Phóng to |
Bà Nguyễn Thị Bình ký tặng bạn đọc tại buổi giao lưu - Ảnh: T.Huệ |
Không có nhiều cơ hội để độc giả yêu sách có dịp gặp gỡ những nhà ngoại giao, giáo sư tên tuổi - những người đồng nghiệp, đồng chí đã từng làm việc, gắn bó với vị nữ bộ trưởng ngoại giao đầu tiên của Việt Nam - bà Nguyễn Thị Bình, vậy nên sự có mặt của bà Tôn Nữ Thị Ninh, giáo sư Chu Hảo, giáo sư Trần Văn Khê, nhà văn Nguyên Ngọc cùng những câu chuyện “hậu trường” ít ai biết về bà Nguyễn Thị Bình đã khiến cho nhà sách Phương Nam dường như quá tải: người có tuổi, người trẻ măng, người còn là SV, người đã từng giữ những chức vụ lớn...
Ở tuổi 86, nguyên phó chủ tịch nước vẫn giữ được vẻ điềm đạm, minh mẫn và tự tin trong giao tiếp như ngày nào. Tại buổi giao lưu, bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ cuốn hồi ký được bà viết và hoàn thành trong hai năm 2007-2009. Bà cho biết sở dĩ cuốn hồi ký được viết khá lâu như vậy vì có những chuyện bà có ghi chép lại, nhưng cũng có những chuyện nhớ trong đầu nên khi nhớ ra thêm câu chuyện nào bà lại bổ sung câu chuyện đó.
Bà nói rằng trong cuốn hồi ký có những câu chuyện bà rất đắn đo có nên kể hay không, có lợi gì cho bạn bè, nhân dân, đất nước hay không.
Bà Nguyễn Thị Bình cũng bộc bạch cuốn hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước trước hết như một tư liệu để lại cho con cháu với tư cách là một người bà, một người mẹ. Ngoài ra cuốn hồi ký còn chuyển tải những bài học bổ ích cho thế hệ sau.
Hơn nữa qua cuốn hồi ký, bà muốn tri ân đến đồng chí, đồng bào đã hi sinh xương máu đem lại hòa bình độc lập cho đất nước. Đặc biệt bà muốn tri ân đến bạn bè quốc tế đã đóng góp không nhỏ cho thắng lợi của đất nước.
Trong trí nhớ của nhiều người, hình dung về Nguyễn Thị Bình là một nhà chính trị duyên dáng trong tà áo dài truyền thống đi khắp bốn bể năm châu, sắc sảo, thông minh trong giọng điệu khi đề cập đến những vấn đề chiến lược… Nhưng gốc rễ của Nguyễn Thị Bình, “điều kiện” then chốt để bà trở thành một con người được quý mến khắp nơi có lẽ chính vì xuất thân lao động của bà.
“Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã được bố mẹ dạy cho một lí lẽ đáng quý của cuộc sống: đã đi xe đạp, dù là con trai hay con gái đều phải biết sửa xe! Sự giáo dục ấy đã khiến cả đời bà luôn gắn bó với nhân dân, với tư cách một người lao động bình thường như tất cả mọi người” - nhà văn Nguyên Ngọc, người chịu trách nhiệm hiệu đính tập sách này, chia sẻ.
Phóng to |
Nhiều bạn đọc xếp hàng để nhận chữ ký của bà Nguyễn Thị Bình - Ảnh: T.Huệ |
Người ta nhắc nhiều đến bà với sự ngưỡng mộ tài ngoại giao xuất sắc, nhưng Nguyễn Thị Bình còn được nhắc đến với những “giai thoại”… Giáo sư Chu Hảo đã khiến tất cả khán giả vỗ tay nhiệt liệt khi kể lại câu chuyện về sự tinh tế của vị nữ bộ trưởng. “Ấy là khoảng năm 1999, khi tôi, bà Tôn Nữ Thị Ninh và bà Bình có buổi đàm phán với Pháp. Buổi sáng trước khi đến gặp các nguyên thủ Pháp, ba chúng tôi có rủ nhau đi ăn phở. Và khi ăn xong, bà Bình có nhờ tôi “Nói Ninh cho chị mượn bình nước xịt thơm tay, sợ vừa ăn phở xong, sẽ có mùi nước mắm, mà thể nào khi đến gặp, họ cũng sẽ hôn tay chị!”. Lúc đó tôi và bà Ninh vẫn chưa hiểu lắm, cứ làm thôi, nhưng quả nhiên khi đến gặp các vị nguyên thủ Pháp, việc đầu tiên họ làm là cúi xuống hôn tay chị Bình. Chúng tôi lúc đó chỉ biết nháy mắt nhìn nhau, cười cho sự tinh tế quá mức của người phụ nữ này!”
Như nhan đề Gia đình, bạn bè và đất nước, tập hồi kí là những câu chuyện ly kỳ về một người phụ nữ nhỏ nhắn, đặc biệt, người phụ nữ đã phải dằn lòng xa con nhỏ nhiều năm trời, xa chồng đến 9 năm biền biệt để phục vụ cho công tác trên mặt trận ngoại giao cam go của mình. Bà bảo “Ở xa nghe vùng con đang ở có bom đạn dữ dội mà bồn chồn không yên. Nhưng nghĩ lại, sự hi sinh của tôi không phải là cá biệt, biết bao bà mẹ Việt Nam khác thời điểm đó cũng chấp nhận vậy thôi. Tự mình phải giải quyết tư tưởng cho mình mới có thể chuyên tâm phục vụ đất nước!”.
Tại buổi giao lưu, bà Nguyễn Thị Bình đã rất xúc động khi nghe lại ca khúc Plaisir d'Amour do ca sĩ Nana Mouskouri thể hiện. Đây là một bài hát quen thuộc mà bà hầu như nghe mỗi ngày trong suốt thời kỳ hoạt động ở Pháp với vai trò trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận Giải phóng cũng như trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Phóng to |
Bà Nguyễn Thị Bình (giữa) và nhà văn Nguyên Ngọc (trái) tại buổi giao lưu - Ảnh: M.Trang |
Buổi giao lưu kéo dài đến gần 3 giờ đồng hồ nhưng tất cả độc giả đều nán lại đến cùng để mong có được chữ ký của bà! Bà hạnh phúc nói trong khi tay liên tục ký tặng “Cám ơn mọi người đã thương yêu, đến đây và trò chuyện cùng với tôi!”.
Trước đó, ngày 12-6, bà Nguyễn Thị Bình đã có buổi giao lưu với bạn đọc Hà Nội để giới thiệu cuốn hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước.
Bà Nguyễn Thị Bình tên thật là Nguyễn Thị Châu Sa, là cháu ngoại của cụ Phan Chu Trinh (mẹ bà là con gái thứ hai của cụ tên Phan Thị Châu Lan). Bà Nguyễn Thị Bình từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nguyên là Phó Chủ tịch nước cộng hòa XHCN Việt Nam, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam… Bà cũng là người phụ nữ duy nhất đại diện cho Việt Nam tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình tại Paris trong giai đoạn 1968-1973. Bà là một trong những người đại diện các bên ký hiệp định Paris năm 1973 và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận