08/01/2022 09:07 GMT+7

Hỏi đáp cùng thầy thuốc: Huyết áp thấp sau khi bỏ thuốc lá, phải làm sao?

CẨM NƯƠNG
CẨM NƯƠNG

TTO - Mặc dù thường xuyên bị cao huyết áp và phải sử dụng thuốc điều trị nhưng khi bỏ thuốc lá, một số người gặp phải tình trạng huyết áp xuống thấp. Vì sao?

Hỏi đáp cùng thầy thuốc: Huyết áp thấp sau khi bỏ thuốc lá, phải làm sao? - Ảnh 1.

Theo các bác sĩ, thuốc lá là kẻ thù của bệnh lý về tim mạch, trong đó có bệnh lý về huyết áp - Ảnh: NHẬT THỊNH

"Tôi hút thuốc lá trên 40 năm, đã bỏ hút thuốc được gần 6 tháng. Từ khi bỏ thuốc lá, từ chỗ thường xuyên bị cao huyết áp, phải uống thuốc chống cao huyết áp thì hiện nay huyết áp phần trên luôn ổn định không quá 135 mmHg nhưng phần dưới luôn luôn thấp từ 65-74 mmHg. Xin cho hỏi phải làm thế nào khi áp huyết phần dưới giảm thấp?", bạn đọc N.C.Hải thắc mắc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam - trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Ðại học Y dược TP.HCM - cho biết phần lớn người dân khi cai thuốc lá thường gặp phải tình trạng tăng huyết áp và tăng cân. Tuy nhiên, một số người cũng gặp phải tình trạng trái ngược là huyết áp xuống thấp.

Huyết áp trong mạch máu hình thành bởi 2 yếu tố, thứ nhất là sức bền, độ co giãn của thành mạch. Thứ hai là áp lực của dòng máu bên trong thành mạch, áp lực đó phụ thuộc vào cơ bắp và cơ tim. Bình thường con người sẽ có huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu) từ 90-140 mmHg và tối thiểu (huyết áp tâm trương) từ 60-89 mmHg.

“Huyết áp thấp có nghĩa là huyết áp tối đa còn dưới 90mmHg, còn huyết áp tối thiểu còn dưới 60 mmHg. Trường hợp của bạn đọc N.C.Hải thì huyết áp tạm thời ổn định, không quá lo ngại”, BS Nam chia sẻ.

Theo BS Nam, huyết áp thấp xảy ra khi lượng máu cung cấp cho não giảm xuống, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như hoa mắt, mờ mắt, chóng mặt, ngất xỉu, da tái nhợt... Tuy các tai biến do huyết áp thấp gây nên ít nguy hiểm hơn huyết áp cao nhưng sẽ gây rất nhiều khó chịu cho bệnh nhân.

Huyết áp thấp đến từ các nguyên nhân chủ yếu như do cơ địa; mắc một số bệnh mãn tính như lao phổi, tiểu đường, suy thận mãn; dùng các loại thuốc điều trị... Nếu để tình trạng này kéo dài, dễ gây suy giảm chức năng của hệ thống thần kinh, cơ thể không tự kịp điều chỉnh cung cấp đủ dinh dưỡng và oxy cho não, tim, thận gây tổn thương cho các cơ quan này.

Một trong các phương pháp điều trị hiệu quả huyết áp thấp được BS Nguyễn Hoài Nam khuyến cáo là có một chế độ ăn uống lành mạnh. Đảm bảo dinh dưỡng, hạn chế dầu mỡ, thức uống có cồn, hạn chế thuốc lá và ăn nhiều rau xanh. Giảm số lượng một số thực phẩm giàu carbon hydrate như cơm và bánh mì vì sau khi cai thuốc dễ gặp phải tình trạng tăng cân. Uống đầy đủ nước mỗi ngày nhưng không uống quá nhiều.

“Có thể ăn mặn hơn một chút so với bình thường theo khuyến cáo của bác sĩ. Ngoài ra, phải thường xuyên luyện tập thể thao để có sức đề kháng tốt. Theo dõi huyết áp thường xuyên, nếu có các dấu hiệu tăng hay giảm đột ngột cần đến cơ sở y tế để thăm khám”, BS Nam nhấn mạnh.

Từ bỏ tuyệt đối với thuốc lá

PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam cho biết thuốc lá là kẻ thù của bệnh lý tim mạch, không chỉ gây tăng huyết áp mà còn gây nhồi máu cơ tim rất nguy hiểm. Ngoài nicotine, trong thuốc lá còn chứa khoảng 200 chất độc hại khác, khi vào trong máu làm xơ vữa thành mạch máu, làm cho huyết áp tăng lên, gây vỡ mạch máu, tai biến mạch máu não, thậm chí gây đột tử. Vì vậy, việc bệnh nhân từ bỏ thuốc lá là một tín hiệu đáng mừng cho sức khỏe.

Hỏi đáp cùng thầy thuốc: Phân biệt cảm lạnh theo mùa và COVID-19? Hỏi đáp cùng thầy thuốc: Phân biệt cảm lạnh theo mùa và COVID-19?

TTO - Không khí lạnh những ngày gần đây là môi trường thuận lợi cho các loại virus gây bệnh cảm cúm, cảm lạnh phát triển. Tuy nhiên, với các triệu chứng giống nhau như ho, sốt, đau họng... nhiều người lại lầm tưởng cảm cúm với COVID-19.

CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên