Vào một ngày đẹp trời nọ, anh chị em cơ quan kia nô nức rủ nhau đi khám sức khoẻ định kỳ. Lúc đi hồ hởi bao nhiêu thì lúc về rũ rượi bấy nhiêu: có 80 mạng, tới "tiết mục" siêu âm tim thì "lòi" ra tới 63 vị bị "hở" tim! Bác sĩ siêu âm chẳng thèm cắt nghĩa, cứ "bụp, bụp" vào máy vi tính, in ra và gí vào tay bạn cái "Hở van 2 lá ¼".
Bác sĩ chưa rớ tới, nhưng cả "Hội hở tim" đã tự "phán xét" mình rồi: Chị thì đổ tội cho "bao tử vĩ đại" của cơ quan - là căn-tin dấu yêu - đã nêm nếm dầu mỡ quá đà, chị lại thật thà ăn uống, nên tim bị đóng mỡ, nghẹt quá "nó" thở không nổi nên phải "hở" một tí cho thoáng!? Mấy ông thuộc hàng "bợm" thì vỗ bụng bầu bia đoán non, đoán già: Chắc bia bọt, rượu chè nhiều, mình xỉn, tim cũng "phê" nên hớ hênh hở sườn ấy mà! Các anh ăn "cơm" lại "xen canh gối vụ" bằng "phở" thì giật mình đôm đốp: Chết dở! Mình "làm ăn" dữ quá, nên "ôm nhiều thì tim ốm"…
Trong tâm trạng hốt hoảng sợ "chết tới nơi", họ đi "vái tứ phương", sau đó họ siêu âm lại. Kết quả là "mèo lại hoàn mèo"! Có bao nhiêu loại bệnh tim? Nhiều lắm. Đứa trẻ nằm trong bụng mẹ, tim hình thành ngay từ những tuần đầu tiên. Nhiều chị chẳng cần "kế hoạch", cứ có thai theo kiểu "hồn nhiên", lại đang bị nhiễm siêu vi, nên những con khuẩn "siêu bé" kia đã làm tim đứa trẻ "hở" bẩm sinh, giống y như phòng quên xây vách. Thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch làm máu đỏ và đen trộn lẫn, trẻ ra đời tím tái, rối loạn nhịp thở, trái tim phải đập theo chế độ "hoả tốc", nhìn vào lồng ngực là thấy nó phồng lên, xẹp xuống rất tội nghiệp. Những trường hợp này phải đến Viện Tim "vá" víu, sửa chữa, mới mong trẻ sống và phát triển bình thường.
Khi vào tuổi đến trường, trẻ thường mắc căn bệnh thấp tim. Liên cầu trùng gây viêm họng, rồi chúng gây phản ứng dị ứng ở tim, ở thận. Quá trình viêm cứ nhè van 2 lá và van động mạch chủ mà tấn công. Hậu quả thường là hẹp van 2 lá, hở van động mạch chủ. Van 2 lá bị viêm phù nề gây hẹp rồi xơ cứng, kết quả là vừa hẹp vừa hở. Mấy thập kỷ qua nhờ Peniciline tiêu diệt liên cầu trùng, nên tỉ lệ trẻ bị "đớp" van tim te tua đã giảm. Còn những trẻ đã bị "đớp" tim thì đã có Viện Tim từ nong rộng đến thay van, khoẻ re.
Đến tuổi trung niên, nếu không có chế độ "bảo dưỡng" cơ thể, ăn uống hợp lý, thì mỡ bám vào tim, bám vào mạch vành, gây thiếu máu cơ tim. Khi khó thở, lúc đau nhói; vừa uống thuốc để chỗ hẹp "nở" ra, vừa phải ăn đúng để nó không tạo thành "nút" mới êm. Bằng không thì đành đến Viện Tim để các bác sĩ mổ banh lồng ngực, lấy tĩnh mạch ở dưới chân, thay cho động mạch đã mất tác dụng. Những người mạch máu bị xơ cứng gây cao huyết áp, mỗi lần tống máu ra, tim phải "bóp" mạnh hơn khiến cho khối cơ bên trái nổi phồng như bị tập thể hình. Kết quả là to tim, van động mạch chủ bị "kéo" giãn theo sự to này nên "hở". Cao huyết áp không uống thuốc, không nghỉ ngơi hợp lý thì suy tim, nhồi máu, đột quị sẽ mang bạn về với ông bà sớm hơn, đặc biệt là đội ngũ "bợm"!
Tại sao van tim lại "hở hang" ngay đúng vào lúc tứ tuần trở lên? Có nhiều lý do, mà lý do chính yếu nhất là quá trình lão hoá đã xâm lấn vào khắp nơi trong cơ thể, không chừa "thằng" nào, kể cả tim, dù "bóp" cật lực như một cái máy "bơm" suốt cuộc đời cũng không có ngoại lệ. Sự phát triển của tổ chức xơ đã làm các vòng van 2 lá, van động mạch chủ giống như bản lề cửa lâu ngày bị hoen gỉ nên đóng không khít. Khi siêu âm, ở "tâm thu" theo lẽ thường, van 2 lá đóng kín thì bây giờ trên màn hình lại xuất hiện những tia máu nhỏ "chạy" ngược dòng, di chuyển chậm, biến đổi màu từ đỏ sang xanh. Nếu tia màu xanh phụt ra ¼ tâm nhĩ thì đó là "hở ¼", nếu lan cả ra bề rộng của tâm nhĩ thì là "hở van 2 lá 4/4". Người sồn sồn bị cao huyết áp, bị bệnh mạch vành thì bản thân bệnh đã làm cho tim lớn hơn bình thường. Khi ấy van bị "kéo" ra một chút gây nên "hở".
Vậy "hở" kiểu hơi bị khép nép này (hở ¼) có đáng sợ lắm không? Nói như GS -TS Nguyễn Huy Dung thì đây là "căn bệnh thời siêu âm" bởi các nhà nội khoa đặt ống vào chẳng "nghe" thấy tiếng gì khác lạ ở tim để mà "chữa", trong khi các nhà siêu âm lại khăng khăng là "có vấn đề"! Hở tim như vậy gọi là "hở dưới lâm sàng".
Có thuốc gì làm cho van tim "trinh trắng thục nữ " trở lại không? Câu trả lời là "Không". Nếu coi cơ thể là một cỗ máy, và van tim giống như ốc vít, thì các ốc vít vào giai đoạn chuẩn bị "gió heo may sắp về" đã long, đã han gỉ. Chỉ khi chúng ta tìm ra thuốc cải lão hoàn đồng thì còn trông mong mà "cải" tim, còn bây giờ chớm già và già là qui luật chung của tạo hóa, không cách gì tránh được. Nên các quý vị có lỡ bị tuyên án tim "hở hang", thì cứ vô tư sống đi…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận