Hội nghị an ninh Munich: Thế giới có an toàn hơn?

TƯỜNG ANH 16/02/2025 15:19 GMT+7

TTCT - Hội nghị an ninh Munich (MSC) là diễn đàn quốc tế thảo luận về những thách thức chính trong chính sách đối ngoại và an ninh toàn cầu. Tâm điểm năm nay sẽ là cuộc chiến tranh ở Ukraine.

Hội nghị An ninh Munich: Thế giới có an toàn hơn? - Ảnh 1.

Ảnh: Gallup News

Những chuyển biến đó bao gồm: khởi đầu nhiệm kỳ hai của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, cuộc bầu cử sắp tới của Quốc hội Đức (Bundestag), một chu kỳ mới của hội đồng lập pháp EU tại Brussels, và cuộc chiến Nga - Ukraine có dấu hiệu chuyển tới một bước ngoặt.

MSC 2025 được Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier khai mạc ngày 14-2, do Chủ tịch MSC Christoph Heusgen chủ trì. 

Hơn 60 người tham dự là nguyên thủ quốc gia và chính phủ, cũng như khoảng 150 bộ trưởng và người đứng đầu các tổ chức quốc tế, gồm Tổng thư ký NATO Mark Rutte, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola… 

Hoa Kỳ cử đại diện tham dự là Phó tổng thống J.D. Vance và đặc phái viên của tổng thống Hoa Kỳ về Ukraine và Nga Keith Kellogg. Nga không được mời tham gia MSC 61 và đã vắng mặt tại diễn đàn này từ năm 2022.

Những quan ngại từ tầm nhìn chung

Báo cáo an ninh Munich 2025 công bố hôm 10-2 phân tích những hậu quả sâu rộng của quá trình đa cực hóa trật tự quốc tế. Theo đó, với nhiều chính trị gia và công dân trên toàn cầu, một thế giới đa cực hơn hứa hẹn nhiều điều. 

Nhưng xu hướng gần đây cho thấy những tác động tiêu cực của quá trình đa cực hóa đang chiếm ưu thế khi sự chia rẽ giữa các cường quốc gia tăng và cạnh tranh giữa các mô hình khác nhau cản trở các cách tiếp cận chung với nhiều cuộc khủng hoảng và mối đe dọa toàn cầu. 

Tám bên liên quan đang khẳng định yêu sách tạo thành các cực trong trật tự quốc tế - theo đánh giá của báo cáo - là Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Brazil và Nam Phi.

Theo đánh giá của báo cáo, chủ nghĩa tự do về chính trị và kinh tế định hình nên thế đơn cực sau chiến tranh lạnh không còn là lựa chọn duy nhất nữa - nó đang bị cả các nền dân chủ tự do, gồm nhiều nền dân chủ theo chủ nghĩa dân tộc, lẫn những thế lực không theo mô hình dân chủ tự do, thách thức. 

Báo cáo cho thấy viễn cảnh về đa cực cũng không giống nhau, khiến việc điều chỉnh trật tự hiện tại một cách hòa bình, tránh chạy đua vũ trang mới, ngăn chặn xung đột bạo lực trong và giữa các quốc gia, cho phép tăng trưởng kinh tế toàn diện hơn và cùng nhau giải quyết các mối đe dọa chung ngày càng khó khăn.

Vì các nước không thể giải quyết những thách thức này một mình, nên hợp tác sẽ rất quan trọng. Nhưng để sự hợp tác này thành hiện thực, thế giới cũng có thể cần một số "sự phi cực hóa". Do đó, báo cáo đưa ra lập luận về "phi cực hóa", nhấn mạnh đến nhu cầu cải cách đáng kể trật tự quốc tế. Năm 2025 sẽ là bản lề cho lý luận này triển khai trên thực tế.

Hội nghị An ninh Munich: Thế giới có an toàn hơn? - Ảnh 2.

Ông Zelensky ở MSC 2022. Ảnh: Reuters

Nước chủ nhà chia rẽ về quan điểm an ninh

MSC 61 diễn ra một tuần trước cuộc bầu cử Quốc hội Đức, vì vậy tham gia có các ứng viên cho chức thủ tướng: Thủ tướng đương nhiệm Olaf Scholz (SPD), Friedrich Merz (Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo, CDU), Robert Habeck (Đảng Xanh) và Christian Lindner (Đảng Dân chủ tự do, FDP). 

Trong khi đó, đại diện của đảng cực hữu Alternative for Germany (AfD) và đảng cánh tả Liên minh Sahra Wagenknecht không được mời tham dự. Chủ tịch hội nghị Heusgen giải thích quyết định này là do hai đảng trên "không tuân thủ nguyên tắc chính của hội nghị là hòa bình thông qua đối thoại", nhắc lại rằng AfD và DIA đã rời khỏi Quốc hội Đức khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu.

Đó là cuộc họp Bundestag vào tháng 6-2024, khi ông Zelensky tới Berlin phát biểu trong khóa họp toàn thể Quốc hội Đức. 

Theo tường thuật của tờ Die Zeit, các lãnh đạo AfD trong Quốc hội Alice Weidel và Tino Chrupalla đã nói về tổng thống Ukraine, người mặc áo len đen và quần xanh lá cây đậm khi phát biểu tại Bundestag: "Chúng tôi từ chối nghe một diễn giả mặc đồ rằn ri". 

Savim Dagdelen, chính trị gia của Liên minh Sahra Wagenknecht, nói với AFP: "Bằng sự vắng mặt, chúng tôi bày tỏ sự đoàn kết với tất cả những người dân Ukraine muốn ngừng bắn ngay lập tức và giải pháp đàm phán thay vì bị Tổng thống Zelensky ép làm bia đỡ đạn cho một cuộc chiến không thể thắng".

Quyết định của ông Heusgen - cũng là đại diện thường trực của Đức tại LHQ - cho thấy bất đồng không nhỏ trên chính trường Đức về việc giải quyết cuộc xung đột Ukraine, nhất là mới tuần trước Thủ tướng Scholz lại một lần nữa kêu gọi giúp Ukraine xây dựng quân đội mạnh trong cuộc tranh luận trên truyền hình trước bầu cử với Merz, ứng cử viên thủ tướng của khối đối lập CDU/CSU, trên đài ZDF.

Hội nghị An ninh Munich: Thế giới có an toàn hơn? - Ảnh 3.

Một vụ đâm xe làm hàng chục người bị thương nghi là khủng bố vừa xảy ra ở thành phố Munich. Ảnh: Reuters

Cuộc tranh luận nảy lửa về an ninh châu Âu giữa họ cũng đề cập đến vấn đề di trú và tiếp nhận người tị nạn. Trong khi ông Merz cam kết đóng cửa biên giới Đức với người tị nạn, ông Scholz lập luận động thái này sẽ vi phạm luật EU và chia rẽ châu Âu vào thời điểm Đức cần sự đoàn kết của châu Âu để chống lại các mối đe dọa thuế quan của Trump. 

Tuy nhiên, khi ông Scholz tuyên bố chính phủ của ông đã thành công trong việc trấn áp các vụ lạm dụng hệ thống tị nạn, ông Merz phản pháo: "Ông không sống trên hành tinh này. Ông đang sống trong truyện cổ tích"!

Cuộc bầu cử trước thời hạn ở Đức dự kiến tổ chức vào 23-2. Theo thăm dò mới nhất của Viện Infratest Dimap, khối CDU/CSU đang dẫn đầu với 31%, tiếp theo là AfD với 21%, chỉ 15% sẵn sàng bỏ phiếu cho SPD…

Liệu sẽ có kế hoạch hòa bình cho Ukraine?

Cuộc chiến ở Ukraine là chủ đề chính được những người tham dự hội nghị quan tâm. Keith Kellogg - đại diện đặc biệt của tổng thống Hoa Kỳ - đã công bố các cuộc thảo luận rộng rãi về vấn đề này với đồng minh bên lề MSC 2025. 

Tuy nhiên khi truyền thông phương Tây đưa tin Kellogg sẽ trình bày "kế hoạch hòa bình" cho Ukraine tại Munich, ông đã phủ nhận vì "người trình bày kế hoạch này sẽ là Tổng thống Donald Trump". Sau hội nghị Munich, Kellogg có thể sẽ tới thăm Kiev vào ngày 20-2.

Gần như đồng thời, NewYork Post (NWP) 7-2 đưa tin ông Trump nói đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. 

Không tiết lộ chi tiết nội dung điện đàm hay cho biết đã có bao nhiêu cuộc gọi giữa hai nguyên thủ từ nhiệm kỳ thứ hai của Trump, NYP viết ông Trump chỉ nói ông Putin "không bàng quan", "không muốn có thêm người chết" vì cuộc chiến. Trong cuộc phỏng vấn, ông Trump cũng khẳng định "đã có kế hoạch rõ ràng để chấm dứt cuộc chiến khủng khiếp này". 

Thế nhưng cả Thư ký báo chí của tổng thống Nga Dmitry Peskov lẫn Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Mike Waltz đều không xác nhận lẫn phủ nhận thông tin này.

Trong khi đó, theo nhận định của cổng thông tin Ukaraine Strana News 8-2, bất chấp kỳ vọng về các cuộc đàm phán và kết thúc nhanh chóng cuộc chiến ở Ukraine, cùng những lời kêu gọi liên tục từ Trump, Kiev đang có tâm trạng khác. 

Cổng thông tin này, dựa vào các cuộc trò chuyện với một số nguồn tin thân cận Zelensky, giới thiệu bức tranh tổng quát: Kiev không muốn kết thúc chiến tranh sớm. Kế hoạch "ngừng bắn - bầu cử - hòa bình" do đặc phái viên của Trump đưa ra bị coi là không thể chấp nhận được.

Lập luận của nhóm tổng thống là Ukraine hiện đang ở thế yếu, và do đó Kiev sẽ không đạt được các điều kiện hòa bình tốt với các đảm bảo an ninh thực sự, điều đó có nghĩa là cần tiếp tục chiến đấu, vì thời gian đang chống lại Nga. 

Phe đối lập với Zelensky viện dẫn những động cơ khác khiến Zelensky phản đối ngừng bắn: mong muốn tiếp tục sử dụng dòng ngân sách khổng lồ thời chiến và nỗi lo sợ mất quyền lực trong cuộc bầu cử sẽ phải diễn ra nếu giao tranh kết thúc. 

Không chỉ Nga, đặc phái viên Kellogg cũng nói Washington muốn tổ chức bầu cử ở Ukraine trước cuối năm 2025, đặc biệt là nếu đạt được lệnh ngừng bắn với Nga trong những tháng tới.■

Những tuyên bố của Zelensky về "sự sẵn sàng đàm phán", "một kết thúc nhanh chóng cho chiến tranh" và "những nỗ lực ngoại giao" được giải thích là để bày tỏ sự tuân thủ "chương trình nghị sự hòa bình" của Trump, cũng như mong muốn hòa bình ngày càng tăng trong xã hội Ukraine, Strana News nhận định. Trên thực tế, Kiev tập trung chú ý không phải vào các kế hoạch hòa bình, mà vào vấn đề cung cấp vũ khí và trừng phạt Nga.

Trong khi đó, Cố vấn Waltz cho biết Trump muốn chấm dứt xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, nhưng việc cung cấp bảo đảm an ninh cho Kiev sẽ được giao cho các nước châu Âu. Trong phỏng vấn trên NBC ngày 9-2, ông Waltz lưu ý Hoa Kỳ muốn được bù đắp chi phí viện trợ quân sự cho Ukraine thông qua kim loại đất hiếm và dầu khí Ukraine. Báo cáo an ninh Munich 2025 cũng viết: "Đối với Trump và nhiều người ủng hộ ông, trật tự quốc tế do Hoa Kỳ tạo ra là một thỏa thuận tồi tệ".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận