28/06/2015 11:03 GMT+7

Hồi ký Trần Văn Khê: Kỳ 7 - Quy cố hương

GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ
GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ

TTO - Năm 1976 đánh dấu một sự kiện hết sức quan trọng trong đời tôi: lần đầu tiên sau hơn một phần tư thế kỷ lìa xa đất nước tôi được “về” quê hương chớ không phải “ghé” như hồi năm 1974.

GS Trần Văn Khê thăm trường Vĩnh Kim vào năm 1976 - Ảnh tư liệu

>> Kỳ 1: Thời thơ ấu
>> Kỳ 2: Lập gia đình
>>
>>
>>
>> 

>> 

Năm 1974 tôi về nước bằng giấy thông hành của Chánh phủ miền Nam nhưng chỉ được phép “quá cảnh”. Sau ngày 30/4/1975 giấy này không còn giá trị. Cơ quan thẩm quyền ở Pháp kêu tôi lên hỏi có muốn xin gia nhập quốc tịch Pháp hay không, nhưng tôi xin đổi qua hộ chiếu của nước Việt Nam.

Biết rằng chuyến về nước lần này phải làm nhiều việc nên trước khi đi tôi chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Việc đầu tiên là lãnh nhiệm vụ mà UNESCO giao phó, trước đó rất lâu một viên chức cao cấp mời tôi lên nói rằng:

- Gần 25 năm nay trong chương trình của UNESCO chưa hề có ghi âm được một bản nhạc truyền thống miền Bắc Việt Nam. Chúng tôi không rõ ở miền Bắc có những loại nhạc truyền thống nào và hiện nay có thể còn ghi lại được không?

Tôi trả lời trong dân gian có quan họ, trên sân khấu có hát chèo còn nhạc thính phòng có ca trù. UNESCO đề nghị nếu tôi ghi âm được thì họ sẽ xuất bản vài dĩa hát đặc biệt về âm nhạc Việt Nam thời kỳ sau chiến tranh.

Tiếp đó ông Alain Daniélou cũng bàn với tôi:

- Nếu anh có thể ghi âm được những loại nhạc truyền thống chánh cống của miền Bắc Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng đài thọ tiền chuyến đi và cho anh mượn băng từ, kể cả máy thu âm, nhưng anh phải mang về cho chúng tôi hai bản gốc để làm dĩa hát.

Số tiền tài trợ chẳng phải là nhiều, chỉ đủ mua vé máy bay khứ hồi và tiền ăn ở tối thiểu, nhưng được vậy đã là may. Tôi nhận lời và hứa sẽ cố gắng thực hiện.

Cùng lúc đó Trung tâm CNRS nơi tôi đang làm việc cũng cho biết:

- Đất nước anh mới thống nhứt, tuy chúng tôi chưa liên hệ được để tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, nhưng trong tương lai sẽ có một chương trình lớn gọi là “Trao đổi của hai nước Pháp và Việt Nam giữa những nhà nghiên cứu và những giáo sư nhạc học”. Nay anh về nước, coi như người đi tiên phong để tìm hiểu xem một cuộc trao đổi như vậy có thể thực hiện được hay không? Sau đó chúng tôi sẽ gởi văn bản chính thức. Trong thời gian này, Trung tâm cho phép anh vắng mặt hai tháng được hưởng lương.

Đây là một điều kiện vô cùng thuận lợi, vì thông thường trước mỗi chuyến đi tôi phải làm đơn xin phép, nói rõ mình đi đâu, làm gì, việc làm đó mang lại lợi ích nào cho chương trình nghiên cứu âm nhạc của tôi, rồi phải chờ có khi mấy tuần sau mới được trả lời.

Nay bỗng nhiên tôi được một lúc ba điều kiện thuận lợi: UNESCO bằng lòng làm dĩa hát, Viện nghiên cứu Tây Bá Linh đài thọ tiền, CNRS cho phép dễ dàng.

Nhưng đó chỉ mới là phần bên Pháp, còn xin về nước được hay không lại là chuyện khác. Tôi gởi thơ về Hà Nội cho anh Đỗ Nhuận, Tổng thơ ký Hội nhạc sĩ Việt Nam, nhờ anh thăm dò thử trong nước có bằng lòng cho tôi về hay không? Sau đó tôi nhận được thơ của anh trả lời: “Rất may là tôi nói ra thì ai cũng đồng ý, nhưng bên này nghèo, anh muốn về phải tự lo chớ chánh phủ không đài thọ tiền máy bay được.”

Điều đó tôi đã dự trù rồi. Anh Đỗ Nhuận hỏi tôi có những yêu cầu gì, tôi cho biết muốn được gặp các nhạc sĩ trong nước, tìm hiểu sanh hoạt âm nhạc từ trước tới nay và xin được ghi âm quan họ, hát chèo, ca trù để làm một loạt dĩa cho UNESCO giới thiệu với các nước trên thế giới.

Phía Hội nhạc sĩ đề nghị tôi nói chuyện về việc nghiên cứu âm nhạc Việt Nam bên phương Tây, đồng thời nhắc nhở tôi phải mang theo thuốc men, phim ảnh màu và máy móc cần dùng chớ trong nước lúc đó còn thiếu thốn nhiều phương tiện.

Vậy là tháng 3 năm 1976, tôi chánh thức trở về nước với tư cách là khách mời của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Lúc bấy giờ từ Paris muốn về Việt Nam phải đi máy bay của Ba Lan qua Đông Bá Linh, đợi vài ngày có chuyến bay từ Đông Đức qua Moscow, ở lại đây một đêm rồi mới đáp máy bay của Hãng hàng không Liên Xô về Việt Nam.

Ngồi trên máy bay lòng tôi bồi hồi không thể tả. Thắm thoát mà đã hơn 30 năm tôi mới trở về Hà Nội, kể từ ngày tôi nghỉ học trường Thuốc để trở về miền Nam năm 1944.

Máy bay vừa đáp xuống, cô tiếp viên hàng không người Nga thông báo:

- Yêu cầu hành khách ngồi yên cho tới khi nào công an cho phép mới được xuống máy bay.

Nghe vậy tôi hơi hồi hộp vì từ nhiều năm nay vẫn thường xuyên đi máy bay mà không hề gặp cảnh này. Mấy người công an bước lên nhìn khắp lượt hành khách với vẻ mặt vừa quan sát vừa soi mói chớ không phải là cái nhìn chào hỏi thân thiện. Sau đó họ đem một giỏ mây lớn để giữa khoang hành khách và nói dõng dạc:

- Thu hồi hộ chiếu!

Tôi lo lắng thật sự, nghĩ rằng nếu hộ chiếu bị thu hồi thì mình không còn giấy tờ gì hết, rồi phải xoay xở ra sao? Lần lượt mỗi hành khách tự cầm hộ chiếu của mình bỏ vô giỏ, tôi cũng làm như mọi người, liệng tấm hộ chiếu mà có cảm giác lý lịch của mình bây giờ tiêu hết rồi, lỡ có bị bắt cũng chẳng ai biết tôi là ai!

Bước xuống máy bay tôi báo “hung tin” với anh Đỗ Nhuận và anh Hoán:

- Hộ chiếu của tôi bị thu hồi rồi!

Anh Đỗ Nhuận trấn an:

- Công an chỉ thu hồi hộ chiếu của người Việt Nam đi ra nước ngoài trở về, còn anh ở nước ngoài tới đây thì sẽ được trả lại.

May thời họ trả lại hộ chiếu cho tôi ngay. Tới hải quan lại thêm một chuyện bất ngờ: tôi phải khai rõ đem về bao nhiêu tiền và lấy tiền ra trình cho họ kiểm từng tờ. Tôi được cho biết trong thời gian lưu lại Việt Nam bất cứ chi tiêu gì cũng phải có hóa đơn và phải giữ đầy đủ để khai báo khi rời khỏi đây, sao cho khớp với số tiền khi đem vô mới được. Việc này tôi cũng mới gặp lần đầu nên cảm thấy hơi hoang mang!

Máy bay đáp xuống phi trường quân sự Vĩnh Phú (Đa Phúc) cách Hà Nội hơn 40 cây số, vì phi trường Gia Lâm đang được trùng tu. Nhờ vậy mà trên đường từ Vĩnh Phú về Hà Nội tôi được dịp đi ngang qua vùng nông thôn, nhìn thấy tận mắt những hố bom to tướng, những chiến hào dọc theo đường lộ. Qua cầu sông Đuống thấy một bên cầu nổi, một bên cầu treo, dọc hai bên đường là những bức tường nhà bị đổ nát. Tôi vô cùng xúc động khi nhìn thấy những căn nhà nhỏ, quán cóc cần thiết cho nhu cầu hàng ngày của đồng bào sơ tán trong thời kỳ chiến tranh trước đây.

Tôi giống như đứa con đi xa, nghe tin mẹ ốm đau, nhà bị cướp bóc, lòng buồn nhưng không hình dung được cái đau đớn của mẹ, cái tang thương trong gia đình. Đến khi trở về tận mắt nhìn thấy những vết thẹo trên mình mẹ, chứng kiến cảnh nhà tan cửa nát thì không sao dằn được nỗi đau trong lòng.

Trong suốt một tiếng đồng hồ, tôi giương mắt ra để “chụp” lại những lũy tre xanh vẫn còn đó như ngày xưa, vài con trâu nhơi cỏ bên bờ ruộng, những nông dân đang cấy lúa trên đồng. Tôi nhận thấy máy bơm nước thay cho chiếc gàu sòng, tà áo tơi của chị nông dân nay là tấm ni lông màu xanh da trời chớ không phải bằng lá màu nâu như ngày trước: vài nét hiện đại trên cảnh cũ muôn đời. Vẫn còn cảnh chợ chiều chen chúc kẻ bán người mua, cảnh bà lão quạt lửa đun trà trong quán cóc vách tre nóc lá, anh thợ sửa xe đạp lom khom vá ruột bánh xe (miền Bắc gọi là “săm”). Cảnh thanh bình ấy không xóa được dấu vết chiến tranh như nhiều nhịp cầu bắc ngang sông Hồng đã bị mất cả nóc.

Tiếp tôi tại Hội Nhạc sĩ, anh Đỗ Nhuận đưa ra tờ lịch làm việc với thời gian đã được sắp xếp tỉ mỉ từng ngày, chẳng hạn như:

- 2/3: đón tại sân bay; 3/3: nghỉ ngơi; 4/3: gặp Ban thường vụ Hội nhạc sĩ; ...; 14/3: đi chùa Hương; 15/3: đi Hạ Long; 16/3: đi Hải Phòng; ...; 18-26/3: đi Sài Gòn; ...; 1/4: nghỉ ngơi; 2/4: tiễn về nước.

Tôi coi kỹ chương trình thấy chỉ được nghe quan họ, hát chèo và ca trù mỗi bộ môn 1 ngày, trong khi đó lại đi rừng Cúc Phương 2 ngày, vịnh Hạ Long 3 ngày. Tôi ngần ngại xin anh Đỗ Nhuận thay đổi chương trình, vì Hạ Long tôi đã đi nhiều lần, còn rừng Cúc Phương tuy biết là đẹp lắm nhưng vì thời gian về đây quá ngắn ngủi nên tôi thích làm việc hơn đi chơi.

Tôi đề nghị được gặp quan họ 3 ngày, đoàn chèo ít nhứt 2 ngày, riêng ca trù tôi mong muốn gặp nhiều lần vì còn biết rất ít về bộ môn này nên cần tìm hiểu kỹ trước khi ghi âm. Điều làm tôi rất mừng là anh Đỗ Nhuận chấp nhận sửa chương trình theo ý tôi.

Về nước mới được 3 ngày tôi lại bị công an mời về đồn! Hôm đó tôi cầm máy ảnh đi một vòng thăm phố phường Hà Nội. Anh Đỗ Nhuận đã dặn dò kỹ lưỡng không được chụp hình phi trường, cơ quan nhà nước, trại lính.

Tôi cũng ghi nhớ lời anh dặn, nhưng trên đường đi tình cờ nhìn thấy căn nhà có gắn bảng tên Đông Viên, tôi mừng quá liền chụp hình vì đây là nhà ông cụ thân sinh của anh Phạm Gia Huỳnh bạn tôi. Trước khi tôi về nước cụ đã ân cần dặn dò nếu gặp được căn nhà xưa thì nhớ chụp hình đem về để ông được nhìn lại ngôi nhà cũ của mình. Tôi vừa chụp xong thì một người công an tới đòi tịch thâu máy ảnh. Anh nghiêm giọng hỏi tôi:

- Anh có giấy phép chụp ảnh không?

- Tôi là khách mời của Hội nhạc sĩ. Tôi chỉ chụp hình một căn nhà thường sao lại phải cần giấy phép?

- Đây là nhà tập thể, anh chụp để làm gì? Mời anh về cơ quan làm việc.

Thế là tôi phải ngoan ngoãn theo anh công an về đồn. Tại đây họ lại đòi tịch thâu cuộn phim, tôi không đồng ý và yêu cầu được gọi điện thoại liên lạc với Hội nhạc sĩ. Anh Đỗ Nhuận vội vã chạy tới, đứng ra bảo đảm mọi hành vi của tôi. Nhờ vậy mà tôi được tha, lại một phen hết hồn!

Tại Hà Nội lần này tôi được gặp nhiều văn nghệ sĩ như anh Nguyễn Văn Thương, anh Văn Chung, anh Tô Vũ, anh Chế Lan Viên, anh Cù Huy Cận, anh Nguyễn Đình Thi.

Anh Tố Hữu, trong một buổi gặp gỡ có cả các anh Cù Huy Cận, Đỗ Nhuận, Bảo Định Giang, sau khi hỏi han về công việc đã phong cho tôi chức... “đại sứ lưu động” về văn hóa. Anh cười nói:

- Chúng ta phải cung cấp phương tiện cho “đại sứ lưu động” giới thiệu âm nhạc của Việt Nam với người nước ngoài, đồng thời được dịp về nước để nói lại cho chúng ta biết những tiến bộ của nước ngoài về mặt nghiên cứu và sáng tác âm nhạc.

Anh Đỗ Nhuận tổ chức buổi biểu diễn ca trù đặc biệt dành cho tôi. Hôm đó, những nghệ nhân hàng đầu của ca trù lúc bấy giờ như bà Quách Thị Hồ và bà Phúc lúc đầu không thích hát, vì nghĩ rằng tôi bên Pháp về có biết gì về ca trù đâu.

Sau khi gặp mặt, biết tôi đã từng nghe ca trù qua dĩa hát và muốn tìm hiểu thêm để có thể ghi âm làm dĩa hát, hai bà bèn hát rất nhiều bài xưa và nay, đồng thời xúc động nói rằng ít khi được dịp hát những bài như thế này, kể cả bài rất xưa như Hồng Hồng Tuyết Tuyết. Nhưng khi bàn tới chuyện ghi âm, anh Đỗ Nhuận khuyên tôi nên ghi thêm một bài mới của anh Chu Hà là Xuân Rồng có lời ca nói về chủ nghĩa xã hội.

Thật ra tôi chỉ muốn ghi âm toàn bài ca cổ, nhưng tôi ý thức rõ rằng nếu cứ làm việc theo nguyên tắc cứng nhắc sẽ không thành công, vì vậy tôi đồng ý ghi âm bài hát mới cùng với những bài xưa. Vả lại bài hát của anh Chu Hà viết đủ khổ, lời hay, ý đẹp, được bà Quách Thị Hồ trình bày tuyệt vời, nhả chữ đổ hột rất nhuyễn, tiếng phách giòn tan.

Về việc ghi âm hát chèo lại có một số ý kiến muốn đưa ra những nghệ sĩ trẻ để lên ảnh bìa dĩa cho đẹp. Tôi trình bày:

- Các cô này trẻ tuổi nên còn có dịp ghi âm được. Những người như bác Năm Ngũ, bác Phẩm, bác Minh Lý đều là các cụ cao niên. Tôi ghi âm lần này cũng như chụp một tấm ảnh bằng âm thanh để kỷ niệm, giữ được tiếng hát vừa chân phương vừa đúng theo lề lối, có thể làm khuôn mẫu để lại cho sau này, do đó tôi xin phép chỉ ghi âm giọng hát của các cụ.

Quan điểm của tôi cũng lọt vào tai nhiều người có thẩm quyền nên cuối cùng tôi được làm theo ý mình.

Nhưng anh Đỗ Nhuận cho biết tôi chỉ được phép ghi âm để làm dĩa hát sau khi có sự đồng ý của anh Tố Hữu là người trong Ban Tuyên huấn chịu trách nhiệm về văn hóa. Sở dĩ có khó khăn như vậy vì lúc đó Việt Nam chưa gia nhập UNESCO nên trong nước có thành kiến là UNESCO chỉ quan hệ với các nước tư bản chớ chưa tin tưởng đó là cơ quan có thể liên hệ mật thiết hay ủng hộ cho các nước không phải tư bản. Anh Đỗ Nhuận nói với tôi:

- Chừng nào anh Lành (anh Tố Hữu) bạt đèn xanh mình mới làm được.

Tuy nhiên, tôi hỏi mấy lần về việc này mà anh Tố Hữu vẫn không trả lời, mỗi khi tôi hỏi anh lại tìm cách nói lãng qua chuyện khác. Tôi thắc mắc về thuật lại với anh Đỗ Nhuận:

- Tôi đã hỏi anh Tố Hữu ba lần rồi nhưng lần nào anh cũng nói qua chuyện khác chớ không trả lời. Tôi không hiểu như vậy là cho hay không cho phép?

Anh Đỗ Nhuận trả lời:

- Như thế là “treo” đấy, nhưng vẫn còn hy vọng.

Trong thời gian chờ đợi vào Nam, anh Đỗ Nhuận sắp đặt cho tôi gặp Đoàn Ca múa dân tộc, Viện Nghiên cứu Âm nhạc, Nhà hát Giao hưởng.

Ngày 18/3 anh Hồ Bông ra tận Hà Nội đón tôi vào Sài Gòn, chương trình trong Nam do anh Lưu Hữu Phước lo liệu và cũng đã được định sẵn từ trước.

Tại Sài Gòn, tôi ở nhà anh bạn thân Huỳnh Văn Tiểng, lúc đó là Giám đốc Đài truyền hình. Anh Hồ Bông có chiếc xe hơi riêng, sau ngày giải phóng anh đem tặng cho Bộ Văn hóa trong miền Nam. Hàng ngày anh đưa tôi đi khắp nơi bằng xe này. Ngồi trên xe tôi thấy có cây súng bèn hỏi: “Có chuyện gì mà phải đem theo súng vậy?”. Anh nói: “Không có chuyện gì cả. Nhưng anh là khách quốc tế nên tôi phải bảo vệ anh”.

Dịp này anh Lưu Hữu Phước đưa tôi về Vĩnh Kim thăm gia đình, gặp lại họ hàng bà con. Tôi được ngủ một đêm tại Vĩnh Kim trong nhà anh Ba Thuận, con trai thứ ba của cậu Năm Khương. Hai anh em thức trắng đêm cùng nhau nhắc lại hết chuyện nọ đến chuyện kia. Trước khi rời Vĩnh Kim anh Ba Thuận đãi tôi món canh chua rất ngon mà anh đặt tên là “canh chua cầu Bà Lung”, tên chiếc cầu sắt gần nhà anh.

Trở về Sài Gòn, các bạn tổ chức cho tôi một buổi nói chuyện về âm nhạc dân tộc và ngâm thơ trên Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh. Tôi được yêu cầu phải đưa bài viết sẵn để duyệt trước khi đọc, nhưng tôi lại không bao giờ đọc trong những buổi nói chuyện như vậy. Tôi cho rằng dẫu đọc hết sức trôi chảy cũng chỉ là việc lặp lại những điều đã ghi nên không còn tự nhiên. Vì vậy tôi đề nghị ghi âm ghi hình buổi tôi ứng khẩu nói chuyện, sau đó Đài sẽ duyệt lại, chỗ nào không được cứ việc cắt bỏ.

Trong buổi gặp gỡ với các nghệ sĩ, không thấy cô Bảy Phùng Há, tôi ngỏ ý muốn gặp mặt thì được biết cô đang bệnh nhưng Ban tổ chức cũng nhiệt tình đem xe đón cô tới. Khi gặp nhau cô Bảy Phùng Há ôm tôi mà rưng rưng nước mắt.

Dự định lưu lại Sài Gòn 8 ngày, nhưng đến ngày thứ năm tôi nhận được điện tín của anh Đỗ Nhuận:

- Anh trở ra Hà Nội gấp, “đèn xanh đã bạt rồi”.

Đọc câu đó tôi hiểu anh Tố Hữu đã cho phép ghi âm làm dĩa hát. Tôi nói với anh Lưu Hữu Phước chuyện này rất quan trọng nên phải trở ra Hà Nội ngay.

Cuối cùng tôi cũng được phép ghi âm nên vui mừng không thể tưởng tượng được. Không chỉ riêng tôi mà những nghệ nhân hát ca trù cũng vô cùng phấn khởi khi nghe báo tin vui.

Tới đây lại gặp một trở ngại lớn vì cả Hà Nội không có một phòng cách âm nào. Duy nhứt đài truyền hình và đài phát thanh có phòng ghi âm rất tốt, nhưng anh Đỗ Nhuận cho biết hai nơi này không cho thuê mà cũng không cho mượn. Tôi thử ghi âm ở Hội Nhạc sĩ nhưng không ổn vì bị quá nhiều tạp âm. Vậy là đành thúc thủ, tôi bối rối không biết giải quyết ra sao.

Thời may sau đó Đài Tiếng nói Việt Nam mời tôi nói chuyện hai buổi về âm nhạc truyền thống. Sau khi thâu xong các anh nói:

- Theo thông lệ, bất cứ ai thu thanh cho Đài cũng được thù lao, chúng tôi mời anh nói chuyện là có trả tiền. Nhưng vì khoản tiền này qui ra đồng franc không được bao nhiêu nên chúng tôi định dùng để mua một bức tranh sơn mài biếu anh.

Tôi từ chối:

- Tranh sơn mài nặng lắm tôi không mang về được.

- Vậy anh thích món gì?

- Nếu có thể được xin các anh cho tôi ghi âm ba buổi tại Đài, mỗi buổi bốn tiếng đồng hồ.

- Chuyện đó thì có thể được.

Nghe tôi báo tin, anh Đỗ Nhuận cho rằng đây là chuyện hi hữu! Nhưng rồi lại thêm một khó khăn khác, các đoàn hát chèo và quan họ đều ở xa, muốn mời về Hà Nội ghi âm phải đài thọ tiền xe, tiền ăn ở.

Chúng tôi còn đang tính toán bỗng nhiên anh Hà Huy Giáp, Thứ trưởng Bộ Văn hóa lúc bấy giờ, tới gặp cho biết anh Tố Hữu có yêu cầu Bộ Văn hóa giúp đỡ tôi trong việc ghi âm. Anh Hà Huy Giáp nhiệt tình nói:

- Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ anh, sẽ soạn thảo công văn, liên hệ với các nơi, có lẽ mất khoảng hai tháng.

Tôi thất vọng:

- Chỉ còn mười ngày nữa tôi trở về Pháp rồi!

Thế là anh Hà Huy Giáp cũng không thể giúp gì được. Tôi bèn nhờ anh Đỗ Nhuận tính toán giùm toàn bộ chi phí là bao nhiêu? Lúc bấy giờ một đồng franc chỉ đổi được năm hào tiền miền Bắc, tất cả phí tổn tính ra là khoảng 5.700 franc, một khoản tiền khá lớn. Tôi vét hết tiền của mình cộng với tiền của Viện nghiên cứu tại Tây Bá Linh thì vừa đủ, liền nói với anh Đỗ Nhuận:

- Thôi đừng chờ đợi nữa mà lỡ việc. Tôi bỏ tiền túi ra làm việc này, tôi có sẵn máy móc ghi âm, băng từ cũng của tôi, kể cả phòng cách âm của đài phát thanh vì người ta cho mượn để trả công tôi thâu thanh.

Anh Đỗ Nhuận lại còn lo không biết ngân hàng có giải quyết nhanh chóng cho việc đổi một số tiền lớn như vậy hay không? May mắn tuy ngân hàng không biết tôi là ai nhưng nghe việc tôi làm người ta thích nên sẵn sàng tiến hành thủ tục giấy tờ thiệt mau, ngay hôm sau tôi có đủ tiền trang trải mọi phí tổn.

Anh Đỗ Nhuận mừng lắm và sốt sắng cho xe đi đón các đoàn. Khi trả tiền thù lao cho mọi người anh nói:

- Thù lao này chưa xứng đáng đối với công sức và tài nghệ các cụ, nhưng công việc chúng ta làm đây không phải để kiếm tiền mà chủ yếu ta giới thiệu âm nhạc Việt Nam ra thế giới.

Mọi người đều vui vẻ chấp nhận. Quả thật việc chúng tôi làm không phải nhắm vào thương mãi và doanh thu mà cốt làm cho chương trình của UNESCO. Tổ chức này bỏ tiền ra mua 400 dĩa gởi đi khắp nơi trên thế giới, do đó hai dĩa hát này có mặt ở các trường đại học bên Mỹ và những nhà văn hóa lớn bên Pháp. Một dĩa gồm một mặt là quan họ, mặt kia là ca trù, dĩa thứ hai là hát chèo.

Đối với tôi đó là những tư liệu rất quý giá, nhứt là dĩa ca trù ghi âm những người như bà Quách Thị Hồ, anh Đinh Khắc Ban, cụ Trúc Hiền... Tất cả nay đã thành người thiên cổ, nhưng chúng ta vẫn còn giữ được một tấm ảnh kỷ niệm bằng âm thanh, ghi lại tiếng hát lề lối, chân phương, mẫu mực.

Thực hiện xong những dĩa ấy, tôi nghĩ lại mới thấy mình đã vô cùng may mắn vì việc làm này đòi hỏi rất nhiều điều kiện. Thế mà bao nhiêu chuyện tình cờ đã hội đủ cho tôi mọi thuận lợi về vật chất lẫn tinh thần, mà nhứt là có UNESCO đứng ra yểm trợ. Dĩa hát do UNESCO thực hiện và gởi tới các nơi tất nhiên sẽ được đón nhận trân trọng hơn là do cá nhân tôi đưa vào.

Do dĩa hát có giá trị, nên sau đó UNESCO đã in ra thành dĩa CD để phổ biến, quyền tác giả thuộc về UNESCO vì trước đây khi giao dĩa hát tôi đồng ý nhượng quyền cho UNESCO, chỉ nhận tiền tác quyền một lần là 1.500 đô la. Tôi tự coi là người trung gian giữa UNESCO với Hội nhạc sĩ ở miền Bắc và Viện nghiên cứu âm nhạc trong Nam, số tiền bản quyền tác giả ấy tôi chia đều cho hai hội này, bản thân tôi không nhận đồng nào.

Thế nhưng sau này thỉnh thoảng về nước tôi nghe có người nói:

- Anh Khê cho mình ít trăm đô la chớ ảnh nhận cả triệu đô la.

Tôi nghe vậy vừa buồn cười vừa cảm thấy chua chát nên có lần đã nói với vài người: “Tôi là nhạc sĩ nên rất quí bàn tay của mình. Tôi lấy bàn tay của tôi ra đánh cá: nếu ai ghi âm được những bản đờn, bài hát dân tộc có thể dùng làm một dĩa hát rồi đem ra nước ngoài, đề nghị cho bất cứ hãng dĩa nào thực hiện còn họ chỉ nhận tiền quyền tác giả, đừng ra giá đến 1 triệu mà chỉ đòi 3.000 đôla thôi, tức gấp đôi số tiền tôi đã nhận. Nếu bán được với giá đó thì tôi đồng ý cho chặt bàn tay mình, còn nếu không bán được tôi chỉ xin lại họ một ngón tay thôi. Liệu có ai dám cá với tôi không?”

Tất nhiên là không có ai cả. Anh Tô Vũ và anh Lưu Hữu Phước khuyên tôi đừng giận mấy người nói bậy. Tôi cười trả lời rằng tôi nói chơi vậy thôi chớ không giận, nếu giận tôi đã không trở về nước nữa.

Việc tôi làm không phải cho một cơ quan, một tổ chức, một chánh phủ nào và càng không phải vì bất cứ cá nhân nào, mà chủ yếu tôi làm cho dân tộc và nhạc truyền thống Việt Nam. Tất cả những chuyện không hay đó tôi nghe qua, tôi nói chơi, rồi để ngoài tai.

Chuyến về nước lần này tôi gặp nhiều chuyện vui buồn lẫn lộn. Buồn là khi gặp lại một số bạn ốm đau yếu đuối, có người lại lâm vào cảnh khó khăn, còn vui nhứt là được gặp gỡ anh em bạn bè trong tất cả các giới.

Đặc biệt lần này tôi được gặp mặt người mà tôi từng nghe danh: anh Nguyễn Xuân Khoát, một nhạc sĩ lão thành đồng thời là nhà chuyên môn nghiên cứu ca trù từ mấy chục năm nay. Trước đây anh Nguyễn Hữu Ba có lần gởi thơ cho tôi viết rằng:

“Về việc nghiên cứu, binh vực và bảo vệ truyền thống âm nhạc Việt Nam thì ở miền Bắc có anh Nguyễn Xuân Khoát, miền Nam và hải ngoại có anh, còn miền Trung có tôi. Ước gì ba chúng ta được hội ngộ một lần để hàn huyên thì vui biết bao nhiêu”.

Nhưng tiếc thay điều đó không bao giờ thực hiện được. Riêng tôi lần này may mắn được gặp cả anh Khoát lẫn anh Nguyễn Hữu Ba. Tôi giống như chiếc cầu kết nối sự cảm thông giữa anh Nguyễn Hữu Ba và anh Nguyễn Xuân Khoát.

Lúc bấy giờ anh Nguyễn Xuân Khoát đã nghiên cứu sâu về ca trù, học đánh phách, học hát với bà Quách Thị Hồ. Nhưng anh lại không được phép giới thiệu ca trù trên đài phát thanh. Tôi rất buồn khi biết được điều này và thường lên tiếng công khai binh vực ca trù trong những buổi nói chuyện của mình khiến vài anh em rất e ngại nói riêng với tôi:

- Trời đất ơi, hiện nay đang cấm hát ca trù mà anh cứ nhắc tới hoài vậy.

Tôi trả lời:

- Việc cấm hay không là tùy theo nhà nước, tôi không có ý phản đối gì hết. Tuy nhiên, từ trước đến nay, những người hát ca trù bị coi như người bán phấn buôn hương, nhưng thật ra nghệ sĩ ca trù bị những người bán phấn buôn hương lợi dụng. Ít người phân biệt được sự khác nhau giữa “cô đầu rượu” và “cô đầu hát”. Nay tôi chỉ muốn đặt ca trù trở lại đúng vị trí của nó. Trước kia người đi thi hát ca trù mà tánh hạnh không tốt là không được thi chớ không phải chỉ ca hay hát đúng là được.

Tôi mong chúng ta nên thay đổi quan điểm, cũng như bên Nhựt Bổn hiện nay đã không còn xem các geisha là người bán phấn buôn hương mà ngược lại là người có văn hóa cao, từ cử chỉ đến thái độ đều hết sức lịch sự. Mấy hôm nay tôi được tiếp chuyện với các nghệ nhân ca trù, gặp được bà Quách Thị Hồ, bà Phúc, gặp anh Đinh Khắc Ban đờn đáy, cụ Trúc Hiền làm thơ, đánh trống chầu và nhà văn Chu Hà nói chuyện về ca trù. Tôi nhận thấy môn nghệ thuật này hết sức tinh vi, thơ hay, nhạc xuất sắc, tiết tấu tuyệt vời, đờn rất điêu luyện. Vậy mà tiếc thay lại bị cấm.

Sau này tôi được biết hai người ủng hộ quan điểm của tôi nhiều nhứt là Bộ trưởng Xuân Thủy và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thế rồi vào ngày 19/4/1976, một tuần trước khi tôi trở về Pháp, anh Nguyễn Xuân Khoát được mời lên trình bày về ca trù trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhiều người ngạc nhiên hỏi tại sao bỗng nhiên giờ đây ca trù lại được giới thiệu công khai? Anh Khoát thú vị vô cùng và nói với tôi:

- Tớ vẫn kêu ầm lên chớ, nhưng mà cổ tớ bé lắm nói không ai nghe. Anh về anh kêu ầm lên một tiếng là có người nghe, thôi thế là tôi vui lắm rồi.

Anh cũng viết trong sổ lưu niệm của tôi một câu: “Sự kiện anh về nước động viên tôi rất nhiều”.

Từ đó ca trù được trả lại cuộc sống bình thường của nó và lần lần được đưa ra giới thiệu với khách quốc tế.

Lần về nước này tôi cũng giữ ấn tượng đẹp về chuyến thăm làng quan họ Bắc Ninh. Anh Lê Hồng Dương, Trưởng Ty Văn hóa Hà Bắc, tổ chức đón tôi như đón một “liền anh” quan họ đi xa về. Các “liền chị” Ba Mạnh, Năm Duyên, Sáu Hạ mặc áo tứ thân, yếm thắm hoa đào, chít khăn mỏ quạ, thắt lưng lụa màu, chân đi đôi dép cong, hát bài Con chim thước nội dung báo tin có người quan họ ở xa về. Rồi chị Hai Cải, chị Năm Đán hát bài Mời giầu và tôi phải “xơi giầu” thật sự rồi mới được nghe tiếp những bài khác. Sau bữa cơm quan họ lại được nghe các cụ ở Khả Lễ, Xuân Ổ, Khúc Toại hát.

Tôi được sắp xếp ở tại nhà khách của Tỉnh ủy, có cô gái quan họ mỗi sáng lấy nước giếng lên nấu nước pha trà cho tôi, được thưởng thức món gà chọi “cục tác lá chanh” rất ngon, uống rượu Làng Vân đặc sản của Bắc Ninh, được ăn cam Bố Hạ, sáng sáng được ăn xôi chấm muối vừng.

Đáp lại tôi nói chuyện cho người làng quan họ nghe về đối ca nam nữ trong miền Nam, hò cho họ nghe câu hò Bến Tre, Bạc Liêu, Cần Thơ.

Các cụ cao niên trong làng tổ chức một đêm hát quan họ đặc biệt mà theo lời các cụ từ mấy chục năm nay mới có lại. Đêm hát được tổ chức tại nhà cụ Tình, một liền anh có tên tuổi trước đây trong làng quan họ nay đã qua đời. Con trai của ông là một sĩ quan bộ đội và là đảng viên Đảng Cộng sản. Tôi xúc động khi nhìn thấy anh thành kính thắp ba cây nhang khấn với cha:

- Thưa thầy, đêm nay làng ta có tổ chức một canh hát quan họ mà từ lâu đã không có được. Xin thầy về chứng giám vui với canh hát này cùng chúng con.

Đêm hôm đó tôi ngồi trong nhà thưởng thức các cụ ở hai làng kết nghĩa là Thị Cầu và Đắc Xá hát nhiều bài quan họ, toàn những nghệ nhân cao niên như cụ Tuy 79 tuổi, cụ Nghiễm 67 tuổi, cụ Vuốt 63 tuổi, bà Sáu Tất 58 tuổi, bà Hai Soạn 52 tuổi, bà Tư Hiền 50 tuổi...

Các cụ cũng cho các cô trẻ tuổi như cô Ninh, cô Hoa, cô Bích, cô Nguyệt, cô Lan, cô Trinh, cô Hải, anh Thắng, anh Vượng hát cho vui. Dân làng tụ tập ngồi nghe rất đông ngoài sân. Thỉnh thoảng trong bóng tối loé lên đốm đỏ của điếu thuốc, một làn khói nhẹ bay lên. Tôi ngồi ghi âm mà vô cùng xúc động vì được đắm mình trong bầu không khí thanh bình của một đêm hát ngay giữa lòng quê hương quan họ.

Rồi tôi gặp đoàn hát chèo, ghi lại được những tiếng trống đánh nhịp đôi, nhịp tư, nhịp tám, những điều rất mới mẻ đối với tôi. Tôi biết được tiếng đờn đáy ba dây, đờn nguyệt thì dây đài, dây tiếu, nhưng ca trù là dây hàn, dây trung, dây tiếu. Rồi đờn nhấn chùn là thế nào, vê thế nào, vẩy thế nào, đánh phách sòng đầu thế nào, phách khổ giữa thế nào.

Tất cả những điều tôi thu thập được vào năm 1976 làm cho sự hiểu biết về âm nhạc dân tộc Việt Nam của tôi đầy đủ hơn, không chỉ tập trung vào nhạc tài tử trong miền Nam. Những chuyện tôi ước ao đều làm được mặc dầu trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn. Tôi đã thâu được tổng cộng 50 cuộn băng cassettes loại 90 phút mà tôi còn giữ cho đến nay.

Trong thời gian rất ngắn về nước lần này, tôi đã ghi âm được những điều tôi muốn ghi, chụp lại những hình ảnh tôi muốn chụp, gặp những người bạn mà tôi thèm gặp gỡ. Đối với tôi điều đó thật tuyệt vời.

Điểm lại quãng đời đã qua, hạnh phúc nhứt là tôi đã làm được những điều mình thiết tha mong muốn: có cơ hội sưu tầm vốn cổ trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, chắt lọc những cái hay để lưu truyền lại cho thế hệ mai sau, cứu vãn những truyền thống sắp bị chôn vùi trong quên lảng. Rồi đem tiếng nhạc lời ca dân tộc đến mọi nơi để siết chặt tình thân hữu giữa dân tộc Việt Nam với bạn bè bốn biển năm châu, đem được vui tươi nhẹ nhàng cho người nghe, lại có dịp góp sức với đồng nghiệp các nước Á, Phi bảo vệ nền âm nhạc cổ truyền chống lại tệ nạn vọng ngoại, sùng bái nhạc phương Tây.

Đôi khi chợt nhận thấy rằng kết quả việc làm của mình tốt đẹp nhiều lần hơn cả sự mong đợi thì tôi thấy vui sướng và mãn nguyện rồi chắp tay lạy tạ ơn Trời Phật.

Trích Hồi ký Trần Văn Khê (Phương Nam phát hành)

Kỳ 8: Những cuộc tao ngộ thú vị

GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên