GS Trần Văn Khê gặp cụ Đào Duy Anh tại khách sạn Bến Nghé (TP HCM) năm 1979 - Ảnh: tư liệu |
Trong thời gian tham dự Festival Huế, nhân bữa tiệc chiêu đãi quan khách tôi được xếp ngồi kế bên cháu Trương Ngọc Thủy, giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh.
>> >> >> >> >> >> >> >> >> >> >> |
Trong câu chuyện trao đổi, cháu Trương Ngọc Thủy hỏi tôi có định lưu trữ những tư liệu nghiên cứu của mình ở đâu chăng? Tôi tâm sự đã gom góp khá nhiều tư liệu về âm nhạc Việt Nam cũng như những nền âm nhạc lớn của châu Á, hiện đang được cất giữ tại Pháp. Tôi đã lập di chúc giao lại cho trưởng nam Trần Quang Hải nhiệm vụ quản lý và giữ gìn tất cả tư liệu, chờ khi thuận tiện sẽ trao lại toàn bộ cho cơ quan đúng chức năng trong nước nhận lãnh để lưu giữ cho dân tộc Việt Nam. Nhưng tôi ước ao trong lúc còn sống có được điều kiện đem những tư liệu này về nước.
Nghe vậy, cháu Trương Ngọc Thủy tươi cười nói: “Cháu xin thay mặt Sở Văn hóa Thông tin Hồ Chí Minh sẽ tìm cách giúp bác mang về để lưu trữ trong một căn nhà, sau này sẽ là nhà lưu niệm Trần Văn Khê.”
Hai bác cháu nắm tay nhau, tuy chưa ký thành văn bản mà đã có một ước hẹn.
Ngay trong năm đó, cháu Trương Ngọc Thủy cùng với đại diện Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sang Pháp và đến thăm tôi tại tư gia ở Paris. Nhìn thấy tận mắt khối lượng tư liệu chất đầy kín 5 căn phòng, mọi người đều thích thú và quyết tâm bằng mọi giá sẽ tìm cho tôi một căn nhà tại thành phố. Cháu Thủy giao cho Phó giám đốc Thế Thanh thay mặt Sở Văn hóa Thông tin xúc tiến việc này.
Tháng 10 năm 2003, một người cháu của tôi là Thanh hợp sức với cháu Tươi liên hệ với một công ty vận tải biển của Pháp lo việc đóng gói và chuyên chở toàn bộ “sự nghiệp tinh thần” tôi đã chắt chiu tạo dựng qua hơn nửa thế kỷ để đem về Việt Nam. Tất cả gói gọn trong 465 kiện, trong đó có những bộ sách ghi chép về lịch sử âm nhạc Việt Nam, những dĩa hát đầu tiên của một vài nghệ nhân Việt Nam và các nước châu Á mà ngay ở các nước sở tại đôi khi cũng khó tìm được.
Tôi cũng có hơn 100 quyển thuộc loại từ điển bách khoa của Anh, Mỹ, Ý, Pháp; gần 200 cuốn sổ đi đường, như một thiên nhật ký, ghi chép hành trình tôi tham dự hơn 200 hội nghị ở khoảng hơn 68 nước trên thế giới để làm tư liệu về dân tộc học; hơn 2.000 sách, tạp chí thuộc loại nghiên cứu âm nhạc học và nhạc kịch Việt Nam, một kho hình ảnh cùng 800 băng cassettes ghi lại nội dung gặp gỡ nghệ nhân trong các chuyến điền dã khắp Việt Nam và một số nước trên thế giới...
Những thứ “của cải” này, tuy không có giá trị thương mại, nhưng vô giá đối với tôi và tôi nghĩ rằng chúng có ích cho những thế hệ mai sau trong việc tìm hiểu và nghiên cứu âm nhạc theo phương pháp dân tộc nhạc học.
Nhưng khi mọi thứ được đóng gói xong và chuyển đi, thú thật tôi đã khá lo lắng. Bởi chuyến tàu trên đường đi có thể bị tai nạn, bị sóng đánh chìm, hay hàng hóa có thể bị thất lạc...
Thôi thì, một liều ba bảy cũng liều!
Khi biết được chi phí tổng cộng lên tới 7.000 Euros cho một container 40 feets, một số bạn bè, thân hữu vẫn theo dõi công việc làm của tôi xưa nay, đồng thời thông cảm với hoàn cảnh một nhà nghiên cứu suốt đời thanh bạch, đã tự nguyện cùng nhau đóng góp để giúp tôi trang trải chi phí trong việc vận chuyển khá tốn kém nói trên. Thậm chí một cặp vợ chồng người Việt sống bên Mỹ, chỉ nghe một môn sinh của tôi là cháu Thiên Nga kể về việc làm của tôi trong lãnh vực văn hóa chớ chưa bao giờ tiếp xúc, nhân dịp về thăm quê nhà cũng tìm gặp tôi và đề nghị được chung tay giúp đỡ.
Tôi vô cùng xúc động trước nghĩa cử đẹp của những tấm lòng ấy.
Đầu tháng 12, may mắn thay, chiếc tàu trong đó có kiện hàng của tôi cập bến Việt Nam an toàn. Nhờ sự giúp đỡ của Sở Văn hóa Thông tin Thành phố, nhứt là giám đốc Trương Ngọc Thủy và phó giám đốc Nguyễn Thế Thanh, mà các thủ tục hải quan được tiến hành nhanh chóng. Chỉ sau 5 tiếng đồng hồ, tất cả các kiện hàng được chở về gởi tạm trong Bảo tàng viện Thành phố, vì các cơ quan hữu trách chưa tìm ra căn nhà phù hợp để cấp cho tôi.
Cuối cùng Thế Thanh cho biết Sở Văn hóa Thông tin đã chọn được một biệt thự cũ tại tại số 32 Huỳnh Đình Hai, phường 24, quận Bình Thạnh và giao kiến trúc sư sửa chữa, xây dựng lại cho phù hợp với yêu cầu làm việc và sanh sống của tôi.
Tháng 10 năm 2005, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chánh thức bàn giao căn nhà trên cho tôi để làm nơi cư trú và lưu trữ toàn bộ hiện vật liên quan đến đời sống cá nhân và nghề nghiệp. Sau khi tôi qua đời, nơi đây sẽ trở thành “Nhà lưu niệm Trần Văn Khê”.
Từ tháng 10, tôi tạm ngưng các hoạt động về văn hóa để đặt trọng tâm cho việc ổn định chỗ ở. Cháu Tươi (thời gian này đã rời Paris về Sài Gòn phụ giúp tôi) cùng với em Lý (Trưởng Trung tâm Hồi ký) cùng hợp sức lo việc trang trí nội thất, sắp đặt các phòng tư liệu, phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp... cho căn nhà Huỳnh Đình Hai.
Em Lý nhờ nghệ nhân Út Tài thiết kế cây cảnh trong sân vườn nhà tôi. Có một kỷ niệm vui là sau khi nhận lời, ngay tối hôm đó cô Út Tài cho xe tải tới đổ xuống rất nhiều cây cảnh và chậu hoa, đến độ tôi lo lắng phải gọi điện thoại cho em Lý: “Thầy e là không đủ tiền để trả cho chừng đó cây cảnh đâu. Nếu ở Paris thì với số lượng này chắc phải bán nhà mới đủ trả”.
Không dè lát sau em Lý gọi điện lại: “Em đã nói chuyện với chị Út rồi, nhưng chị nói sẽ còn mang thêm nhiều nữa!”. Khi khu vườn đã hoàn tất, rất hợp với sở thích của tôi, đến phần thanh toán tiền nong thì cô Út Tài tươi cười khoát tay: “Em làm tặng thầy”. Tôi vô cùng cảm động trước quà tặng này.
Việc trang trí nội thất phòng khách thì vợ chồng kiến trúc sư Trương Hiền Phúc đã thực hiện đúng theo ý tôi là sắp đặt để bình thường đây là nơi tiếp khách, nhưng lại có thể biến thành phòng họp cho cả trăm người đến dự những buổi tôi nói chuyện về âm nhạc. Trên các bức tường trong phòng khách treo đầy tranh, ảnh, nhạc khí... hầu hết là những kỷ vật đã gắn bó với tôi trong suốt những tháng năm bôn ba khắp bốn biển năm châu, hoặc là những món quà kỷ niệm do thân hữu hoặc bạn bè trao tặng.
Từ đó đến nay, căn nhà này được sử dụng đúng mục đích, vừa là nơi sinh sống của tôi, vừa là một địa chỉ văn hóa mà các hội đoàn hay chánh quyền thành phố vẫn đưa khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Các tư liệu tôi mang về nước được sắp xếp phân loại với sự giúp đỡ của Viện Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, tuy chưa hoàn tất nhưng bước đầu cũng đã phục vụ cho nhu cầu tìm đọc của nhiều sinh viên và một số nhà nghiên cứu. Việc chuyển tư liệu từ băng cassette ra CD, băng video VHS ra DVD vẫn đang được tiến hành.
Đặc biệt nơi đây còn diễn ra những chương trình sinh hoạt văn nghệ định kỳ, là dịp để tôi giới thiệu các bộ môn âm nhạc truyền thống cho giới yêu âm nhạc thành phố và cả khách nước ngoài. Khó khăn nhứt là chi phí tổ chức, may mắn đã có em Trần Trọng Thức và cháu Thanh Nga lo việc tìm tài trợ từ những mạnh thường quân hay các doanh nghiệp trong nước.
Bắt đầu từ đây, tôi vui sướng tận hưởng cuộc sống mới của người con đất Việt xa quê hương hơn nửa thế kỷ, nay trở về để có thể tiếp tục cống hiến ngay tại quê nhà.
Trong những năm cuối đời, tôi may mắn được đồng bào trong và ngoài nước theo dõi, biết qua những chuyện tôi đã làm và lấy tình ruột thịt mà đối đãi với tôi.
Từ sự tận tình theo dõi và chăm sóc sức khỏe cho tôi của các bác sĩ nhiều bịnh viện trong thành phố, đến chiếc xe điện di chuyển trong nhà, chiếc laptop tôi sử dụng hàng ngày, rồi thẻ đi taxi của công ty Mai Linh... thật không sao kể hết những tấm lòng hào hiệp đã bỏ công bỏ của hỗ trợ cho tôi suốt những năm qua.
Tôi đi ăn ở nhiều nhà hàng, chủ nhân đề nghị được chiêu đãi, đi hớt tóc thì chủ hiệu dứt khoát không lấy tiền. Thấy tôi đi ngoài đường chị bán hàng rong đứng dậy hỏi: “Giáo sư đi đâu đó?”, anh xích lô cũng mời: “Giáo sư ơi, lên xe em chở đi hóng mát một vòng”.
Đâu đâu tôi cũng nhận được lời chào thân thiện và niềm nở của mọi người. Cái tình đó là phần thưởng rất lớn giúp tôi thêm hăng say làm việc và cũng ấm lòng một người suốt đời nguyện tận tụy phụng sự âm nhạc truyền thống và văn hóa dân tộc Việt Nam.
Trích Hồi ký Trần Văn Khê (Phương Nam phát hành)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận