Phóng to |
Mùa đông Sarajevo của Lý Quí Chung |
Ở phương Tây đã từng có một Churchill, cựu thủ tướng lừng danh của nước Anh thời đệ nhị thế chiến, một Antony Quinn ngôi sao điện ảnh lừng lẫy mà không ai quên được ông trong vai thằng gù nhà thờ Đức Bà, một Mailes Davis, nghệ sĩ một thời chơi kèn trompett nổi tiếng thế giới và còn nhiều nữa, ngày nay tranh của họ là vô giá.
Riêng Việt Nam chúng ta, những Văn Cao, Trần Dần, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, âm nhạc và thi ca của họ đã trở nên bất tử, nhưng cuối đời họ đã chọn hội họa để làm con đường trở về với chính mình.
Cũng như thế, hiện nay có nhà biên kịch Phan Vũ, tài tử điện ảnh nổi tiếng Trà Giang, nhà báo lớn Lý Quí Chung, cải lương đệ nhất chi bảo Bạch Tuyết, nhà thơ Đỗ Trung Quân và không thể không nhắc đến hai vị bác sĩ nổi tiếng trong giới y học Việt Nam - Trương Thìn và Thân Trọng Minh, tất nhiên danh sách này còn dài và không có đoạn kết.
Mỗi người trong số họ đều có một sự nghiệp riêng rất đáng mơ ước, thế mà hội họa lại là kẻ khép lại cánh cổng cuộc đời của họ. Điều thắc mắc và luôn trở thành câu hỏi của công chúng là nhạc sĩ, bác sĩ, nhà báo… mà cũng vẽ được sao ?
Vẽ khó lắm, người ta phải học cả 4-5 năm trời ở trường Đại học Mỹ thuật sau một kỳ thi tuyển thật khó mới thành hoạ sĩ, mà chưa chắc đã nổi tiếng. Các vị này đâu có học vẽ, như thế thì tranh của họ ra sao ? Chắc là sở thích riêng thôi.
Phóng to |
Tranh Trịnh Công Sơn |
Cuộc đối thoại giữa tác phẩm và người xem thường diễn ra trong sự im lặng của cả hai phía, thậm chí cả hai đều không hiểu được nhau ngay, mà cần kéo dài cuộc nói chuyện bên ly rươụ đến giữa khuya để rồi sau đó bức tranh đầy màu sắc đã đưa giấc ngủ của người xem chìm vào cơn mơ.
Nhiều ngành nghệ thuật khác là sự ra đi, riêng hội họa là chốn để quay về. Âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, thi ca đã cuốn ngưòi sáng tác đi về phía khán giả, người nghe, kẻ đọc. Họ suốt một thời gian của thanh xuân đã phải vong thân cho cái Động. Càng thành công họ càng bị lôi đi xa khỏi bản thân mình. Khi giật mình thì đã “lau trắng trong tay”. Cái Tịnh lúc này là điều cần thiết và đó mới thật là thế giới của sự hóa giải bản thân, tu dưỡng và đắp bồi cho cái ngã đã hư hao, và không có gì khác hơn để giúp họ tìm lại được mình, chính là hội họa.
Tôi đã gần gũi Trịnh Công Sơn, Lý Quí Chung, Trương Thìn, Huy Tưởng… vào những tháng ngày họ đã thấm mệt và gần như đã hoàn tất sự nghiệp riêng, đã tìm đến hội họa như một địa đàng. Chỉ có nơi ấy mới cho họ những khoảnh khắc, thậm chí còn nhiều hơn để thoát khỏi vòng danh lợi, thoát khỏi những toan tính của công việc. Khi họ ngồi trước giá vẽ, đường nét và màu sắc sẽ đưa họ vào một cuộc phiêu bồng mà không có gì có thể đem đến cho họ một thứ hưng phấn có khả năng cải lão hoàn đồng.
Thế thì còn kỹ thuật hội họa thì sao ? Thật ra, những thứ rắc rối về kỹ năng hội họa chỉ để dành cho những người trẻ muốn trở thành sinh viên Mỹ thuật, hoặc để trở thành họa sĩ cho những công ty mỹ thuật.
Người châu Âu trong một cuốn sách tổng kết nền hội họa hiện đại của thế kỷ 20 đã đưa ra một kết luận rất đáng ngạc nhiên nhưng vô cùng chính xác: hội họa của thế kỷ 20 là hội họa của những họa sĩ tự học, cái năng khiếu không còn giữ vai trò quyết định cho một tác phẩm nghệ thuật. Cái mới lạ trong cảm hứng sáng tạo mới là cái cần thiết, mà điều này không phải ai cũng có, thậm chí rất là hiếm. Để vẽ được một cái ly, bình hoa, con người chẳng khác nào từ một phép tính cộng đến đại số rồi hình học không gian…
Tất cả đều có công thức , nhưng không bao giờ có công thức cho việc người ta vẽ về một nỗi buồn, một niềm hưng phấn, hoặc khái niệm về cái đẹp…
Viết nhạc, làm thơ hay vẽ tranh không khác nhau bao nhiêu, có khác chăng là khác hình thức ngôn ngữ. Mỗi loại hình ngôn ngữ đều có cách xử lý riêng. Văn Cao, Trịnh công Sơn từ viết ca khúc sang vẽ tranh chỉ là sự chuyện đổi hình thức ngôn ngữ, còn cái thế giới suy cảm của họ về sự vật và cuộc đời thì vẫn mãi mãi là Văn Cao, là Trịnh Công Sơn. Kỹ thuật vẽ của họ có thể không phức tạp, điêu luyện như Nguyễn Gia Trí hoặc Nguyễn Trung, nhưng bù lại họ có cái mà nhiều người mơ cũng không có: thiên tài.
Nhưng quan trọng hơn tất cả mọi thứ là điều họ có cơ hội để sống riêng cho mình, đã tìm lại được một Văn Cao cho Văn Cao, một Trịnh Công Sơn cho Trịnh Công Sơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận