Thực tế nhiều thành viên ngoài trường có vai trò mờ nhạt trong hội đồng trường đại học, đóng góp rất ít cho nhà trường. Nhiều ý kiến cho rằng cần có tiêu chí cụ thể với thành viên hội đồng trường.
Hoạt động cầm chừng
Theo PGS.TS Vũ Văn Nhiêm - chủ tịch hội đồng trường Trường đại học Luật TP.HCM, Luật Giáo dục đại học hiện hành quy định hội đồng trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan.
Thành viên ngoài trường vào hội đồng trường với mục đích là đảm bảo sự kết nối giữa đào tạo và thực tiễn, gắn đào tạo với nhu cầu xã hội.
Tuy nhiên, trên thực tế bên cạnh một số thành viên ngoài trường phát huy vị trí, vai trò vẫn còn không ít thành viên ngoài trường hoạt động cầm chừng, thậm chí không sắp xếp được thời gian tham gia các phiên họp của hội đồng trường.
"Nguyên nhân của vấn đề này có thể kể đến do thành viên ngoài trường đa phần là người có vị trí cao trong xã hội, lịch công tác của họ luôn dày đặc và rất bận rộn.
Cơ chế phối hợp giữa hội đồng trường và các thành viên ngoài trường chưa được quan tâm đúng mức, thiếu quy định trách nhiệm ràng buộc (và thiếu cả các căn cứ để quy định) khi mời họ tham gia các hoạt động của trường, mặt khác chính sách, phúc lợi cho thành viên ngoài trường của những cơ sở cũng rất khác nhau. Cơ chế hội đồng trường còn mới nên các cơ sở vừa làm vừa đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm", ông Nhiêm lý giải.
PGS.TS Vũ Đức Lung, chủ tịch hội đồng trường Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM), cũng cho rằng do cơ chế hội đồng trường mới triển khai, chưa chuẩn hóa nên việc lựa chọn thành viên ngoài trường chưa ổn.
Lãnh đạo Đại học Quốc gia TP.HCM từng yêu cầu nghiên cứu để đưa ra tiêu chí cụ thể đối với các thành viên ngoài trường. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được.
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, chuyên gia giáo dục đại học, nhận định: "Hàng loạt thành viên hội đồng trường nhiều trường đại học ở TP.HCM vừa qua bị miễn nhiệm đều là người chưa thực sự đại diện nhà trường.
Việc hội đồng trường có thành viên bị phát hiện hành vi gian dối, thậm chí vi phạm pháp luật là trách nhiệm của cả hội đồng và nhà trường. Trong trường hợp này cần nghiêm túc kiểm điểm trong hội đồng trường về việc đề cử thành viên ngoài trường".
"Cho đủ cơ cấu" (?!)
Theo quy định của pháp luật hiện nay, hội đồng trường đại học sẽ có một số thành viên là người ngoài trường. Đó là những người có uy tín trong xã hội, có uy tín trong nghề nghiệp thuộc lĩnh vực nhà trường đang đào tạo; cựu sinh viên...
"Quy định này đúng nếu chọn được những người tốt, tham gia tích cực các hoạt động và thực hiện nghiêm túc quy định của hội đồng trường. Việc xây dựng các tiêu chí thành viên hội đồng trường rất quan trọng.
Bên cạnh đó cần có những quy định cụ thể với thành viên hội đồng trường, ví dụ hội đồng trường mỗi năm chỉ họp vài lần để bàn các vấn đề cối lõi, chiến lược của trường nên các thành viên không được vắng mặt. Với những thành viên vắng họp cần phải xem xét lại có nên tiếp tục để họ trong hội đồng trường hay không", ông Hồng kiến nghị.
Trong khi đó, TS Hoàng Ngọc Vinh, chuyên gia giáo dục, thẳng thắn nhìn nhận thực tế còn có một số thành viên ngoài trường vào hội đồng trường cho đủ cơ cấu thành phần nhưng lại ít hiểu biết về môi trường học thuật, văn hóa tổ chức của trường đại học. Vì thế việc thực hiện những nhiệm vụ của thành viên ngoài trường như giám sát, hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác, góp phần vào quy hoạch không được tốt.
"Những đại diện từ các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng hay chính quyền phải có chuyên môn và tầm nhìn phù hợp với mục tiêu và chiến lược của trường, điều mà nhiều trường thường bỏ qua. Việc chọn thành viên ngoài trường cần dựa trên các tiêu chí rõ ràng như khả năng lãnh đạo, kinh nghiệm quản lý, sự hiểu biết về giáo dục hoặc tiềm năng hợp tác với nhà trường. Còn thành viên ngoài trường quá bận hay năng lực hạn chế thì không nên chấp nhận làm thành viên hội đồng trường", ông Vinh nói.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng cho hay đa số thành viên ngoài trường bận công việc riêng của họ nên vắng họp thường xuyên.
Có ít người am hiểu sâu về giáo dục đại học nên ít khi góp ý về công tác của trường. Mặc dù có quy định thành viên ngoài trường do hội nghị đại biểu trường đại học bầu nhưng ở bước giới thiệu, lãnh đạo trường đã chọn trước những thành viên ngoài trường thân quen ban giám hiệu để có đa số phiếu trong việc chọn lựa nhân sự.
"Hiện nay mức 30% khiến nhiều hội nghị hội đồng trường lo vì sợ không đủ thành viên tối thiểu tham dự.
Cần có quy định rõ ràng về việc dự họp có mặt ít nhất 80% hội nghị; giảm số lượng thành viên ngoài trường xuống 20%. Các thành viên ngoài trường phải có kinh nghiệm kiến thức về giáo dục đại học, nên cần đưa vào thành viên ngoài trường các chuyên gia quản lý giáo dục nổi tiếng", ông Dũng đề nghị.
Nên chọn ai?
Theo GS.TS Trần Diệp Tuấn - chủ tịch hội đồng trường Trường đại học Y Dược TP.HCM, thành viên hội đồng trường là người ngoài trường là một bộ phận rất quan trọng. Hội đồng trường của các đại học ở các nước có thành phần người ngoài trường khá nhiều gồm các chính trị gia, nhà doanh nghiệp, luật sư và có cả đại diện người dân để bảo vệ quyền lợi người học.
Đó là những người có uy tín và tầm ảnh hưởng trong xã hội. Nếu chọn đúng người thì họ sẽ tham gia tích cực và có nhiều đóng góp cho nhà trường với tư cách thành viên hội đồng trường. Ngược lại, nếu chọn không đúng người vào hội đồng trường thì người đó chỉ có tên nhưng không đóng góp gì, thậm chí còn ảnh hưởng đến hoạt động của hội đồng trường.
"Tôi cho rằng hội đồng trường cần có thành viên là người ngoài trường. Thành phần cụ thể thế nào do mỗi trường quy định. Trường đại học Y Dược TP.HCM xác định hội đồng trường phải có tính đa dạng và thành viên phải là những người có uy tín, có tầm ảnh hưởng trong xã hội. Thực sự các thành viên ngoài trường của hội đồng trường chúng tôi đều đóng góp rất tốt", ông Tuấn cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận