Các đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Phát biểu chỉ đạo, định hướng tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, trong chương trình làm việc sáng 24-11, hội nghị đã hệ thống cơ bản để đánh giá kết quả 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước; làm rõ những vấn đề về lý luận và thực tiễn; vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững đất nước; nghiên cứu, thảo luận về những thành tựu, hạn chế trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam; xác định những nội dung cụ thể và đề xuất những kiến nghị, giải pháp khả thi, thiết thực để góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước đặt ra; tiếp tục quán triệt sâu sắc, kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, đường lối của Đảng về văn hóa…
Chấn hưng phát triển văn hóa đất nước
Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta tiếp tục phát triển tư duy mới, xác định văn hóa phải thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội và soi đường cho quốc dân đi; khẳng định văn hóa và con người là sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc.
Nội dung cốt lõi của văn hóa là xây dựng con người - vừa là mục tiêu, vừa là vấn đề trung tâm, vừa là động lực, nguồn lực quan trọng nhất để cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế để đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc, triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Đặc biệt, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu, ý kiến phát biểu tâm huyết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những chỉ đạo cụ thể hóa đường lối Đại hội lần thứ XIII; đưa ra nhiều vấn đề mang tầm chiến lược để xây dựng nền văn hóa Việt Nam đến giữa thế kỷ XXI. Tổng bí thư đã nhấn mạnh 5 lần đến "chấn hưng, phát triển văn hóa của đất nước".
Với những nội dung quan trọng, sâu sắc và mang tầm chiến lược xuyên suốt thời kỳ đổi mới, những tình cảm sâu sắc và kỳ vọng của Tổng bí thư và Đảng ta đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các ý kiến tập trung thảo luận, quán triệt triển khai, bàn thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và làm rõ các vấn đề liên quan.
Theo đó, hội nghị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; tiếp tục làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò văn hóa trong sự phát triển nhanh, bền vững đất nước; tìm ra những giải pháp cụ thể, phù hợp để tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức về văn hóa; chuyển hóa nhận thức thành hành động; đưa phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển sâu rộng, thực chất…
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tại hội nghị - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Bên cạnh đó, các ý kiến tiếp tục tập trung nghiên cứu, thảo luận, làm rõ những thành tựu, hạn chế trong việc thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, chủ trương phát triển của Đảng thành hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đồng bộ, khả thi, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để khơi dậy tinh thần cống hiến, đổi mới sáng tạo của nhân dân, đặc biệt đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ.
Cùng với đó phải tìm ra những giải pháp cụ thể, phù hợp để xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa, nhất là môi trường văn hóa đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, trọng tâm là văn hóa ứng xử lành mạnh, phát huy giá trị tích cực của thuần phong mỹ tục của gia đình, cộng đồng và xã hội; chú trọng bảo vệ, phát huy di sản văn hóa dân tộc, phát triển một số lĩnh vực văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa, phát huy vai trò truyền thông, chủ động hội nhập, hợp tác và giao lưu quốc tế.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các đại biểu nêu ý kiến thảo luận về giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa và đội ngũ văn nghệ sĩ, tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới của đất nước.
Công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa đòi hỏi phải có nội dung, phải có đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, am hiểu về lĩnh vực chuyên môn, có khả năng quy tụ, vận động, thuyết phục các tầng lớp nhân dân. Đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ tham gia phát triển văn hóa, xây dựng con người cần có quy hoạch khoa học, bồi dưỡng đào tạo kỹ lưỡng, chọn lọc, bố trí hợp lý, khắc phục tình trạng chắp vá, thiếu hụt cán bộ văn hóa...
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của hội nghị, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương mong muốn các ý kiến tiếp tục làm sáng tỏ các vấn đề, cụ thể thêm các chủ trương, giải pháp để quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội lần thứ XIII cũng như phát biểu chỉ đạo của Tổng bí thư, bằng hành động cụ thể thể hiện trong Chiến lược của Chính phủ về phát triển văn hóa đến năm 2030.
Phấn đấu đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách
Trình bày một số nội dung trọng tâm của Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Chiến lược thể hiện 5 quan điểm lớn, trong đó tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm đã ghi trong nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, rõ hơn, sâu hơn, phù hợp hơn với tình hình hiện nay, trên cơ sở các quan điểm chung.
1. Định hình văn hóa và xác định vị trí văn hóa, trong đó khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Văn hóa phải được đặt ngang hàng, phát triển hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội; bảo đảm yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế để thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các công nghệ mới, hiện đại và trước sự tác động của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng.
2. Xây dựng, phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa giữ vai trò nòng cốt.
3. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
4. Phát huy mọi nguồn lực phát triển để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; nhân tố thúc đẩy phát triển con người Việt Nam trở thành trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển.
5. Chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, phát huy sức mạnh mềm văn hóa, góp phần quan trọng vào sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo dựng môi trường hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tham luận tại hội nghị - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Từ các quan điểm này, Chiến lược đặt ra các mục tiêu, trong đó có mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể.
Các mục tiêu chung là: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những tác động to lớn với kinh tế, xã hội và con người của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng...; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với đó là hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế; có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với GS.TS Vũ Minh Giang - chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội - bên lề hội nghị - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Chiến lược cũng đề ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa, gồm: trung tâm văn hóa hoặc trung tâm văn hóa - nghệ thuật, bảo tàng, thư viện; 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có trung tâm văn hóa - thể thao.
Phấn đấu ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; khoảng 70% số di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xây dựng đề án, chương trình bảo vệ và phát huy giá trị. Có ít nhất 5 di sản được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ghi danh theo các công ước của UNESCO.
Bảo đảm ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình của quốc gia và địa phương.
Bảo đảm khoảng 85% các địa phương, cơ quan, đơn vị đạt được các danh hiệu văn hóa trong Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và các phong trào thi đua, cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Kế thừa và phát huy tinh hoa của văn hóa gia đình truyền thống, để xây dựng văn hóa gia đình hiện đại, văn minh.
Hằng năm có từ 10-15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn hóa, nghệ thuật chất lượng được công bố; có 2 tác giả đoạt giải thưởng văn học ASEAN và khoảng 20-30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước.
Xây dựng Chương trình sáng tác, nghiên cứu về văn hóa-nghệ thuật Việt Nam trong 100 năm (1930-2030) dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Phấn đấu tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa, nhất là các đơn vị quản lý nhà nước về văn hóa-nghệ thuật, thực hành, trình diễn văn hóa nghệ thuật. Phấn đấu giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo đóng góp 7% GDP; mức tăng trưởng giá trị gia tăng hằng năm trung bình đạt 7%.
Phấn đấu có từ 1 đến 3 thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ở các lĩnh vực thiết kế, ẩm thực, thủ công và nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thông nghe nhìn, điện ảnh, văn học, âm nhạc. Đặc biệt, phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm.
Để đạt được các mục tiêu này, Chiến lược đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong đó nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hóa; hoàn thiện thể chế, chính sách, khung khổ pháp lý; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng lưu ý đến các giải pháp về bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc; hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận