14/12/2021 12:50 GMT+7

Hồi hộp mùa 'hái tiền' lan Trần Mộng

VŨ TUẤN - DIỆU QUÍ
VŨ TUẤN - DIỆU QUÍ

TTO - Lan Trần Mộng có giá mỗi chậu lên đến vài triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng, đang vào mùa "hái tiền" dịp Tết. Nhưng năm nay dịch giã triền miên khiến giấc mộng tiền tỉ của các chủ vườn có cả 'giấc mị' đầy bất an.

Hồi hộp mùa hái tiền lan Trần Mộng - Ảnh 1.

A Tố dựng lán đơn sơ bên mép vực để mong kiếm tiền nhờ lan Trần Mộng - Ảnh: DIỆU QUÍ

Từ ngày biết mang cây địa lan nổi tiếng đi tránh rét để hoa nở đúng dịp Tết mà "hái tiền" khách chơi hoa, A Tố lại sống tạm bợ như những ngày nghèo khổ, mang gạo muối đi làm nương rừng.

Chăm cây lan 3, 4 năm rồi mới được mang đi bán, sống trọ ở lán hai tháng, đói rét cũng phải cố để bán lấy tiền mùa Tết.

Vàng A Tố

Ông chủ đưa lan đi... ở trọ

Căn lán nhỏ dựng bằng mấy cây tre chơi vơi bên taluy lợp bằng bạt nhựa chỉ đủ chỗ rải manh chiếu và kê đá làm bếp. Những ngày giá rét, cái bếp cũng là chỗ sưởi ấm cho những "phu địa lan" vùng cao này.

Người trồng lan Trần Mộng nổi tiếng ở Sa Pa (Lào Cai) thu cả trăm, thậm chí hàng trăm triệu mỗi vụ lan Tết. Cứ khi gió lạnh về, những ông chủ vườn phải thuê đất, dựng lán ở ven đường, bìa rừng đưa cả vườn lan đi "ở trọ".

Gần một tháng trước, cơn mưa sương đầu mùa vượt qua Ô Quý Hồ lao thẳng xuống Tả Phìn cũng là lúc anh chàng người Mông bỏ cái cuốc vào hốc đá trên nương, tất tả chạy về đưa vườn địa lan đi tránh rét. 

Nhà A Tố ở bản Lủ Khấu, xã Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai), bản người Mông nằm sát chân núi đón những đợt sương giá đầu tiên. Tố thuê xe tải chở gần 50 chậu địa lan nổi tiếng đắt tiền xuống xã Tòng Sành (huyện Bát Xát, Lào Cai) tránh rét.

Anh thuê một mảnh đất một bên là quốc lộ 4D, một bên là taluy âm sâu như vực. Cái rét năm nay ngang ngược như con trâu say đòn. Đầu mùa đám đào rừng đã nở bung trên núi, người trồng lan nhìn trời thở phào, tưởng sẽ không phải đưa lan đi tránh rét sớm thì sương muối ập về.

Hơn 80 hộ dân ở Lủ Khấu, chủ yếu là người Mông và người Dao, lũ lượt thuê đất, dọn vườn, đưa lan đi tránh rét như người dưới xuôi gặt lúa chạy lũ. Lan Trần Mộng là một loài địa lan đắt đỏ nổi tiếng ở Sa Pa. 

Gần Tết, khách mua cứ đếm hoa tính tiền, có thời điểm người ta trả giá cho mỗi nhành hoa 1 triệu đồng, thậm chí hơn. Có chậu đẹp, người ta trả giá đến 3 triệu mỗi nhành hoa. Chậu lan vào chục nhành hoa là cả xấp tiền dày.

Nhà A Tố có hơn 300 chậu lan Trần Mộng, tính sơ sơ anh chàng người Mông này có khối tài sản của một tỉ phú. Vài mảnh nương mỗi năm thu không nổi 30 bao thóc, A Tố trông cả vào những chậu địa lan.

Ở "rốn rét" của Sa Pa - Tả Phìn, cứ gặp sương giá, mưa tuyết là hoa Trần Mộng cứng đanh lại như đá núi, không chịu nở. 

Nếu nuôi lan ở Tả Phìn thì sau Tết một tháng hoa mới nở, rồi cứ tươi mãi, thơm ngất ngây đến khi con nước về trên ruộng bậc thang mới chịu tàn, mùa bán buôn bội thu dịp Tết đã qua mất rồi.

Hơn chục năm trước, người Tả Phìn trồng lan Trần Mộng nhiều, nhưng chỉ vài người biết mang lan về vùng thấp để hoa nở đúng dịp Tết. Người Mông ở Tả Phìn cũng trồng địa lan nhưng chỉ trồng làm giống rồi bán lại cho người Dao, người Kinh mang đi bán Tết.

Bán giống giá rẻ, có khi cả trăm gốc lan không mua nổi một con nghé. Dần dần, người ở những bản xa của Tả Phìn cũng biết cách để địa lan nở vào dịp Tết. A Tố cho hay anh thuê miếng đất bên đường hơn 2 triệu đồng cho một đợt, khi nào bán hết lan thì trả đất. Nhà chủ cho kéo dây điện để thắp sáng, sạc điện thoại, nước tự dẫn trên khe núi về.

Hồi hộp mùa hái tiền lan Trần Mộng - Ảnh 3.

Lan Trần Mộng nổi tiếng ở Sa Pa nở 2, 3 tháng mới tàn - Ảnh: VŨ TUẤN

Nhọc nhằn với chậu lan nổi tiếng

Người cùng bản với A Tố là Giàng A Câu cũng phải "ở trọ" lề đường để chăm lan. A Câu có đến gần 600 chậu lan Trần Mộng, thuê bãi đất ở Tòng Sành cả chục triệu mỗi tháng. Anh em nhà A Câu chung bãi đất, dựng lều, căng lưới chống sương muối rồi chuyển những chậu lan đẹp nhất về đây chờ khách.

Ba nhà, ba anh chị em thay nhau vừa trông coi vừa chăm sóc vừa tiếp tế đồ ăn cho những người "ở trọ" ven đường. A Câu chia sẻ: "Năm ngoái mình cũng thuê chỗ này. Bán lan được 100 triệu đồng, đến mãi ngày 29 Tết mới về".

Từ ngày biết ghép gốc địa lan thành chậu lớn, A Câu không còn lên rừng làm nương như trước kia. Tháng ba dọn vườn, tháng năm ghép gốc. Sau mùa đổ nước ruộng bậc thang, đến tháng chín lại tách nhánh cho địa lan. Tháng mười một lại khăn gói cùng vườn lan đi "ở trọ" đến Tết mới về.

Trước đây, người ta trồng lan Trần Mộng bằng đất mùn trong khe đá. Ngày nay, các chậu địa lan sống hoàn toàn bằng phân trâu ủ hoai. Anh chủ vườn Vàng A Tố nửa đùa nửa thật gọi những chủ vườn lan là "triệu phú bốc phân".

Đã vậy, chăm lan còn phải biết xem thời tiết. Người Mông chăm cây ngô trên nương cũng có cái đài rađiô bên cạnh để nghe thời tiết. Người trẻ như A Câu, A Tố biết xem cả các phần mềm thời tiết trên điện thoại thông minh. 

Nắng gắt một tí thì cây còi cọc, cháy lá, còn mưa dầm vài hôm lại nấm mốc hại thân. Lo nhất là những cơn mưa bất chợt. Mưa ở Sa Pa mang cái lạnh thấu xương. Đang nắng hễ gặp mưa là người ốm, cây lan cũng ốm. Rồi đến khi lan ra hoa, nếu không đủ phân cho cây "ăn" thì hoa ít, cho nhiều thì thối rễ. Gặp lạnh nụ hoa đanh lại, cứng như mẩu gỗ lũa trong rừng già không chịu nở hoa.

Lan Trần Mộng khó tính nhưng khi nở lại tươi lâu đến vài tháng. Cái hương thơm thoang thoảng, ngây ngất của lan cũng khiến người ta mê mẩn. Vườn của A Câu có những chậu vài chục nhành hoa, mỗi nhành dài bằng cả sải tay người lớn. 

Anh từng bán một chậu mua được cả con trâu tốt. Vườn lan đang "ở trọ" với A Câu đã có nhiều người đến xem, đa số là khách buôn. Họ muốn trả giá rẻ khi lan chưa nở hoa và đợi đến gần Tết hoa nở đẹp họ bán lại với giá đắt.

Những ông chủ đưa lan đi... "ở trọ" như A Tố, A Câu không đêm nào được ngủ no cái mắt. Thỉnh thoảng họ lại phập phồng bật dậy, soi đèn pin, lật từng kẽ lá, xem kỹ từng chồi hoa để bắt con bọ nửa đêm ăn trộm mầm hoa. Nếu không bắt, chỉ cần vài vết cắn, công sức mấy năm trời chăm chút chậu địa lan bạc triệu như ném muối xuống dòng suối lũ.

Giấc mộng làm giàu với lan Trần Mộng cũng trĩu đầy nỗi lo.

Người giấu cây lan quý

Ông Lý Phụng Hang, ở thôn Tả Chải (xã Tả Phìn) được xem là người Dao đầu tiên ở đây mang cây lan Trần Mộng từ rừng về trồng làm cảnh. Ông Hang năm nay đã hơn 70 tuổi, có 9 người con. Gia đình con cái nhà nào nhà nấy khá giả từ cây địa lan.

Khoảng 30 năm trước, ông Hang làm nghề hái thuốc, tìm lan rừng mang ra chợ bán. Cứ cây lan nào đẹp ông lại trồng dưới tán rừng sau nhà. Ngày ấy một giò lan đẹp cũng đổi được yến gạo, cân thịt.

Người ta mua lan của ông Hang rồi nhân giống bán cho khách du lịch. "Lần ấy tôi thấy cây lan đẹp quá, chùm hoa dài, màu xanh, lại thơm nên giữ lại, ai hỏi cũng không bán. Về tôi trồng được, nhân giống, sau này mới biết là cây lan Trần Mộng" - ông Lý Phụng Hang chia sẻ.

Bây giờ dưới tán rừng sau nhà ông Hang luôn có vài trăm chậu địa lan. Ông tiết lộ có gần 100 loại khác nhau. Riêng địa lan Trần Mộng có hơn chục loại, từ loại hoa màu xanh ngọc, vàng chanh đến tím hồng.

Gần chục chậu lan Trần Mộng loại quý nhất ông giấu kỹ trong vườn là loại ra hoa kép. Mỗi gốc ra 2 nhành, dài bằng cả sải tay. Lái buôn trả ông 3 triệu đồng mỗi nhành hoa, đếm hoa tính tiền nhưng ông nhất định không bán.

Trồng địa lan rừng bán tết, bản Mông thu về tiền tỉ Trồng địa lan rừng bán tết, bản Mông thu về tiền tỉ

TTO - Dẫn du khách vào thăm bản Sin Suối Hồ, trưởng bản Vàng A Chỉnh khoe bán một chậu địa lan cũng 4 - 5 triệu đồng, tính ra bằng nửa tấn thóc. Riêng năm 2019, cả bản thu được trên 2 tỉ đồng nhờ bán địa lan rừng.

VŨ TUẤN - DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên