Người lớn tuổi đi tiêm vắc xin tại một điểm tiêm ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương - Ảnh: BÁ SƠN
Do không thể đưa mẹ về địa phương, nơi có đăng ký hộ khẩu thường trú tại phường Phú Cường (TP Thủ Dầu Một), để tiêm vắc xin nên tôi có đăng ký cho mẹ được tiêm vắc xin tại xã Phú An thông qua anh tổ trưởng ở ấp Phú Thứ.
Thế nhưng, dù chỉ cách trụ sở UBND, trạm y tế xã Phú An chỉ vài trăm mét nhưng trong những đợt tiêm vắc xin cho người trên 65 tuổi, từ tháng 8 đến nay, mẹ tôi vẫn không được địa phương gửi phiếu hay thông báo đi tiêm.
7h sáng 10-9, anh tổ trưởng thông báo rằng mẹ tôi phải đi tiêm vắc xin tại Bệnh viện Mỹ Phước, nếu đi thì xã cấp giấy đi đường. Quãng đường từ xã Phú An đến Bệnh viện Mỹ Phước khá xa, tôi chưa thu xếp đưa mẹ đi được. Sau đó, tôi nhận được điện thoại báo rằng 10h30 đưa mẹ tôi đến trạm y tế xã để tiêm vắc xin.
Khi vừa đến bãi giữ xe nằm đối diện trạm y tế xã, một cán bộ dân quân xã hỏi: "Chị ở đâu? Có sổ tạm trú ở đây không?". Rồi anh này nói rằng ở đây không có sổ tạm trú thì không được tiêm. Tôi giải thích rằng mẹ tôi cao tuổi và xin được tiêm, một anh dân quân khác nghe vậy thì quay sang nói với anh này: "Thôi, cho qua đi".
Tôi sang trạm, lại phải cố gắng giải thích và thuyết phục các kiểu thì mẹ tôi mới được tiêm. Khi tìm hiểu, tôi mới biết có nhiều trường hợp như mẹ tôi.
Dù đã đăng ký tiêm vắc xin, ngay cả có hộ khẩu hoặc sổ tạm trú nhưng khi có đợt tiêm cho đối tượng người cao tuổi thì họ không nhận được thông báo, muốn nhanh phải cậy nhờ "người quen" để xin cho được tờ giấy đăng ký!
Trong khi đó, tại TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), khi có đợt tiêm chủng cho người cao tuổi thì các phường thông báo rộng rãi cho người dân, chỉ cần mang theo CMND, thẻ BHYT (nếu có) thì được tiêm, không phân biệt người có hay không có hộ khẩu hay sổ tạm trú.
Khi Bình Dương áp dụng chỉ thị 16/CP, không ít người dân từ địa phương này di chuyển sang địa phương khác để thực hiện giãn cách.
Có trường hợp người từ địa phương khác đi thăm người thân, con cháu bị "mắc kẹt" lại. Xã Phú An lại là địa phương có nhiều lao động nhập cư, nhiều khu nhà trọ. Nhiều trường hợp như mẹ tôi đến nay vẫn chưa được tiêm vắc xin.
Theo quyết định 3355/QĐ-BYT của Bộ Y tế quy định việc tiêm vắc xin được ưu tiên cho các tỉnh, thành phố đang có dịch, không phân biệt vấn đề cư trú mà chỉ dựa trên vùng dịch, tỉnh thành có dịch để xác định đối tượng tiêm chủng, không cần xuất trình hộ khẩu hay sổ tạm trú khi đăng ký tiêm cũng như khi tiêm vắc xin.
Không chỉ riêng ở xã Phú An, người tạm trú tại Bình Dương rất đông. Tôi đề nghị Sở Y tế tỉnh Bình Dương cần có cuộc rà soát để tổ chức thông báo tiêm cho rõ ràng (kể cả người tạm trú) để mọi người yên tâm, không phải lo tìm cách nhờ cán bộ xã/phường giải quyết riêng từng trường hợp.
Không phân biệt thường trú hay tạm trú khi tiêm vắc xin
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Hồng Chương - giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương - cho biết tỉnh không phân biệt người thường trú hay tạm trú khi tiêm vắc xin.
Mục tiêu của tỉnh là ai cũng được tiêm ít nhất một mũi vắc xin sớm nhất để đạt miễn dịch trong cộng đồng. Người trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý nền... là những đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin tại Bình Dương.
Tuy nhiên, việc tiêm vắc xin cho các đối tượng này phải theo dõi kỹ hơn người bình thường, vì vậy có thể có một số địa phương sẽ đề nghị người thuộc nhóm đối tượng trên về trung tâm y tế huyện hoặc các cơ sở y tế lớn để tiêm thay vì tiêm ngay tại cấp xã phường.
Về tình hình phân bổ vắc xin tại Bình Dương, theo Sở Y tế, tới nay đã tiêm trên 1,65 triệu liều vắc xin trong tổng số 2,1 triệu liều đã thực nhận (bao gồm 750.000 liều vắc xin Sinopharm).
Trong đó, mới có trên 49.000 người được tiêm mũi 2. Thời gian tới Bình Dương vẫn còn thiếu khoảng 2,7 triệu liều vắc xin để tiêm cho người dân (tính cả nhu cầu vắc xin cho độ tuổi 12 - 18 hiện chưa triển khai tiêm).
BÁ SƠN
Từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.
Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng để dập dịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận