10/10/2018 16:10 GMT+7

Hội nghị cấp cao Hợp tác Mekong - Nhật Bản thông qua Chiến lược Tokyo 2018

N.HUY - TTXVN
N.HUY - TTXVN

TTO - “Khu vực Mekong có nhiều tiềm năng tăng trưởng và thịnh vượng. Chiến lược Tokyo 2018 được thông qua là kim chỉ nam mới để các bên xây dựng một tương lai thịnh vượng chung”.

Hội nghị cấp cao Hợp tác Mekong - Nhật Bản thông qua Chiến lược Tokyo 2018 - Ảnh 1.

Từ phải sang: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen chụp ảnh chung - Ảnh: TTXVN

Đó là khẳng định của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại cuộc họp báo chung sau Hội nghị cấp cao - Nhật Bản lần thứ 10 diễn ra tại thủ đô Tokyo ngày 9-10.

Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha và Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi.

Ba trụ cột

Theo Thủ tướng Shinzo Abe, bao gồm 3 trụ cột, đó là kết nối linh hoạt và hiệu quả; xã hội lấy người dân làm trung tâm; hiện thực hóa mục tiêu Mekong xanh. Các trụ cột kết nối linh hoạt và hiệu quả sẽ đẩy mạnh hơn sự kết nối hệ thống cơ sở hạ tầng khác nhau theo tiêu chuẩn quốc tế.

Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh để triển khai các trụ cột này, bước đầu tiên là xác định hơn 100 vấn đề khác nhau cần có sự hợp tác giữa các quốc gia; coi đây là nội dung chính trong chiến lược hợp tác Mekong - Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Bản cũng thông tin về việc sẽ tiếp tục đẩy mạnh huy động tư nhân để đầu tư phát triển kinh tế và thúc đẩy các dự án hợp tác trong hợp tác này.

Phát biểu tại họp báo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với những ý kiến của các nhà lãnh đạo các nước Mekong và Nhật Bản về những kết quả nổi bật của Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 10.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết các bên đã trao đổi hết sức chân thành, thẳng thắn về những thành công, bài học kinh nghiệm cũng như những cơ hội và thách thức của các nước thành viên phải đối mặt trong môi trường phát triển biến động không ngừng. 

Từ đó thống nhất hướng đi cho hợp tác giữa sáu nước trong giai đoạn tới.

Các bên đánh giá hợp tác chung Mekong - Nhật Bản đã đạt được những thành tựu quan trọng trong thập kỷ qua, giúp mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại và giao lưu nhân dân giữa Nhật Bản và các nước Mekong, đem lại nguồn lợi về phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động của các doanh nghiệp và người dân vì mục tiêu hướng về người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tầm nhìn vì một Mekong xanh

Trước đó, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất nghiên cứu và xây dựng Mạng lưới sáng tạo Mekong - Nhật Bản nhằm tăng cường liên kết, trao đổi giữa các trung tâm nghiên cứu, phát minh sáng chế, trung tâm khởi nghiệp của Nhật Bản và các nước Mekong.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò và đóng góp của hợp tác Mekong - Nhật Bản đối với thực hiện Tầm nhìn cộng đồng ASEAN, bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển khu vực. Các dự án hợp tác Mekong - Nhật Bản đã giúp đem lại sự thay đổi đáng kể về cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường tại các nước Mekong.

Thủ tướng cũng khẳng định cam kết của Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng Nhật Bản và các nước Mekong thúc đẩy hợp tác thành công hơn nữa.

Về phương hướng hợp tác giai đoạn tiếp theo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu bật một số ưu tiên bao gồm: thúc đẩy kết nối giao thông, bao gồm cao tốc Vientiane - Hà Nội, giao thông đường thủy giữa Việt Nam - Campuchia;

Kết nối năng lượng nội khối Mekong như hợp tác hiện nay giữa Việt Nam, Lào, Campuchia cũng như giữa khu vực Mekong với các nước bên ngoài; cải thiện kết nối hạ tầng mềm, ưu tiên xây dựng và thực hiện các hiệp định, cơ chế phối hợp về tạo thuận lợi cho giao thông, thương mại và kết nối số giữa các nước thành viên;

Thúc đẩy kết nối công nghiệp, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ;

Tăng cường kết nối con người đặc biệt thông qua giáo dục, đào tạo nghề; ký kết thỏa thuận về công nhận tương đương văn bằng, tín chỉ đào tạo nghề;

Hiện thực hóa tầm nhìn chung về một Mekong xanh với trọng tâm là hợp tác quản lý bền vững nguồn nước, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp thông minh, bền vững.

Yết kiến nhà vua và hoàng thái tử Nhật Bản

Ngày 9-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước Mekong yết kiến nhà vua và hoàng thái tử Nhật Bản, gặp mặt Liên minh nghị sĩ hữu nghị Mekong - Nhật Bản, Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản và tham gia Diễn đàn đầu tư Mekong - Nhật Bản.

Tại buổi yết kiến, nhà vua và hoàng thái tử Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa Nhật Bản và các nước Mekong; mong rằng Năm hữu nghị Mekong - Nhật Bản 2019 sẽ thúc đẩy hơn nữa giao lưu giữa các chính phủ và người dân sáu nước.

Mạng lưới sáng tạo Mekong - Nhật Bản

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề xuất nghiên cứu và xây dựng Mạng lưới sáng tạo Mekong - Nhật Bản nhằm tăng cường liên kết, trao đổi giữa các trung tâm nghiên cứu, phát minh sáng chế, trung tâm khởi nghiệp của Nhật Bản và các nước Mekong.

Các đề xuất của Thủ tướng đã được hội nghị đánh giá cao và phản ánh trong các văn kiện của hội nghị.

Bước đi táo bạo của Nhật ở Mekong

ts cpc 3(read-only)

TS Chheang Vannarith - Ảnh: NVCC

TS Chheang Vannarith, tư vấn viên chương trình ASEAN của Quỹ Nippon (Nhật Bản) và nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, gửi Tuổi Trẻ bài bình luận về kết quả Hội nghị cấp cao Nhật Bản - Mekong lần thứ 10 ở Tokyo ngày 9-10.

Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Nhật Bản vừa bế mạc là một dấu mốc quan trọng để thúc đẩy sự hội nhập và kết nối khu vực Mekong, đồng thời đưa quan hệ hợp tác Mekong - Nhật Bản lên cấp đối tác chiến lược.

Trong con mắt của các nhà chiến lược Nhật, Mekong chính là khu vực cạnh tranh địa chính trị quan trọng và Nhật phải gắn kết với khu vực này một cách sâu sắc và toàn diện.

Nhật sẽ tiếp tục tận dụng các lợi thế và điểm mạnh chiến lược của mình, bao gồm sức mạnh công nghệ và giao lưu nhân dân để gắn kết sâu hơn với khu vực này.

Hình ảnh và sức mạnh mềm của Nhật Bản trong khu vực Mekong là một điểm mạnh khác.

Cho đến nay, các dự án phát triển của Nhật Bản bao gồm dự án hạ tầng đã nhận được sự phản hồi tích cực của người dân địa phương các quốc gia Mekong do có chất lượng cao, quản trị tốt và minh bạch.

Lãnh đạo các quốc gia Mekong và Nhật Bản đã thông qua Chiến lược Tokyo 2018 với ba trụ cột chính, đồng thời ủng hộ sáng kiến của Nhật về Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP).

Bên cạnh đó, quản lý nguồn nước xuyên biên giới là nguyên nhân gây lo ngại được thể hiện trong các báo cáo đánh giá tác động môi trường và xã hội của hàng loạt dự án thủy điện trên dòng chính sông Mekong.

Nhật đang ngày càng quan tâm đến quản lý nguồn nước Mekong thông qua xây dựng các cơ chế hiệp trợ giữa Hợp tác Mekong - Nhật Bản và những cơ chế khác bao gồm Ủy hội sông Mekong, Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, Sáng kiến hạ nguồn sông Mekong.

Việt Nam, một quốc gia chiến lược của khu vực Mekong, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự hội nhập của khu vực Mekong, đặc biệt là tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.

Về quản lý nguồn nước, Việt Nam đã chủ động thuyết phục các quốc gia thượng nguồn Mekong thông qua cơ chế quản trị nguồn nước dựa trên luật lệ.

Việt Nam cũng được xem là quốc gia bắc cầu về FOIP nhờ thúc đẩy an ninh hàng hải ở Biển Đông và an ninh nguồn nước ở khu vực Mekong.

Tuy nhiên, nó phụ thuộc vào việc các nhà lãnh đạo Việt Nam quyết định kết nối an ninh hàng hải và an ninh nguồn nước ra sao cũng như tăng cường sự tiếp cận của các bên liên quan để giải quyết hai vấn đề an ninh quan trọng này như thế nào.

DIỆU AN (chuyển ngữ)

N.HUY - TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên