương, trách nhiệm của xã hội, của mọi người dành cho mình, đó là điều hết sức quan trọng. Chương trình đã gây dấu ấn, cứa vào lòng mỗi bạn, đó là điều thành công nhất.

* Bà TRẦN THỊ LỆ - tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifood):

Đồng cảm bởi tính nhân văn

Đối với những em lành lặn bình thường gặp hoàn cảnh khó khăn đã rất vất vả rồi, huống chi những em nạn nhân chất độc da cam.

Chúng tôi tìm thấy ở VNMPT sự đồng cảm ấy khi cùng tổ chức những hoạt động hữu ích mang đầy tính nhân văn, rất thiết thực với tất cả những em có hoàn cảnh khó khăn, góp phần giúp các em thực hiện được mơ ước tiếp tục học hành.

* Ông PHẠM PHÚ NGỌC TRAI, chủ tịch kiêm tổng giám đốc PepsiCo Đông Dương:

Cùng sự phát triển con người

VNMPT là một chương trình phát triển con người, phát triển tài năng có uy tín và đã được nhiều đơn vị, tổ chức tin tưởng phối hợp tổ chức, hỗ trợ.

Được thành lập và hoạt động tại VN gần 20 năm, công ty chúng tôi luôn xác định trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Trong đó, phát triển nguồn nhân lực, phát triển tài năng trẻ là một trong những chương trình phát triển bền vững quan trọng nhất của PepsiCo VN.

Mời dự đêm hội “20 năm Vì ngày mai phát triển”

683pLau2.jpgPhóng to
Các ca sĩ Hồ Ngọc Hà - Ảnh: T.T.DŨNG
Báo Tuổi Trẻ tổ chức đêm hội kỷ niệm 20 năm chương trình Vì ngày mai phát triển lúc 19g30 ngày 23-11 tại Trung tâm ca nhạc Lan Anh (291 CMTT, P.12, Q.10, TP.HCM). VTV9 truyền hình trực tiếp từ 20g25.

Đêm hội gặp gỡ với những nhân vật góp phần khai sinh và gắn bó với chương trình Vì ngày mai phát triển: tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, nhà báo Kim Hạnh (nguyên TBT báo Tuổi Trẻ), ông Lê Quốc Phong (giám đốc Công ty phân bón Bình Điền)... và một số thành viên từng nhận học bổng.

Các ca sĩ Lam Trường, Hồ Ngọc Hà, Nhật Tinh Anh, Phương Vy, Vũ Bảo, Anh Thúy, Lê Dũng, tam ca Phù Sa, pianist Trần Thu Lê, vũ đoàn Mai Trắng, Phương Việt... cùng tham gia chương trình.

Vé mời được phát tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ (số vé có hạn, ưu tiên đến trước). Vé mời cũng được gửi tới hội SV một số trường ĐH tại TP.HCM. Riêng thành viên gia đình Vì ngày mai phát triển liên lạc ban CTXH báo Tuổi Trẻ để nhận vé mời.

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên