15/12/2014 09:55 GMT+7

Hội nghị biến đổi khí hậu Lima: Kết quả yếu ớt

HẢI MINH - ANH THƯ
HẢI MINH - ANH THƯ

TT - Hội nghị thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu (COP) lần thứ 20, đại diện 192 quốc gia thông qua lời kêu gọi hành động vì khí hậu Lima.

Các nhà bảo vệ môi trường ở Lima đeo mặt nạ các nhà lãnh đạo thế giới trong cuộc biểu tình kêu gọi chính phủ các nước cắt giảm khí thải - Ảnh: Reuters
Các nhà bảo vệ môi trường ở Lima đeo mặt nạ các nhà lãnh đạo thế giới trong cuộc biểu tình kêu gọi chính phủ các nước cắt giảm khí thải - Ảnh: Reuters

Sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng, hôm qua các nước thành viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã đạt một thỏa thuận chống biến đổi khí hậu tại hội nghị ở Lima (Peru). Nhưng không có nhiều lý do để lạc quan.

Reuters đưa tin tại Hội nghị thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu (COP) lần thứ 20, đại diện 192 quốc gia thông qua lời kêu gọi hành động vì khí hậu Lima.

Theo đó, chính quyền các nước phải nộp bản cam kết hạn chế khí thải nhà kính lên LHQ trước ngày 31-3-2015 để tạo nền tảng cho một kế hoạch chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Dự kiến kế hoạch này sẽ được thông qua tại hội nghị biến đổi khí hậu ở Paris (Pháp) tháng 12-2015 và có hiệu lực từ năm 2020.

Theo lịch trình ban đầu, hội nghị Lima kết thúc vào ngày 12-12 sau 12 ngày làm việc. Tuy nhiên mâu thuẫn sâu sắc giữa các nước phát triển và đang phát triển khiến các cuộc đàm phán kéo dài thêm 32 giờ.

“Thỏa thuận này không phải là hoàn hảo, nhưng ít nhất tất cả các nước đều có tiếng nói” - Bộ trưởng môi trường Peru Manuel Pulgar - Vidal khẳng định.

Ngôn ngữ suy yếu

Chưa thấy tiền đâu

Các nước giàu từng cam kết sẽ chi 100 tỉ USD mỗi năm tới năm 2020 để hỗ trợ các nước nghèo chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên đến nay khoản tiền này vẫn chỉ tồn tại trên giấy. “Còn mất bao nhiêu kỳ họp nữa chúng ta mới đạt được kết quả thực tế? Đã bao cuộc họp diễn ra với đủ mọi hứa hẹn và hi vọng nhưng mâu thuẫn cứ ngày một lớn. Họ hứa 100 tỉ USD nhưng chúng tôi có nhận được gì đâu” - ông Ahmed Sareer, đại diện Maldives, bức xúc.

Tại hội nghị, đại diện một số quốc gia đang phát triển chỉ trích các nước giàu “chối bỏ nghĩa vụ chống biến đổi khí hậu”.

Trung tâm của mâu thuẫn là các nước đang phát triển đòi hỏi phương Tây phải gánh trách nhiệm tài chính lớn hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu bởi đã gây ô nhiễm từ hàng trăm năm qua.

Ngược lại, phương Tây chỉ trích các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ đốt than ồ ạt để thúc đẩy tăng trưởng. Trung Quốc hiện là nước xả khí thải lớn nhất thế giới.

Trước sức ép của các nước đang phát triển, thỏa thuận Lima ghi rõ các nước “có trách nhiệm chung nhưng khác biệt”.

Bộ trưởng môi trường Ấn Độ Prakash Javedekar tuyên bố New Delhi “đã có được những gì mong muốn” và cho rằng điều đó có nghĩa các nước giàu phải đi đầu trong chiến dịch cắt giảm khí thải nhà kính.

Thỏa thuận cũng khôi phục cam kết rằng LHQ sẽ thành lập cơ chế “mất mát và thiệt hại” để giúp các nước nghèo đối phó với các tổn thất tài chính do biến đổi khí hậu gây ra.

Tuy nhiên, thỏa thuận Lima không đưa ra yêu cầu cụ thể về cam kết của từng quốc gia. Nó nói rằng các nước “có thể” (thay vì “sẽ”) cung cấp thông tin chi tiết về các cam kết cắt giảm khí thải nhà kính.

Và chỉ các quốc gia “đã sẵn sàng” mới phải nộp bản cam kết lên LHQ trước ngày 31-3-2015. Các tổ chức môi trường bày tỏ sự thất vọng não nề đối với kết quả này.

“Kết quả ở Lima quá tệ nhưng đó chẳng phải là điều gây ngạc nhiên” - AFP dẫn lời chuyên gia Sebastien Blavier thuộc Tổ chức Hòa bình xanh.

Đại diện Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) Sam Smith nặng lời mô tả: “Văn bản đi từ yếu đến yếu hơn và quá yếu”. Liên đoàn Các nhà khoa học quan ngại (UCS) cho rằng kết quả ở Lima chỉ đạt mức tối thiểu để chuẩn bị cho hội nghị Paris vào tháng 12-2015. Chủ tịch FFI Jagoda Munic cho rằng đây là một “bi kịch”.

Khó tránh thảm họa

Theo báo Guardian, các chuyên gia môi trưởng cảnh báo các kết quả ở Lima là quá yếu để có thể giải cứu thế giới trước những thảm họa do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra.

“Chúng ta đang đối mặt với nguy cơ nhiệt độ toàn cầu tăng 3 hoặc 4 độ C” - chiến lược gia WWF Tasneem Essop cảnh báo. Có mặt hồi giữa tuần ở Lima, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng bi quan cho rằng cả thế giới “đang lao tới một bi kịch khủng khiếp”.

Các nhà khoa học khẳng định các nước phải lập tức giảm khí thải nhà kính để đảm bảo nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2 độ C vào năm 2100.

Bởi mức tăng 3 hoặc 4 độ C sẽ dẫn tới tình trạng nước biển dâng cao nghiêm trọng, các thiên tai như hạn hán, bão tố, lũ lụt sẽ trở nên trầm trọng hơn. Quá trình biến đổi khí hậu đó sẽ không thể đảo ngược. Các quốc gia và cộng đồng nghèo trên thế giới sẽ hứng chịu tổn hại lớn nhất.

Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của LHQ (IPCC) xác định đến năm 2050, thế giới phải giảm 40-70% lượng khí thải so với mức của năm 2010 và về 0% hoặc thấp hơn vào năm 2100. Chỉ khi đó, cộng đồng thế giới mới có thể đạt mục tiêu duy trì nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2 độ C.

Dẫu vậy, không phải ai cũng bi quan với tương lai của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Guardian dẫn lời giáo sư khí hậu Mark Maslin thuộc ĐH London cho rằng kết quả hội nghị Lima gây thất vọng, nhưng các nhà đàm phán vẫn còn 12 tháng nữa trước hội nghị Paris để sửa chữa sai lầm.

“Vấn đề là các nước phải hiểu rằng thế giới cần một thỏa thuận toàn cầu mang tính ràng buộc, bởi nó sẽ đem lại một thế giới tốt đẹp và an toàn hơn” - giáo sư Maslin nhấn mạnh.

HẢI MINH - ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên