25/06/2015 12:34 GMT+7

Hồi ký Trần Văn Khê: Kỳ 2 - Lập gia đình

GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ
GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ

TTO - Năm 1942 đánh dấu một sự kiện quan trọng trong đời tôi. Nghe đồn các cô gái Hà Thành rất xinh đẹp, lâu lâu lại thấy báo chí đăng bài khen ngợi thằng cháu cưng nay đã là một chỉ huy dàn nhạc trường Đại học, cô Ba rất e ngại nên quyết định xúc tiến sớm việc hôn nhân cho tôi.

Gia đình GS Trần Văn Khê năm 1976 - Ảnh: Tư liệu

>> 

>> 

Chuyện mai mối

Vì thương đứa cháu mồ côi nên mọi người trong đại gia đình xúm lại lo việc này. Một buổi chiều tôi đang nằm nhà thì anh Hai Tịnh - anh họ của tôi trong Nam - thình lình bước vô. Tôi ngạc nhiên hỏi anh ra Hà Nội hồi nào, sao không cho biết trước để tôi đi đón. Anh trả lời muốn đến bất ngờ để kiểm tra, khi biết tôi ở chung với một người bạn trai thì anh tỏ vẻ hài lòng và kêu tôi cùng đi ăn tối. Trong bữa ăn anh Hai Tịnh giới thiệu tôi với hai vợ chồng ông quan huyện là người quen cùng đi với anh từ trong Nam ra thăm Hà Nội. Qua ngày hôm sau, anh Hai Tịnh đến gặp tôi:

- Ông bà huyện nghe nói em học trường Thuốc, ra tận đây gặp mặt và khen em nghiêm trang, nói năng đàng hoàng nên ngỏ ý muốn gả con gái cho em.

- Nhưng em chưa biết cô đó mà.

- Thì em đã gặp rồi!

- Gặp hồi nào?

- Tối hôm qua vừa đi ăn với nhau, đó là bé gái 11 tuổi mà em vò đầu nó đó.

- Trời đất, không được đâu anh Hai, con người ta mới có 11 tuổi mà cưới xin gì.

- Em nên nhớ học Thuốc phải mất bảy năm, chừng ra trường cưới cô vợ 18 tuổi là vừa. Ông bà huyện có hứa sẽ cho tiền mở phòng mạch, em khỏi lo gì hết. Anh Hai nghe vậy cũng mừng cho em.

- Thôi anh Hai ơi, hiện nay cổ còn quá nhỏ, sau này lớn lên còn thay đổi nhiều làm sao tính trước được. Hơn nữa cô Ba muốn em cưới vợ liền chứ không chịu để đến khi ra trường đâu.

- À nếu vậy thì em cứ về bàn với cô Ba xem sao.

Đến dịp hè, khi tôi vừa về đến nhà, cậu Tư kêu đến gặp:

- Cậu muốn nói với con một chuyện. Ông ngoại con ngày xưa là đại điền chủ, vốn hào hoa phong nhã, quanh năm suốt tháng tổ chức trò chơi nên phải bán ruộng lần lần để chi tiêu. Gần nhà ông ngoại có gia đình chú Hai Xiểu là người giàu có, bao nhiêu ruộng vườn ông ngoại bán đi, chú đều mua hết. Bây giờ chú có đứa con gái mới lớn, nghe nói con học trường Thuốc ở Hà Nội đang về đây nghỉ hè nên ngỏ ý với cậu Tư. Nếu con chịu cưới thì họ sẽ lo hết chi phí ăn học cho con, ra trường sẽ cho tiền mở phòng mạch và còn cấp thêm một số ruộng đất. Đây là dịp may để ruộng đất của ông ngoại sẽ trở về với gia đình mình. Con nghĩ sao?

- Thưa cậu Tư, ý cô Ba muốn con lập gia đình liền để có con trai nối dõi chớ không chịu chờ đến khi con ra trường đâu.

- Cô Ba con nghĩ vậy cũng đúng, thôi thì cô cháu bàn với nhau đi.

Trong khi đó cô Ba cũng giới thiệu với tôi:

- Trong làng mình có con Năm giỏi lắm, việc nhà việc cửa một tay nó lo: xắt chuối cho heo ăn, trồng cây, lại thùy mị nết na.

- Không được đâu cô ơi, chị Năm lớn hơn con hai tuổi, từ xưa đến giờ quen kêu bằng chị, làm sao con cưới làm vợ được!

- Không sao đâu, con không nghe ông bà mình nói: Nhứt gái lớn hai, nhì trai lớn một hay sao?

- Thưa cô, cô muốn con lập gia đình thì con xin nghe theo, nhưng xin cô cho phép con được chọn lựa người bạn đời theo ý mình.

- Con nói vậy thì cô bằng lòng nhưng với điều kiện phải được sự chấp thuận của cô cũng như mọi người trong gia đình.

Thế là cô cháu thỏa thuận được với nhau.

Tôi bèn kiểm điểm lại trong trí những người bạn gái trước đây xem ai có thể phù hợp làm người bạn đời của mình. Thời gian học ban Tú tài tôi có ba cô bạn gái thân và có cảm tình đặc biệt với nhau.

Trước tiên tôi đến gặp chị Hàn và ướm hỏi:

- Nếu một người cần cưới vợ để có con nối dõi gia đình, nhưng cưới xong người vợ phải ở lại nhà để làm dâu, còn người chồng phải đi học xa, năm sáu năm sau mới trở về, theo chị liệu có người con gái nào chấp nhận như vậy không?

Chị Hàn trả lời:

- Ai mà chấp nhận như vậy được. Chồng đâu vợ đó, chớ còn cưới xong bỏ vợ lại nhà, biết đâu chừng khi đi học xa lại quen cô khác thì sao? Thời buổi này mà anh làm như hồi thời xưa vậy!

Tôi rút lui lập tức, đến gặp chị Tường Vân. Tôi đặt câu hỏi như trên và cũng nhận được câu trả lời tương tự:

- Thời đại mới bây giờ, con gái cũng có quyền quyết định chuyện hôn nhân của mình chớ đâu phải cha mẹ đặt đâu con ngồi đó rồi cam phận về làm dâu nhà chồng như trước nữa.

Thế là tôi đến gặp Sương, người cuối cùng trong ba cô bạn gái. Trước đây tuy ít thơ từ liên lạc với nhau, nhưng trong thời gian học tại trường Trương Vĩnh Ký, Sương vẫn thường nhờ tôi mượn sách vì tôi giữ thư viện, nên giữa chúng tôi cũng có chút cảm tình. Sương đang có những nỗi buồn riêng trong gia đình nên trả lời:

- Nếu sống trong gia đình người chồng tương lai mà vui hơn trong gia đình mình thì cũng có thể chấp nhận được, vì mình tránh được một nơi buồn để đến sống ở chỗ vui hơn. Hơn nữa nếu đã thương nhau thật sự thì chuyện sống gần hay xa nhau cũng không ảnh hưởng gì, nếu có phải chờ đợi nhau mấy năm cũng chẳng sao.

Được lời như cởi tấc lòng, tôi nói luôn:

- Thưa chị, người con trai đó chính là tôi và tôi muốn đặt vấn đề xin lập gia đình với chị.

- Chuyện đó thì anh phải hỏi ý kiến ba tôi chớ đâu hỏi tôi được.

Tôi lập tức tìm xin gặp ông thân sinh của Sương. Ông cụ là người theo Tây học, ưa nói tiếng Pháp, đã biết tôi và có lòng thương cậu học trò giỏi trường Trương Vĩnh Ký trước đây. Sau vài câu chuyện, tôi thưa với ông:

- Cháu muốn xin được kết duyên với con gái của bác, nếu bác không phản đối thì cháu sẽ nhờ gia đình đến để người lớn gặp nhau bàn việc xin làm lễ hỏi.

Ông hỏi tôi bằng tiếng Pháp: “Tại sao cậu muốn cưới con gái tôi?”

Tôi thành thật trả lời về việc gia đình muốn tôi lấy vợ để có con nối dõi dòng họ. Người vợ phải ở lại Sài Gòn làm dâu trong nhà cô tôi, còn tôi sẽ tiếp tục đi học thêm sáu năm ở Hà Nội. Đặt vấn đề như vậy quả thật là có phần đường đột, nhưng không ngờ ông lại trả lời: “Tôi rất thích sự thẳng thắn”, và hỏi thêm “Vậy đây không phải là một cuộc hôn nhân vì tình à?”. Tôi thưa: “Quả thật đây là một cuộc hôn nhân vì lý trí chớ không phải vì tình, mặc dầu hai đứa con cũng vốn có cảm tình với nhau từ trước.”

Ông dang tay ra ôm lấy tôi, lặp lại một lần nữa: “Bác rất thích sự thẳng thắn, con cứ về nói với gia đình là bác đồng ý gả con gái”.

Được tin này cô Ba rất mừng, mọi người trong đại gia đình họp mặt lại tại nhà cô tôi để bàn định công việc. Năm đó Sương vừa đậu Tú tài, tốt nghiệp sau tôi một năm. Thời kỳ này con gái học lên cao rất hiếm, nên nghe nói vợ tương lai của tôi là một cô Tú thì mọi người cũng có phần dè dặt. Nhưng đến hôm coi mắt, khi Sương ra chào bên đàng trai, gương mặt để tự nhiên, đi chân không bước ra nhẹ nhàng êm ái khiến cô Ba rất ưng ý. Sương rót nước mời rồi ngồi cạnh quạt cho cô, vậy là hoàn toàn chinh phục được tình cảm của cô tôi. Cả gia đình đều hài lòng và chỉ trong hai tháng bãi trường đã hoàn tất việc lễ hỏi cho chúng tôi.

Sau hơn mười năm mồ côi cha mẹ, tôi lại có được người để gọi bằng ba má. Lần đầu tiên thốt lên tiếng gọi thân thương ấy tôi xúc động không thể tả. Nhạc mẫu tôi cưng con rể vô cùng, việc đầu tiên là sắm ngay một chiếc xe đạp hiệu Alcyon là loại rất sang lúc bấy giờ, để thay cho chiếc xe đã quá cũ tôi đang đi ngoài Hà Nội. Tôi cảm động vì món quà quí giá này và còn cảm động hơn vì tình thương và sự lo lắng của má vợ dành cho mình. Cha vợ thì tìm mua một mớ sách y khoa cho tôi đem theo ra Hà Nội.

Hết hè, khi tôi từ giã gia đình để ra Hà Nội, cô Ba ân cần dặn dò: “Cô nhắc lại lời dặn con năm xưa, phải nhớ không được để tiếng đờn gợi tình của con làm ảnh hưởng đến cuộc đời mình cũng như đến người khác. Năm nay cô càng phải nhắc nhở con kỹ hơn nữa. Ngày trước con tự do muốn đi đâu làm gì cũng được, giờ đây con đã đính hôn nên không có quyền đi chơi với ai khác. Đối với bạn gái phải phân định mối quan hệ cho rõ ràng.”

Trở ra Hà Nội, năm 1942 anh Trương Canh Thân sau khi đậu PCB đã chuyển qua trường Canh Nông, tôi tìm được người bạn khác thay chỗ anh để chia tiền nhà là anh Huỳnh Văn Tiểng. Anh Tiểng học Luật nhưng cũng thích văn nghệ và muốn đẩy mạnh các hoạt động âm nhạc như tôi.

Lúc này Mai Văn Bộ phụ trách tờ báo sinh viên, Lưu Hữu Phước sáng tác bài hát, Huỳnh Văn Tiểng viết kịch và thỉnh thoảng viết bài cho tờ báo sinh viên. Nhóm chúng tôi một mặt lo học, mặt khác chuyên tâm vào các hoạt động xã hội, cũng là một cách tập sự đi vào cuộc đời.

Niên học 1942 - 1943, tôi bắt đầu học chương trình Y năm thứ nhứt, buổi sáng thực tập ở nhà thương còn buổi chiều đến giảng đường để học lý thuyết. Thông thường sinh viên phải đến nhà thương lúc 8 giờ sáng, riêng tôi 7 giờ đã có mặt. Các sinh viên ngoại trú chịu trách nhiệm từng phòng bệnh cũng có mặt từ 7 giờ sáng để soạn sẵn các loại thuốc theo toa của bác sĩ hay giáo sư đã kê cho từng bịnh nhân.

Tôi làm thân với một anh sinh viên ngoại trú người Lào tên là Oudom, anh thấy tôi siêng năng đi sớm nên cho tôi thực tập, phụ anh chích thuốc cho bịnh nhân, ban đầu là tập chích thịt, sau đó chích gân. Tôi luôn chú ý chọn những bịnh nhân có da có thịt để chích cho họ không đau, nhờ vậy mà thường được bịnh nhân khen: “Quan mát tay tiêm không đau” (lúc bấy giờ bịnh nhân vẫn gọi thầy thuốc là “quan”).

Mai Văn Bộ không được học bổng nên buổi sáng phải đi dạy thêm kiếm tiền. Do đó anh thường chọn chăm sóc bịnh nhân nằm giường gần những bịnh nhân tôi phụ trách, nhờ tôi coi giúp anh, ghi chép mọi chi tiết cần thiết, đến trưa anh vào tôi báo lại ngay cho anh nắm vững để trả lời khi giáo sư kiểm tra.

Một hôm anh Oudom bận việc, biết Mai Văn Bộ và tôi có khả năng nên giao cho chúng tôi thực hiện phần đầu một ca giải phẫu pháp y và anh sẽ đến sau. Chúng tôi rất thích thú vì công việc này chỉ có các sinh viên ngoại trú mới được quyền làm. Chúng tôi đã được xem mổ pháp y nhiều lần nên biết cách làm, không có gì phải e ngại.

Nhưng khi xuống trình giấy và nhận thi hài người chết từ nhà xác ra, chúng tôi lặng người: đó là một cô gái trẻ xinh đẹp chết vì uống phosphore tự tử. Làn da cô trắng mịn, thân hình đầy đặn, da thịt vẫn săn chắc hồng hào, suối tóc xõa dài, gương mặt thanh thản như đang nằm ngủ. Cả Bộ lẫn tôi đều chùn tay, không nỡ cầm dao rạch một đường dài trên ngực từ cổ đi xuống, mở rộng vùng bụng ra để cắt những bộ phận bên trong.

Chúng tôi bàng hoàng nhìn nhau, nghĩ rằng cô gái này lúc còn sống hẳn phải được biết bao nhiêu người thầm yêu trộm nhớ. Thế mà không hiểu vì lý do gì lại quyết định kết thúc cuộc đời, bước qua một thế giới khác, để rồi giờ này nằm tại đây chịu đựng một sự xem xét tò mò của khoa học và pháp luật. Một tạo vật đẹp đẽ của thiên nhiên như thế này, ai là người có can đảm ra tay hủy hoại đi?

Nhưng dầu thế nào đi nữa cũng vẫn phải làm vì đã lỡ nhận nhiệm vụ. Mai Văn Bộ vẫn còn đứng ngẩn ngơ nên cuối cùng tôi phải làm cái công việc đau đớn ấy. Khi đưa tay rạch đường mổ đầu tiên, tôi có cảm giác như chính mình bị xẻ ra, rồi phải đưa tay banh bộ ngực đẹp đẽ, tiếng kéo cắt chiếc xương sườn nghe nhói tận tim gan!

Xong việc ra về, hai chúng tôi bâng khuâng nghĩ đến cái mong manh của cuộc đời, cái phù du của kiếp người, đến số phận của một người đẹp mà bất hạnh, đến độ khi chết rồi vẫn không được toàn thân. Đó là những ấn tượng day dứt đầu tiên trong nghề nghiệp.

Lần khác tôi thực tập ở một bịnh viện do giáo sư Tôn Thất Tùng hướng dẫn. Tôi báo cáo với giáo sư trường hợp bịnh nhân của tôi theo dõi có tất cả các triệu chứng của bệnh gan: da vàng, mắt vàng, phân vàng, ấn vào bụng chỗ lá gan thì đau.

Thầy Tùng không cần coi qua bản ghi chép của tôi mà chỉ nhìn phim X Quang rồi kết luận: “Bao tử bị ung thư, sưng to, không phải bệnh gan”. Thông thường sinh viên không dám cãi lời thầy, nhưng tôi vẫn nói:

- Thưa thầy, em đã xem kỹ và tin chắc bịnh nhân có triệu chứng đau gan.

Thầy Tùng khẳng định: “Phim chụp cho thấy bịnh nhân đau bao tử, sao anh cứ cãi cho là đau gan?”

- Thưa thầy, nếu vậy những điều thầy dạy về các triệu chứng của bệnh gan là sai hay sao?

- Không phải sai, nhưng chủ yếu bịnh nhân này bị đau bao tử cần phải mổ ngay. Nếu muốn thì ngày mai anh có thể lên xem ca mổ.

Khi giải phẫu thì đúng là ung thư bao tử. Bao tử của bịnh nhân bị sưng rất lớn nên đè lên gan khiến mật không điều tiết được. Thầy Tùng khen tôi: “Báo cáo của anh đúng đó, tuy chưa thật chính xác. Kinh nghiệm cho thấy là luôn phải phối hợp cả xét nghiệm qua X quang lẫn khám lâm sàng mới đi đến kết luận đúng được”.

Đó là chuyện học. Trong sinh hoạt âm nhạc, năm 1943 đánh dấu một sự kiện hết sức quan trọng, đó là việc ra đời của vở ca kịch Tục lụy, một loại nhạc kịch lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu ca nhạc của Việt Nam, với lời thơ mượt mà của Thế Lữ và nét nhạc tuyệt vời của Lưu Hữu Phước.

Số là các nữ sinh trường Đồng Khánh Hà Nội muốn dựng kịch Tục lụy của Khái Hưng do nhà thơ Thế Lữ chuyển thể thành kịch thơ. Theo lời đề nghị của Thế Lữ, ngại rằng nếu ngâm thơ suốt cả giờ đồng hồ sẽ khiến khán giả nhàm chán, đoàn kịch phái cô Minh Nguyệt đại diện đến tìm Lưu Hữu Phước để nhờ phổ nhạc các bài thơ trong vở kịch. Đầu tiên Lưu Hữu Phước từ chối:

- Tôi chỉ sáng tác nhạc chứ chưa bao giờ phổ thơ cả.

Minh Nguyệt vẫn tươi cười khẩn khoản:

- Tuy chưa phổ nhạc bao giờ, nhưng xin ông cố một tí giúp chị em tôi ông nhé!

Lời nói nhẹ nhàng của một thiếu nữ xinh đẹp khiến Phước xiêu lòng và chỉ trong vài tuần lễ đã hoàn thành cả vở ca kịch, trong đó đa số các bài đều mang đậm tính chất nhạc tài tử cải lương miền Nam.

Vở kịch do nhà thơ Thế Lữ đạo diễn, về phía múa có nhạc sĩ Văn Chung góp ý kiến. Các cô nữ sinh Đồng Khánh chia vai để học lời thơ. Về các bài hát thì Lưu Hữu Phước, Quách Vĩnh Chương và tôi mỗi ngày phải vào trường nội trú để dạy cho các cô. Khi đó muốn vào trường nội trú Đồng Khánh phải có giấy phép đặc biệt do “Bà Chánh” cấp (thuở ấy bà Hiệu trưởng được gọi là bà Chánh).

Buổi biểu diễn Thi ca kịch Tục lụy của các nữ sinh Đồng Khánh rất thành công. Hôm đó chỉ có ba người phái nam được vào hậu trường là anh Thế Lữ, Lưu Hữu Phước và tôi. Phước rất vui vì lần đầu tiên đã đưa một thể ca kịch mới lên sân khấu.

Nhiều năm sau, khi về già hai anh Thế Lữ và Lưu Hữu Phước sửa lại vở kịch này, đặt tên mới là Trần duyên, thêm lời thơ ý nhạc và những tình tiết lạc quan để làm nhẹ đi cái kết thúc buồn của vở kịch ngày xưa. Khi các bạn đưa cho coi kịch bản tôi không tán thành. Dưới mắt tôi vở Tục lụy vẫn giữ nguyên giá trị đẹp đẽ ngày xưa mà bất cứ sự thêm thắt nào nhằm biến đổi nó cũng sẽ thành gượng gạo và không phù hợp.

Ban nhạc trường Đại học Hà Nội của chúng tôi lúc đó nổi danh đến độ được mời vô biểu diễn tại hội chợ ở Sài Gòn vào dịp lễ Phục sinh. Trong khi bạn bè nghỉ lễ phải nằm nhà thì chúng tôi được đi Sài Gòn không tốn tiền, nhân đó có dịp thăm gia đình. Riêng tôi thêm cái háo hức được gặp lại vị hôn thê của mình.

Anh em trong ban nhạc vẫn giữ truyền thống biểu diễn xen kẽ vừa nhạc cổ điển nước ngoài vừa nhạc Việt, đặc biệt là hai bài Bạch Đằng Giang và Ải Chi Lăng. Chúng tôi đến đài phát thanh Sài Gòn – lúc bấy giờ gọi là đài Pháp Á - gặp nhà thơ Nguyễn Văn Cổn là người phụ trách đài, trình bày với anh ban nhạc trường Đại học chúng tôi có những ca khúc Việt Nam mới rất hay, nhờ anh cho thu thanh để phát ra cho cả nước thưởng thức. Không thể tả hết nỗi vui mừng của chúng tôi khi được anh Cổn đồng ý. Chúng tôi gọi điện thoại báo tin ngay ra Hà Nội, dặn các bạn đón nghe các bài Người xưa đâu tá và Ải Chi Lăng lần đầu tiên được phát trên đài phát thanh.

Các bạn ở Hà Nội khi nghe nhạc phát trên đài cũng xúc động không thể tưởng tượng được, vì thấy rằng việc làm của chúng tôi ban đầu những tưởng chỉ gói gọn trong phạm vi trường đại học, lần lần đi vào phía Nam, và bây giờ lên đến tận Đài phát thanh, vang dội vào từng gia đình trong cả nước.

Trong kỳ về Nam lần này tôi không có dịp đi chơi riêng với vị hôn thê, vì cô Ba nghe tin tôi vào Sài Gòn mừng quá vội lên thăm cháu. Suốt mấy ngày liền đi đâu cũng có cô kề bên nên hai chúng tôi không hề được phút nào ngồi riêng với nhau. Lòng tôi thương cô đã đành, nhưng đồng thời cũng có nhu cầu muốn được gặp riêng vị hôn thê nên đành phải nghĩ cách nói dối. Được ở Sài Gòn sáu ngày nhưng đến ngày thứ tư tôi báo với cô là phải trở về Hà Nội. Buổi chiều đó cả gia đình tiễn tôi ra ga xe lửa, tôi xách hành lý từ giã mọi người rồi lên xe, chừng xe lửa chạy ngang qua nhà thờ Huyện Sĩ, canh lúc xe chạy chậm lại tôi nhảy xuống trở về nhà nhạc gia.

Nhạc gia tôi lấy làm thú vị về chuyện này, ông sẵn sàng cho phép tôi ở trong nhà và tối đó hai chúng tôi tha hồ sánh vai đi chơi hội chợ. Một buổi đi chơi vô cùng thú vị, hai đứa nắm tay nhau như một cặp uyên ương dạo chơi thỏa thích. Buổi tối trở về nhà, tôi ngủ tại phòng khách. Nhạc gia tôi dặn dò:

- Sáng mai thế nào cô Ba cũng đến thăm ba. Con nhớ ngủ dậy thì ra nhà sau, đừng để cô Ba gặp con.

Tôi nghe lời, cả buổi sáng chỉ loanh quanh trong nhà bếp. Không ngờ khi cô Ba tôi tới chơi, gõ cửa nhà trước không ai nghe nên đi vòng ra cửa sau, gặp lúc người giúp việc vừa đi ra để cửa mở, cô bước thẳng vào trong nhà. Nhìn thấy tôi, cô buông rơi cây dù đang cầm trên tay, tôi thì ngỡ ngàng đứng chết trân, còn vị hôn thê của tôi vội vàng sụp xuống chân cô quì lạy:

- Tụi con muốn đi chơi riêng với nhau một ngày nên anh Khê ở nán lại, chiều nay sẽ ra ga về Hà Nội.

Cô tôi buông người ngồi phịch xuống ghế, chảy nước mắt:

- Cô nuôi con mười mấy năm trời, vậy mà tình cô cháu không nặng bằng tình con đối với vợ sắp cưới. Đằng nào cũng chỉ vài ba tháng nữa là cưới rồi, gấp gáp gì đến nỗi con phải tránh cô mà đi chơi riêng như vậy?

Tôi ý thức được lỗi của mình nên không biết nói gì, chỉ biết lặp đi lặp lại:

- Con xin lỗi cô, chiều nay con sẽ đi Hà Nội.

- Chiều nay hay mai mốt gì, đối với cô cũng vậy thôi. Bây giờ cô đã biết được tình con đối với cô như thế nào rồi.

Vị hôn thê của tôi vẫn quì một bên, tôi ngồi sụp xuống chân cô phía bên kia, cả ba không nói thêm được lời nào. Sau cùng cô Ba buồn bã đứng dậy ra về. Tôi rất buồn nhưng đến chiều vẫn phải xách va li ra ga, lần này cô Ba tôi không tiễn mà chỉ có mấy người bà con đưa đi. Xe lửa khởi hành một đoạn tôi lại nhảy xuống, không dám ở nhà nhạc phụ mà phải về tá túc tại nhà ông nội của vị hôn thê. Đến ngày thứ sáu tôi mới thật sự lên đường về Hà Nội theo đúng vé tàu đã mua trước.

Tôi trở về Hà Nội tiếp tục việc học cho đến hè 1943. Trong sinh hoạt văn nghệ, tôi bước thêm qua lãnh vực kịch nghệ, đóng một vai trong vở kịch Lương Kha của anh Huỳnh Văn Tiểng. Lương Kha là một họa sĩ say mê hội họa, sống với một người bác là nông dân, không biết nghệ thuật là gì, nên ông rất bực mình khi thấy đứa cháu suốt ngày chỉ mải mê vẽ tranh mà không chịu lo làm việc thiết thực hơn như đi góp lúa hay làm ruộng. Tôi đóng vai ông bác, Văn Vĩ đóng vai Lương Kha, có thêm anh Khương Mễ - sau này là đạo diễn - đi theo trợ giúp. Hè năm này trường Áo Tím trong Sài Gòn cũng nhờ chúng tôi vào dựng giúp vở Tục lụy.

Lễ cưới

Cuối hè, vào tháng 7 năm 1943 tôi làm lễ cưới. Nhạc gia tôi theo Tây học, bất chấp chuyện kiêng cữ theo xưa mà tổ chức đám cưới cho hai cô con gái tại đình Tân An vùng Đa Kao trong cùng một ngày. Sau đám cưới, cô Ba đưa cho tôi danh sách bà con hai bên mà cặp vợ chồng mới phải đi thăm, kèm theo bản lịch trình đi từng nơi trong 16 ngày. Cô nói với tôi:

- Cô để trong hộp 16 cây diêm quẹt, mỗi buổi chiều cô đốt ngọn đèn lên là con đã đi được một ngày. Cây diêm cuối cùng cô xài hết cũng là ngày con trở về đây.

Tôi hiểu lòng cô, dạy tôi đi chào họ hàng cho đúng theo phép tắc lễ nghĩa, mặc dầu cô buồn tiếc từng ngày phải xa đứa cháu cưng. Tôi làm theo lời cô dặn, đi theo lịch trình đã ghi và về đúng ngày đã định.

Như đã giao ước, vợ tôi về làm dâu cô tôi, hàng ngày quán xuyến công việc nhà cửa, được cả làng tôi quí mến. Ai cũng trầm trồ khen cô Tú người Sài Gòn về quê chồng làm dâu, ngày ngày quét sân, đi chợ, nấu ăn không thua gì gái quê.

Ngày tôi lên đường trở ra Hà Nội cũng là lúc vợ tôi đã mang thai đứa con đầu lòng. Lần này tôi đi mà lòng buồn vương vấn hình ảnh người bạn đời với đứa con trong bụng, chưa biết sẽ là trai hay gái.

Cuối năm 1943, mặc dầu hăng say hoạt động xã hội, tôi vẫn thi đậu hạng nhứt và chuẩn bị thi vào ngoại trú. Năm này tôi sẽ phải vào thực tập ở bịnh viện lao, nên phải chuẩn bị chích ngừa BCG. Đúng lúc đó thì tôi bị sốt rét, lá lách sưng to. Tôi được khuyên khoan đi thực tập vì sẽ dễ bị nhiễm bệnh trong tình trạng này. Trong khi đó thơ nhà gởi ra báo tin vợ tôi có thai bị hành dữ dội khiến tôi rất băn khoăn.

Hà Nội thì đang có phong trào “Xếp bút nghiên”. Lưu Hữu Phước và Huỳnh Văn Tiểng sáng tác bài Xếp bút nghiên kêu gọi học sinh sinh viên “dứt làn tơ vương, giã trường lên yên”.

Miền Bắc bắt đầu bị nạn đói, hàng ngày đi từ nhà đến trường đại học, tôi thấy xác người chết vì đói nằm rải rác bên lề đường. Các bạn tôi như Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước đều lên đường, hô hào phong trào đi xe đạp về Nam.

Các bạn đi rồi tôi cũng không còn lòng dạ nào để học tiếp nữa. Tôi làm đơn xin phép tạm nghỉ học một năm và được nhà trường báo sẽ cắt học bổng. Tôi chấp nhận để có thể trở về miền Nam. Cuối năm 1943 tôi về đến Sài Gòn, sau khi chữa lành bệnh sốt rét, tôi cùng với các bạn như anh Hồ Thông Minh, anh Chức, Huỳnh Văn Tiểng lập một gánh hát nhỏ đi các tỉnh miền Nam trình diễn để lấy tiền mua gạo gởi ra miền Bắc cứu đói.

Tôi tham gia hoạt động văn nghệ cùng các bạn, nhưng một mặt cũng phải kiếm cách sanh sống. Đầu năm 1944 vợ chồng tôi được cô Ba cho phép ở trong căn nhà tại Sài Gòn do cha vợ tôi nhường lại. Tôi bắt đầu đi dạy học tại các trường tư. Tôi dạy tiếng Anh tại trường Huỳnh Cẩm Chương, dạy Hóa học và Nhạc lý ở trường Lê Bá Cang, còn trường Nguyễn Văn Khuê thì tôi dạy năm thứ ba là lớp sắp thi Thành Chung, nhận dạy nhiều môn gồm Đạo đức, Pháp văn, Hóa học, Thể thao và cả Âm nhạc.

Con trai đầu lòng

Tháng 5 năm 1944 vợ chồng tôi có đứa con trai đầu lòng đặt tên là Trần Quang Hải. Sáng ngày 13 - 5, tôi đưa vợ đến nhà bảo sanh Thủ Đức. Ngay trong buổi sáng vợ tôi đã bể bọc nước ối, điều này sẽ nguy hiểm khi sanh nếu không có bác sĩ đỡ đẻ. Nhưng đang thời kỳ chiến tranh, buổi chiều các bác sĩ và y sĩ đều về nhà ở Sài Gòn, buổi tối lại bị giới nghiêm nên tại nhà bảo sanh của quận chỉ có cô mụ thôi.

Đến gần 7 giờ tối vợ tôi bắt đầu chuyển bụng, cố sức rặn hồi lâu mà đứa con vẫn không ra nên đuối sức muốn thiếp đi. Lúc đó đầu của thai nhi đã bắt đầu ló ra, nếu người mẹ không cố tiếp tục rặn thì đứa nhỏ sẽ bị ngộp có thể dẫn đến tử vong.

Không có sự trợ giúp của y bác sĩ, tôi phải vừa dỗ dành vừa tiếp sức cho vợ lấy hơi rặn mạnh, thời may đầu đứa nhỏ vọt ra ngoài. Nhưng đứa bé mới sanh ra xanh tím, không khóc vì bị ngộp. Tôi thất kinh, nhờ có ít kiến thức y khoa và đã từng xem bác sĩ đỡ đẻ, nên vội kêu cô mụ đem tới một thau nước nóng và một thau nước lạnh. Tôi nắm hai chân đứa bé đưa cao cho đầu chúi xuống để nước trong mũi chảy ra, kê miệng làm hô hấp nhân tạo cho con, kế đó nhúng lần lượt vào nước nóng rồi sang nước lạnh để cho cơ thể phản ứng. Quả nhiên đứa nhỏ vụt cất tiếng khóc oa oa, người lần lần đỏ hồng trở lại. Vậy là yên tâm, đã qua được cơn hiểm nghèo.

Tôi ôm con vào lòng, đem đến trao cho vợ, tuy kiệt sức nhưng rất vui sướng nhẹ nhàng đưa tay bồng con. Mẹ vợ tôi có chuẩn bị sẵn một chai champagne để ăn mừng sự kiện trọng đại của gia đình. Ngày hôm đó, trong thời kỳ mà mọi thứ đều khan hiếm, chúng tôi lại có được rượu champagne để uống mừng đứa con trai đầu lòng.

Tôi xin nghỉ dạy ba tuần lễ để ở nhà chăm sóc vợ con. Suốt mấy tuần lễ đầu tôi tự tay chăm sóc vợ con như một điều dưỡng lành nghề, tự hào chính tay mình dọn những lọn cứt su đầu tiên của đứa con, điều tưởng như nhỏ nhoi ấy lại là sợi dây vô hình thắt chặt tình cảm cha con mỗi khi nhớ lại.

Khi hay tin tôi có con trai, cô Ba mừng không thể tưởng tượng nổi. Cô nhắn lên khi nào con tôi cứng cáp một chút thì đem về quê, cô trông từng ngày được gặp mặt đứa cháu nối dõi dòng họ Trần.

Nhưng thình lình cô tôi trở bệnh nặng, khi đi thử đàm thì khám phá có vi trùng lao.

Tôi bối rối đến gặp bác sĩ Phạm Ngọc Thạch chuyên khoa về bệnh lao hỏi ý kiến. Tôi trình bày hoàn cảnh mình, cô Ba đã thay cha mẹ nuôi tôi từ nhỏ đến lớn. Nay cô có điều mong mỏi thiết tha nhứt là gặp được mặt con trai tôi và lòng tôi cũng luôn mong muốn đem vợ con về thăm cô. Anh Thạch giật mình khi nghe cô tôi bị bệnh lao đến thời kỳ thứ ba, có lần ho ra máu, nếu tôi đem con về, tất nhiên do tình thương sẽ không cản được việc cô ẵm cháu, điều đó sẽ nguy hiểm cho đứa nhỏ, còn nếu cô không kiềm chế được mà hun cháu thì khả năng lây bệnh còn lớn hơn. Anh Thạch kết luận: “Tùy anh, nếu muốn tròn bổn phận làm con thì cứ đem cháu về, còn nếu nghĩ đến trách nhiệm làm cha thì không nên. Bởi vì cô của anh sẽ không còn sống bao lâu mà con anh thì còn cả cuộc đời trước mặt”.

Tôi rất khó nghĩ, cân nhắc suy tính suốt mấy đêm, cuối cùng đành lòng mang tội bất hiếu để bảo vệ con mình. Thế là tôi cứ thoái thác, nói với cô thằng bé còn yếu, chờ khi nó mạnh sẽ đem về quê cho cô được gặp mặt.

Tháng 6 năm 1944 tôi về thăm cô Ba. Gặp tôi, cô rất mừng và nói rằng: “Cô thèm được nghe con hòa đờn với cậu Năm một lần, coi như để tế sống cô!”.

Lần đó, hai cậu cháu tôi cùng hòa đờn để chiều lòng cô Ba, đờn tài tử những điệu như Nam Xuân thanh thản, Nam Ai u buồn. Nhưng khi qua điệu Bắc là điệu vui để kết thúc, nhìn cô đau ốm tiều tụy nằm trên chiếc ghế dài, hai cậu cháu đau lòng không thể tả, nước mắt đầm đìa. Cô tôi cười: “Điệu Bắc vui mà lòng con buồn như vậy thì làm sao đờn cho hay được. Cậu Năm và con đờn cho cô nghe, cô thưởng thức từng tiếng đờn của hai cậu cháu, vậy thì phải vui chớ sao lại khóc?”

Hai cậu cháu nghẹn ngào không trả lời được. Lần hòa đờn này để lại ấn tượng suốt đời tôi, giây phút ngồi lên dây đờn, tôi đau lòng nghĩ rằng đây có lẽ là lần cuối cùng tôi còn được đờn cho người mà mình thương quí nhứt đời nghe.

Sau đó tôi trở về Sài Gòn, tháng 8 năm 1944, khi Hải được ba tháng, tôi chụp ảnh con để gởi về cho cô tôi. Tiếc thay, cô Ba chưa kịp nhận hình đã vĩnh viễn ra đi! Nhận được hung tin, nhạc gia tôi và tôi không kịp chờ xe lửa, vội vàng đi xe đạp từ Sài Gòn về Chợ Giữa để lo tang ma.

Trước đây, gia đình chồng của cô Ba theo đạo Thiên Chúa nên buộc cô phải vô đạo để có thể cử hành lễ hôn phối ở nhà thờ. Cô không bằng lòng, nhưng ông nội tôi khuyên cô nên chấp thuận cho đúng nghi thức, còn tin hay không là do lòng mình, nên cô đồng ý.

Sau khi dượng tôi mất thì cô cũng thôi không còn đi lễ nhà thờ nữa. Nhưng lúc cuối đời, khi cô lâm bệnh nặng, em Trạch ở lại quê chăm sóc, cô ngỏ ý muốn được gặp ông cha. Trạch bèn rước ông cha ở Mỹ Tho lên, cô nói với linh mục: “Tôi có cảm giác sắp đến lúc về cõi vĩnh hằng. Tâm tưởng tôi bây giờ lại quay về với Chúa, hướng tới con người đã hy sinh cuộc đời vì hạnh phúc của nhân loại”. Do đó lúc cô mất được làm lễ rửa tội và an táng theo nghi thức của đạo Thiên Chúa.

Có thêm đứa con tôi lại lãnh dạy nhiều hơn để kiếm tiền, nhận dạy thêm tiếng Anh cho hai lớp ở trường Ngô Quang Vinh. Tuy bận rộn nhưng tôi vẫn thu xếp thời giờ để hoạt động trong phong trào Thanh niên Tiền phong, tham gia trong nhóm bảy người đầu tiên lập ra nhóm Hoàng Mai Lưu (lấy theo họ của Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước) cùng với các anh Mỹ Ca, Phan Huỳnh Tấn, Quách Vĩnh Chương. Sau đó lập ra Nhà xuất bản Hoàng Mai Lưu, chuyên in và phát hành những ca khúc mới hay những bài viết về âm nhạc dân tộc, chẳng hạn như bản Tuyên ngôn về âm nhạc do Lưu Hữu Phước và tôi soạn thảo.

Đó cũng là một kỷ niệm vui của buổi ban đầu hoạt động trong lãnh vực âm nhạc, mặc dầu bây giờ đọc lại bản “Tuyên ngôn” này tôi rất mắc cỡ vì có rất nhiều quan điểm sai lầm, bởi lúc bấy giờ tôi vẫn còn ngưỡng mộ nhạc phương Tây và cho rằng đó là căn bản để phát triển âm nhạc nước nhà.

Cuối năm 1944 đầu năm 1945 Nhựt đảo chánh, ở Sài Gòn, Pháp bỏ bom thường xuyên nên hầu hết các trường đều đóng cửa và dời xuống các tỉnh miền Nam.

Anh Ba Trứ - anh họ của tôi - đang làm Hiệu trưởng trường Trương Vĩnh Ký ngỏ lời mời tôi dạy cho nhà trường lúc này vừa dời về Bến Tre. Thế là tôi đem vợ con và cả em gái Ngọc Sương về Bến Tre. Trong khi chờ đợi trường Trương Vĩnh Ký ổn định xong trường lớp mới khai giảng, tôi may mắn gặp được bác sĩ Trần Văn Còn là hiệu trưởng một trường tư thục mời dạy tiếng Anh và tiếng Pháp, đồng thời cấp cho một căn nhà để ở.

Tôi vừa dạy học vừa tham gia trong Ban Tuyên truyền do anh Đặng Ngọc Tốt làm trưởng đoàn. Mục đích của ban này là hô hào tinh thần dân tộc trong quần chúng ở các vùng chung quanh như Sa Đéc, Mỏ Cày.... Anh Tốt nói chuyện với đồng bào về lịch sử còn tôi thì hát những bài của Lưu Hữu Phước như Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Người xưa đâu tá hoặc dân ca.

Năm 1945, khi Nhựt bàn giao chính quyền cho phía Việt Nam, lúc đó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Bến Tre là anh Phạm Văn Bạch cấp cho tôi một giấy phép được đi khắp vùng Nam bộ. Anh Huỳnh Văn Tiểng gặp tôi bàn việc đưa tôi vào tham gia kháng chiến. Tôi bèn thu xếp đưa vợ con về Vĩnh Long tá túc trong nhà ông ngoại của vợ tôi. Riêng em gái tôi thì về quê nhà ở Vĩnh Kim.

Dịp đó tôi được gặp gỡ Phạm Duy lần đầu tiên khi anh đi theo gánh hát của Charlot Miều về trình diễn tại đây. Chúng tôi chỉ biết tiếng nhau chứ chưa được diện kiến. Phạm Duy nghe tin tôi đưa gia đình về Vĩnh Long nên hỏi thăm tìm đến nhà và rủ tôi đi nghe anh hát tân nhạc trên sân khấu cải lương.

Gặp được nhau chúng tôi rất mừng, Phạm Duy kể cho tôi nghe về công việc và những sáng tác của anh cũng như cách thức anh truyền bá tân nhạc như thế nào. Đêm đó tại Cầu Lộ ở Vĩnh Long, Phạm Duy hát cho tôi nghe bài Cô hái mơ mà anh đã phổ nhạc theo thơ của Nguyễn Bính.

Tôi đi xem Phạm Duy biểu diễn trong suốt mấy đêm, nghe anh hát những bản nhạc nổi tiếng của Văn Cao như Buồn tàn thu, Suối mơ trên sân khấu Vĩnh Long. Khi gánh hát dời đi, hai chúng tôi chia tay nhau rất bịn rịn.

Chúng tôi kết thân và giữ tình bạn thân thiết mãi đến bây giờ, mặc dầu đã trải qua nhiều thử thách, bao cuộc bể dâu. Không ít lần tôi cự nự Phạm Duy về những việc anh làm khiến tôi bất bình, nhưng khi gặp nhau thì giận thì giận mà thương thì thương, như câu hát của người Nghệ Tĩnh. Phạm Duy hay cười bảo tôi: “Cậu sống theo lý trí nhưng cho tớ sống theo tình cảm nhé, đừng bắt tớ phải giống cậu, tớ không làm được đâu.”

Chia tay với Phạm Duy, tôi thu xếp cho vợ con nơi ăn chốn ở yên ổn tại nhà người cậu vợ tại Sóc Trăng, rồi trở lên chợ Thiên Hộ, đi theo kháng chiến.

Trích Hồi ký Trần Văn Khê (Phương Nam phát hành)

Kỳ 3: Đất khách quê người

GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên