Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho các sản phụ tại Bệnh viện Từ Dũ - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết bệnh viện triển khai mô hình bệnh viện điều trị COVID-19 cho sản phụ từ ngày 21-7. Chỉ sau 1 tuần triển khai, tất cả các giường bệnh đều kín chỗ. Đơn vị điều trị chỉ có 120 giường nhưng luôn tiếp nhận 180 - 200 thai phụ mắc COVID-19. Số ca bệnh trở nặng cũng nhiều và diễn tiến suy hô hấp nhanh.
Thai phụ dễ mắc COVID-19
Chị N.T.A. (41 tuổi, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đang mang thai tháng thứ 4 thì phát hiện mình mắc COVID-19 và được chuyển đến Bệnh viện dã chiến huyện Bình Chánh để điều trị.
"Lúc đầu mắc COVID-19, tôi rơi vào tình trạng rất hoảng loạn, do đang mang thai nên khi thở rất khó khăn. Tuy nhiên, sau khi được các bác sĩ điều trị trấn an tâm lý, ăn uống điều độ, đến nay tôi đã phục hồi tốt và có kết quả âm tính", chị A. chia sẻ.
Bác sĩ Đinh Anh Tuấn, phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế), cho biết phụ nữ có thai cũng dễ mắc COVID-19 như những đối tượng khác. Khi bị mắc COVID-19, sản phụ và thai nhi dễ bị ảnh hưởng tới sức khỏe hơn các đối tượng khác, nhất là khi mẹ bị suy hô hấp thì dễ dẫn đến thiếu oxy ở bào thai, gây tình trạng thai lưu, sẩy thai, đẻ non.
Bên cạnh đó, những biến chứng xảy đến với bà mẹ bao gồm tắc mạch, suy hô hấp, rối loạn đông máu... Đặc biệt đối với những bà mẹ có bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, tiểu đường thai kỳ, tăng cân quá mức thì tình trạng bệnh lý càng trở nên nặng hơn.
Thai phụ có được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 không?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi mang thai khiến cho bà mẹ có nguy cơ mắc COVID-19 nặng hơn nhưng hiện tại có rất ít dữ liệu đánh giá tính an toàn của vắc xin phòng COVID-19 trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ mang thai có thể được tiêm phòng vắc xin ngừa COVID-19, nếu lợi ích của việc tiêm phòng lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn do vắc xin.
Theo WHO, đối với những phụ nữ mang thai có nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 (ví dụ nhân viên y tế) hoặc tăng nguy cơ mắc bệnh nặng (ví dụ người đang mắc bệnh nền), nên tư vấn với bác sĩ để cân nhắc về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Phụ nữ sau sinh và bà mẹ đang cho con bú có thể tiêm vắc xin nếu có sẵn vắc xin. Tiêm vắc xin an toàn cho cả mẹ và bé, vì vậy không phải tạm ngưng cho con bú sau khi tiêm vắc xin.
Mới đây, Bộ Y tế ban hành quyết định 3802/QĐ-BYT về hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin phòng COVID-19. Bộ Y tế xác định các trường hợp phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng khi tiêm vắc xin, trong đó có phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên. Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần sẽ được hoãn tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
Bộ Y tế lưu ý khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho thai phụ cần hỏi rõ tuổi thai và giải thích lợi ích, nguy cơ. Chỉ nên cân nhắc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên khi lợi ích tiềm năng lớn hơn bất kỳ nguy cơ tiềm tàng nào đối với mẹ và thai nhi, đồng thời thai phụ cần ký cam kết nếu đồng ý tiêm. Những trường hợp này sẽ được chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa.
ThS.BS Nguyễn Hiền Minh, đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 phụ nữ mang thai cần lưu ý như: thăm khám bác sĩ sản khoa trước khi tiêm chủng; bác sĩ sản khoa sẽ đánh giá sức khỏe thai kỳ như kiểm tra tuổi thai, tình trạng thai, đánh giá nguy cơ và lợi ích tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở phụ nữ mang thai; loại vắc xin được chỉ định tiêm cho thai phụ là AstraZeneca, Pfizer, Moderna, chống chỉ định vắc xin Sputnik V.
Bác sĩ Minh lưu ý lịch tiêm vắc xin khác của phụ nữ mang thai như vắc xin uốn ván, bạch hầu, ho gà, uốn ván... cách ít nhất là 14 ngày trước khi tiêm vắc xin COVID-19 và cách 28 ngày sau khi tiêm vắc xin COVID-19. Phụ nữ mang thai sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 cần tiếp tục theo dõi chăm sóc thai kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ sản khoa.
Ngoài ra, tiêm vắc xin ngừa COVID-19 có thể gây ra một số hiện tượng bất thường về sức khỏe như các biểu hiện tại chỗ tiêm hoặc toàn thân, bao gồm phản ứng thông thường sau tiêm chủng và tai biến nặng sau tiêm chủng. Phụ nữ mang thai cần theo dõi những biến cố bất lợi sau tiêm chủng tương tự những người được tiêm chủng khác.
Lịch tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho bà bầu ra sao?
Theo bác sĩ Hiền Minh, lịch tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho thai phụ từ 13 tuần thai, nên hoàn tất mũi 2 của vắc xin trước 36 tuần 6 ngày. Nếu không kịp hoàn tất lịch tiêm, mũi 2 sẽ được tiêm trong thời kỳ hậu sản.
* AstraZeneca: Hai mũi cách nhau tối thiểu 4 tuần, tốt nhất là 8 - 12 tuần.
* Moderna: Hai mũi cách nhau tối thiểu 4 tuần.
* Pfizer: Hai mũi cách nhau tối thiểu 3 tuần.
Thai phụ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ở đâu?
Theo quy định của Bộ Y tế, phụ nữ mang thai cần được tiêm vắc xin COVID-19 ở các cơ sở y tế có cấp cứu sản khoa. Riêng ở TP.HCM hiện nay, các bệnh viện chuyên khoa sản đều tổ chức các điểm tiêm ngừa cho phụ nữ mang thai. Cụ thể như: Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Mỹ Đức, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh...
Thai phụ có nhu cầu tư vấn và tiêm ngừa có thể liên hệ các bệnh viện để được hướng dẫn. Về chi phí, vắc xin ngừa COVID-19 hoàn toàn miễn phí, tuy nhiên thai phụ sẽ trả một số chi phí do bệnh viện đưa ra như phí test COVID-19, khám thai, siêu âm, tư vấn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận