Cuộc gặp song phương đang được chờ đợi nhất cho đến lúc này tại Hội nghị G20 là giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Saudi Arabia - Ảnh: REUTERS
Ngày 30-11, lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) sẽ cùng tập trung tại thủ đô của Argentina nhằm bàn thảo những vấn đề tối quan trọng đối với kinh tế thế giới. Hội nghị này diễn ra đúng một tuần trước khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia đồng minh gặp mặt tại thủ đo Vienna, Áo, ngày 6-12.
Theo lịch trình này, cuộc họp quan trọng của OPEC+ có thể chỉ là một sự "hợp thức hóa" cho những thỏa thuận được đưa ra tại Buenos Aires. Có mặt tại Hội nghị G20, Mỹ, Nga và Saudi Arabia đều có mục tiêu riêng đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Trong bối cảnh giảm liên tục do dư cung, mục tiêu của ba "ông lớn" này khó lòng vẹn toàn mà không tránh khỏi xung đột lợi ích.
OPEC phát sốt vì giá dầu giảm
Hồi tháng 6, Saudi Arabia và Nga đã dẫn đầu OPEC+, tăng nguồn cung dầu mỏ nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt sau khi Iran bị Mỹ trừng phạt. Tuy nhiên sau đó, việc Mỹ quyết định miễn trừ cho tám bên tiêu thụ chính của dầu mỏ Iran đã đẩy giá dầu trượt dốc.
Theo CNBC, tình hình trên càng làm tăng lo ngại về vấn đề dư cung, trong khi nền kinh tế toàn cầu nói chung và tăng trưởng tiêu thụ dầu mỏ dần giảm tốc. Điển hình, giá dầu Brent đã giảm hơn 26 USD trong vòng vài tuần qua.
Giá dầu nhìn chung đã giảm 25% kể từ khi đạt mức cao kỷ lục trong vòng bốn năm qua hồi tháng 10. Các quốc gia OPEC và đồng minh đang phải tính tới việc cắt giảm nguồn cung, và cú sa sút trầm trọng này càng khiến áp lực đó thêm nặng nề.
Đồng minh rẽ hướng
CNBC cho rằng Saudi Arabia sẽ lần nữa "lãnh đạo" OPEC, giảm xuất khẩu dầu mỏ để đối phó với tình trạng dư thừa. Đầu tháng 11, vương quốc dầu mỏ này thậm chí còn hứa hẹn sẵn sàng làm "bất kỳ điều gì" để ngăn nguồn cung vượt tầm kiểm soát.
Thế nhưng, trái với đồng minh thân cận của mình, Nga được đánh giá rằng sẽ chần chừ hơn trong việc ra quyết định cắt giảm. Cường quốc dầu mỏ này từng cảnh báo nhóm đa số tại khu vực Trung Đông không được tiếp tục"thay đổi 180 độ" bất cứ khi nào có diễn biến mới.
Cặp đôi Nga - Saudi Arabia đã lèo lái các quốc gia OPEC+ trước nhiều biến động của thị trường dầu mỏ thế giới trong năm nay.
Thế nhưng nhiều dự đoán cho rằng trên "chiến tuyến" này Thái tử Mohammed bin Salman có lẽ sẽ đơn thương độc mã. Chuyên trang phân tích thị trường dầu mỏ oilprice.com cho rằng Matxcơva ít bị thuyết phục bởi giải pháp này của Riyadh và không sẵn sàng cho một đợt cắt giảm trong tương lai.
Washington bảo, Riyadh không nghe
Nga không phải là bên duy nhất không hài lòng với tuyên bố giảm sản lượng dầu của Saudi Arabia.
Quyết định này của Riyadh đang đi ngược lại yêu cầu giữ giá dầu ở mức thấp của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump gần đây đã đăng "lời cảm ơn" gửi tới Saudi Arabia vì đã khiến giá dầu rẻ hơn, cùng lúc mong muốn nước này tiếp tục khiến giá dầu xuống thấp.
Ngoài ý kiến trên của Tổng thống Mỹ, nhiều nhà phân tích cho rằng Washington sẽ khó khăn hơn với quốc gia này vì các vấn đề địa chính trị đang nóng tại Trung Đông.
Riyadh gần đây nhận khá nhiều chỉ trích, cáo buộc bao che cho Thái tử bin Salman trong cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi.
Mặc dù vậy, chính quyền tại đây được dự đoán sẽ trung thành với lợi ích kinh tế của mình, hơn là ngả theo bất cứ bên nào, trong đó có Mỹ.
Theo CNBC, lãnh đạo của cả nước Mỹ, Nga và Saudi Arabia đều sẽ xuất hiện Hội nghị G20 vào ngày 30-11 tới.
Cuộc gặp song phương đang được chờ đợi nhất cho đến lúc này là giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Saudi Arabia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận