Kim Cương trong một vở diễn - Ảnh tư liệu |
Đôi dép râu vô giá
Đó là năm 1978, lúc tình hình biên giới Tây Nam trong giai đoạn chiến tranh ác liệt với Pôn-Pốt. Trong dịp tết, tôi cùng một số anh em nghệ sĩ đi với ông Bí thư Vũ Đình Liệu (biệt danh chú Tư Bình) thăm các tân binh của thành phố đang đóng quân ở đơn vị gần biên giới.
Qua các lối mòn gập ghềnh lởm chởm những hố bom, đoàn phải bỏ xe để đi bộ. Vì không lường trước, tôi đã mang một đôi giày có gót khá cao nên băng rừng rất khổ sở.
Lúc đó có một em bộ đội trẻ thấy thế liền cởi đôi dép râu của mình ra đưa cho tôi và nói: “Chị lấy mà đi cho đỡ đau chân”.
Tôi mừng quá nhận đôi dép râu mang vào chân và nói cảm ơn anh bạn trẻ. Trên đường đi, em vui vẻ tán chuyện với tôi đủ điều. Có lẽ xa nhà lâu ngày nên gặp được người ở thành phố lên, các em như tìm được chút hơi ấm gia đình.
Khi đã vào đơn vị, chúng tôi lo chuẩn bị dàn dựng một sân khấu dã chiến để diễn cho anh em bộ đội xem. Lúc ấy trời đã xế chiều, các anh em ngồi xem chúng tôi diễn rất chăm chú. Nhưng vì đây là vùng tuyến đầu nên bọn Pôn-Pốt luẩn quẩn xung quanh rất nhiều, anh em vẫn phải thay phiên nhau canh gác cẩn thận.
Tôi để ý thấy Ngọc, anh bộ đội trẻ lúc sáng tặng tôi đôi dép râu, ngồi ngay hàng đầu sát bên cạnh chỗ tôi đang diễn. Ngọc thích thú theo dõi tiết mục, đôi mắt sáng, khuôn mặt rạng rỡ hồn nhiên và đầy sức sống. Bỗng có người khều vai Ngọc.
Em đứng dậy, lại bên tôi nói nhỏ: “Tới phiên gác của em rồi, em ra một lát rồi sẽ vô coi tiếp”. Tôi cười, vẫy tay chào em. Mười lăm phút sau người ta khiêng Ngọc vô, máu ướt đẫm ngực áo.
Một tên Pôn-Pốt đã chờ sẵn trong rừng và bắn tỉa trúng em. Nhìn gương mặt như trẻ thơ đang nằm bất động, cũng gương mặt này mấy phút trước đây còn tràn đầy sức sống và lạc quan.
Sao cái chết đến quá dễ dàng như vậy, tôi sửng sốt, lặng người đi, không nói được lời nào và cũng không khóc được. Vĩnh viễn tôi sẽ không bao giờ còn được hát để cho em coi nữa. Và vĩnh viễn tôi không bao giờ còn cơ hội trả lại đôi dép râu cho em.
Bây giờ tôi vẫn còn giữ đôi dép ấy. Đối với tôi, đó là món quà vô giá, nó cao quý hơn tất cả những món quà mà tôi đã nhận được trong cuộc đời nghệ sĩ của mình.
Từng đêm diễn của tôi sau đó, ngoài diễn cho khán giả trước mặt đang khóc đang cười, tôi còn phải diễn thật đẹp, thật chân tình cho một khán giả vắng mặt từ rất lâu rồi, đó là em bộ đội trẻ đáng thương của tôi.
Bài học từ một trại phong
Có một lần, đoàn đang diễn ở Quy Nhơn, có một ma-sơ đang phụ trách trại phong Quy Hòa cách đó mười mấy cây số đến gặp tôi. Sơ tha thiết cho biết:
“Các bịnh nhân ở trại phong là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất trong cuộc đời. Ngoài bệnh tật, họ còn phải chịu đựng những thành kiến, dư luận của xã hội.
Họ thiếu tất cả, từ tinh thần đến vật chất. Thỉnh thoảng họ được xem vài vở kịch của đoàn Kim Cương trên truyền hình, họ rất xúc động.
Nay nghe cô về Quy Nhơn, họ nhờ tôi đến mời cô vào thăm trại một chuyến để họ được nhìn tận mặt thần tượng của mình”.
Câu nói đó làm tôi bồi hồi. Tôi nắm tay sơ và nói:
- Chẳng những con sẽ vào thăm các bịnh nhân trong ấy mà con sẽ đem cả đoàn vào đó diễn để cho cả trại cùng coi.
Bà sơ trố mắt nhìn tôi, tưởng tôi nói đùa. Nhưng khi nhận ra vẻ xúc động trên mặt tôi, bà hiểu rằng tôi nói thật. Tuy vậy bà cũng chưa dám tin. Bà hỏi lại:
- Nhưng các anh em khác trong đoàn có chịu đi không?
Tôi đáp liền:
- Để con thu xếp.
Nhưng chuyện ấy không phải là dễ. Có một số anh chị em vì chưa hiểu về bệnh phong nên tỏ ra ngần ngại. Họ nói:
- Tình cảm với các bịnh nhân thì tụi em cũng có, nhưng tụi em sợ bị lây bệnh lắm chị Hai ơi.
Tôi không trách họ vì đó cũng là nỗi lo rất dễ cảm thông. Tôi đành phải mời một bác sĩ đến “đả thông” những lo ngại của anh em và cắt nghĩa bệnh phong không dễ lây lan như vậy, lúc đó anh chị em mới yên lòng.
Vì trong trại không có hội trường, chúng tôi phải lấy cái bục của trạm y tế làm sân khấu, các bịnh nhân phải ngồi xem ngoài trời. Vì vậy phải chờ hết nắng, khoảng 7 giờ tối, đêm diễn mới bắt đầu được.
Thế mà mới chỉ 5 giờ chiều, tôi đã thấy các bịnh nhân ngồi đầy trong khoảng sân rộng chờ đợi. Trên những khuôn mặt bị tàn phá ấy ánh lên niềm vui thơ ngây như con trẻ.
Trong lúc ấy thì anh chị em trong đoàn sửa soạn một cách lặng lẽ, một không khí yên ắng chưa bao giờ có được trong hậu trường của đoàn. Ngay như những người “quậy” nhất hôm ấy cũng im re.
Các sơ đem nước ngọt, bánh trái ra mời nhưng không ai dám đụng tới, ai cũng cười một cách rất nhã nhặn và nói: “Cảm ơn, con không đói, không khát đâu...”.
Tội nghiệp cho anh chị em. Họ lo, nhưng họ cũng hát hết mình. Khán giả bịnh nhân ngồi im phăng phắc, họ chăm chú xem rồi họ khóc, họ cười dễ dàng. Giữa chừng tôi phát hiện ra một cô ca sĩ không gắn lông mi. Tôi hỏi: “Sao em làm mặt qua loa vậy?”.
Thật không ngờ, cô ấy đáp: “Trời ơi, hát cho cùi coi mà gắn lông mi làm gì”. Tôi thật không thể chấp nhận được những người từng ca ngợi cái đẹp, lòng nhân đạo của cuộc đời, những người đã hát “quê hương là chùm khế ngọt” một cách tha thiết như thế lại không hề có chút lòng trắc ẩn nào đối với những đồng bào đáng thương kia. Đây cũng là dịp để chúng tôi nhìn lại lòng trắc ẩn của người nghệ sĩ đối với cuộc đời.
__________
Kỳ tới: Sống là chọn một con đường
Và con đường nghệ sĩ Kim Cương đã chọn là ở lại đất nước sau ngày 30-4-1975. Nhưng vất vả đi qua những lời thêu dệt là thượng tá tình báo hay 30 năm tuổi Đảng...
Xem các bài trước:
Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 1: 18 ngày tuổi và vai diễn đầu đời
Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 2: Khóc cho kiếp cầm ca
Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 3: Ba tôi - Người hậu tổ
Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 4: Vào nghiệp cầm ca
Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 5: Làm điều không tưởng
Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 7: Tình yêu đầu tiên
Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 8: Một tình yêu kỳ dị!
Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 10: Con trai bị bắt cóc
Hồi ký Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 13: Nước mắt cuộc đời
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận