Giao hàng nhanh và hỗ trợ phí giao hàng là một trong những yếu tố quan trọng để kéo khách mua hàng online - Ảnh: MỸ YẾN
Và đây là cơ hội cuối cùng để các sàn tăng tốc, cán mốc doanh số đề ra trong một năm đầy biến động vì dịch COVID-19. Thực tế cho thấy đại dịch đã không giúp các sàn thương mại điện tử (TMĐT) kiếm bộn tiền như đồn đoán, mà đẩy cuộc cạnh tranh trên thị trường này ngày càng khốc liệt hơn. Các cách thức giảm giá, giao hàng nhanh vẫn chưa đủ, người tiêu dùng vẫn cần tạo được niềm tin chất lượng hàng hóa.
Có tiếng nhưng không có miếng?
Khởi đầu quý 4-2020, dịp mua sắm trực tuyến ngày 10-10 diễn ra trong không khí khá trầm lắng. Sau một thời gian giãn cách, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng đã đa dạng trở lại, thay vì tập trung các mặt hàng thiết yếu và sản phẩm chăm sóc sức khỏe như trước đây. Nhiều người kinh doanh hàng online cho biết người tiêu dùng khá cân nhắc trong chi tiêu trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cạnh tranh giữa các sàn TMĐT trở nên gay gắt.
Anh Thanh Tùng - một người kinh doanh hàng điện tử online - cho biết vào thời điểm này năm ngoái, nhiều người sẵn sàng thức đêm, chờ đợi giờ mở bán từ lúc 0h để săn hàng giảm giá, nhiều món hàng giá trị 3-5 triệu đồng tiêu thụ nhanh, nhưng hiện tượng này đã không xảy ra trong ngày 10-10 vừa qua. "Dịch đã tác động đến túi tiền của nhiều người, chưa kể việc hạn chế đi lại cũng khiến nhu cầu mua sắm giảm rõ" - anh Tùng nói.
Ông Richard Triều Phạm - giám đốc tài chính Tiki - cho biết nhiều người nghĩ rằng TMĐT tăng trưởng mạnh trong mùa dịch nhưng chỉ đúng một phần. COVID-19 thúc đẩy TMĐT phát triển nhanh hơn nhưng mảng này vẫn chỉ chiếm phần nhỏ giá trị của thị trường bán lẻ. Trong khi đó, thị trường bán lẻ ghi nhận sụt giảm nhất định kể từ đầu năm, thậm chí sau nhiều năm.
"Trong hơn 9 năm qua, sàn TMĐT này luôn tăng trưởng 3 con số, dao động trong khoảng 100-150%/năm, nhưng năm nay Tiki chỉ có thể ở mức hai con số dù nhìn trong trung và dài hạn triển vọng ngành vẫn lạc quan" - ông Richard nói, đồng thời cho biết chỉ trong khoảng 2 tháng gần đây thị trường bán lẻ mới hồi phục nhẹ trở lại.
Dịch bệnh khiến người tiêu dùng hạn chế những khoản chi tiêu không cần thiết và ưu tiên những sản phẩm giá rẻ. Số liệu công bố của Bộ Công thương cho thấy tốc độ tăng trưởng về doanh thu của TMĐT trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 ước giảm khoảng 6% dù số lượng giao dịch tăng 25%, chủ yếu do các mặt hàng giao dịch TMĐT giai đoạn COVID-19 có giá trị thấp, TMĐT Việt Nam tăng trưởng nóng với những mặt hàng không phải chủ lực.
Giám đốc kinh doanh một hệ thống thực phẩm sạch lý giải rằng một phần vì Việt Nam nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường mới, quy định giãn cách xã hội được dỡ bỏ. Ngoài ra, thói quen tiêu dùng của người Việt với nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn thích đến các chợ truyền thống, siêu thị để lựa chọn. Theo nhận định của các doanh nghiệp bán lẻ, những khó khăn của thị trường bán lẻ hiện đối mặt dưới tác động của đại dịch COVID-19 là sức mua và doanh số sụt giảm, sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng, sự thiếu hụt nguồn vốn kinh doanh và đứt gãy chuỗi cung ứng.
Nền tảng triển lãm trực tuyến của chúng tôi đã thu hút khoảng 80 showroom định dạng thực tế ảo tham gia, trong đó có nhiều đơn vị đã bán được hàng xuyên biên giới dù không hề tiếp xúc. Người bán hàng online đã thích ứng với bối cảnh mới...
Ông Nguyễn Chánh Phương (phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM)
Nhiều "kịch bản" để kéo người mua
Để kéo sức mua cuối năm, ngay từ cuối tháng 10, các sàn TMĐT đã đua nhau tung ra các chiến dịch mua sắm lớn nhất năm. Trong mùa mua sắm cuối năm 2020, người mua được cam kết sẽ nhận được các chương trình ưu đãi lớn. Ngoài giảm giá trực tiếp, nhiều sàn TMĐT lựa chọn cách tặng mã giảm giá để trong cùng một đơn hàng, khách có thể sử dụng được một lúc các mã cho từng dịch vụ riêng: mã giảm phí vận chuyển, mã giảm giá sản phẩm của người bán, của sàn...
Đại diện sàn TMĐT Sendo cho biết phí vận chuyển được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu để kích thích hành vi mua sắm của người dùng. Giảm giá vận chuyển một phần có thể tăng khả năng mua hàng tới 50% và hoàn toàn miễn phí vận chuyển có thể tăng gấp đôi (100%) tỉ lệ chuyển đổi mua hàng của người dùng. "Chúng tôi khuyến nghị người bán hàng có các chương trình đồng hành với sàn để giảm tối đa chi phí vận chuyển cho người mua" - đại diện sàn TMĐT này nói.
Đại diện Lazada cũng thừa nhận các mã miễn phí vận chuyển luôn được người tiêu dùng thu thập nhiều nhất. Trong khi đó, Tiki ổn định với chính sách giao hàng đúng hẹn trong thời gian diễn ra dịch, các chương trình miễn phí vận chuyển, đảm bảo trải nghiệm mua sắm xuyên suốt nhờ vào dịch vụ giao nhận nhanh chóng. Ngoài ra, các sàn cũng hỗ trợ người bán công cụ livestream (phát trực tiếp) bán hàng, giao hàng nhanh chóng... tăng tương tác với người dùng.
Tuy vậy, theo nhiều người tiêu dùng, các sàn TMĐT vẫn phải giải quyết lòng tin vì rủi ro mua hàng kém chất lượng, giao dịch lừa đảo... khi mua hàng online vẫn nhan nhản. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, phó chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom), cho biết trong mùa dịch, số lượng nhà bán hàng tham gia kinh doanh sàn TMĐT cũng tăng mỗi ngày để phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, việc kiểm soát nguồn gốc hàng hóa, giám sát cam kết chất lượng của nhiều đơn vị chưa chặt chẽ tương ứng.
Thực tế cho thấy không ít nhà kinh doanh đã lợi dụng TMĐT để bán hàng giả, nhập lậu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, Bộ Công thương đã xử lý hàng loạt hệ thống bán hàng kém chất lượng như hệ thống Ansan Cosmetics, website Kagawa.vn và Minhchay.com...
Cơ quan này cũng đã yêu cầu các sàn giao dịch TMĐT rà soát, gỡ bỏ tổng số hơn 223.000 gian hàng và hơn 1 triệu sản phẩm, qua đó đã xử lý trên 30.000 gian hàng với gần 48.000 sản phẩm vi phạm.
Tăng trưởng có thể chậm lại trong ngắn hạn
Theo Bộ Công thương, với kịch bản dịch bệnh được kiểm soát như hiện nay, tốc độ tăng trưởng về doanh thu của TMĐT trong quý 4 có thể đạt 20%, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ ước đạt 12 tỉ USD.
Tuy nhiên, nếu dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, sức tiêu dùng của người dân chậm, khả năng quy mô thị trường TMĐT bị tác động lớn, ước đạt 11 tỉ USD, giảm 2,6 tỉ USD, và tốc độ tăng trưởng doanh thu TMĐT bán lẻ chỉ đạt 13%. Dù có nhiều nghi ngại về tăng trưởng của TMĐT trong năm nay nhưng xu hướng kinh tế không tiếp xúc vẫn tiếp tục lên ngôi ngay trong và sau đại dịch. Đây là điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp tiếp tục lạc quan về thị trường này.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, với nền kinh tế không tiếp xúc, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tiếp xúc với chi phí thấp hơn, có thể hiểu khách hàng rộng hơn, rõ hơn, biến đó thành những dự án cụ thể để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận