18/07/2021 06:39 GMT+7

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Thông tin nào thật cần thiết cho F0, F1?

NGUYỄN MINH THANH
NGUYỄN MINH THANH

TTO - Tôi là bệnh nhân COVID-19. Nhiều người hỏi tôi người đi cách ly cần gì? Thông tin về việc điều trị là điều cần nhất lại là điều chúng tôi lo lắng nhất vì thiếu thông tin.

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Thông tin nào thật cần thiết cho F0, F1? - Ảnh 1.

Bệnh nhân bên trong Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi - Ảnh: DUYÊN PHAN

Người trong gia đình tôi đã đến 3 cơ sở cách ly/điều trị khác nhau tại TP.HCM, mỗi nơi có khác, nơi thông tin tốt, nơi chưa. Dù đã tìm hiểu thông tin khá chi tiết và sẵn sàng đi điều trị, nhưng tôi vẫn bối rối nhiều ngày để nhận ra quy trình trong bệnh viện.

Tiện ích Zalo

Khi được đưa đến cách ly tập trung tại khu cách ly (KCL) Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, chúng tôi đều được phát nội quy và tất cả cùng tham gia vào một nhóm Zalo của KCL, được kết bạn với bác sĩ trực.

Mọi thông tin tại KCL đều được nhân viên y tế truyền đạt đến mọi người trong nhóm Zalo, mọi người có thể phản ảnh, phản hồi về các vấn đề liên quan, ngoại trừ thông tin riêng tư thì nhắn với bác sĩ. Thông tin được cung cấp tương đối đầy đủ, kịp thời để mọi người yên tâm.

Khi tôi có kết quả dương tính và đưa đi điều trị tại bệnh viện, các thông tin khá ít. Đến bệnh viện ở Cần Giờ, được lấy máu và nhận thông báo "các cô bác và anh chị sẽ được điều trị tại đây tối thiểu 21 ngày, khi nào âm tính ba lần liên tiếp sẽ được xuất viện, nếu có một lần dương tính sẽ tính lại từ đầu (tức là xét nghiệm lại cho đến khi có ba lần âm tính liên tiếp)".

Sau đó mọi người được đưa về phòng bệnh. Mọi người nhận đồ dùng (bệnh viện cấp) rồi về phòng thu xếp giường nằm, vệ sinh cá nhân, lát sau đi chụp phổi.

Những ngày sau đó, đồ ăn phát ngày ba bữa, khẩu trang và nước súc miệng nhận định kỳ, chưa thấy uống thuốc, chích thuốc hay can thiệp gì khác.

Đến đây, bệnh nhân hỏi nhau: "Sao không thấy điều trị gì hết?", "Ở mấy người một phòng, người vào trước, người vào sau có thể lây nhiễm cho nhau không?", "Nếu dương tính nhiều lần thì ở bệnh viện bao lâu?".

Đem thắc mắc này hỏi bác sĩ qua điện thoại (phần lớn trong bệnh viện nơi tôi ở, bác sĩ thăm khám qua Zalo và điện thoại, hạn chế khám trực tiếp tại phòng), tôi được giải thích rằng "cơ thể mọi người sẽ sản sinh ra được một loại kháng thể, kháng thể mạnh lên và lấn át con virus".

Tôi hình dung ra việc điều trị với bệnh nhân nhẹ có thể là "không điều trị gì hết", chỉ ăn và nghỉ ngơi, tăng đề kháng. Chưa thể yên tâm, tôi gọi hỏi bạn bè bên ngoài, được biết chưa có thuốc điều trị, tất cả đều dựa trên sự theo dõi sức khỏe và kết quả xét nghiệm tại bệnh viện.

Bớt đi những thắc mắc

Tôi có mấy đề xuất với các bệnh viện và KCL. Trước hết, khi các F1, F0 vào KCL tập trung hay bệnh viện, họ đều được nhắc vào nhóm Zalo để cập nhật thông tin cơ bản nhất về bệnh này và liên hệ riêng với bác sĩ.

Mỗi phòng cần dán thông tin tối thiểu về thời gian cách ly tối thiểu; điều kiện được xuất viện, cách thức điều trị cho các trường hợp có triệu chứng nặng, nhẹ, không triệu chứng; nội quy bắt buộc phải nghiêm túc chấp hành; các thông tin nên hỏi và không nên hỏi bác sĩ...

Kết quả xét nghiệm cần được trả nhanh nhất cho mọi người vì ai cũng rất sốt ruột và lo lắng về chính mình. Nhân viên thông báo hoặc thông báo qua tin nhắn điện thoại.

Bệnh nhân có phòng dành riêng cho người có bệnh nền, chỉ nên 2 người/phòng để tiện theo dõi và tránh tình trạng lây nhiễm khi sinh hoạt và điều trị. Các triệu chứng cần lưu ý và biểu hiện bệnh tiến triển cần được dán ở từng phòng. Các bệnh nhân đau yếu, không sử dụng thành thạo điện thoại... cần được hỗ trợ.

Và cuối cùng về chi phí điều trị, khoản nào bệnh nhân phải chi trả, mức bao nhiêu cũng cần được dán tại phòng và cập nhật ngay khi có thay đổi. Có được những điều trên, bệnh nhân và các F1 đang cách ly sẽ yên tâm hơn. Đó cũng là cách bớt đi những câu hỏi lặp đi lặp lại hằng ngày hằng giờ gửi đến y bác sĩ, để chiến binh áo trắng bớt phần vất vả.

Xung quanh tôi có những bệnh nhân ít cập nhật thông tin, có người chưa từng biết điện thoại thông minh là gì. Như bác trai bệnh tiểu đường cùng phòng tôi, khi vội vã đi cách ly đã không kịp chuẩn bị thuốc men, đồ dùng.

Bác đều nhờ tôi liên lạc với bác sĩ hằng ngày về tình trạng sức khỏe và các cơn đau. Trong khi tôi mấy lần có kết quả âm tính, bác vẫn dương tính. Tôi nghĩ rằng với con số trên 21.000 người F0 hiện nay (chỉ riêng TP.HCM), rất nhiều bệnh nhân khó khăn thật sự khi phải tự kiểm soát được sức khỏe của mình trong khi bệnh viện đã và đang quá tải.

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19

Từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.

Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ trong 15 ngày để dập dịch.

Sở Y tế TP.HCM ra văn bản khẩn: Không để các F0 lưu lại địa phương quá 12 giờ Sở Y tế TP.HCM ra văn bản khẩn: Không để các F0 lưu lại địa phương quá 12 giờ

TTO - Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các cơ sở y tế không để các trường hợp F0 lưu lại địa phương quá 12 giờ, các bệnh viện tư nhân tự nguyện đăng ký xe cứu thương để tham gia công tác vận chuyển người bệnh COVID-19 khi có yêu cầu.

NGUYỄN MINH THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên