09/06/2019 10:04 GMT+7

Hội đồng Bảo an và động lực đa phương hóa

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - So với lần đầu tiên, Việt Nam trúng cử ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lần này là câu chuyện mang nhiều nét rất riêng.

Hội đồng Bảo an và động lực đa phương hóa - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 73, tháng 9-2018 - Ảnh: VGP

Việt Nam mong nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ, hợp tác của các nước ủy viên HĐBA, các thành viên LHQ để cùng đóng góp tích cực cho nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì một hành tinh xanh, và màu cờ xanh của LHQ sẽ mãi là màu xanh của hòa bình, của phát triển bền vững và là màu xanh của niềm tin và hi vọng vào tương lai tươi sáng.

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC

Việc lần thứ hai được bầu vào vị trí ủy viên không thường trực của cơ quan chính trị quan trọng nhất Liên Hiệp Quốc (LHQ) là thành quả từ những nỗ lực không mệt mỏi của Việt Nam.

Đó không chỉ là những lần vận động ngoại giao trong nhiều năm, mà xa hơn là những thay đổi mang tính nền tảng về tư duy hội nhập.

Đối tác vì nền hòa bình bền vững

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc Việt Nam trúng cử Hội đồng Bảo an (HĐBA) với mức tín nhiệm rất cao là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế đất nước và nâng cao uy tín quốc gia trên trường quốc tế, tự tin tiếp bước đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả trong hệ thống quản trị toàn cầu, làm sâu sắc thêm quan hệ song phương với các nước, các đối tác trên thế giới, thể hiện hình ảnh đất nước và con người Việt Nam thân thiện, năng động và yêu chuộng hòa bình.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng và sẽ nỗ lực hết sức mình để đảm nhiệm thành công trọng trách ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020 - 2021, thực sự trở thành "Đối tác vì hòa bình bền vững".

Cục diện thế giới phức tạp và hứa hẹn tiếp tục nhiều diễn biến trong giai đoạn tới, trùng với việc Việt Nam đảm nhiệm công việc ở HĐBA và chủ tịch luân phiên ASEAN (năm 2020).

Vị trí đặc biệt này mang lại thách thức cho Việt Nam, đồng thời là dịp để Việt Nam chủ động thể hiện vai trò đóng góp, trung gian và cả dẫn dắt chương trình nghị sự.

Tiến sĩ Alexey Muraviev - phó giáo sư Viện nghiên cứu chiến lược an ninh quốc gia, Đại học Curtin (Úc) - bình luận với Tuổi Trẻ rằng kết quả này sẽ mang tới cho Việt Nam cơ hội thể hiện vai trò về các vấn đề an ninh và quốc tế trong khu vực và toàn cầu, cũng như đại diện cho các thành viên ASEAN.

Chiến thắng của tư duy

Công cuộc đổi mới của lãnh đạo Việt Nam tính đến nay vẫn là một mốc son. Khi trao đổi với Tuổi Trẻ cũng như trong các bài viết trên báo quốc tế, các học giả vẫn ưu ái dành hai chữ "doi moi" (đổi mới) để nói về cột mốc 1986.

Để chính thức bước vào năm 1986 ấy, Việt Nam đã có nhiều bước đi then chốt, mà việc gia nhập LHQ năm 1977 là một minh chứng. Nhưng trong khoảng 20 năm đầu, vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, sự tham gia của Việt Nam chỉ ở mức vừa phải. Từ năm 1995, xu hướng tham gia tích cực mới được thể hiện rõ nét.

Đà hội nhập của Việt Nam tiếp tục được khuyến khích bằng thành công lịch sử khi trúng cử ủy viên không thường trực HĐBA LHQ lần đầu tiên nhiệm kỳ 2008 - 2009. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Việt Nam vẫn cống hiến tích cực ở nhiều vai trò khác nhau trong Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế và xã hội LHQ và Hội đồng chấp hành UNESCO, cũng như tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình LHQ.

Động lực đa phương hóa được thể hiện rõ ràng nhất qua chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, lần đầu tiên Đảng ra văn bản chỉ đạo về công tác đối ngoại đa phương.

Việc Việt Nam chú trọng đa phương cũng là một phần trong quyết tâm chú trọng đa phương, thúc đẩy vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế từ Đại hội Đảng lần thứ XII. Những quyết tâm và cống hiến thực tế đã góp phần lớn giúp Việt Nam đạt số phiếu bầu kỷ lục cho năm nay (192/193 phiếu).

Khi tự chủ là hội nhập

Chia sẻ trên Facebook cá nhân ngày 7-6, đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward chúc mừng vai trò của Việt Nam tại HĐBA, đồng thời khẳng định "Anh sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam".

Anh là một trong những ví dụ điển hình để thấy sự thay đổi theo hướng chú trọng đa phương hóa, lột tả nhận thức độc đáo rằng hóa ra sự tự chủ và lập trường chủ động của một quốc gia không đơn giản là khi quốc gia đó đứng một mình, trụ vững một mình. Sự tự chủ là khi quốc gia đó hội nhập, đóng góp cho cộng đồng quốc tế, từ đó nâng cao vị thế và giành lại quyền tự chủ, chủ động trong việc gặt hái lợi ích ngoại giao và phát triển đất nước.

Việt Nam trúng cử Hội đồng Bảo an: vinh dự lớn, trách nhiệm nặng nề

TTO - Tư cách ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) mang lại trách nhiệm to lớn hơn cho Việt Nam, đi kèm những lợi ích tiềm tàng về ngoại giao trong tương lai.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên