Thí sinh Trân Trân (top 7 phía Nam vào chung kết) sẽ thi đấu vòng chung kết vào hôm nay (8-12). Trong ảnh: Trân Trân nấu nước dùng phở từ xương và thịt trong vòng thi sơ khảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đúng như tinh thần mà ban tổ chức mong muốn ngay từ đầu, cuộc thi không hẳn là nơi thi thố, "đấu trí" giữa những người nấu phở ngon mà là nơi gặp gỡ những con người yêu phở. Trong chiều 7-12, các thí sinh gặp gỡ trong không khí vui vẻ, rôm rả chia sẻ thông tin, địa điểm mua nguyên liệu ngon, tươi cho những người bạn đến từ phía Bắc.
Anh Trịnh Duy Thanh "tay không" từ Thanh Hóa vào, không chuẩn bị bất kỳ nguyên liệu, đồ dùng nấu phở gì vì cứ ngỡ... ban tổ chức sẽ chuẩn bị tất cả. Cuối cùng, anh Thanh quyết định sẽ vận chuyển cấp tốc trong đêm một kiện hàng đặc biệt từ Hà Nội vào kịp phục vụ phần thi ngày 8-12.
Ngược lại, anh Nguyễn Quang Huy (Pháp) chuẩn bị kỹ đến mức đem hẳn 5kg thịt bò Pháp về thi nấu phở ngon lần này. Nhưng đáng tiếc, quá trình vận chuyển thịt bò không được bảo quản đúng nhiệt độ nên anh Huy quyết định không sử dụng nữa. Thí sinh này nhanh chóng nhận được sự tư vấn của những người nấu phở khác địa điểm chọn thịt bò ngon ở TP.HCM.
Với thí sinh lớn tuổi nhất là bác Đặng Ngọc Bích (Nam Định), việc đi thi lần này cũng khá dễ dàng nhờ có hẳn một "lực lượng" là các "hậu duệ" ở phía Nam đã chuẩn bị sẵn sàng nguyên liệu nấu phở để bác có thể yên tâm đến cuộc thi.
Trong khi đó, các thí sinh phía Nam dù quen thuộc "thổ nhưỡng" nhưng cũng không giấu được sự hồi hộp. Thí sinh Tiến Hải đến từ TP.HCM cho biết ngay sau vòng thi sơ khảo, Hải đã bắt tay chuẩn bị nguyên liệu cho cuộc thi vòng chung kết: "Ở phòng thi ngoài, tôi nhận được nhiều góp ý của ban giám khảo như cách trình bày một tô phở ngon mắt, sao cho hấp dẫn và rút được nhiều kinh nghiệm khi chuẩn bị nước dùng".
Theo kinh nghiệm của chủ quán phở Ngọc Linh, nơi Tiến Hải đang làm việc, để thuyết phục được ban giám khảo khó tính trong ngày thi chung kết, người nấu phải chọn được loại xương bò ngon nhất, đó là loại xương ống có tủy vàng; thịt bò cũng phải tuyển từ con bò trưởng thành, không quá già cũng không quá tơ. Nồi nước dùng phải có đầy đủ các loại bò từ nạm, gầu, đuôi, gân... thì mới có vị ngọt ngon được.
Trong khi đó, ngay khi vừa gặp các bạn thi, thí sinh Nguyễn Tiêu Bích Trân Trân cũng khẩn trương ra chợ chọn những nguyên liệu cuối cùng, hoàn thiện phần trình bày. Chị Trân Trân cho biết ngay sau vòng sơ khảo, chị ngại nhất là bỗng dưng trở nên nổi tiếng. Nhiều người đọc thông tin trên báo, đến ăn và chúc mừng. "Mừng hơn là họ công nhận phở ngon như báo viết, quán phở nhỏ trở nên đông đúc, rộn ràng từ bữa đó" - chị Trân Trân nói.
Theo quy định của vòng chung kết, các thí sinh sẽ có hơn 10 tiếng để chuẩn bị nấu nước dùng phở bò ngay tại cuộc thi với khẩu phần 10 tô. Các thí sinh cho biết đây là một lo lắng không nhỏ bởi dù có nấu phở hằng ngày nhưng ở cuộc thi này, lượng nước dùng chỉ khoảng 10-15 lít, khác với việc chuẩn bị hàng trăm tô phở tương đương 100-200 lít nước dùng.
Tuy vậy, ai cũng háo hức, tự tin nấu những tô phở ngon, mong muốn tên của mình được xướng lên ở những hạng mục cao nhất.
Ban giám khảo đặc biệt
Chung kết toàn quốc cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon năm 2019" do báo Tuổi Trẻ và Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam phối hợp tổ chức sẽ bắt đầu lúc 15h30 ngày 8-12, với sự góp mặt của NSND Hồng Vân - giám khảo danh dự.
Ban giám khảo gồm: nhà báo Đỗ Văn Dũng (phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, trưởng ban giám khảo), ông Lê Tân (phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam), ông Kajiwara Junichi (tổng giám đốc Công ty CP Acecook Việt Nam, đơn vị đồng hành chính thức của cuộc thi), TS Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, nhà nghiên cứu Trịnh Quang Dũng, chuyên gia Nguyễn Thị Tuyết, chuyên gia Phan Tôn Tịnh Hải.
Cuộc thi còn có sự góp mặt của 2 giám khảo danh dự là hoa hậu Diễm Hương và ca sĩ Thụy Vũ.
MINH HUỲNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận