Từng làm dựng phim cho một công ty giải trí trong hơn ba năm, Nguyễn Minh Anh (26 tuổi, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết dù không nằm trong số nhân sự bị cắt giảm hồi quý trước song anh đã xin nghỉ việc.
Trình độ cao cũng chật vật tìm việc
"Từ đầu năm đến giờ tôi thường xuyên bị chậm lương, thay vì nhận đầu tháng thì mấy tháng nay gần cuối tháng mới được nhận, có khi tách thành hai đợt nhận. Thu nhập cũng bị giảm nhiều, còn thưởng thì bị cắt từ sau dịch tới giờ.
Hơn một năm nay, công ty không đóng BHXH cho nhân viên, lên hỏi thì công ty nói trong tháng sẽ giải quyết nhưng rồi cũng không thấy đâu.
Tôi hiểu công ty gặp khó khăn nhưng thấy mình khó phát triển được, không đủ nuôi gia đình nên muốn tìm việc mới" - Minh Anh nói anh nghỉ từ tháng 5, theo anh thì lúc đã nghỉ công ty vẫn chưa trả đủ lương, hẹn cuối tháng 6 sẽ gửi đủ.
Từ đó đến nay, anh tận dụng các mối quen để nhận một vài việc tự do cũng với vị trí là dựng phim. Minh Anh thừa nhận hiện tình hình việc làm có khó khăn hơn so với trước kia, không dễ tìm được nơi phù hợp.
"Bữa giờ tôi có đi xin việc nhiều nơi, có nơi nhận nhưng lương khá thấp so với công ty cũ và cách nhà khá xa, còn nơi tôi định xin vào thì nghe nói nơi đó đang nợ lương 1-2 tháng nay", anh nói.
Theo anh, từ giờ tới cuối năm là bước vào mùa tuyển dụng để chạy dự án của các công ty truyền thông, do đó anh sẽ tích cực tìm kiếm nơi phù hợp để làm. Còn lúc này anh vẫn cố gắng nhận vài việc riêng lẻ và tiêu xài tiết kiệm trong lúc chờ tìm được việc mới.
Không chỉ nhân viên, ở cấp quản lý cao hơn cũng gặp trở ngại khi tìm việc trong thời điểm này.
Là trưởng phòng nhân sự một công ty tài chính của nước ngoài có văn phòng ở TP.HCM, anh Hồ Minh Hải (36 tuổi, ngụ phường 25, quận Bình Thạnh) cho biết hết tháng 6 anh chính thức thôi việc tại nơi đang làm bởi bất đồng quan điểm với cấp trên và một vài lý do cá nhân khác.
Một tháng nay, anh Hải một mặt gửi đơn xin nghỉ việc, mặt khác chủ động "rải" hồ sơ đến một số công ty tài chính và khách sạn cấp cao để ứng tuyển vị trí quản lý nhân sự. Có bằng thạc sĩ, giao tiếp được tiếng Anh và tiếng Hoa, cộng với kinh nghiệm nhiều năm làm ở mảng đào tạo nhân sự, anh Hải thừa nhận vẫn phải chật vật tìm việc.
"Tôi gửi CV xin việc tới 4-5 công ty, có chỗ gửi mail thông báo mình chưa phù hợp với tiêu chí tuyển của công ty, chỗ thì trao đổi qua điện thoại xong không phản hồi gì.
Có một nơi mình ứng tuyển vào thì lại nói công ty tái cấu trúc nên không tuyển nữa, trong khi trên web vẫn để bản tin tuyển dụng", anh Hải nói và cho hay do biết thị trường đang khó khăn nên cũng không thỏa thuận lương quá cao so với nơi cũ.
Ở công ty đang làm, anh nói mặc dù không bị giảm lương nhưng vẫn được đóng BHXH đầy đủ song bị cắt thưởng, công ty cũng không tổ chức team building do "tài chính khó khăn". Hiện anh đang sốt ruột tiếp tục tìm việc mới và đợi gọi đi phỏng vấn ở một số nơi đã gửi đơn xin việc.
Công nhân hối hả tìm việc
Nếu như giới lao động chuyên môn cao đang gặp khó khi tìm việc mới thì công nhân thất nghiệp cũng đang cố gắng xoay xở rải đơn kiếm việc làm. Anh Nguyễn Tiến Hóa (41 tuổi, quê Nghệ An) là công nhân Công ty PouYuen (TP.HCM) bị cho nghỉ việc trong đợt đầu tháng 6 cùng với nhiều người khác, trong đó có cả vợ anh.
Hoàn cảnh khó khăn, Hóa đã viết đơn trình bày lý do cha mẹ bị tai biến, nhà có ba con nhỏ, lại đang ở thuê nên Công ty PouYuen thông cảm cho vợ anh được làm tiếp.
"Tôi hiểu công ty cũng gặp khó khăn thật sự, từ Tết đến giờ không có đơn hàng, công nhân không có việc làm nhưng vẫn trả lương đầy đủ, nên đến lúc họ cũng phải cho mình nghỉ. Cũng mừng là họ thông cảm hoàn cảnh để vợ tôi được tiếp tục làm việc...".
Một đầu lương của vợ không thể đủ xoay xở cho gia đình, nên Hóa hối hả đi tìm việc mới nhưng đến nay anh vẫn chưa tìm được. "Trước đây, tôi làm ở bộ phận đế giày. Chỉ đề nghị xin việc có mức lương từ 7-8 triệu đồng để phụ nuôi con nhỏ nhưng chưa xin được", Hóa lo lắng.
Cũng làm công nhân nhưng Nguyễn Thị Thu Trà (29 tuổi, quê Thanh Hóa, đang ở trọ trên đường tỉnh lộ 10, quận Bình Tân) làm việc cho một cơ sở dập nút quần áo và đã thất nghiệp gần ba tháng vẫn chưa tìm được việc làm mới.
"Tôi đã đi xin việc gần 20 nơi, hầu hết trả lời đủ người làm rồi, chỉ có bớt đi chứ không thêm được. Có hai nơi nhận nhưng mức lương thấp quá, tính ra không dư được gì để phụ chồng nuôi con nhỏ" - Trà tâm sự thêm mức lương cô đề nghị chỉ khoảng 7-8 triệu đồng, nếu có được phụ cấp bữa trưa thì càng tốt.
Trà không may mắn như Hóa là làm công ty lớn, có đầy đủ chế độ nghỉ việc. Khi cô nghỉ việc, cơ sở chỉ trợ cấp được nửa tháng lương cùng bao gạo 10kg.
Cùng thời điểm này, ngoài Hóa và Trà còn có những người bạn thất nghiệp phải bươn chải đi tìm việc làm mới. Đa số vẫn đang rải đơn và chờ đợi.
Một vài người đã may mắn xin được việc làm mới như cô công nhân Nguyễn Thị Vui cùng làm với Hóa ở Công ty PouYuen. Dù thu nhập hạn chế nhưng Vui cũng tạm yên tâm làm việc để cùng chồng nuôi hai con đang tuổi ăn học...
Đừng chờ đợi!
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - trưởng phòng việc làm Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM, nhiều doanh nghiệp hiện rất khó khăn nhưng vẫn cố gắng duy trì để đảm bảo việc làm cho người lao động. Do đó, lao động hiện nay xin việc cần chia sẻ thêm với doanh nghiệp về lương và phúc lợi để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Bà Thảo nhận định: "Lao động sau khi nghỉ việc cần ổn định và đánh giá lại mong muốn, nguyện vọng của mình trong tương lai. Nhiều lao động sau khi nghỉ việc không muốn tìm việc mới, muốn chờ đợi các doanh nghiệp tuyển dụng ngành nghề mà trước đây mình đã làm hoặc chờ doanh nghiệp cũ phục hồi sản xuất.
Tuy nhiên, lao động sau khi nghỉ việc nên trau dồi thêm cho mình những nghiệp vụ chuyên môn hoặc học hỏi, tìm tòi những xu hướng ngành nghề đang tuyển dụng để xem bản thân có phù hợp hay không và tham gia ứng tuyển. Đừng chờ đợi".
Báo cáo Tình hình lao động việc làm quý 2-2023 của Tổng cục Thống kê cho biết tình hình lao động, việc làm quý 2 có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động, việc làm tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chủ yếu do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất.
Trong quý 2, số lao động bị mất việc là 217.800 người, tập trung ở các ngành nghề như dệt may, da giày, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, chế biến gỗ. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động khoảng 1,07 triệu người, tỉ lệ thất nghiệp là 2,3%.
Tình trạng lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp diễn ở quý 2-2023, có xu hướng chuyển dịch sang khu vực phi chính thức cho thấy thị trường lao động việc làm phục hồi nhưng chưa thực sự bền vững.
Áp lực sa thải lao động từ các doanh nghiệp tạo ra sự chuyển dịch mạnh lao động từ khu vực công nghiệp và xây dựng sang khu vực dịch vụ. Lao động phi chính thức ở khu vực dịch vụ tăng mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận