Công nhân Công ty may Nhà Bè, Q.7, TP.HCM tiêm ngừa vắc xin COVID-19 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Đợt tiêm phòng COVID-19 lần thứ 4 tại TP.HCM, từ ngày 19-6 đến 30-6, đã có 838.802 người được tiêm, 111.803 người hoãn tiêm qua khám sàng lọc. Đó là những người có bệnh nền, cơ địa dị ứng...
* Trong đợt tiêm vắc xin COVID-19 thứ 4 vừa qua, nhiều người dân TP.HCM chưa đủ điều kiện tiêm sau khi khám sàng lọc được thông báo sẽ được tiêm tại bệnh viện. Tuy vậy đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được thông báo mới. Nay TP đang triển khai tiêm vắc xin đợt 5, chúng tôi nên tiếp tục chờ thông báo của bệnh viện hay đăng ký tiêm vắc xin đợt này?
- Ngày 13-7, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết ngành y tế đang xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin cho những đối tượng bị hoãn tiêm trong đợt 4 sang tiêm trong đợt 5 sắp tới. Những người đã hoãn tiêm trong đợt 4 vừa qua không cần phải chờ thông báo từ bệnh viện.
Trong đợt tiêm vắc xin phòng COVID-19 lần 5 sắp triển khai của TP, các đối tượng ưu tiên được tiêm vắc xin sẽ có sự thay đổi. Theo đó, các quận huyện và TP Thủ Đức sẽ tổng hợp danh sách đối tượng tiêm dựa trên dữ liệu quản lý tại địa phương, nhằm đảm bảo phân bổ tới đúng đối tượng theo quy định.
Những người được ưu tiên tiêm trong lần tiêm chủng đợt 5 bao gồm: những người mắc bệnh mãn tính, người có bệnh lý nền, người già trên 65 tuổi, người nghèo, người hưởng chính sách xã hội, đối tượng người lao động làm việc trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tiện ích, công nhân, người nước ngoài đang làm việc tại TP.HCM.
* Đợt này, TP tổ chức tiêm ngừa như thế nào?
- Trong đợt tiêm chủng lần 5, TP sẽ tổ chức các điểm tiêm chủng tại 312 trạm y tế. Dự kiến toàn TP sẽ có 630 điểm tiêm chủng, mỗi điểm tiêm cho 120 người/ngày. Mỗi điểm tiêm còn được bố trí xe cấp cứu ở vị trí thuận lợi có thể tiếp cận bệnh nhân trong vòng 3 phút.
TP chuẩn bị kế hoạch tiêm đợt 5 khi vắc xin được phân bổ về TP, dự kiến được phân bổ 54.990 liều vắc xin Pfizer, hơn 100.000 liều vắc xin AstraZeneca và 1 triệu liều vắc xin Moderna. Chiến dịch sẽ được triển khai dựa trên hệ thống tiêm chủng mở rộng và kéo dài 2-3 tuần.
Các điểm tiêm chủng chỉ thực hiện tiêm 120 người/ngày để đảm bảo an toàn trong tiêm chủng và phòng chống COVID-19.
Người đến Hà Nội cần những gì khi qua chốt kiểm dịch?
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 13-7, đại tá Trần Ngọc Dương - phó giám đốc Công an TP Hà Nội - cho biết thủ đô sẽ có 22 chốt kiểm dịch ở các cửa ngõ lớn để kiểm soát toàn bộ phương tiện, người dân vào TP từ 6h sáng 14-7.
Ngoài 22 chốt này, công an các quận huyện thiết lập các chốt kiểm soát tại đường ngang, ngõ tắt, đường nhánh, bến thủy nội địa để kiểm soát người và phương tiện ra vào TP.
Các chốt này có nhiệm vụ kiểm soát phương tiện vận tải, ôtô cá nhân, xe máy, hướng dẫn, phân luồng giao thông và kiểm tra, đối chiếu kết quả xét nghiệm, chủ động sàng lọc toàn bộ người từ các tỉnh, TP khác trở về Hà Nội.
"Tại các chốt, ngành y tế sẽ có trách nhiệm đo thân nhiệt, tuyên truyền, kiểm tra các quy định về phòng chống dịch. Người đi từ các địa phương không có dịch về chỉ cần khai báo y tế, đo thân nhiệt. Còn từ vùng dịch về, nhất là TP.HCM, phải có kết quả xét nghiệm trong vòng 3 ngày gần nhất, khai báo nơi đến ở TP Hà Nội.
Những người nghi vấn, lực lượng y tế sẽ test nhanh tại chỗ. Người từ vùng dịch mà không có giấy xét nghiệm âm tính sẽ không được vào địa bàn TP Hà Nội. Những người không mang theo giấy tờ cá nhân để đối chiếu khi khai báo y tế cũng buộc quay đầu" - đại tá Dương thông tin.
Xe khách từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Phú Yên, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam không được vào Hà Nội (trừ những xe hợp đồng chở chuyên gia, cán bộ, công nhân viên, người lao động của các cơ quan, khu công nghiệp, khu chế xuất, xe chở công dân hết cách ly tại các tỉnh trở về Hà Nội nhưng phải có quyết định kết thúc cách ly).
CHÍ TUỆ
HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19
Từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.
Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ trong 15 ngày để dập dịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận