01/03/2018 16:03 GMT+7

Hội Minh thề được công nhận là di sản quốc gia

TIẾN THẮNG
TIẾN THẮNG

TTO - Ngày 1-3 người dân thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng tạm gác công việc để cùng trẩy hội Minh thề, chứng kiến việc đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ hội độc đáo này.

Hội Minh thề được công nhận là di sản quốc gia - Ảnh 1.

Chiếc mũ quan cổ được đặt trang trọng tại chính điện của đài thề - Ảnh: TIẾN THẮNG

Phát biểu tại buổi lễ, phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam, khẳng định giá trị nhân văn của một lễ hội đã có lịch sử suốt 500 năm qua nhưng đến nay vẫn luôn vẹn nguyên giá trị bởi tính thiết thực, gần gũi với cuộc sống hiện đại.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Đặng Thị Bích Liên cho biết bản thân bà đánh giá rất cao giá trị nhân văn, ý nghĩa về văn hóa của lễ hội.

Theo bà Liên, từ cách đây từ 500 năm, ông cha ta đã đưa ra một thông điệp hết sức hợp lòng dân, mang giá trị thời đại rất lớn nên được người dân gìn giữ, phát triển cho đến ngày nay. Qua lễ hội này mới thấy ý nghĩa to lớn về tính giáo dục cộng đồng, đề cao tính trung thực, sống nhân văn và chấp hành kỷ cương phép nước.

"Lễ hội đưa ra một thông điệp đối với những người cán bộ vì dân phải luôn phấn đấu để làm trọn trách nhiệm cương vị đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó", bà Liên nói.

Tuy nhiên, lễ hội năm nay về cơ bản như mọi năm khi người có "chức sắc" cao nhất tham gia hội thề vẫn chỉ là trưởng thôn, phó trưởng thôn cùng các vị cao niên trong làng.

GS Vũ Minh Giang, chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học quốc gia Hà Nội, cho rằng lễ hội này dù chỉ ở một cấp độ nhỏ nhưng ý nghĩa lại bao trùm rộng lớn.

"Chính bởi tính thiêng liêng của lời thề nên dù trong một làng chỉ có một số người đứng ra thề nhưng nó thể hiện ước nguyện của cả cộng đồng, mà cộng đồng này không phải chỉ của một làng, một xã mà rộng lớn hơn chính là của toàn dân tộc", ông Giang nói.

Theo sử sách lưu truyền về hội Minh thề, từ giữa thế kỷ XVI, vợ của Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung là Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn khi đến ấp Lan Niểu (nay là thôn Hoà Liễu) đã tự bỏ tiền và vận động hoàng thân quốc thích, quan lại triều Mạc đóng góp tiền của để tu tạo lại ngôi chùa cổ.

Thái hoàng Thái hậu đã xuất tiền mua 25 mẫu 8 sào 2 thước cúng dâng Tam Bảo. Nhiều người theo gương bà cũng tậu ruộng cúng chùa tăng số diện tích lên đến 47 mẫu 5 sào.

Số ruộng này làng gọi là Thánh điền, một phần diện tích dành cho nhà chùa cấy, một phần dùng vào việc tuần tiết lễ hội, còn lại để chia cho dân đinh cày cấy hưởng lộc và cho cấy đấu thầu lấy thóc lập quỹ nghĩa thương phòng khi đói khó cấp đỡ cho người nghèo, cố nhân, quả phụ…

Cũng chính từ đây, Thái hoàng Thái hậu đã cùng với chức sắc, dân làng lập ra một Hịch văn hội Minh Thề quy định lấy chí công làm trọng.

Để gìn giữ lễ hội truyền thống độc đáo này và ghi nhớ công đức của Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, hàng năm người dân làng Hòa Liễu lại tổ chức lễ hội Minh thề kéo dài trong 3 ngày, (từ ngày 14 đến 16 tháng Giêng âm lịch).

Hội Minh thề được công nhận là di sản quốc gia - Ảnh 3.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên dự và trao bằng công nhận lễ hội Minh thề là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh: TIẾN THẮNG

Hội Minh thề được công nhận là di sản quốc gia - Ảnh 4.

Thành phần tham gia hội thề năm nay vẫn giống mọi năm, có trưởng thôn, phó trưởng thôn và các cụ cao niên trong làng - Ảnh: TIẾN THẮNG

Hội Minh thề được công nhận là di sản quốc gia - Ảnh 5.

Ông chủ tế thực hiện nghi thức vạch dấu tạo vòng tròn trước đài thề - Ảnh: TIẾN THẮNG

Hội Minh thề được công nhận là di sản quốc gia - Ảnh 6.

Những người tham gia hội thề giơ cao tay thề sau khi tư văn đọc xong hịch văn thề - Ảnh: TIẾN THẮNG

Hội Minh thề được công nhận là di sản quốc gia - Ảnh 7.

Những "chức sắc" của làng lần lượt uống chén rượu "kim kê" sau khi thề luôn lấy chí công làm trọng - Ảnh: TIẾN THẮNG


TIẾN THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên