29/06/2015 20:24 GMT+7

Hồi ký Trần Văn Khê: Kỳ 11 - Nói chuyện trên đất Mỹ

 GS TRẦN VĂN KHÊ
GS TRẦN VĂN KHÊ

TTO - Từ Việt Nam trở về Pháp, tôi có chuyến đi Mỹ theo lời mời của trường Đại học Connecticut.

GS Trần Văn Khê cùng GS Jacques Chailley dự hội nghị âm nhạc tại New York năm 1961 - Ảnh: tư liệu

Cháu Trần Thắng, sinh viên trường Đại học Connecticut, ra đón tôi tại phi trường vì lúc đó tôi đi đứng cũng còn hơi khó khăn. Cháu Thắng sắp tốt nghiệp kỹ sư đồng thời phụ trách một tờ báo tiếng Việt chuyên về văn hóa Việt Nam có tên là “Nhịp sống”. Mặc dầu trường đại học đứng ra mời tôi nhưng từ việc tiếp đón đến nơi ăn chốn ở đều do Hội sinh viên Việt Nam tại Connecticut lo liệu.

>>
>> 
>>
>> 
>> 
>>
>>
>>
>>
>>

>> 
>> 

Nhà trường tổ chức cho tôi nói chuyện hai buổi, buổi đầu tiên thuyết trình bằng tiếng Anh vào lúc 5 giờ chiều trước các giáo sư, sinh viên Mỹ và Việt Nam tại giảng đường lớn của Đại học Connecticut. Sau bữa ăn nhẹ do sinh viên chiêu đãi là buổi họp thứ nhì tại một phòng khác bắt đầu từ 9 giờ tối với khoảng sáu bảy chục sinh viên Việt Nam để tôi nói chuyện bằng tiếng Việt và các em đặt câu hỏi. Cả hai buổi nói chuyện đều do cháu Thắng liên hệ sắp xếp, có mời cả sinh viên từ Boston qua.

Khi các cháu đưa tôi đến trường đại học 15 phút trước khi buổi nói chuyện bắt đầu, tôi ngạc nhiên nhìn thấy nhiều xe tải chở những người Mỹ mặc quần áo theo kiểu quân đội đang bắt đầu nổ máy rời khỏi nơi này. Tôi hỏi cháu lái xe:

- Có chuyện gì mà lính tráng đông quá vậy cháu?

Cậu cười nói:

- Đó là những cựu chiến binh Mỹ tập hợp lại đây định “đánh” bác, nhưng khi thấy bác tới họ bỏ chạy hết trơn!

- Chắc là cháu nói đùa?

- Dạ phải, cháu nói đùa. Thật ra thì có vài chục sinh viên Việt Nam chống lại việc bác tới đây nói chuyện. Những người này thường liên hệ với các cựu chiến binh Mỹ nên đã đến vận động họ ủng hộ sinh viên, lấy lý do là biểu tình chống lại buổi nói chuyện tuyên truyền cho cộng sản tại Đại học Connecticut. Một số cựu chiến binh Mỹ nghe vậy bèn huy động mấy xe cam-nhông chở ba bốn chục người tới trước cổng trường.

Nhà trường cử người ra gặp và cho họ biết người thuyết trình hôm nay là một nhà nghiên cứu âm nhạc người Việt sanh sống tại Pháp, dạy học tại Đại học Sorbonne, được mời qua nói chuyện về âm nhạc chớ không dính líu gì đến chánh trị. Nghe vậy mấy ông cựu chiến binh cho là việc đó không liên quan gì đến họ nên bỏ về.

Tuy mọi việc đã được giải quyết êm thấm nhưng tôi cũng cảm thấy buồn. Các cháu trong Ban tổ chức hỏi:

- Đám phản đối bác bây giờ bơ vơ rồi, không còn ai ủng hộ hết mà họ cũng e ngại không dám vô vì đã tính phá buổi nói chuyện nhưng thất bại. Theo bác mình nên mời họ vô nghe không?

Tôi đáp:

- Bác nghĩ rằng nên lắm chớ.

Ban tổ chức bèn ra mời và đa số những người này cũng vô nghe. Tôi nói chuyện âm nhạc bằng tiếng Anh có minh họa, cuối buổi toàn thể giáo sư và sinh viên nồng nhiệt vỗ tay và đến gặp ngỏ lời khen ngợi. Đến phần giao lưu, cháu Thắng yêu cầu chỉ đặt những câu hỏi về âm nhạc và văn hóa mà không đề cập đến chánh trị. Thính giả phía cuối phòng lao nhao phản đối, tôi bèn nói:

- Trên cương vị một diễn giả, tôi đề nghị Ban tổ chức cứ để cho thính giả đặt bất cứ câu hỏi nào. Tùy câu hỏi, tôi có quyền trả lời hay không.

Ngoài những câu hỏi về xuất xứ của ca trù, quan họ, có thêm một số câu hỏi đặc biệt về chánh trị, xã hội, chẳng hạn như:

- Trong những chuyến về nước giáo sư có nhận thấy đời sống người dân Việt Nam còn nhiều khó khăn hay không?

- Tất nhiên tôi có nhận thấy những điều đó.

- Vậy thì liệu giáo sư có thể điềm nhiên lo việc nghiên cứu âm nhạc, mặc kệ người ta khổ hay không?

Tôi trả lời:

- Dân tộc Việt Nam đang gặp những khó khăn về nhiều phương diện, nhưng đó là cái khó chung cho tất cả những đất nước vừa ra khỏi chiến tranh do bị bủa vây về chánh trị lẫn kinh tế. Điều đó tất cả mọi người đều ý thức được và dĩ nhiên tôi cũng nhận thấy rất rõ. Tuy nhiên quan điểm của tôi là mỗi người tùy ở vị trí và khả năng của mình mà đóng góp với đất nước. Các chánh trị gia có nhiệm vụ lo cho chánh trị hoàn hảo hơn, chuyên viên kinh tế góp sức mình trong việc nâng cao đời sống người dân còn tôi là nhà văn hóa, tôi góp phần mình trong việc phục hồi và bảo vệ nền nghệ thuật dân tộc.

Họ hỏi tiếp:

- Vậy ông đã làm được những gì?

- Tôi may mắn được thường xuyên trở về Việt Nam, lặn lội khắp các miền đất nước, cố gắng ghi lại cũng như phục hồi những gì sắp bị chìm vào quên lãng, gìn giữ cái hay cái đẹp cho thế hệ mai sau. Rồi tôi đem tiếng nhạc lời ca của đất nước đến với bạn bè năm châu bốn biển, làm tròn nhiệm vụ của một nhà nghiên cứu là bảo vệ những di sản văn hóa - âm nhạc của dân tộc, không phải chỉ ghi chép trong băng từ mà còn kêu gọi gìn giữ trong lòng người và trong nếp sống của xã hội.

Đồng thời tôi nỗ lực chống lại tệ nạn vọng ngoại, tôn sùng phương Tây, gột bỏ tự ti mặc cảm để giữ gìn bản sắc dân tộc và tận dụng mọi cơ hội để Việt Nam được góp mặt trên trường quốc tế. Kết quả cụ thể là tôi đã góp sức làm sống lại Ca trù miền Bắc, nhạc Cung đình miền Trung, Hát bội miền Nam và cả lối hát Chầu văn, Múa rối nước. Làm được một việc cũng đủ vui rồi, nhưng tôi có may mắn thành công trong nhiều việc. Đó là về phần của tôi, nhân đây cũng xin hỏi lại một câu, các bạn có nhận thấy dân tộc Việt Nam còn nhiều khó khăn hay không?

- Có chớ!

- Các bạn đã làm gì để giúp cho đất nước mình?

- Chúng tôi vận động kêu gọi lập nên phong trào kháng chiến trong nước.

- Vậy từ lâu nay điều các bạn làm đã đem lại kết quả tốt đẹp nào cho đất nước chưa?

Không ai trả lời được. Buổi tối, khi chỉ còn lại các sinh viên trong nhóm ủng hộ tôi, các cháu nói:

- Hồi chiều có nhiều câu hỏi khó mà bác trả lời rất hay làm tụi cháu thỏa mãn. Hiện giờ năm sáu chục người ngồi trước mặt bác toàn là tiến sĩ và kỹ sư, bác có nghĩ tất cả chất xám này là sức mạnh và vốn quý của dân tộc Việt Nam hay không?

Tôi cười và nhẹ nhàng trả lời:

- Các cháu chỉ nói đến chất xám không thì chưa đủ. Chất xám đó nếu đi đôi với con tim Việt Nam thì quý vô cùng. Còn ngược lại nếu chất xám đó đi đôi với những trái tim vọng ngoại thì chẳng những không giúp ích gì cho Việt Nam mà có khi còn bất lợi cho đất nước.

Một số cháu hỏi:

- Nếu muốn đóng góp với đất nước, theo bác chúng cháu nên về liền ngay lúc này, hay thủng thẳng sẽ về, nên về ở luôn trong nước hay chỉ ở ngắn hạn?

Tôi thành thật nói với các cháu:

- Không bao giờ bác dám khuyên người khác phải làm điều gì bởi mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Bác chỉ mong tất cả chúng ta nên giữ một trái tim Việt Nam, thương đất nước và con người Việt Nam, chính điều đó sẽ giúp mỗi người trong các cháu tìm được cách tốt nhứt để góp phần mình cho đất nước.

Mấy năm sau đó trong số những sinh viên này có sáu bảy người trở về tham gia tích cực vào các chương trình trong nước, đặc biệt riêng cháu Thắng về rất nhiều lần.

Sau đó tôi đi California thăm một người bạn rất quý là em Nguyễn Thị Đoan. Em vốn là học trò cũ của tôi từ năm 1948, từ biệt nhau năm 1949 khi tôi rời Việt Nam qua Pháp, rồi tái ngộ vội vàng năm 1976 tại Sài Gòn. Mãi đến cuối năm 1993 thầy trò gặp lại bên Pháp nhân dịp em Đoan từ Mỹ qua Paris thăm thân nhân. Kể từ đó có cơ hội thơ qua tin lại với nhau, mỗi dịp hè em đều sang Pháp chơi để tìm hiểu thầy cặn kẽ hơn.

Em Đoan định cư tại Mỹ từ năm 1978 và sống với đứa con trai út tại vùng Huntington Beach bang California. Đây là lần đầu tiên tôi đến chơi nhà em tại một biệt thự riêng xinh xắn. Trong nhà bày biện đâu đó rất vén khéo, phòng khách treo nhiều tranh đẹp, trên lò sưởi có những bức tượng Trung Hoa và nhiều bình cổ rất quí.

Chúng tôi đi viếng các nơi, ăn uống nhiều tiệm rất ngon. Đồng thời tôi cũng đến thăm Phạm Duy, được xem dĩa CD ROM trường ca “Con đường cái quan” rất hay với nhiều hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.

Đến Mỹ gặp mùa Phật đản, tôi được hòa thượng Thích Mãn Giác, vị sư trụ trì tại một ngôi chùa Việt Nam vùng Los Angeles, mời tới nói chuyện về cách tán tụng trong truyền thống Phật giáo Việt Nam. Bằng lời văn chải chuốt đầy chất thơ, hòa thượng giới thiệu tôi rất nồng hậu với các Phật tử từ Santa Anna, San Jose và Los Angeles đến dự. Mọi người chăm chú nghe và đặt nhiều câu hỏi rất hay, chẳng hạn như: “Có thể tán tụng bằng tiếng Việt chớ không dùng tiếng Hán Việt hay không?” hoặc: “Thiền vị trong âm nhạc là gì?”.

Tôi trả lời:

- Các đệ tử ghi lời Phật dạy bằng tiếng Phạn, tiếng Pali, Phật tử tại Trung Quốc dịch ra tiếng Hán, do đó chúng ta cũng có thể dịch ra tiếng Việt.

Tôi đưa ra thí dụ cách tán theo hơi Thiền câu “Hỏa diệm hóa hồng liên” và “Núi lửa biến thành bông sen hồng”: cả hai câu đều có thiền vị như nhau.

Một số Phật tử muốn biết về thiền vị trong âm nhạc, tôi thoái thác vì lúc đó đã hơn hai giờ rưỡi chiều, nhiều người đang nghĩ đến việc trở về vì sợ trễ xe, khí hậu lại đang lúc nóng bức. Hơn nữa chùa ở gần đường xe chạy, tâm của người nghe cũng như người giảng đều không định. Tôi xin hẹn một dịp khác có điều kiện thuận tiện hơn sẽ minh họa bằng bản Nam xuân cách đờn có thiền vị.

Tưởng nói như vậy là có thể kết thúc các buổi nói chuyện, không ngờ em Đoan sốt sắng liên lạc với vị sư tại chùa Liên Hoa cũng tọa lạc trong quận Cam (Orange County) để tổ chức buổi gặp gỡ tiếp sau đó và mời Phật tử nào thích nghe nhạc có thiền vị đến dự.

Nơi này xa đường xe qua lại, buổi nói chuyện tổ chức vào lúc 8 giờ tối, khí trời mát mẻ, tâm của tôi và của thính giả đều ổn định, không nôn nao nghĩ đến chuyện ra về. Hôm đó bác sĩ Huyến giới thiệu tôi, em Đoan ngồi ghi âm, có độ 80 Phật tử ngồi chăm chú nghe.

 vbTôi đờn bài Nam xuân theo hai phong cách, trước tiên đờn bình thường cho thính giả thưởng thức âm điệu rồi mới đờn với thiền vị và thính giả đã lắng nghe với thiền tâm. Buổi nói chuyện về âm nhạc Việt Nam hôm đó kết quả rất tốt.

Không ngờ hai năm sau cũng tại ngôi chùa này, tôi dự lễ thất tuần cầu siêu cho em Đoan.

Trích Hồi ký Trần Văn Khê (Phương Nam phát hành)

**************

Kỳ 12: Họa vô đơn chí

GS TRẦN VĂN KHÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên